Đảng ta đã xác định phát triển văn hóa là nhiệm vụ trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Cùng với xu thế phát triển của nhân loại, Hội Nghị Trung ương chín (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, nhấn mạnh yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa.
Ngành công nghiệp văn hóa từng bước được định hình, là ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, với mục tiêu phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GDP, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt với Hà Nội, là thủ đô, vùng đất giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử, cả xưa và nay, thì văn hóa luôn được xác định là nguồn lực nội sinh quan trọng trong hành trình phát triển. Có lẽ bởi vậy mà Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa.
Và từ trong thực tiễn phát triển, có thể đúc kết được rằng, lễ hội, sự kiện là “chìa khóa” để khai mở ngành công nghiệp văn hóa. Bởi lễ hội, sự kiện sẽ hội tụ, tạo liên kết và lan tỏa các giá trị văn hóa, giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và phát thanh; Xuất bản... Trong khi, các nền tảng văn hóa vật chất, tinh thần và chính sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa lại là “nguyên liệu” để tiến hành một lễ hội, sự kiện. Hai yếu tố này luôn có mối quan hệ cộng sinh, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Bằng chứng là lễ hội, sự kiện được tổ chức quy mô, có ảnh hưởng luôn gắn với một vùng đất, địa phương, quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển nổi bật và các hoạt động từ lễ hội, sự kiện ấy tiếp tục lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo của nơi nó diễn ra, để tạo ra những giá trị trực tiếp hoặc gián tiếp dài lâu…
Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đang triển khai kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 12/8/2022 về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, trong đó nhấn mạnh đến việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, xem đó như thỏi nam châm tạo sức hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển công nghiệp văn hóa…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Để phát huy sức mạnh văn hóa, chúng ta phải tranh thủ mọi nguồn lực cả về tài chính và kiến thức khoa học, công nghệ; phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế…
(Trích bài viết nhân dịp đầu năm mới 2022 có tựa đề “Khơi dậy sức mạnh văn hóa, đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới” của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng)
Hà Nội là nơi hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa của đất nước. Nơi đây có những địa danh say đắm lòng người. Mỗi mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông) ở Hà Nội lại có một nét quyến rũ riêng. Thế nhưng, làm sao để mỗi người khi nghĩ về Hà Nội, đến với Hà Nội không phải trăn trở tìm cho mình một “điểm hẹn” để tham quan, thưởng thức?
Cuối năm 2019, Phùng Khánh Ly (du học sinh Singapore) trở về nước cùng hai người bạn nước ngoài. Dù khoảng thời gian nghỉ ngắn ngày nhưng nhóm ba bạn trẻ lại rất trăn trở với việc tìm địa điểm du lịch ở Hà Nội. Sau khi biết Monsoon Music Festival (Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa) sẽ diễn ra ở Hà Nội, Khánh Ly đã thuyết phục hai người bạn ở lại để được gặp một ca sĩ mà mình yêu quý và thưởng thức trọn vẹn lễ hội âm nhạc.
“Tối 2/11, dưới tiết trời mưa lạnh, cùng hàng nghìn ‘tín đồ’ âm nhạc mặc áo mưa để nhảy múa hết mình, chúng tôi thấy quyết định ở lại là chuẩn xác. Bởi tôi là một fan của Marayah. Khi biết Marayah đến Hà Nội, lại trực tiếp biểu diễn, tôi không thể bỏ qua cơ hội này”, Khánh Ly tâm sự.
Giống như Khánh Ly, hàng vạn người đã đến với Hà Nội để được “cháy” trong không gian nghệ thuật của Monsoon Music Festival và thỏa mãn với tình yêu dành cho âm nhạc và thần tượng. Trong đó có nhiều khán giả ngoại quốc đến Việt Nam hoặc lưu lại Hà Nội khi biết thông tin về sự kiện này.
“Điều khó nhất là phải mô tả làm sao để mọi người hiểu được không khí của một lễ hội âm nhạc đích thực dành cho cộng đồng. Không phải chỉ là những show biểu diễn của những nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới mà điều quan trọng đó phải là một không gian âm nhạc tràn đầy niềm vui và sự hạnh phúc đối với những người tham gia và sự lan tỏa trong cộng đồng”
*Nhạc sĩ Quốc Trung - Tổng đạo diễn Monsoon Music Festival
Nhạc sĩ Quốc Trung, Tổng đạo diễn của Monsoon Music Festival chia sẻ: Trong suốt những năm hoạt động âm nhạc, tôi may mắn đã đi và tham dự khá nhiều Festival âm nhạc ở nhiều thành phố và quốc gia khác nhau. Tại thị trấn nhỏ Rosilde của Đan Mạch với dân số khoảng vài chục nghìn người đã tổ chức một trong lễ hội âm nhạc lớn nhất thế giới, với 7 sân khấu và 170 ban nhạc diễn ra trong 1 tuần lễ, quy tụ khán giả của cả vùng Scandinavia cũng như châu Âu với hơn 150 nghìn người. Sự kiện này đã làm nên “tên tuổi” ngành công nghiệp âm nhạc của Đan Mạch nói riêng và cả Châu Âu nói chung. Rồi những thành phố nhỏ xa xôi như Talin của Estonia, Tel Aviv của Israel, Montreux của Thụy Sĩ đều có những Festival âm nhạc danh tiếng mà đóng góp của nó không chỉ trong phạm vi quốc gia.
Ở khu vực chúng ta, vài năm gần đây, cũng có rất nhiều Festival âm nhạc nổi tiếng là điểm đến của nghệ sĩ toàn cầu như: Java Jazz hay Seoul Jazz Festival. Ở mỗi nơi như vậy ngoài thưởng thức âm nhạc đỉnh cao khán giả còn tìm hiểu những nét văn hoá đặc trưng như phong cảnh, ẩm thực, con người… Do đó, các sự kiện này còn là cách giới thiệu quảng bá tốt nhất cho một thành phố hay rộng hơn là một quốc gia.
Tự đặt ra câu hỏi với bản thân mình, rằng: Đã có bao nhiêu du khách đến nghỉ bên hồ Geneva qua Montreru jazz Festival? Bao nhiêu người đến chiêm ngưỡng đền thờ Acorpolis Athens (Hy Lạp) thông qua Concert của huyền thoại Vangelis? Bao nhiêu du khách đến Tử Cấm Thành (Trung Quốc) sau khi xem show của Yani? Tại sao Hà Nội của chúng ta lại không có một lễ hội tương tự? Nhạc sĩ Quốc Trung tâm sự: “Tôi luôn mong ước mang âm nhạc của mình ra thế giới. Năm 2006, tôi mang dự án âm nhạc Vọng Nguyệt tham dự liên hoan âm nhạc Roskilde (Đan Mạch), cũng là lễ hội âm nhạc lớn nhất thế giới. Hai năm sau, tôi may mắn nhận được sự quan tâm và tài trợ trong một chuyến thực tập và tham quan tại Festival này. Không biết có phải do tuổi tác hay không mà tôi lại tạm dừng nuôi giấc mơ mang âm nhạc của mình ra thế giới lại và tôi mong ước mang một Festival âm nhạc tầm cỡ thế giới trở về Việt Nam”.
Sau 8 năm ấp ủ và triển khai rất nhiều công việc để thực hiện ước mơ, cuối năm 2014, nhạc sĩ Quốc Trung và những người bạn của mình đã đưa Monsoon Music Festival đến với khán giả Hà Nội nói riêng và khán giả yêu nhạc trên cả nước nói chung. Qua 5 mùa thực hiện, Monsoon Music Festival đã trở thành một “thương hiệu” rất riêng của Hà Nội khi vào cuối Thu đầu Đông, khi những đợt gió mùa se se lạnh bắt đầu thổi, cũng là lúc hàng ngàn người dù quen nhau hay chưa quen cùng nắm tay, lắc lư trong không gian âm nhạc được cất lên ở Hoàng Thành. Và để đến bây giờ, có thể chắc chắn rằng mọi người đã cùng nhau xây dựng và chia sẻ một không gian âm nhạc đậm chất lễ hội chưa từng có ở Việt Nam mang tên Monsoon Music Festival, với tiếng vang vượt xa khỏi biên giới, đến với bạn bè quốc tế.
