Multimedia
07/12/2024 23:24
Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

07/12/2024 23:24

Năm 2024 là năm thứ 8 Hà Nội tổ chức trao Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo. Không chỉ là dịp ghi nhận đóng góp, cống hiến của các thầy, cô giáo cho sự nghiệp giáo dục, giải thưởng còn là cách làm sáng tạo, độc đáo của Hà Nội nhằm động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện các giải pháp đổi mới nâng cao hiệu quả nhiệm vụ được giao, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Năm 2024 là năm thứ 8 Hà Nội tổ chức trao Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo. Không chỉ là dịp ghi nhận đóng góp, cống hiến của các thầy, cô giáo cho sự nghiệp giáo dục, Giải thưởng còn là cách làm sáng tạo, độc đáo của Hà Nội nhằm động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện các giải pháp đổi mới nâng cao hiệu quả nhiệm vụ được giao, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Gắn bó với nghề giáo 12 năm với bao gian nan, vất vả nhưng cô Nguyễn Thị Đãi - giáo viên Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) luôn tự hào, hạnh phúc vì đã lựa chọn và thỏa sức đam mê, sáng tạo cùng tình yêu thương con trẻ trong sự nghiệp giáo dục.

Ngày ấy, khi còn là cô bé học tiểu học, hình ảnh các cô giáo với nụ cười hiền hậu đã in đậm trong tâm trí khiến cô Đãi luôn ấp ủ ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành cô giáo. Ước mơ ấy cứ lớn dần lên, để rồi sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô đã hiện thực hóa khát khao cháy bỏng đó. Cho đến bây giờ, chưa khi nào cô ân hận về quyết định của mình.

Trong quá trình công tác, đặc biệt là sau dịch Covid-19, khi học sinh quay lại trường học, nhiều em không hứng thú với việc học diễn ra ở nhiều khối lớp. Là một giáo viên chủ nhiệm, cô Đãi luôn trăn trở để tìm ra những phương pháp đổi mới trong học tập, tạo hứng thú cho học sinh.

Sau một thời gian nghiên cứu, bám sát vào mô hình hệ sinh thái Chuyển đổi số trong công tác quản lý và giảng dạy của nhà trường, cô Nguyễn Thị Đãi đã xây dựng và ứng dụng thành công các giải pháp chuyển đổi số vào công tác giảng dạy, lan tỏa tới nhiều đồng nghiệp.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Trước khi ứng dụng chuyển đổi số, nữ nhà giáo đã tiến hành khảo sát học sinh sau một tiết học với phương pháp truyền thống. Theo đó, tỷ lệ học trò không hứng thú và ít hứng thú trong việc học tập chiếm gần 50%. Trước thực trạng trên, cô đã thực hiện lộ trình xây dựng “lớp học sáng tạo” theo từng năm học với các chủ đề khác nhau.

Cô Đãi cho biết, phần mềm trí tuệ nhân tạo AI có tiềm năng cách mạng hóa trong giảng dạy như: Tự động hóa nhiệm vụ, trợ lý ảo, sáng tạo nội dung thông minh, sử dụng ngôn ngữ tự nhiên. Nhưng điều cô tâm đắc nhất là khả năng sáng tạo nội dung của AI đưa vào tiết học, tạo hứng thú cho học sinh.

Khi đó, những phép tính tưởng chừng khô khan, các bài toán nhiều dữ liệu rắc rối hay những bài văn khó qua sự sáng tạo của cô Nguyễn Thị Đãi đã trở nên phong phú, hấp dẫn hơn. Chưa bao giờ việc “học mà chơi, chơi mà học” lại phát huy hiệu quả đến thế.

Một chân trời mới mở ra, mời gọi học sinh khám phá thông qua các trò chơi tương tác, các em được làm chủ các ứng dụng công nghệ thông tin ngay trong những tiết học không mang tên “Tin học”, được khám phá và vượt qua giới hạn của bản thân.

