Multimedia
18/07/2024 16:26
“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

18/07/2024 16:26

Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội xác định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá có vai trò hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời tăng hiệu quả quản trị nhà trường và tạo kết nối giữa giáo viên với học sinh, phụ huynh.
“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội xác định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá có vai trò hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời tăng hiệu quả quản trị nhà trường và tạo kết nối giữa giáo viên với học sinh, phụ huynh.

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã giúp mở ra những xu hướng mới trong GD&ĐT. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá mang đến nhiều lợi ích thiết thực. Tại Hà Nội, nhờ giáo viên nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông tin, những giờ học của học sinh đã trở nên thú vị hơn rất nhiều.

Hơn 10 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Đặng Lan Hương (giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ) luôn trăn trở với việc chủ động thay đổi phương pháp, giúp học sinh ngày càng được thụ hưởng chương trình giáo dục tốt hơn và phát triển phòng học thông minh là một trong những điều cô hướng tới. Qua những hoạt động trên lớp, nhận thấy học sinh có hứng thú với các bài học có sự hỗ trợ nhiều từ phần mềm và học sinh là người được tương tác, cô đã nghiên cứu, thiết kế một số bài giảng, hỗ trợ tạo sản phẩm đánh giá năng lực học sinh để các em lĩnh hội kiến thức một cách chủ động, tự tin. Trong quá trình học, học sinh được tương tác với phần mềm và giáo viên làm các em tăng hứng thú học tập, đồng thời tích cực hơn với các nhiệm vụ học được đề ra. Sau quá trình thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại phòng học thông minh”, các bài giảng của cô được đông đảo phụ huynh và học sinh ủng hộ, đem lại hiệu quả tích cực.

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Ngoài ra, để học sinh phát triển một cách toàn diện, cô đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hướng dẫn học sinh sử dụng sách điện tử, nguồn sách nói một cách hợp lý. Các hoạt động tìm hiểu văn hóa địa phương, vẽ tranh cổ động các phong trào như bảo vệ môi trường, chống thuốc lá, sáng tạo khoa học… cũng được cô đề cập đến. Học sinh được cảm nhận về sách, về thế giới xung quanh và được viết cảm nhận trên phần mềm với tài khoản riêng đã bước đầu hình thành thói quen đọc sách, viết văn.

Tương tự, nhận thức rõ tiếng Anh là môn học đặc thù, cô giáo Phạm Thanh Dung (giáo viên Trường Trung học cơ sở Phúc Lợi, quận Long Biên) đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các tiết học lý thú, sinh động, từ đó giúp học sinh thêm yêu thích môn học. Trong quá trình dạy học, cô thường tổ chức các trò chơi xen lẫn trong bài giảng như: Lucky number, Slap blackboard Crossword, Bingo... giúp khuấy động không khí lớp học.

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Cùng đó, cô cũng nghiên cứu và ứng dụng một số phần mềm hỗ trợ trong quá trình giảng dạy, giúp việc kiểm tra bài của học sinh đạt hiệu quả hơn như: Kahoot, Flicker, Padlet...; tạo các bộ câu hỏi trắc nghiệm trên phần mềm Quizziz; sử dụng thẻ quét mã QR code để tổng hợp câu trả lời của học sinh… Thông qua đó rèn cho học sinh kỹ năng phản xạ, làm việc nhóm, học sinh vừa chơi, vừa học, vừa nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin.

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

“Để tiết học trở lên sôi nổi, thú vị hơn, tôi đã sử dụng ứng dụng Chat GPT để tạo ra các bài Chant theo từng chủ điểm, giúp học sinh ghi nhớ bài học hiệu quả; sử dụng công nghệ VR3D thực tế ảo trong bài giảng, học sinh được trải nghiệm các hình ảnh 3D sống động ngay trong bài học, giúp tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn”, cô giáo Phạm Thanh Dung chia sẻ.

Hay như cô giáo Tạ Thị Ngọc Tú (giáo viên Trường Trung học phổ thông (THPT) Phan Huy Chú - Đống Đa, quận Đống Đa). Trong công tác chuyên môn, cô đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Lịch sử thông qua sử dụng hiệu quả các công cụ, phần mềm: Skype, Canva, Flipgrid, Blooket, Quizzi, Microsoft Teams, Form… Trong 2 năm liên tục (2022 và 2023), cô được Microsoft chọn làm Microsoft Innovative Educator Expert (Chuyên gia giáo dục của Microsoft). Cô đã lan tỏa tới các thành viên trong nhà trường, tích cực xây dựng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa trở thành trường học điển hình của Microsoft.