Theo thống kê, qua 5 mùa Monsoon Music Festival đã huy động 3.000 tình nguyện viên là sinh viên, rất nhiều bạn sau đó trở thành thành viên của Ban tổ chức; thu hút hàng vạn khán giả và đạt doanh thu khoảng 15 tỷ đồng/năm/chương trình; đặc biệt không một sự cố nào xảy ra tại chương trình, trong khi những ứng xử văn minh như việc tự giác thu dọn rác sau đêm diễn luôn được triển khai. Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa nằm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô, luôn nỗ lực hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng một lễ hội âm nhạc quốc tế có uy tín, đẳng cấp trong khu vực và quốc tế, cũng như xây dựng một thương hiệu và một sản phẩm văn hóa cộng đồng cho Thủ đô Hà Nội; đồng thời đóng góp và thúc đẩy sự phát triển đời sống âm nhạc Việt Nam; quảng bá hình ảnh Hà Nội - thành phố văn hóa truyền thống và hiện đại nói riêng, Việt Nam nói chung; góp phần phát triển du lịch văn hóa, đem đến cho công chúng một điểm đến không thể bỏ qua khi nghĩ tới Hà Nội, hay nói cách khác Monsoon như một điểm hẹn của mọi người khi nghĩ đến Hà Nội.
“Mờ mờ sương tỏa đò buông
Rủ nhau trẩy hội chùa Hương chốn này
Một vùng quần thể trời mây
Non xanh, nước biếc đắm say lòng người”
Đó là những câu thơ gợi đến một “điểm hẹn” trong cái se lạnh ngọt ngào của mùa Xuân, khi nghĩ về Hà Nội. Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội là một đại danh lam thắng cảnh của Thủ đô và của cả nước. Với quy mô gần 4.000ha, nơi đây là một quần thể Văn hóa - Tôn giáo, gồm 21 ngôi chùa, động, đền thờ Phật, thờ thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa, gắn liền với Phật giáo Đạo tràng, nơi tu hành đắc đạo của Bồ Tát Quán Thế Âm (thường gọi là Bà Chúa Ba). Hàng năm, Lễ hội Chùa Hương tổ chức với quy mô lớn, kéo dài 3 tháng mùa Xuân và diễn ra nhiều hoạt động văn hoá tâm linh, thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế hành hương về tham quan thắng cảnh. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, công tác quản lý Lễ hội Chùa Hương đã ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Tuy vậy, đáng suy nghĩ là sau tháng 3 Âm lịch, khi lễ hội kết thúc, du khách dường như lại lãng quên danh thắng này. Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, mỗi năm quần thể Hương Sơn đón khoảng 1,5 triệu khách, đóng góp vào ngân sách nhà nước và thu nhập người dân hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, có hơn 90% du khách đến với Hương Sơn vào dịp Lễ hội Chùa Hương (diễn ra trong 3 tháng đầu Xuân). Thời gian còn lại, chỉ lác đác mỗi ngày vài chục khách đến tham quan.
Nói tiếp câu chuyện này, ông Nguyễn Đình Toàn, Phó Trưởng ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn tỏ ra tiếc nuối. “Tôi gắn bó với nơi này gần cả cuộc đời, luận án thạc sỹ cũng lấy Hương Sơn để nghiên cứu, đã bảo vệ thành công và đang cố gắng ứng dụng mong góp sức để nơi đây phát triển… Du khách đến với Mỹ Đức, về Hương Sơn vào đầu Xuân vì có hội Chùa Hương. Trong khi 9 tháng còn lại, cảnh sắc Hương Sơn đẹp vô cùng. Từ tháng 5 đến tháng 8, những cánh đồng sen vào mùa hoa nở, mùi hương thơm ngát. Sang tháng 9, 10 có khi kéo dài đến hết năm, một vùng rộng lớn hoa súng trổ bông, vẻ đẹp mê lòng người. Nhưng làm sao để thu hút du khách đến tham quan? Bởi không có một lễ hội, một sự kiện văn hóa, trong khi đường sá chưa thuận lợi, hạ tầng phục vụ các nhu cầu dịch vụ của du khách còn nhiều hạn chế”, ông Toàn bày tỏ.
Để phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn, huyện Mỹ Đức đã đưa ra những chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu năm 2025 đón 2 triệu lượt khách/năm, trong đó 500 nghìn lượt khách quốc tế; năm 2030 đón 4 triệu lượt khách/năm, trong đó 1 triệu lượt khách quốc tế… Để đạt mục tiêu này, huyện Mỹ Đức đã triển khai và kiến nghị thành phố Hà Nội đầu tư nhiều dự án hạ tầng; quy hoạch phát triển một loạt dự án khu du lịch sinh thái với quy mô lớn. Dù vậy, theo ông Nguyễn Đình Toàn, không thể ngồi chờ đến khi có hạ tầng mới phát triển được. Mà cần phải “lấy ngắn nuôi dài”, nghiên cứu tổ chức và phát triển các Festival, sự kiện văn hóa mang đậm bản sắc của vùng đất, tạo dấu ấn và quảng bá rộng rãi để thu hút du khách.
Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục duy trì, phát huy việc tổ chức các hoạt động gặp gỡ, giao lưu văn hóa, đăng cai các sự kiện văn hóa quốc tế lớn tại Thủ đô trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín trong khu vực, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, những cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa có uy tín trong nước và trên thế giới, được đông đảo công chúng và các thị trường văn hóa quan tâm.
Tăng cường đầu tư xây dựng mới các công trình có tính biểu tượng văn hóa mới, hội nhập văn hóa giữa các vùng, miền lãnh thổ, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Phối hợp khai thác hiệu quả nguồn lực của các cơ quan Trung ương trên địa bàn Thành phố. Mở rộng giao lưu, trao đổi văn hóa với các tỉnh, thành phố trong cả nước với tinh thần “Hà Nội và cả nước, cùng cả nước”.
*Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Ví dụ như ở Hương Sơn trong những năm gần đây, vùng diện tích trồng lúa của bà con dọc 2 bên bờ suối Yến mang lại năng suất kém, hiện đang bỏ hoang, nhưng thổ nhưỡng lại rất phù hợp với cây hoa súng. “Chúng tôi đã nghĩ đến một Festival hoa súng vào mùa Thu gắn với ẩm thực truyền thống và quảng bá các sản phẩm OCOP của huyện Mỹ Đức. Để làm việc này chưa cần phải đầu tư nhiều mà lại được bà con ủng hộ và có thể bắt tay vào làm ngay bởi hoa súng chỉ cần trồng trong 1 năm là khai thác được. Tuy nhiên có một vấn đề là vào mùa mưa, nếu không điều khiển được nguồn nước, hoa súng ngập sẽ rất nhanh bị hỏng, lễ hội không thể kéo dài được. Tuy nhiên có thể khắc phục vấn đề này bằng việc xây dựng một trạm bơm thoát nước, thì có thể kéo dài mùa lễ hội đến 5-6 tháng”, ông Toàn nói.
Về lâu dài, Phó Trưởng ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đề xuất, cần cải tạo, nâng cấp một số hạng mục tại khu di tích như: Mở rộng bến đò, bến xe, gắn với việc quản lý chuyên nghiệp; tổ chức xe điện đưa đón, phục vụ du khách; khai thông dòng suối Yến vào sâu hơn để du khách có nhiều trải nghiệm thưởng thức; kết nối với các danh thắng quanh vùng và phối hợp tổ chức các chuỗi sự kiện điểm nhấn, lấy yếu tố tâm linh làm “trụ cột” để thu hút du khách… Cùng với hệ thống giao thông được đầu tư hoàn thiện, Quần thể Hương Sơn “đắm say lòng người” (cách trung tâm Thủ đô khoảng 60km), sẽ là “điểm hẹn” lý tưởng cho mọi người khi nghĩ về Hà Nội…
Câu chuyện về Monsoon Music Festival và Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn đặt ra “bài toán” khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử vốn vô cùng giàu có, phong phú của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Câu hỏi cần phải trả lời hiện nay là làm sao để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng giúp xây dựng Thủ đô phát triển bền vững?