Năm học 2023-2024, cô đã giảng dạy thành công 2 tiết Khoa học “Âm thanh trong cuộc sống” với các hoạt động phong phú như sáng tạo nội dung bài học thành phim hoạt hình, sử dụng các phần mềm tương tác để học sinh làm bài tập, chơi trò chơi... mà ở đó, học sinh là trung tâm và chủ thể, học sinh chủ động khám phá để hình thành kiến thức.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Và trong tháng 11 vừa qua, cô Nguyễn Thị Đãi được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa tin tưởng giao nhiệm vụ triển khai chuyên đề cấp quận môn Khoa học. Thông qua chuyên đề lần này, các đồng nghiệp sẽ học tập được từ cô sự sáng tạo và nhiều hình thức giảng dạy mới mẻ, hiện đại.

Bên cạnh đó, cô Đãi cũng sử dụng phần mềm tương tác Wordwall.net để xây dựng các bài học thành những trò chơi thú vị, truyền cảm hứng cho học sinh học tập. Phần mềm đã thiết kế sẵn nhiều trò chơi thú vị như: Kéo thả, câu cá, lái máy bay... phù hợp với các dạng bài tập.

“Với bài tập củng cố cho học sinh kiến thức về đổi đơn vị đo khối lượng, tôi xây dựng trò chơi với tên gọi rất ngộ nghĩnh, đó là trò Đập chuột. Học sinh dễ dàng tương tác trên ipad hoặc máy tính, học mà chơi, chơi mà học nên đã phát huy những hiệu quả tích cực”, cô Đãi vui mừng chia sẻ.

Không chỉ với giáo viên trong trường, cô Đãi còn lan tỏa những biện pháp sử dụng AI tới giáo viên trong và ngoài quận qua nhóm cộng đồng; chia sẻ đến các đồng nghiệp trên mọi miền đất nước qua nhiều hội nhóm và các lớp đào tạo trực tuyến. Cô đã đóng góp tài nguyên vào kho học liệu của trường thêm đa dạng, phong phú để có thể truyền cảm hứng tới các mọi người.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Sau khi áp dụng, học sinh đã tự tin hơn, năng động sáng tạo, yêu thích các môn học, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi văn hóa. Tại lớp của cô Đãi, sau một tiết học ứng dụng AI và phần mềm tương tác, tỷ lệ học sinh hứng thú và rất hứng thú học tập nâng cao rõ rệt so với tiết học dạy thông thường.

Với những cống hiến của mình, cô Nguyễn Thị Đãi đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2022-2023, 2023-2024; giải Nhất cấp Quận, giải Nhất cấp Thành phố cuộc thi Kĩ năng công nghệ thông tin dành cho giáo viên năm học 2023-2024; giải Nhất cấp Quận, giải Ba cấp Thành phố cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử E-Learning STEM năm học 2023-2024; được Chủ tịch UBND quận Đống Đa trao tặng Giấy khen Giáo viên có thành tích xuất sắc trong phong trào thi giáo viên dạy giỏi năm học 2023-2024; được Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tặng Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Với tình yêu thương trẻ nhỏ vô bờ bến, cô Chử Thanh Nga đã gắn bó với nghề được 14 năm tại Trường Mầm non B thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Môi trường giáo dục chuyên nghiệp, hiện đại giúp cô và đồng nghiệp được thoả sức đam mê, sáng tạo, mang đến cho trẻ những điều tuyệt vời nhất.

Là Bí thư Đoàn Thanh niên, tổ trưởng chuyên môn khối mẫu giáo nhỡ nhiều năm liền, cô Nga luôn yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết với nghề. Trong nhiều năm công tác, cô không ngừng nỗ lực, nghiêm túc đi đầu trong công tác chuyên môn; thực hiện hiệu quả chương trình Giáo dục mầm non theo hướng lấy trẻ làm trung tâm.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Dù ở cương vị nào cô cũng luôn vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với tinh thần “tự học và sáng tạo”, cô không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, vận dụng vào công tác chăm sóc giáo dục trẻ, xứng đáng với sự tin tưởng của nhà trường và các bậc phụ huynh.

Cô luôn sử dụng linh hoạt các hình thức và phương pháp giáo dục tiên tiến vào tổ chức các hoạt động cho trẻ theo hướng “lấy trẻ làm trung tâm”, “chơi mà học - học mà chơi”. Bản thân luôn tìm tòi, sáng tạo, tận dụng các phế liệu sẵn có để làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ hoạt động.