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Cùng với các giáo viên trong cộng đồng giáo viên sáng tạo, cô đã góp phần lan tỏa những ý tưởng, giải pháp công nghệ thông tin ứng dụng vào công tác giảng dạy tới các giáo viên trên cả nước…

Bên cạnh đó, cô còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục (CERA) của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng khóa học dạy học Lịch sử bằng công nghệ hiện đại, phát hành trên nền tảng Edumall giúp nhiều giáo viên có thể tiếp cận, ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin hiệu quả trong dạy học.

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục
“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Là một trong những đơn vị tiên phong, tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành GD&ĐT Thủ đô, những năm qua, ngành GD&ĐT quận Ba Đình đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác quản lý cũng như giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo tiền đề quan trọng để ngành GD&ĐT có sự phát triển vững chắc trong xu thế “số hoá” hiện nay.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, quận đã đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại như: Màn LED sân trường, mạng Internet với cáp quang và wifi cùng hệ thống cơ sở vật chất về công nghệ thông tin như máy tính, loa... để hỗ trợ công tác quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá (được trang cấp miễn phí từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, quận Ba Đình và nhà trường chủ động đầu tư, thuê, mua...). 100% trường học được trang bị hệ thống camera giám sát tại các khu vực xung yếu về an ninh, khu vực hành lang, sân trường, trong các lớp học, các phòng bộ môn, sân chơi bãi tập... góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trường học.

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học, kiểm tra, đánh giá trong tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, bao gồm kho học liệu số, bài giảng E-learning, hệ thống học tập trực tuyến… Màn hình lớn được trang bị trong từng lớp học giúp bài giảng của giáo viên được thể hiện sinh động hơn, tạo hứng thú cho sinh trong giờ học.

Tại quận Hoàn Kiếm, 100% các trường học trên địa bàn được quận quan tâm, đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, kết nối mạng Internet đảm bảo phục vụ tốt công tác chuyển đổi số trong các nhà trường. Công tác chuyển/nhận văn bản qua phần mềm, sử dụng chữ ký số được triển khai đồng bộ từ quận đến Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục. Công tác truyền thông được thực hiện đồng bộ, có sự liên thông của Cổng thông tin điện tử quận đến Trang tin điện tử của ngành và các nhà trường.

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Bên cạnh đó, các nhà trường còn thực hiện truyền thông qua Fanpage, nhóm Zalo hay các ứng dụng khác trên điện thoại nhằm giúp phụ huynh nắm bắt thông tin về giáo dục; triển khai thường xuyên các buổi họp, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến đạt hiệu quả cao trong công tác nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời giảm chi phí tổ chức. 100% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ công nghệ thông tin cơ bản trở lên. 100% giáo viên có thể ứng dụng các phần mềm dạy học, thiết kế bài giảng, trò chơi để phục vụ việc dạy và học trực tiếp hoặc trực tuyến.

Tại huyện Thanh Trì, Phòng GD&ĐT huyện đã triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý GD&ĐT kết nối với cơ sở dữ liệu của Thành phố, đáp ứng yêu cầu liên thông, tích hợp từ huyện tới cơ sở và Sở GD&ĐT Hà Nội, Bộ GD&ĐT; khai thác sử dụng hiệu quả Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC). Việc chuyển đổi số trong GD&ĐT huyện tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Các trường học trên địa bàn huyện đều có kết nối Internet chất lượng cao, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, phần mềm dạy học. 100% nhà trường xây dựng kế hoạch truyền thông phù hợp, nội dung phong phú. Trang web của các nhà trường hoạt động thường xuyên, cập nhật những thông tin cần thiết đến phụ huynh, cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường.

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Huyện Đông Anh hiện có 124 trường học với hơn 100 nghìn học sinh. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Thị Tám, chủ trương của huyện trong những năm qua là quan tâm đầu tư số một dành cho lĩnh vực GD&ĐT. Hiện toàn bộ trường học mới đều được xây dựng theo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Các trường học còn lại đều được cải tạo, nâng cấp bảo đảm đạt chuẩn.