Trong không khí những ngày Thu lịch sử, chia sẻ với Lao động Thủ đô cảm nhận của mình về vùng đất Thăng Long - Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ: Quốc gia nào cũng có thủ đô. Nhưng Hà Nội của chúng ta là một thủ đô thật đặc biệt. Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình” như tổ chức UNESCO vinh danh; là thủ đô ngay trong khói lửa chiến tranh, đã từng được thế giới ngợi ca là thủ đô của lương tri và phẩm giá con người,... Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, có “thế rồng cuộn hổ ngồi”, “tiện hướng nhìn sông dựa núi”, hàng ngàn năm trước đã được Đức vua Lý Thái Tổ chọn là nơi định đô để tính kế lâu dài, mưu toan nghiệp lớn.
Từ kinh đô Cổ Loa của nhà nước Âu Lạc cách đây hơn 2000 năm, đến kinh đô Thăng Long của nhà nước Đại Việt 1000 năm trước, và ngày nay là Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trải qua bao thăng trầm lịch sử, chứng kiến biết bao chiến công vang dội. Hà Nội anh dũng vươn lên sau mỗi lần bị chiến tranh tàn phá… Hà Nội, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên. Ai cũng biết với Hà Nội, luôn có rất nhiều cách cảm nhận hay đúc kết: Hà Nội nghìn năm văn hiến; Hà Nội - trái tim của tổ quốc; Hà Nội văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị; Hà Nội linh thiêng và hào hoa; Hà Nội thanh lịch, văn minh… Đúc kết bằng một câu, hay phải nói ra tất cả những câu đã được mọi người đúc kết, chúng ta cảm thấy dường như vẫn là chưa đủ. Bởi Hà Nội của chúng ta vô cùng giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử cả xưa và nay.
Qua mỗi thời kỳ, Hà Nội - trái tim của cả nước, luôn hòa chung nhịp đập với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ một thành phố có quy mô dân số, kinh tế khá khiêm tốn, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ, vị thế ngày càng được nâng cao, vai trò trung tâm lớn của đất nước được khẳng định trên tất cả mọi phương diện: Chính trị, văn hóa, kinh tế, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…
Trong quan hệ quốc tế, Hà Nội là đại diện của đất nước Việt Nam. Trong ngôn ngữ giao tiếp, nhiều khi chỉ cần nói danh xưng Hà Nội là mọi người trên thế giới đều nghĩ đang nói tới Việt Nam. “Là công dân Thủ đô, ai cũng có quyền tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội. Trong chiến tranh hay trong hòa bình xây dựng, phát triển; sống trong lòng các phố phường Hà Nội hay khi phải đi xa… mọi người đều luôn nhớ, luôn yêu, luôn tự hào về Hà Nội. Là người Việt Nam, con Lạc cháu Hồng, mang trong mình niềm tự hào về truyền thống của tổ tiên, nhưng được làm công dân của Thủ đô ai cũng cảm thấy càng thêm yêu thương, gắn bó, tự hào và đều cảm thấy có những nghĩa vụ, trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của Thủ đô. Đó là tình cảm, tình yêu đối với Thủ đô rất tự nhiên nhưng cũng vô cùng đặc biệt”, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Theo ông Phạm Quang Nghị, Đảng ta đã xác định phát triển văn hóa là nhiệm vụ trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đối với Hà Nội, Thành phố ngàn năm văn hiến, Thành phố Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo thì yếu tố văn hóa càng đóng vai trò quan trọng. “Chính vì thế, Hà Nội có thể không phải thành phố dẫn đầu về kinh tế nhưng phải là thành phố đi đầu, dẫn đầu về văn hóa, là nơi tụ hội và tỏa sáng, đại diện cho văn hóa Việt Nam; và phải luôn xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để xây dựng Thủ đô phát triển bền vững”, nguyên Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh và cho rằng, Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” mà Thành ủy Hà Nội ban hành mới đây rất cần thiết, để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân Hà Nội và còn vì cả nước.
“Từ chủ trương (đã có Nghị quyết) đến tổ chức thực hiện luôn đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và của mọi người dân Thủ đô”, ông Phạm Quang Nghị nhìn nhận.
Khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển ngành công nghiệp văn hóa là xu hướng lớn trên thế giới, đã mang lại những lợi thế cho sự phát triển của nhiều quốc gia. Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV cho rằng, khi nói đến công nghiệp văn hóa, chúng ta phải thừa nhận một yếu tố vừa là mục tiêu vừa là hệ quả, đó là thị trường. Tức là phải mang lại lợi ích vật chất cụ thể cho những địa phương, cho những người tham gia, cho những sáng tạo được thể hiện. Ví dụ như điện ảnh, người ta thường hay nhắc đến nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Đây là điển hình của một quá trình xây dựng nền văn hóa có đường đi, lộ trình bài bản, đem lại hiệu quả rõ ràng và Hàn Quốc đã nhanh chóng trở thành cường quốc về văn hoá có sức ảnh hưởng tầm vóc quốc tế. “Chữ công nghiệp ở đây chính là để thể hiện tính bài bản, tính hệ thống”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê (Lê Bros), đồng thời cũng là Chủ tịch câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club) chia sẻ, từ trước đến nay, văn hóa ở ta vẫn được nhìn nhận mang tính chất tinh thần và là giá trị cộng thêm cho đời sống của con người. Nhưng khi nhìn nhận dưới góc độ công nghiệp văn hóa, thì nghĩa là có người sản xuất, kinh doanh văn hóa, có người tiêu thụ sản phẩm văn hóa.
“Bản thân ngành công nghiệp văn hóa trên thế giới đã được công nhận là tạo ra giá trị rất lớn trong nền kinh tế chung, chiếm khoảng 7% GDP toàn cầu. Việt Nam cũng kỳ vọng đến năm 2030 văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP. Điều đó nói lên văn hóa không chỉ mang giá trị tinh thần mà trở thành một nhóm sản phẩm có thể tạo ra giá trị cho nền kinh tế, đó là sự chuyển biến lớn”, ông Vinh nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, chính những sáng tạo của con người đã làm thay đổi thế giới ngày hôm nay. Khi các nguồn lực từ thiên nhiên mà chúng ta đã thấy, như: Dầu mỏ, than đá, khoáng sản… đang được khai thác dần cạn kiệt thì thế giới đã thay đổi một cách ngoạn mục khi xuất hiện những tỷ phú biết sử dụng nguồn lực từ tài năng sáng tạo, như: Facebook, Amazon, Twitter, Tesla… khiến cho thế giới của chúng ta trở nên vô cùng kỳ lạ.
“Ở một thế giới mà chuỗi khách sạn lớn nhất trên thế giới là chuỗi khách sạn mà không có khách sạn nào cả là Airbnb. Trang thông tin lớn nhất thế giới là trang thông tin không có gì cả đó là Facebook, chúng ta tự chia sẻ thông tin với nhau. Hãng taxi lớn nhất trên thế giới là hãng taxi không có một cái taxi nào cả là Grab, Uber”, ông Sơn nói và khẳng định: “Hà Nội, nơi hội tụ các nhân tài cả nước, cũng phải tận dụng những tài năng sáng tạo của mình, để phát triển Thủ đô bền vững”.