Ngoài ra, cô Chử Thanh Nga còn có niềm đam mê đặc biệt về công nghệ thông tin và áp dụng trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ, xây dựng kho học liệu điện tử, tạo môi trường công nghệ số trong học tập, gắn kết gia đình nhà trường bằng sợi dây liên kết công nghệ thông tin.

Năm học 2023-2024, với chuyên đề ứng dụng công nghệ số trong học tập, cô Nga đã nghiên cứu để thiết kế sách điện tử “Nhật ký tuổi thơ” thông qua ứng dụng Padlet, làm cầu nối trực tuyến hai chiều giữa giáo viên với phụ huynh để lưu giữ những hoạt động, hình ảnh đẹp, những chia sẻ bổ ích tới phụ huynh học sinh, qua đó giúp giáo viên nắm bắt tình hình để làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Ngay từ tháng 8/3023 cô đã bắt tay vào triển khai thực hiện sáng tạo cuốn sách điện tử “Nhật ký tuổi thơ” dành cho lớp thông qua nền tảng Padlet với các đề mục: Hồ sơ điện tử; Cùng con khôn lớn; Nhật ký sự kiện; Kết nối với phụ huynh. Mọi thông tin của trẻ đã được cô giáo thu thập ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, chỉ cần vài thao tác đơn giản, phụ huynh quét mã QR để điền đầy đủ.

Cô Chử Thanh Nga cho hay, trong năm học, theo các dòng sự kiện và các hoạt động diễn ra, cô đều tải các hình ảnh, video kỷ niệm của trẻ lên trang Padlet. Đồng thời cô cũng khuyến khích phụ huynh chia sẻ các kỷ niệm cũng như việc làm của trẻ khi ở nhà lên thư mục “Kết nối với phụ huynh”.

Cuối năm học, cô Nga xuất trang Padlet tạo thành cuốn sách điện tử giúp lưu trữ thông tin của trẻ trong suốt năm học. Cuốn sách điện tử này sẽ được chuyển lên các lớp tiếp theo để giáo viên tiếp tục tải các thông tin của trẻ tạo thành Nhật kí theo các con suốt chặng đường học tập tại trường.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Với ý tưởng sáng tạo trên, cô Nga đã được Ban Giám hiệu nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì đánh giá cao về tính ứng dụng đem lại hiệu quả tích cực. Hi vọng trong thời gian tới, cô giáo có thể tiếp tục lan tỏa về những sáng tạo đổi mới trong giáo dục mầm non nói chung, góp phần nhỏ bé của mình nâng cao chất lượng giáo dục ngày càng được đặt nhiều kỳ vọng ở cấp học mầm non.

Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm qua, cô Chử Thanh Nga đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2022-2023; Giấy khen của Huyện ủy Thanh Trì “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2019-2023); Giấy khen “Gia đình công nhân viên chức lao động” tiêu biểu năm 2024; Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024 do Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội trao tặng.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Trong xu thế phát triển của giáo dục, ngoài tâm huyết thì người giáo viên cần có sự sáng tạo, đổi mới. Hiểu sâu sắc vấn đề đó, thầy Nguyễn Sỹ Quân - giáo viên Trường Tiểu học Cổ Nhuế 2B (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nỗ lực xây dựng Kho học liệu điện tử “Việt Nam mến yêu” bằng Google Site phục vụ cho môn Lịch sử - Địa lí lớp 4.

Năm học 2023-2024, thầy Nguyễn Sỹ Quân đặc biệt quan tâm tới việc Ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy. Thầy đã tìm hiểu, thực hiện xây dựng Kho học liệu điện tử “Việt Nam mến yêu” bằng Google Sites phục vụ cho môn Lịch sử - Địa lí lớp 4; tạo lập trang tra cứu kết quả học tập thường xuyên của học sinh: dghs.vn cho lớp thầy chủ nhiệm.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Theo thầy Quân, Lịch sử - Địa lí thường là môn học không chỉ khó với học sinh mà còn khó với cả giáo viên do khả năng tự học và tổng hợp kiến thức của học sinh tiểu học còn hạn chế; nhiều phụ huynh không có chuyên môn sư phạm để đồng hành cùng con; giáo viên lại chưa có nhiều tài liệu đã được kiểm duyệt để phục vụ giảng dạy.