“Toàn huyện có 93,6% trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 36,4% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đứng trong tốp đầu của Thành phố; 7 trường được xây dựng theo định hướng mô hình trường công lập chất lượng cao. Thời gian qua, ngành GD&ĐT huyện đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng giáo dục thông minh trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi và kiểm tra đánh giá học sinh...”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh thông tin.

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Thành phố Hà Nội hiện có hơn 2.900 trường học với 2,3 triệu học sinh. Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, thời gian qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động của ngành như: Chuyển đổi số trong quản lý, dạy, học và kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy, học; số hóa thông tin quản lý, tạo cơ sở dữ liệu liên thông; dịch vụ công trực tuyến; số hóa học liệu, thư viện số; phòng thí nghiệm ảo; đào tạo trực tuyến…

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Tháng 10/2023, lần đầu tiên việc sinh hoạt chuyên môn của giáo viên các trường phổ thông được thực hiện bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Theo đó, tại Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng), học sinh được giáo viên dạy giỏi của Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) trực tiếp dạy. Tiết học được kết nối với hơn 200 điểm cầu, giúp hàng chục nghìn học sinh cùng học tập, giáo viên cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm... Đến nay, đã có hàng trăm tiết dạy như vậy được triển khai, giúp học sinh được học với nhiều thầy, cô giáo giỏi. Giáo viên giữa các quận, huyện, thị xã cũng thêm gắn kết, tăng ý thức trách nhiệm và cùng hỗ trợ nhau nâng chất lượng giảng dạy…

Từng tham dự tiết dạy qua hình thức trực tuyến của giáo viên giỏi của Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), cô giáo Trần Thị Loan (giáo viên Trường THPT Tân Lập, huyện Đan Phượng) cho biết, đã học được từ đồng nghiệp về sự đổi mới sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin. Ứng dụng công nghệ không chỉ tạo hứng thú, mà còn hỗ trợ đắc lực cho học sinh trong ghi nhớ, giải quyết vấn đề...

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Một điểm nhấn đáng chú ý về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành GD&ĐT Hà Nội thời gian qua còn là việc thí điểm triển khai học bạ số ở gần 800 trường tiểu học. Hiện tại, 100% trường tiểu học đều đã trang bị máy tính kết nối Internet, 100% hồ sơ học sinh được gắn mã số định danh, hơn 60% số giáo viên được trang bị chữ ký số cá nhân... Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội triển khai thí điểm thành công học bạ số. Dữ liệu học tập được số hóa, phụ huynh sẽ bớt vất vả khi làm thủ tục chuyển trường hoặc nộp hồ sơ tuyển sinh. Việc này cũng sẽ tăng tính minh bạch, chính xác và độ tin cậy trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) để phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố. IOC có chức năng: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thuộc phạm vi của Sở GD&ĐT Hà Nội bằng công cụ hiện đại, thông minh, trực quan; tích hợp hệ thống Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các bảng điều khiển thông minh, tùy theo thời điểm; quản lý và tổ chức các cuộc họp trực tuyến; hệ thống giám sát thời gian thực qua camera tới cổng, sân trường của các trường học; cập nhật các thông tin mới nhất về ngành GD&ĐT trên Cổng thông tin điện tử, giám sát thông tin trên môi trường mạng…

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tiếp tục triển khai Hệ thống quản lý tuyển sinh trực tuyến trên trang http://tsdaucap.hanoi.gov.vn, đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý giáo dục một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời. Trong thời gian tuyển sinh, các trường học trên địa bàn đều tăng cường công tác truyền thông, vận động, hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Quá trình thực hiện, bộ phận quản trị ghi nhận hệ thống vận hành thông suốt, không bị nghẽn mạng. Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ phía phụ huynh học sinh…

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, ngành GD&ĐT Hà Nội xác định chuyển đổi số là nội dung cần ưu tiên bố trí nguồn lực. Hiện toàn ngành đang tập trung triển khai sử dụng chữ ký số trong giáo viên; phát triển kho học liệu số toàn ngành và khai thác, phát huy hiệu quả Hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã báo cáo Thành phố về việc tăng cường đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số; triển khai kế hoạch nâng cao kỹ năng cho giáo viên…

“Chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục

--------------------------

Nội dung: Phạm Thảo - Thiết kế: P.T