Đề cập đến Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cho biết, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề cập đến việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Năm 2016 đã được cụ thể hóa bằng Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Chính phủ, phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngay sau đó, Hà Nội đã có những kế hoạch để triển khai thực hiện nội dung này, đạt nhiều kết quả tích cực. “Đến nay, nâng lên thành một Nghị quyết của Thành ủy, cho thấy Hà Nội rất chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa. Thành phố không chỉ triển khai chiến lược của Chính phủ một cách thông thường, theo đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật nữa mà đã nâng tầm thành quyết tâm chính trị của Đảng bộ Hà Nội. Dựa trên những quyết tâm chính trị đó, Hà Nội của chúng ta sẽ có những nguồn lực cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô”, ông Bùi Hoài Sơn nhìn nhận.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và luôn ưu tiên chú trọng đầu tư cho văn hóa, bà Mai Thúy Hằng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cho rằng, xét về tiềm năng, thế mạnh và cơ hội, Hà Nội có đủ các yếu tố để có sự đột phá trong phát triển văn hóa, trở thành thành phố sáng tạo tầm cỡ của Việt Nam và khu vực. Do vậy, việc Hà Nội tiên phong đi đầu nghiên cứu, xây dựng các giải pháp nhằm phát triển công nghiệp văn hóa là điều rất quan trọng và phù hợp, hứa hẹn trở thành mô hình mẫu về phát triển công nghiệp văn hóa cho các địa phương khác học hỏi.
"Việc Hà Nội tiên phong ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa tạo động lực cho chúng tôi nghĩ về những dự án, ý tưởng lớn hơn, về tổ chức các chương trình nghệ thuật, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ quốc tế tại Hà Nội trong thời gian tới"
*Bà Mai Thúy Hằng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group
Còn đối với người đứng đầu của Tập đoàn Lê Bros Lê Quốc Vinh, Nghị quyết về công nghiệp văn hóa được ban hành, là Hà Nội đã trao cho doanh nghiệp “cây gậy” để phát triển. Vấn đề là từ Nghị quyết, Thành phố sẽ có chính sách, kế hoạch cụ thể gì và lựa chọn nội dung nào là “trụ cột” để tạo sự đột phá.
“Tại tất cả các thành phố sáng tạo trên thế giới đều coi việc có lễ hội lớn để tạo động lực thúc đẩy cho các lĩnh vực. Ví dụ như ẩm thực thì có lễ hội ẩm thực, liên hoan rượu vang… đó là “hồi chuông” quảng bá mọi người hãy đến thưởng thức và phát triển ngành ẩm thực. Hay như lễ hội âm nhạc, mình muốn làm thành phố âm nhạc thì phải có chương trình âm nhạc đẳng cấp, không nói đến quy mô nhưng vị thế, tầm cỡ của sự kiện mới là quan trọng. Ví dụ như khi nhắc liên hoan phim Cannes, Busan, những người liên quan đến lĩnh vực điện ảnh thấy đó là sự kiện quan trọng mà mình cần có mặt, không nhất thiết sự kiện có đông người tới dự không… Hay thành phố Huế xác định là “thành phố Festival”, thì họ tổ chức nhiều Festival ở các ngành, lĩnh vực; cũng có địa phương khác lại lựa chọn sự kiện về thể thao… Hà Nội lựa chọn điều gì?”, Chủ tịch VCE Club đặt vấn đề...
Tại hội nghị phổ biến những nội dung cốt lõi của Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa đến đội ngũ cán bộ, đảng viên của Thủ đô vừa được tổ chức tháng 8/2022, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Nếu không có sự kiện tầm cỡ thì không thể có công nghiệp văn hoá”. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc Hà Nội đặt mục tiêu tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn là “chìa khóa” mở ra sự phát triển cho các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa.
Đúc kết từ nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy các nội dung về sự kiện, lễ hội, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền - Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, một phần lớn hoạt động cuộc sống của chúng ta được tạo nên từ các sự kiện. Từ một buổi sinh nhật, một cuộc họp, lễ khai giảng, lễ hội văn hóa, lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh,… các sự kiện luôn chiếm lĩnh phần lớn các trang báo, sóng truyền hình, nằm trong dự toán chi tiêu ngân sách của cá nhân, gia đình, chính quyền địa phương và trung ương. Sự kiện không tách rời khỏi đời sống con người. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia sự kiện và cả đối với cộng đồng nơi tổ chức sự kiện đó.
Có thể lấy ví dụ, Gamuda Land Việt Nam là một nhà đầu tư bất động sản đến từ Malaysia. Đơn vị này bắt đầu việc kiến thiết công viên Yên Sở từ cuối năm 2007. Sau 7 năm thi công, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức lễ khánh thành dự án vào năm 2014. Kể từ đó, công viên cây xanh lớn nhất Hà Nội đã thu hút hàng nghìn lượt người tới thư giãn, vui chơi mỗi dịp cuối tuần. Ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam cho biết, công viên Yên Sở đã và đang được lựa chọn để tổ chức nhiều lễ hội, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Tiêu biểu như sự kiện HAY Glamping Music Festival - trải nghiệm cắm trại cao cấp kết hợp lễ hội âm nhạc quốc tế vừa qua đã thu hút hơn 10 nghìn khán giả. Những hoạt động này giúp người dân được thỏa mãn đời sống tinh thần, các doanh nghiệp tham gia và Gamuda Land Việt Nam cũng được quảng bá thương hiệu của mình.
Thạc sĩ Đinh Hồng Anh - Giảng viên Báo chí, đang làm việc tại Vương Quốc Anh cũng cho biết: “Từ thực tế quan sát và ghi nhận các sự kiện được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận thấy các sự kiện ngày nay được đầu tư nhiều hơn so với trước, cả về số lượng, quy mô, sự chuyên nghiệp, tiền bạc, con người, chất lượng. Các đơn vị, địa phương cũng luôn đổi mới, sáng tạo trong mỗi sự kiện theo hướng chuyên nghiệp, tạo uy tín để thu hút được khán giả đến và giữ chân họ ở lại lâu nhất”.
Các sự kiện đều có hệ số lan tỏa rất lớn. Một sự kiện được tổ chức thành công sẽ mang lợi cho rất nhiều các bên liên quan. Từ việc quảng bá trực tiếp cho sự kiện, quảng bá hình ảnh của địa phương. “Người ta đến với sự kiện thì người ta phải ăn, phải ở, phải đi lại, phải tiêu tiền,… từ đó các lĩnh vực khác từ giao thông vận tải, nhà hàng khách sạn, thủ công mỹ nghệ,… tất cả các lĩnh vực phát triển theo và xã hội sẽ được lợi. Thế nên ở làng người ta cũng mong muốn tổ chức lễ hội, để có “chất truyền dẫn” cho việc khai thác các giá trị văn hóa của địa phương”
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài SơnDưới góc độ của ngành công nghiệp văn hóa, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cho rằng, lễ hội, sự kiện là “chất truyền dẫn” trong “hệ thống” của việc tạo ra sản phẩm dịch vụ văn hóa (gồm: Tài năng sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh các sản phẩm văn hóa). Hoạt động này mang nhiều mục đích khác nhau, trước tiên là xây dựng thương hiệu. “Ví dụ, chúng ta tổ chức sự kiện liên quan đến ẩm thực Hà Nội là mong muốn xây dựng thương hiệu cho ẩm thực Hà Nội. Trong sự kiện sẽ có những tôn vinh rất cụ thể (như món ăn: Phở, bánh cốm, nem,…) gắn với thương hiệu (như: Phở Thìn, phở Lý Quốc Sư, nem Phùng,…) và những đầu bếp cụ thể, người tài năng trong lĩnh vực đó. Từ đó, chúng ta có một đầu bếp giỏi không chỉ nổi tiếng ở Hà Nội mà còn nổi tiếng ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Nhiều khi ăn món này ngon hay không là do câu chuyện kể về món ăn. Các món ăn khiến người ta phải xuýt xoa thường sẽ đến từ tai, mắt rồi mới đến bằng miệng. Nhiều khi món ăn rất bình thường nhưng người ta kể về việc món ăn này được chế biến như thế nào, có lịch sử ra làm sao, ai làm ra nó, bổ như thế nào, trang trí ra làm sao và ý nghĩa trang trí đó là gì… Khi đó khách sẽ cảm thấy ngon hơn khi ăn. Bởi các cái giá trị văn hóa của Việt Nam được truyền tải qua món ăn, từ món ăn sẽ truyền tải giá trị văn hóa Việt Nam tức là cả ở hai chiều. Đó là giá trị của một sự kiện văn hóa”, ông Sơn nói.