Do đó, thầy giáo trẻ đã trăn trở và nỗ lực xây dựng Kho học liệu điện tử “Việt Nam mến yêu” bằng Google Site phục vụ cho môn Lịch sử - Địa lí lớp 4. Hy vọng ngay từ cái tên của kho học liệu cũng đã gợi cho học sinh, phụ huynh, giáo viên những cảm xúc tích cực với quê hương, đất nước tươi đẹp của chúng ta.

Là giáo viên chủ nhiệm kiêm Tổng phụ trách Đội và Bí thư Chi đoàn nên thời gian rất bận, tuy nhiên thầy đã rất cố gắng nỗ lực mày mò, tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu; chủ động thảo luận, trao đổi với đồng nghiệp để tìm ra những nội hàm cần thiết cho kho học liệu của mình; sưu tầm thêm những tư liệu đã được kiểm duyệt từ nhiều nguồn khác nhau để kho học liệu thêm phong phú.

Thầy Nguyễn Sỹ Quân đã chia sẻ kho học liệu tới các đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh trong và ngoài nhà trường; xây dựng văn hóa chia sẻ và góp phần tạo nên xã hội học tập.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Ngoài ra, thầy Quân còn trăn trở làm sao để gia đình học sinh dễ dàng cập nhật được kết quả học tập của con mình trong khi một số phần mềm hiện đang chỉ cập nhật kết quả giữa kì, cuối kì, cuối năm học và chỉ 1 tài khoản đăng kí số điện thoại với nhà trường mới được quyền truy cập.

Những suy nghĩ ấy đã thôi thúc thầy tìm cách xây dựng trang tra cứu kết quả học tập thường xuyên của học sinh. Nhờ sự quyết tâm của bản thân và sự động viên từ cha mẹ học sinh, thầy đã cố gắng dành thời gian và kinh phí của mình để học hỏi về kiến thức lập trình.

“Tôi nhờ cả những người có chuyên môn tư vấn cho quy trình xây dựng trang tra cứu và tôi đã hoàn thành trang tra cứu kết quả học tập thường xuyên của học sinh lớp tôi chủ nhiệm. Đường link trang tra cứu rất ngắn gọn và dễ nhớ, thao tác đơn giản đã giúp phụ huynh tra cứu kịp thời các thông tin điểm, nhận xét các môn học được thống kê theo từng môn của con nên ai cũng phấn khởi”, thầy Nguyễn Sỹ Quân chia sẻ.

Kho học liệu điện tử “Việt Nam mến yêu” bằng Google Sites phục vụ cho môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 và Trang tra cứu kết quả học tập thường xuyên của học sinh mà thầy giáo Nguyễn Sỹ Quân xây dựng đã góp phần tiết kiệm được thời gian, tiền của, xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số, từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động dạy - học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

Thầy giáo Nguyễn Sỹ Quân luôn tin tưởng rằng với những gì thầy và biết bao nhiêu những thầy cô giáo khác đã và đang làm được sẽ làm cho học sinh, phụ huynh và đặc biệt là toàn xã hội luôn tự hào, tin tưởng và ủng hộ nghề giáo. Thầy cũng mong muốn rằng “Mỗi thầy cô giáo hãy sống như một ngọn nến, đốt cháy chính mình để soi đường cho học sinh”.

Cô Lê Thị Minh Thu - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cổ Nhuế 2B cho biết: Về trường công tác từ năm 2014, thầy Nguyễn Sỹ Quân luôn năng nổ, nhiệt tình trong giảng dạy cũng như các hoạt động của trường và được học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp quý mến. Nhiều mô hình sáng tạo của thầy đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Nhờ tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, thầy Nguyễn Sỹ Quân được tặng Bằng khen của Hội đồng Đội Trung ương vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi các năm học 2022-2023, 2023-2024. Thầy đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm học 2020-2021, 2021-2022, 2023-2024; Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 8 năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngành Giáo dục Thủ đô.

Chuyện về những nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo

------------------

Nội dung: Đình Tuệ - Thiết kế: T.An