Những năm gần đây, ma túy trá hình đã và đang đe dọa lứa tuổi học trò dưới nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau. Thủ đô Hà Nội, trung tâm của cả nước, cũng là “mảnh đất” dễ nảy sinh tệ nạn ma túy học đường. Bảo vệ các em tránh khỏi ma túy là trách nhiệm của gia đình, nhà trường cũng như của cả xã hội. |
Tại quận Đống Đa, gần đây, hơn 1.000 học sinh Trường Trung học phổ thông Kim Liên đã được hướng dẫn về cách phòng ngừa tội phạm ma túy khi được hiểu rõ cơ chế gây nghiện cùng những tác hại từ ma túy. Thông qua những câu hỏi, tình huống liên quan đến tình hình ma túy hiện nay, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an thành phố Hà Nội đã bổ sung, cập nhật, trang bị thêm cho học sinh những nguyên nhân, đối tượng học sinh dễ bị lôi kéo, rủ rê sử dụng ma túy. Không phải chỉ những học sinh cá biệt, thích đánh nhau, bắt nạn bạn bè mới là đối tượng hay bị kẻ xấu lợi dụng, đưa vào con đường sử dụng ma túy mà cả những học sinh giỏi cũng có khả năng trong tầm ngắm của cá nhân, ổ nhóm buôn bán, tàng trữ ma túy để phục vụ mục đích riêng của chúng như chế tạo chất gây nghiện, đưa các chất gây nghiện vào thực phẩm, thức uống. |
Bên cạnh đó, đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cảnh báo việc hút thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người sử dụng cũng như những người xung quanh, hít khói thụ động. Đặc biệt, đối với hành vi mua bán các dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy thì nhiều học sinh không ý thức được như vậy đã là vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp thanh niên bị xử phạt hành chính vì bị bắt quả tang mua dụng cụ để sử dụng ma túy đá và cảnh báo tùy mức độ, những vi phạm này có thể bị lưu thành tiền án, tiền sự trong hồ sơ lý lịch tư pháp của cá nhân người đó. Các em học sinh được nhắc nhở, không thể mất cảnh giác với tội phạm ma túy khi các vụ việc diễn biến mới liên quan đến ma túy hiện nay cho thấy ma túy được ngụy trang dưới rất nhiều hình thức như “nước vui” (các loại nước có vị như nước ngọt thông thường nhưng chứa chất gây nghiện), hay trộn vào các loại thực phẩm như trà sữa, bánh kẹo… |
Cũng tại quận Đống Đa, thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 89 quận Đống Đa về tăng cường công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn quận năm 2024, Ban Chỉ đạo 89 quận tổ chức Buổi tuyên truyền phòng chống ma túy học đường cho học sinh trường Trung học cơ sở Láng Hạ và Trung học cơ sở Huy Văn. Tại buổi tuyên truyền, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã giúp các em học sinh hiểu khái niệm ma tuý, những tác hại khôn lường của ma túy đối với cá nhân, gia đình và xã hội; phân biệt các loại ma tuý thường gặp. Đồng thời, nhấn mạnh những thủ đoạn tinh vi của tội phạm tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ma túy để các em biết. Cán bộ tuyên truyền cũng đã đặt ra các câu hỏi, kiểm tra quá trình lắng nghe và tiếp thu nội dung được tuyên truyền của các em học sinh; thúc đẩy tinh thần tự giác tìm hiểu kiến thức pháp luật và trang bị kỹ năng tự bảo vệ trước hiểm họa ma túy. Thông qua hình thức tuyên truyền, lồng ghép cấp phát tờ rơi và video clip phòng, chống ma túy, qua đó giúp học sinh nâng cao kiến thức, hiểu biết về tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội, tạo chuyển biến về nhận thức, luôn “nói không với ma túy” và mạnh dạn đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; kiên quyết không để ma túy có cơ hội xâm nhập vào trường học. Từ đó, góp phần cùng nhà trường xây dựng môi trường học đường an toàn. Buổi tuyên truyền ý nghĩa, thiết thực, đã trang bị cho các em học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình trước tệ nạn xã hội, đồng thời truyền tải thông điệp ý nghĩa về giá trị cuộc sống an toàn… |