Điển hình là Sun Group, một trong những tập đoàn tầm cỡ của Việt Nam và thế giới, nổi tiếng với những khu du lịch có quy mô lớn ở Đà Nẵng, Sapa, Quảng Ninh, Phú Quốc… ở mỗi địa phương, tập đoàn này lại có những lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật riêng biệt, độc đáo gắn với đặc trưng của vùng bản địa. Tiêu biểu như: Vũ hội Ánh dương (2019), Trái tim vàng (2021), Vương quốc Mặt trăng (2022) tại Đà Nẵng; Vũ điệu trên mây tại Fansipan (Lào Cai); Giải cứu Geisha tại Hạ Long (Quảng Ninh); Lễ hội du lịch biển tại Sầm Sơn (Thanh Hóa);… Bà Mai Thúy Hằng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group chia sẻ: “Đầu tư cho các chương trình nghệ thuật là việc vô cùng công phu và tốn kém. Mỗi show diễn chi cả trăm tỷ đồng, nhưng chúng tôi vẫn không ngừng đầu tư, để chương trình sau ấn tượng hơn, hoành tráng và hấp dẫn hơn chương trình trước. Mục tiêu là gia tăng trải nghiệm cho du khách, để mỗi mùa, khi trở lại, du khách sẽ thấy các Sun World mới mẻ, không hề lặp lại. Việc gia tăng các sự kiện văn hóa nghệ thuật độc đáo cũng tạo nên sự khác biệt cho điểm đến, thu hút du khách tới và quay lại nhiều lần. Và hơn thế nữa, đây cũng là một trong những thế mạnh tạo sức cạnh tranh, cũng như từng bước xóa đi điểm yếu du lịch mùa vụ của nhiều địa phương”.
Nhắc lại câu chuyện của khu danh thắng Hương Sơn, hàng triệu lượt khách bất chấp đường xá khó khăn, điều kiện dịch vụ hạn chế, để một lần được trẩy hội chùa Hương. Nhiều địa danh của Hà Nội cũng thu hút hàng vạn lượt khách mỗi năm, đến tham quan trong mùa lễ hội. Nhưng vẫn thắng cảnh ấy, thậm chí có những thời điểm cảnh sắc rất nên thơ, tại sao người ta lại ít đoái hoài?
Trước khi ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thành ủy Hà Nội đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bài bản. Đáng chú ý là việc tổ chức nhiều cuộc tọa đàm để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực văn hóa cả trong nước và quốc tế. Tại đây, có chuyên gia đã đưa ra con số thống kê rất ấn tượng rằng, tính đến nay, Hà Nội có tới 1.175 lễ hội và sự kiện. Nếu cứ đơn thuần nhìn vào con số này đã thấy rõ là Hà Nội có một tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp văn hóa từ mảng lễ hội.
Trong khi đó, chỉ với hơn 200 lễ hội và sự kiện hằng năm (tương đương 1/5 của Hà Nội), thành phố Montréal (Canada) đã trở thành một trong những thủ đô của công nghiệp văn hóa khu vực Bắc Mỹ, thậm chí được cả du khách và người dân địa phương đặt cho biệt danh “Thành phố Festival”. Các lễ hội ở đây hết sức đa dạng, chủ yếu tập trung vào mùa xuân và mùa hè, từ âm nhạc, sân khấu, điện ảnh đến văn học, nghệ thuật xiếc, ánh sáng hay các sự kiện văn hóa khối Pháp ngữ. Trong số những lễ hội có quy mô lớn nhất phải kể đến Festival Ánh sáng hay Liên hoan quốc tế nhạc Jazz (FIZ). Điều đó đã giúp Montréal trở thành “điểm hẹn” của du khách khi nghĩ đến Canada.
Ở Việt Nam những năm gần đây cũng có rất nhiều sự kiện đã trở nên nổi tiếng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Điển hình là Festival Huế, xuất phát từ những kết quả bước đầu của Festival Việt - Pháp 1992 giữa thành phố Huế và Codev Việt Pháp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã sớm hình thành ý tưởng tổ chức một Festival với quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn. Sau nhiều năm ấp ủ và nỗ lực triển khai thực hiện, Festival Huế 2000 lần đầu tiên được tổ chức đã thành công, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6000 lượt khách quốc tế... Đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật và du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, phát huy được lợi thế so sánh của tỉnh Thừa Thiên Huế trên lĩnh vực văn hóa - du lịch.
“Từ thành công ấy, Festival Huế đã không ngừng tiếp thu, chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống và xu hướng phát triển của thế giới để đổi mới, phù hợp với nhu cầu của du khách. Hiện nay, thay vì chỉ tổ chức 2 Festival về nghề truyền thống, lĩnh vực nghệ thuật như trước đây, chúng tôi đang hợp tác với Huế xây dựng chiến lược Festival quanh năm, có nhiều mảng lễ hội khác nhau với tinh thần lan tỏa ở nhiều ngành khác nhau”, Chủ tịch VCE Club Lê Quốc Vinh - người có nhiều gắn bó với sự kiện này chia sẻ.
Đặt câu hỏi là Hà Nội có thể làm được như thế hay không? Ông Vinh khẳng định: Nếu Hà Nội không làm được thì không đâu làm được. Bởi Hà Nội là nơi có điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị hạ tầng, con người có sẵn và tốt hơn nhiều địa phương khác. Ví dụ như các sân vận động lớn, không gian công cộng hiện có, nhà hát… trong tương lai còn nhiều dự án đang được xây dựng. Mặc dù chưa đầy đủ nhưng có thể đáp ứng được một số điều kiện và tổ chức. Quan trọng nhất, Hà Nội là nơi hội tụ rất đông đội ngũ sáng tạo, cơ quan doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tập trung vào lĩnh vực nghệ thuật. Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội cũng là địa phương có mối quan hệ quốc tế hàng đầu.
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, với một không gian lớn, Hà Nội cần phải quy hoạch không gian và thời gian, vận hành, quản lý các lễ hội, sự kiện hợp lý. Việc cùng một lúc tổ chức nhiều lễ hội cũng là một điều bất lợi. Sự kiện được xem là quan trọng hay không có thể lấy quy mô làm thước đo, cũng có những lễ hội người dân đến đông nhưng mức độ quan trọng chưa xứng tầm. Nên mạnh dạn đưa công nghiệp vào để xoá bỏ những suy nghĩ cũ về văn hoá, đặc biệt là vấn đề thị trường hóa, coi thị trường là nhân tố quyết định.
Ông Quốc cho rằng, bất kỳ cái gì cũng phải có sự bắt đầu, nhưng qua thời gian thay đổi không thể giữ nguyên gốc được, đôi khi phải tạo ra cái mới. Như lễ hội tại Việt Nam thường có phân ra lễ và hội. Phần lễ thì nhà nước phải quan tâm, còn phần hội là người dân tham gia vào, đầu tiên là người dân tại chỗ coi đó là việc của mình và mời thêm những người khác đến, tập trung đông đúc là nhu cầu của xã hội. “Hà Nội hiện có không gian lớn, có cả văn hóa xứ Đoài sáp nhập vào thì khối lượng công việc rất lớn. Do đó càng cần phải quy hoạch tạo ra sự vận hành, quản lý hợp lý. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có người có chuyên môn tham gia vào quy hoạch, ở thời đại số này thì chúng ta thuận lợi có có thể tính toán, sau đó các yếu tố khác sẽ đi theo”, ông Dương Trung Quốc nói.
