Multimedia
28/07/2024 14:05
Bài 3: Cần phải “kiểm đếm” tài sản văn hóa

28/07/2024 14:05

Một trong những “hành trang” cho tương lai mà Hà Nội cần “kiểm đếm” chính là di sản. Đó là một kho tàng vô giá cho hội nhập và phát triển. Chúng ta vẫn tự hào về tầm cỡ đồ sộ của di sản, nhưng lại vô cùng bối rối vì chưa thể chỉ ra cụ thể và sử dụng di sản như thế nào trong hành trình hội nhập và phát triển.
Bài 3:  Cần phải “kiểm đếm” tài sản văn hóa

Một trong những “hành trang” cho tương lai mà Hà Nội cần “kiểm đếm” chính là di sản. Đó là một kho tàng vô giá cho hội nhập và phát triển. Chúng ta vẫn tự hào về tầm cỡ đồ sộ của di sản, nhưng lại vô cùng bối rối vì chưa thể chỉ ra cụ thể và sử dụng di sản như thế nào trong hành trình hội nhập và phát triển. Bài 3:  Cần phải “kiểm đếm” tài sản văn hóa

Dưới góc nhìn của người đã từng công tác trong ngành văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, cần phải “kiểm đếm” tài sản văn hóa với tư cách là “nền tảng tinh thần xã hội”, “là động lực, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.

Nói kiểm đếm tài sản văn hóa, người ta hình dung ra cái gì đó cụ thể, có thể kiểm đếm được, thậm chí có thể trực quan cầm, nắm, xem xét, đánh giá, so sánh nó với thứ khác để cân nhắc lợi ích cho hiện tại và tương lai. Chỉ cần hình dung như vậy, người ta đã tự giải phóng mình và giải phóng sức mạnh tiềm tàng của di sản văn hóa đang tồn tại với sự quan tâm đặc biệt của chúng ta mà vẫn cứ “ngủ yên”.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức minh chứng: “Có thể lấy việc xây nhà Thái Học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm minh chứng. Nhà Thái Học, gác chuông, gác trống rồi tả vu, hữu vu hiện giờ đang là bộ phận hài hòa và không thể thiếu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thực ra, công trình này được xây mới và khánh thành vào năm 2000 nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Trước năm 2000, khu đất ấy bỏ hoang.

Chỉ tính từ năm 1954, khi chúng ta chính thức tiếp quản Thủ đô, thì thời gian hoang phế của “bãi đất vàng” này đã có độ dài gần nửa thế kỷ. Về kinh tế, trước khi có khu nhà Thái Học và sân đại bái, tổng thu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám khoảng vài trăm triệu. Có năm còn không thu đủ theo kế hoạch. Hiện nay, đã nhiều năm Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu được 30 - 40 tỷ đồng nộp ngân sách. Đó là về tiền có thể đếm được. Về ý nghĩa lịch sử, văn hóa của nó không đếm được, nhưng đo được là rất to lớn”.

Bài 3:  Cần phải “kiểm đếm” tài sản văn hóa

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao nói về kiểm đếm di sản văn hóa lại phải viện dẫn việc xây mới trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám? Vấn đề là viện dẫn thực tiễn để làm sáng tỏ quan niệm mới về bảo tồn di sản: Bảo tồn thích nghi. Qua đó, nói rõ kiểm đếm văn hóa không giống kiểm đếm các đồ vật, dẫu là vàng miếng trong kho.

Kiểm đếm phải được triển khai thường xuyên theo từng giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể, với các chuyên gia giỏi, có tầm nhìn rộng, các nhà quản lý tâm huyết, có năng lực tiếp nhận ý kiến chuyên gia đa ngành lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, xây dựng và cả kinh tế thời mở cửa hội nhập.

“Với vốn văn hóa truyền thống đồ sộ của mình, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bước vào hội nhập phát triển vô cùng thuận lợi. Vấn đề là phải kiểm đếm, sắp xếp một cách khoa học để khi cần, có thể dùng được ngay”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Phân tích thực tế những lợi ích kinh tế mà di tích mang lại, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Vân Chi (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam) cho biết, với sức hút mạnh mẽ của các di tích, thành phố Hà Nội đã xây dựng 3 tour du lịch khám phá 28 tuyến phố cổ, 121 di tích lịch sử, văn hóa - lịch sử cách mạng và các công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Bài 3:  Cần phải “kiểm đếm” tài sản văn hóa

Nhiều tour khác gắn với các di tích nổi tiếng của thành phố, như “Tuyến du lịch vàng Hà Nội” kết nối các điểm đến quen thuộc và hấp dẫn: Hồ Hoàn Kiếm, Khu Phố cổ, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Chùa Một Cột; tour “Hà Nội bộ hành” gắn với các di tích Đình Đồng Lạc, Cầu Long Biên; tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội… và nhiều tour du lịch văn hóa khác.