Gần đây nhất, Công an quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp cùng Trường THPT FPT Bắc Từ Liêm tổ chức chương trình học tập với chủ đề “Ma tuý: Nhận diện và phòng ngừa” cho hơn 400 cán bộ, giáo viên và học sinh. Tại chương trình, báo cáo viên, là cán bộ công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Ma túy - Công an quận Bắc Từ Liêm, đã triển khai những nội dung tuyên truyền thiết thực, bổ ích với hình thức sinh động như chiếu video, hình ảnh, thông tin tác hại của các loại ma túy, từ ma túy tổng hợp, ma túy bán tổng hợp đến các dạng ma túy tự nhiên. Đồng thời, với kinh nghiệm thực tế trong quá trình công tác, báo cáo viên đã chia sẻ về các vụ án ma túy xảy ra trên địa bàn, các thủ đoạn của tội phạm lợi dụng, lôi kéo thanh, thiếu niên phạm tội về ma túy cùng những vật dụng liên quan đến tệ nạn ma túy. Đặc biệt, báo cáo viên còn cho các em biết về những cách thức ma túy được trà trộn vào cuộc sống hằng ngày qua thức ăn, nước uống và thậm chí các sản phẩm tiêu dùng khác, hiện đang xuất hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, giúp các giáo viên và học sinh nhà trường nắm được. |
Với những nội dung quan trọng, thiết thực và bổ ích cùng cách trao đổi trực quan, sinh động; các em học sinh đã có cơ hội trao đổi, học hỏi kỹ năng mềm xử lý khi gặp phải các tình huống liên quan đến tội phạm, tệ nạn ma túy. Các em còn được tham gia thi trắc nghiệm, phân biệt giữa các chất gây nghiện là ma túy - chất gây nghiện không phải ma túy - chất không gây nghiện. Chương trình sôi nổi, hấp dẫn, vừa được bổ sung thêm nhiều kiến thức bổ ích về tác hại của ma túy vừa được nhận phần thưởng nên các em học sinh rất hào hứng, hăng hái tham gia. |
Thời gian qua, một số loại ma tuý mới, ma tuý “núp bóng” có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều, được rao bán bằng nhiều hình thức và phổ biến nhất là trên các trang mạng, nền tảng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat, Telegram… gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội, đồng thời đặt ra rất nhiều thách thức đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng. Vì vậy, vấn đề đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma tuý lợi dụng các loại ma tuý mới để hoạt động phạm tội, nhằm bảo vệ giới trẻ đang đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức; nhưng cũng là nhiệm vụ quan trọng phải tập trung thực hiện. Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức triển khai Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên đến năm 2030. Kế hoạch nhằm tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên đến năm 2030 tới các đơn vị, địa phương; từng bước nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ Thành phố đến địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên. |
Kế hoạch đặt mục tiêu kiềm chế tỷ lệ tăng, tiến tới giảm số lượng thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy so với năm trước. Bảo đảm quản lý chặt chẽ số thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiệm ma túy, sau cai nghiện ma túy theo quy định. Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, trên 90% thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiệm ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị, cai nghiện ma túy thích hợp và thanh thiếu niên sau cai nghiện ma túy, thanh thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về ma túy được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật. Hằng năm, giảm số vụ thanh thiếu niên phạm tội về ma túy so với năm trước; các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy liên quan thanh thiếu niên được đấu tranh, triệt xóa kịp thời và không để tái hình thành; trên 90% số vụ phạm tội về ma túy phát hiện liên quan đến thanh thiếu niên được giải quyết, xét xử theo quy định. Đồng thời, tổ chức Đoàn các cấp phát động phong trào thanh niên hưởng ứng, tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy; các tổ chức Đoàn xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ma túy xây dựng mô hình phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, ít nhất 70% cơ sở giáo dục bậc trung học cơ sở trở lên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên; đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, trên 100% cán bộ, giáo viên, giảng viên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy. |
******************** Nội dung: H.Duy - Thiết kế: P.T |