Trước kia, lễ hội thường được xem là một sự kiện gì đó rất cao, rất xa, thậm chí rất thiêng liêng, nó gần như không gắn với đời sống sinh hoạt con người. Cho nên nó thường được tổ chức thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu đi hiệu quả về kinh tế. Phân tích kỹ hơn nội dung này, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Thống kê trong một năm có hàng nghìn lễ hội với quy mô tổ chức khác nhau. Nhưng phải nhớ rằng, lễ hội mà chúng ta đang nói đến nó vốn bắt nguồn từ các làng xã, trong một không gian rất nhỏ, và còn liên quan đến họ tộc, nghề nghiệp. Cho nên giới hạn của nó cũng tương đối hẹp và có những cái hết sức riêng biệt. Chúng ta thấy câu chuyện chém lợn ở một làng quê nào đó, nhưng khi ra với cộng đồng thì nó trở thành câu chuyện phản cảm. Nhưng ở trong làng quê ấy thì nó lại có ý nghĩa, thông điệp, ngụ ngôn của nó, của quá khứ. Thế nên khi mà đưa những cái rất riêng như thế vào trong một môi trường mới, rõ ràng nó luôn luôn xảy ra những yếu tố mà người ta cảm thấy xung đột. Từ rất thiêng liêng lại trở thành một thứ gì đấy có thể mua bán được, có thể thương mại hóa được. Từ cái gì đấy rất riêng tư lại trở thành cái chung. Và nó phải đáp ứng với cái chung mới với một quy mô lớn hơn”.
Theo ông Dương Trung Quốc, các địa phương rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa như là một tiềm năng của địa phương mình, nó mang giá trị đặc biệt như: Di tích, phi vật thể, ẩm thực… khi được vận hành một cách bài bản và có tính hệ thống thì hệ quả có được sẽ đem ra đánh giá hiệu quả của nó, là phục vụ cho xã hội, phục vụ thị trường và đặc biệt là lĩnh vực du lịch hiện nay đang phát triển gần như trên toàn cầu.
“Việc tổ chức Lễ hội chùa Hương nhằm gìn giữ giá trị bản sắc của địa phương, tuy nhiên nếu chỉ giữ lại bản sắc thì nó không còn phù hợp với tình hình hiện nay, khi mà cuộc sống của con người đã thay đổi rất nhiều. Ví dụ khi chúng ta có chủ trương xây dựng, đầu tiên là cáp treo Yên Tử, bài toán lớn nhất là bị phản đối từ dư luận xã hội. Sự phản đối ở đây được cho rằng phá vỡ không gian, thậm chí có thể làm ảnh hưởng tính linh thiêng có yếu tố truyền thống là hành hương. Nhưng ngày nay, du lịch không nhất thiết phải hành hương. Mặt khác, với mật độ người dân tham gia các lễ hội ngày càng đông, mà chúng ta không có những giải pháp về mặt giao thông thì tính an toàn sẽ rất thấp, đặc biệt là khi có trường hợp cấp cứu. Bên cạnh đó là vấn đề bảo vệ con đường truyền thống. Chúng ta thay đổi theo tư duy công nghiệp, sẽ đáp ứng đa dạng các nhu cầu của du khách, nhất là với người chỉ có nhu cầu tham quan, vãn cảnh. Trong khi vẫn bảo vệ được cảnh quan, bảo đảm con đường truyền thống cho những ai muốn hành hương. Nhưng sẽ dẫn đến hệ quả là người quản lý là ai? Vai trò có phải của địa phương không? Thậm chí, vai trò có phải của Trung ương không?”, Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cho rằng, lễ hội rất quan trọng với Hà Nội vì nó chứng minh bề dày lịch sử của Hà Nội, chứng minh Hà Nội thực sự là Thủ đô ngàn năm văn hiến và là một thành phố sáng tạo. Các lễ hội chính là chất liệu để tạo ra sức sống, sự sáng tạo cho Hà Nội. Mọi sự sáng tạo đều cần dựa vào nền tảng. Truyền thống nói chung hay các lễ hội nói riêng chính là chất liệu tuyệt vời tạo ra sự sáng tạo cho Hà Nội. Bên cạnh đó, lễ hội liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như ẩm thực, thời trang, nghề thủ công truyền thống. Hà Nội có thể khai thác các lễ hội bằng cách tôn vinh các lĩnh vực có liên quan, giúp quảng bá hình ảnh và kích thích sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Vấn đề là phải làm sao quản lý tốt và tổ chức một cách chuyên nghiệp để lễ hội phát huy tác dụng, lan tỏa các giá trị sang các lĩnh vực khác.
“Mỗi một bước vận động thật sự quan trọng hơn một tá cương lĩnh". Đó là nhận định của Các Mác khi nói về ý nghĩa của hành động quan trọng gấp nhiều lần những lý luận dài dòng. Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa đã đặt ra mục tiêu rõ ràng với những giải pháp cụ thể. Và “lời giải” cho chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô phụ thuộc vào những việc làm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân; quyết tâm tổ chức được các lễ hội, sự kiện văn hóa có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, để lan tỏa các giá trị sang lĩnh vực khác.
Trên thực tế Hà Nội đã tổ chức những sự kiện mang tầm vóc khu vực, quốc tế rồi. Ví dụ như những hoạt động kỷ niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Hay những sự kiện liên hoan văn hóa nghệ thuật khu vực Asean, những ngày văn hóa của các nước được tổ chức ở Việt Nam, những sự kiện thể thao lớn… Theo Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, đấy là những sự kiện lễ hội mang tính quốc tế mà Hà Nội đã tổ chức rất thành công, cả về chất lượng nội dung, quy mô, an ninh trật tự. “Những cái đó khách quan đã mang tầm khu vực, quốc tế rồi. Thế giới người ta cũng đánh giá rất cao năng lực tổ chức của Việt Nam, thực ra là của Hà Nội, bởi dù nói là Việt Nam nhưng được tổ chức ở Hà Nội và phần lớn những công việc ấy do Hà Nội tiến hành. Thông qua các lễ hội, sự kiện, hình ảnh đất nước, con người của Hà Nội và Việt Nam nói chung được quảng bá đến bạn bè quốc tế”, Sơn nói.
Mặc dù vậy, ông Sơn cũng thẳng thắn chỉ rõ, Hà Nội chưa xây dựng được thương hiệu để các sự kiện này phát triển. “Ví dụ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội là một thương hiệu mang tầm quốc tế. Tuy nhiên khi nhắc về liên hoan phim quốc tế Hà Nội với Liên hoan phim quốc tế Busan thì người ta chỉ nhắc và biết đến Busan chứ không biết đến Hà Nội”, ông Sơn nói.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới...
Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị phối hợp với thành phố đầu tư phát triển công nghiệp văn hoá; có cơ chế nghiên cứu, hình thành quỹ giải thưởng văn hoá, quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ có tác phẩm mới, hỗ trợ việc quảng bá, biểu diễn các tác phẩm nổi bật ra nước ngoài... Đặc biệt, phải hướng tới tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc gia, khu vực, quốc tế để tập trung chỉ đạo. Cần có kế hoạch, lộ trình trong giai đoạn 3 - 5 năm, tiến tới tổ chức các sự kiện tầm cỡ như vậy thường niên
*Phát biểu của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tại Hội nghị trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU.