Đặc biệt, các tour du lịch “Đêm thiêng liêng” thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò lập tức tạo được dấu ấn với hàng nghìn du khách ngay khi khai trương, trở thành một hiện tượng của du lịch văn hóa, tạo nên “cơn sốt” với tình trạng “cháy vé”, vé được đặt hết trước cả tháng.

Rõ ràng, khi tiềm năng của hệ thống di tích được đánh thức, với tư cách là nguồn vốn văn hóa đã mang lại lợi ích kinh tế đáng ghi nhận: Trong năm 2019 khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đón hơn 1,5 triệu lượt khách; Đền Ngọc Sơn đón gần 1,2 triệu lượt; Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón gần 400 nghìn lượt; Nhà tù Hỏa Lò hơn 450 nghìn lượt. Ngoài ra, còn có Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…

Các làng nghề cũng được thiết kế để trở thành những điểm du lịch hút khách, ví như tour xe đạp khám phá Cổ Loa - Làng gốm Bát Tràng - Các di tích thuộc “Thăng Long tứ trấn” của Hà Nội; tour đi bộ “Đi tìm dấu ấn phố nghề Thăng Long”. Các hình thức du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch đồng quê/miệt vườn, du lịch trải nghiệm... cũng ngày càng phát triển.

Bài 3:  Cần phải “kiểm đếm” tài sản văn hóa

“Có thể thấy, văn hóa dù ở trạng thái nào cũng có những tác động không hề nhỏ đối với kinh tế. Nếu chúng ta nhận thức được điều này, có những chính sách, chiến lược phù hợp để phát huy vốn văn hóa, khai thác chúng một cách hiệu quả, thì sẽ thu được những nguồn lợi lớn, không chỉ về tinh thần, mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển”, bà Đinh Thị Vân Chi nhấn mạnh.

Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại”, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giới chuyên môn.

Các đại biểu đưa ra những giải pháp cơ bản như: Cần thực hiện tốt chủ trương tư liệu hóa các di sản văn hóa của Hà Nội, từ đó có định hướng rõ ràng cho việc đầu tư, phát huy giá trị của di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Mở rộng quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội; nghiên cứu, dự báo về những thách thức tác động đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô; ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử cách mạng có giá trị tiêu biểu; xây dựng chương trình hành động nhằm quảng bá, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và có nguy cơ mai một...

Bài 3:  Cần phải “kiểm đếm” tài sản văn hóa

Từ thực tiễn hoạt động bảo tồn di sản, các chuyên gia đề nghị Hà Nội nên xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển mạng lưới bảo tàng ngoài công lập; đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững; tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố, ưu tiên phát triển hình thức du lịch cộng đồng để bảo tồn di sản văn hóa tại cộng đồng.

PGS.TS Phạm Duy Đức đã đề xuất, cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa nói chung, của nguồn lực văn hóa nói riêng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô hiện nay. Ngoài ra, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội từ nay đến 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn 2045, đặt Thủ đô Hà Nội trong mối quan hệ với tốc độ phát triển của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng Bắc Bộ và kết nối quốc tế để xác định quy hoạch tổng thể phát triển nguồn lực văn hóa. Quản lý trật tự đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc gắn liền với quy hoạch không gian đô thị, trong đó có không gian phát triển các nguồn lực văn hóa, không gian di sản, không gian phát triển các khu công nghiệp văn hóa, không gian giải trí, không gian thiết kế sáng tạo…

Nhìn nhận việc phát huy di sản từ các lễ hội truyền thống của Hà Nội, các chuyên gia cũng đề xuất đưa lễ hội vào đời sống một cách hiệu quả bằng cách liên kết các đơn vị quản lý di tích với đơn vị làm du lịch, nhằm tạo sản phẩm du lịch cho Thủ đô, thu hút du khách. Lễ hội truyền thống luôn kèm theo các tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân địa phương, các sản phẩm ẩm thực, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn của riêng Hà Nội, đó chính là những giá trị văn hóa đặc sắc để níu chân du khách ở lại Hà Nội. Và đây cũng chính là nguồn lực tiềm tàng để Hà Nội có thể khai thác cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô.

Bài 3:  Cần phải “kiểm đếm” tài sản văn hóa

Nội dung, thiết kế: Bảo Thoa - Bùi Phương