Có chung nhận định, Chủ tịch câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo Lê Quốc Vinh cho rằng, lợi thế của Hà Nội về đa dạng văn hóa cũng khó khăn trong công tác lựa chọn sản phẩm. Bên cạnh đó, Hà Nội có sở sở vật chất nhưng lại tản mát ở nhiều nơi và không có kết nối. Những trung tâm sáng tạo nhỏ bé, manh mún, vận hành bằng nỗ lực cá nhân, các doanh nghiệp nhỏ, do đó không tạo động lực để phát triển đột biến. Ngoài ra các trung tâm nghệ thuật không có sự đầu tư đồng bộ, quy mô nhỏ, cũ kỹ như nhà hát chèo, hay nhà hát lớn mặc dù đang sửa chữa, cải tạo nhưng cũng không thể mở rộng ra được, quy mô chỉ có thế. Một số địa điểm trên địa bàn Hà Nội nhưng lại do Trung ương quản lý…
“Đặc biệt, mặc dù Hà Nội là thành phố sáng tạo nhưng một số cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đánh giá cao giá trị của sự sáng tạo. Vì vậy đòi hỏi nhiều chính sách, thay đổi tư duy dẫn đến hành động. Những tư duy cũ không phải chỉ một mình Hà Nội có thể thay đổi, nhưng với vị trí đầu tàu, địa phương tiên phong xây dựng công nghiệp văn hóa, Hà Nội cần có những kiến nghị để đưa Nghị quyết vào cuộc sống”, ông Vinh nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội là trái tim của cả nước, là nơi giữ nhịp đập cho sự phát triển của cả nước trong văn hóa. Chính vì thế mà sự phát triển văn hóa của Hà Nội vừa là nội lực của Hà Nội nhưng cũng cần có sự giúp đỡ của cả nước đặc biệt là của Trung ương trong sự phát triển này. “Chẳng hạn như chúng ta thấy có những câu chuyện chính sách, nếu Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù thì chúng ta phải thể hiện trong Luật Thủ đô. Hay để thu hút các sự kiện quốc tế đến Hà Nội, thì cần tham gia của Bộ Ngoại Giao, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, thậm chí cả Chính phủ. Câu chuyện đó không chỉ riêng Hà Nội mà nó còn là câu chuyện đại diện cho cả đất nước”, ông Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Ngoài ra, theo ông Bùi Hoài Sơn, nhân dân cũng cần nhận thức đầy đủ những lợi ích, giá trị của việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô. Đó có thể là những lợi ích ngay thức thì nhưng cũng có những sản phẩm văn hóa phải nhiều năm mới phát huy được giá trị. Bởi vậy, có được sự ủng hộ của dư luận xã hội đối với việc phát triển văn hóa là rất quan trọng.
Về phía thành phố Hà Nội, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đạt hiệu quả, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, phải đổi mới tư duy để văn hoá gắn liền với sáng tạo. Đồng thời hướng tới tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc gia, khu vực, quốc tế để tập trung chỉ đạo; có kế hoạch, lộ trình trong giai đoạn 3 - 5 năm, tiến tới tổ chức các sự kiện tầm cỡ như vậy thường niên.
Khi coi lễ hội, sự kiện là một sản phẩm của công nghiệp văn hóa, thì Hà Nội sẽ làm sự kiện gì và làm như thế nào? Nếu làm duy ý chí, chỉ làm cái mình muốn làm, thì chưa chắc phù hợp với thị hiếu. Giống như bất kỳ ngành công nghiệp gì, sản phẩm này phải được thiết kế cho nhu cầu của đông đảo công chúng. Sự kiện Hà Nội muốn làm phải tính phục vụ cho ai, ai sẽ là người bỏ tiền ra để đến xem, tham dự sự kiện đó, có hợp với mong ước của họ hay không? Như hành trình thực hiện ước mơ của nhạc sĩ Quốc Trung, những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh và bạn bè đã mang Monsoon Music Festival đến với khán giả yêu nhạc để thành một “thương hiệu” rất riêng của Hà Nội. Nhưng nhạc sĩ Quốc Trung cũng chia sẻ: “Monsoon có được tiếp tục không chỉ phụ thuộc vào những người tổ chức, các nhà tài trợ mà còn ở sự quan tâm của khán giả đối với âm nhạc”.
Một câu chuyện khác là việc tổ chức không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, ban đầu quận Hoàn Kiếm thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố với cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa hiện hữu. Trước tiên là tạo không gian vui chơi cho người dân tại địa bàn, nhất là những hộ gia đình sống trong phố cổ chật chội, rất thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng, sau đó mới tính đến các hoạt động du lịch khác. Trong quá trình hoạt động, quận rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh dần và tính toán các phương án tổ chức, quy hoạch mở. Tùy theo từng thời điểm để có mô hình hoạt động cho phù hợp, trên nền tảng cơ bản là phát huy được giá trị cảnh quan hồ nước, cây xanh của hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận để phục vụ cho mục đích công, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho người dân Hoàn Kiếm.
“Từ việc mở không gian đi bộ, các mô hình kinh doanh mới xuất hiện, các cửa hàng, hộ kinh doanh hút vào khu vực này rất lớn. Đơn cử như, trước khi mở không gian phố đi bộ thì xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm có 54 cửa hàng kinh doanh, chủ yếu bán cặp, túi đồ nhái. Nhưng sau khi mở phố đi bộ, các cửa hàng này đã mở các dịch vụ phục vụ cho du lịch. Các nhà hàng, cửa hàng ăn uống phục vụ cho nhu cầu của du khách đến phố đi bộ. Việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè từ đó đã giảm đi rất nhiều”, ông Long chia sẻ.
Theo kinh nghiệm thực tế, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa không phụ thuộc vào điều kiện, trình độ của địa phương. Bởi đầu tư cho văn hóa không mất quá nhiều kinh phí, nếu chúng ta lựa chọn những vấn đề đúng, chuẩn thì sẽ mang lại hiệu quả ngay. Kể cả hiệu quả về mặt tinh thần cũng như hiệu quả về kinh tế cho người dân bản địa. “Nhìn lại khoảng 20 năm trước đây, lượng khách đến Hà Nội để du lịch rất thấp. Lúc đó Hà Nội chỉ là đầu mối giao thông. Rất ít khách ở lại lưu trú và tìm hiểu. Số lượng khách sạn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng xác định là trung tâm văn hóa của Hà Nội, một trong những nơi có giá trị văn hóa tiêu biểu của Thủ đô, nhiều năm qua, Hoàn Kiếm rất quan tâm đến việc “tái thiết đô thị”, bảo tồn các di sản văn hóa… Điều đó đã giúp kinh tế của Hoàn Kiếm phát triển, nhất là dịch vụ và du lịch. Trên địa bàn đã có hàng trăm khách sạn, gần 80% khách đến Hà Nội có qua quận Hoàn Kiếm, giúp du lịch tăng trưởng 23%/năm và đóng góp khoảng 20% GDP. Đặc biệt là tạo ra nhiều việc làm cho người dân, thu nhập bình quân đầu người tăng, mức sống cao, giá trị sinh lời từ bất động sản cũng lớn, giá đất của quận Hoàn Kiếm vẫn giữ mức cao nhất cả nước… Mức ổn định thu ngân sách trên địa bàn quận ngày càng tăng. Tổng thu năm 2016 mới chỉ khoảng 8 nghìn tỷ đồng, đến năm 2021, đã trên 14 nghìn tỷ đồng. Nếu mình không làm các hoạt động của 5-10-20 năm thì lấy đâu hiệu quả của ngày hôm nay”, ông Phạm Tuấn Long nhìn nhận.
Theo ông Long, trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục hoàn chỉnh không gian đi bộ hồ Gươm và mở thêm một số không gian đi bộ bổ trợ bên cạnh nữa để giảm áp lực, bởi đã có những lúc, những khu vực trong không gian này bị quá tải. “Có nhiều đơn vị mong muốn tổ chức sự kiện trong này, trong khi không gian cũng ngày càng chật hẹp. Chúng ta cũng chưa có một khu vực quảng trường đúng nghĩa của nó. Cho nên hồ Hoàn Kiếm có thể trở thành quảng trường khu vực cuối tuần. Trong thời gian tới, chúng tôi đang nghiên cứu biến khu vực quảng trường phía trước nhà hát lớn gắn với trục phố Tràng Tiền và gắn với hồ Hoàn Kiếm và gắn với khu vực Thọ Xương, Ấu Triệu, Ngõ Huyện để tổ chức phố đi bộ khu vực này với những đặc trưng, đặc điểm khác nhau, không xung đột với những không gian đi bộ sẵn có. Có giải pháp để đảm bảo những không gian này phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long thông tin.
Thành công của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận đã được nhân rộng ở nhiều quận, huyện, thị xã của Hà Nội, tiêu biểu như Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây),… Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, những sự kiện này là “nguyên liệu” quý, để ngành Du lịch thu hút du khách đến với Thủ đô, điều đó cũng tạo nên sự khác biệt của Hà Nội với các khu vực khác.
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, lễ hội là do nhu cầu xã hội, từ xa xưa đã có những lễ hội rất có giá trị như Lễ hội Đền Gióng. “Chúng ta có tạo được những lễ hội của thời đại chúng ta sống không? Tôi nghĩ là hoàn toàn có nếu đó là dấu ấn lịch sử thực sự”, ông Quốc nói và đề xuất: Khi nói đến Thăng Long, Hà Nội thì người ta tưởng như nhắc đến câu như mệnh đề là “Thăng Long phi chiến địa”. Trong thực tế lịch sử, Thăng Long có lúc trở thành “điểm quyết chiến, chiến lược” - như cách nói hiện đại. Ví dụ trận Ngọc Hồi - Đống Đa là sự kiện lịch sử. Hay như cuộc chiến đấu Điện Biên Phủ trên không, xứng đáng là chiến công lịch sử, tạo tiền đề giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; chiến công cả thế giới nhìn vào bởi chưa có chiếc B52 nào rơi trên chiến trận, ngoài những chiếc máy bay rơi tại chiến trường Việt Nam nói chung, đặc biệt là tại chiến dịch 18 ngày đêm năm 1972. Chúng ta lưu niệm sự kiện này bằng cái gì? Thời đại này vẫn còn những nhân chứng lịch sử, những người tham gia trực tiếp cuộc chiến, những cựu chiến binh háo hức ôn lại truyền thống cũ, nhà nước đang lưu giữ trong bảo tàng, sách vở, dựng phim ảnh nhưng tương lai sẽ như thế nào? Thế hệ con cháu ta họ nghĩ ngày kỷ niệm ngoài việc đọc sách, qua phim ảnh thì lễ hội là một hình thức bảo tồn bền vững, lâu dài nhất, truyền từ đời này sang đời khác, tất nhiên mỗi thời sẽ có những thay đổi với thời cuộc.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn
ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV
Lế hội là “chất truyền dẫn”
trong sản phẩm văn hóa
Việc tổ chức các sự kiện, lễ hội là một hoạt động có nhiều mục đích khác nhau trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Là “chất truyền dẫn” trong sản phẩm văn hóa. Nếu Hà Nội của chúng ta cần có những cơ chế đặc thù thì chúng ta phải phải thể hiện trong Luật Thủ đô.
Trần Trung Hiếu
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội
Sự kiện văn hóa là
“nguyên liệu” thu hút du khách
Các lễ hội, sự kiện văn hóa là “nguyên liệu” thu hút khách trải nghiệm điểm đến, cuộc sống người dân bản địa. Dựa trên sự kiện, lễ hội, ngành Du lịch sẽ nghiên cứu, tổng hợp và phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch.
Ông Lê Quốc Vinh
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Bros
Hà Nội là nơi có điều kiện,
cơ sở vật chất
Những tư duy cũ không phải chỉ một mình Hà Nội có thể thay đổi, nhưng với vị trí đầu tàu, địa phương tiên phong xây dựng công nghiệp văn hóa, Hà Nội cần có những kiến nghị để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Việc tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa lớn, tôi khẳng định nếu Hà Nội không làm được thì không đâu làm được bởi Hà Nội là nơi có điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị hạ tầng, con người có sẵn và tốt hơn nhiều địa phương khác.
Ông Dennis Ng Teck Yow
Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam
Gamuda Land Việt Nam
sẽ đồng hành cùng Thành phố
Chính quyền đóng vai trò điều phối chung, doanh nghiệp tham gia đóng góp, người dân đồng hành ủng hộ, đã giúp các sự kiện cộng đồng ở Malaysia được tổ chức thành công, tạo tiếng vang và mang lại hiệu quả lớn. Gamuda Land Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng chính quyền Thành phố trong việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa thể thao với địa điểm lý tưởng là công viên Yên Sở - lá phổi xanh của Hà Nội.
Thạc sỹ Đinh Hồng Anh
Giảng viên Báo chí tại Vương Quốc Anh
Tổ chức sự kiện bắt kịp
theo xu hướng thời đại
Sự kiện lớn hay nhỏ phụ thuộc vào quy mô, tầm ảnh hưởng, việc đầu tư và sự xuất hiện những nhân vật nổi tiếng. Các sự kiện đều mang lại giá trị kinh tế trực tiếp qua việc bán vé, bán sản phẩm, các nhãn hàng tài trợ quảng cáo tại sự kiện... hoặc gián tiếp là quảng bá văn hóa của địa phương, giúp thu hút đầu tư… Tổ chức sự kiện bắt kịp theo xu hướng thời đại và sở thích của khán giả sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm hơn.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Hiền
Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Cần ứng dụng công nghệ
để tổ chức sự kiện
Đã có xu hướng áp dụng công nghệ để tổ chức sự kiện. Không chỉ AR, VR mà các công nghệ AI, công nghệ tương tác cũng được áp dụng khiến cho sự kiện trở nên hấp dẫn và thu hút sự chú ý của người tham gia hơn.
Ông Nguyễn Đình Toàn
Phó Trưởng ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn
Không thể ngồi chờ
đến khi có hạ tầng
Không thể ngồi chờ đến khi có hạ tầng mới phát triển được. Mà cần phải “lấy ngắn nuôi dài”, nghiên cứu tổ chức và phát triển các Festival, sự kiện văn hóa mang đậm bản sắc của vùng đất, tạo dấu ấn và quảng bá rộng rãi để thu hút du khách.
Nhân dịp 40 năm kỷ niệm sự kiện này, tôi nghĩ rằng tại sao mỗi năm trong ngày kỷ niệm sự kiện đó ta không dựng lại, tạo ra lễ hội. Lễ hội không phải là cái gì quá ghê gớm, đối với truyền thống là có cúng, lễ, rước… nhưng sự kiện này ta có thể chọn một địa điểm, chân Cột cờ chẳng hạn, một biểu tượng của Thủ đô về thời kỳ hiên ngang chống giặc ngoại xâm, đương đầu với B52, hiện nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự. Chúng ta tổ chức lễ hội, cựu chiến binh và giới trẻ đến đó cùng nhau ôn lại, có chương trình văn nghệ hát những bài hát xưa mang lại hào khí cho cuộc chiến, chiếu lại những đoạn phim. Làm dịu ánh sáng, dùng âm thanh khơi gợi không khí của 40 năm về trước, từ loan báo tin máy bay địch… sau đó là chúng ta dùng pháo hoa thể hiện như rồng lửa thăng long, dựng lại khung cảnh, tâm trạng, biểu dương hào khí ấy… Chỉ trong vòng 15 phút cao điểm của lễ hội mọi người có thể tưởng nhớ lại ngay.
Ngày hôm nay có người trong cuộc, ngày mai là thế hệ trẻ truyền nhau. Chúng ta dành mỗi năm một lần, tôi nghĩ đó chính là lễ hội và từ đó sáng kiến của người dân cùng nhu cầu của đời sống sẽ làm phong phú lễ hội, sống động và có sức sống lâu bền, mang dấu ấn lễ hội thời đại của chúng ta. Địa điểm hồ Ngọc Hà còn dấu tích xác máy bay B52, còn Bảo tàng B52, di sản vật chất có, di sản tinh thần còn, tại sao chúng ta không lưu truyền bằng nhiều phương tiện, như phương tiện gần gũi và bền vững là lễ hội. Đó là những suy nghĩ làm thế nào để nâng cao đời sống văn hóa, giá trị truyền thống được lưu truyền bằng phương thức hiện đại cho người Hà Nội hiện đại, hoàn toàn có thể làm được nếu nhà quản lý, chính quyền có phương thức phù hợp”.