Multimedia
02/08/2024 15:00
Bài 2: Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất cho Thủ đô

02/08/2024 15:00

Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến đang đứng trước cơ hội lớn để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa thông qua mô hình Khu phát triển thương mại, văn hóa (BID). Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn như New York, London, Tokyo và Singapore cho thấy, BID có thể tạo ra sức sống mới cho cộng đồng và thúc đẩy giá trị thương mại, đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa. Với đặc trưng riêng có, Thủ đô Hà Nội có tiềm năng to lớn để áp dụng cơ chế BID, hướng tới mục tiêu xây dựng các khu thương mại - văn hóa sôi động, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, Hà Nội cần có chiến lược cụ thể trong việc xác định điều kiện hình thành, thiết lập cơ chế hoạt động và mô hình quản lý phù hợp với bối cảnh địa phương.
Bài 2: Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất cho Thủ đô
Bài 2: Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất cho Thủ đô

Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến đang đứng trước cơ hội lớn để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa thông qua mô hình Khu phát triển thương mại, văn hóa (BID). Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn như New York, London, Tokyo và Singapore cho thấy, BID có thể tạo ra sức sống mới cho cộng đồng và thúc đẩy giá trị thương mại, đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa. Với đặc trưng riêng có, Thủ đô Hà Nội có tiềm năng to lớn để áp dụng cơ chế BID, hướng tới mục tiêu xây dựng các khu thương mại - văn hóa sôi động, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, Hà Nội cần có chiến lược cụ thể trong việc xác định điều kiện hình thành, thiết lập cơ chế hoạt động và mô hình quản lý phù hợp với bối cảnh địa phương.

Bài 2: Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất cho Thủ đô

Theo nghiên cứu của luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam, ở Vương quốc Anh, phần lớn các khu BID tồn tại ở các trung tâm thị trấn và thành phố. Một số khu BID cũng ở các địa điểm công nghiệp, thương mại và khu hỗn hợp. Cơ chế BID cho phép mức độ linh hoạt cao và kết quả là BID có thể khác nhau về quy mô, hình thức. Mỗi khu trung bình có từ 300-400 cửa hàng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có khu nhỏ nhất có ít hơn 50 và khu lớn nhất lên tới hơn 1.000 doanh nghiệp.

Mục tiêu hình thành các khu BID ở Vương quốc Anh là nhằm kêu gọi các bên có liên quan cùng đầu tư để cải thiện môi trường, điều kiện kinh doanh, tăng cường khả năng đi bộ và mua sắm của công chúng, tăng cường an toàn và an ninh, thúc đẩy các mạng lưới kinh doanh, quan hệ cộng đồng. Các khu BID được hình thành và hoạt động trong vòng 5 năm theo quy định của pháp luật Anh quốc và có thể được gia hạn thêm 5 năm tiếp theo nếu việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đồng thuận tiếp tục.

Kỳ 2:  Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất mô hình BID cho Hà Nội

Để hỗ trợ cho việc hình thành khu BID, Chính phủ Anh tổ chức các khoá học trực tiếp và trực tuyến giới thiệu về mô hình tổ chức khu BID, các tiêu chí về kinh doanh, quy hoạch, tham vấn và lấy ý kiến qua bỏ phiếu cộng đồng dân cư, thiết kế cảnh quan, quản lý hiệu quả, truyền thông tiếp thị, mô hình quản lý cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương

Theo kinh nghiệm của thành phố London, chính quyền thành phố London ban hành một số tài liệu, văn bản để hỗ trợ cho việc hình thành và quản lý một khu BID. Tính đến tháng 6/2023, thành phố London có 75 khu BID được thành lập và hoạt động, trong đó có đến 65 khu nằm trong trung tâm thành phố

Còn tại Mỹ, có hơn 1.000 khu BID, riêng bang New York có khoảng 76 khu, và Thủ đô Washington DC có 12 khu. Việc thành lập các khu BID phụ thuộc vào chính sách pháp luật của chính quyền bang và thông qua việc bỏ phiếu tán thành của cư dân, tổ chức, doanh nghiệp sống trong khu BID.

Đối với thành phố New York, hàng năm có khoảng 187 triệu đô la được đầu tư cho các hoạt động với 24.000 cửa hàng ở mặt phố được hưởng lợi, 176 quảng trường, vườn hoa được duy tu và 3,42 triệu túi rác được thu gom. Quy định pháp luật về khu BID đầu tiên ở New York là Luật về Khu đánh giá đặc biệt đầu tiên được thông qua vào năm 1976. Năm 1981 - 1982, pháp luật của bang mới cho phép thu thêm một khoản phụ phí đối với chủ sở hữu tài sản trong khu để giải quyết những vấn đề của khu. Đây là những điều kiện cơ bản để hình thành khu BID.

Kỳ 2:  Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất mô hình BID cho Hà Nội

Mục tiêu của New York khi cho phép các khu BID là nhằm tạo ra các khu vực sôi động, sạch sẽ và an toàn. Các khu này cung cấp các dịch vụ và cải tiến vượt trên những dịch vụ tiện ích công thường được thành phố cung cấp như vệ sinh và duy tu đường; an toàn công cộng và tiếp đón du khách; truyền thông tiếp thị và tổ chức sự kiện; cải thiện cơ sở hạ tầng; trang trí đường phố,… Theo quy định pháp luật, các dịch vụ công của thành phố không được cắt giảm trong các khu BID.

Các hoạt động và dịch vụ của khu BID sẽ dựa trên khoản phụ phí/phụ thu áp dụng đối với chủ sở hữu bất động sản trong khu. Mức phí của mỗi khu là khác nhau do các bên liên quan của khu BID quyết định. Mức phí áp dụng cho mỗi chủ bất động sản cũng khác nhau dựa trên giá trị tài sản, diện tích hoặc vị trí thuận lợi (như mặt phố). Nhìn chung, cư dân, tổ chức phi lợi nhuận và chính quyền sẽ không phải đóng khoản phụ phí này. Chính quyền thành phố New York hỗ trợ việc thu khoản phụ phí này và sau đó chuyển lại toàn bộ cho khu BID.

Trong đó, đáng chú ý là Khu Grand Central Partnership (GCP) được thành lập vào năm 1988, lâu đời nhất ở New York và là một trong những BID lớn nhất ở Hoa Kỳ. Khu GCP phục vụ khoảng 710ha của Midtown Manhattan xung quanh Nhà ga Grand Central, một biểu tượng của Thành phố New York, ngành công nghiệp đường sắt của Hoa Kỳ và di sản kiến trúc vượt bậc và đột phá của thế giới trong giai đoạn hơn 100 năm trước đây.

Bài 2: Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất cho Thủ đô

Để phát huy được các giá trị văn hoá để thu hút du khách, khu GCP đã cải tạo cảnh quan xung quanh, đặc biệt là các tuyến phố đi bộ, đặc biệt với hình thành một “con đường Thư viện” (Library Way) giữa sự hợp tác của chính quyền thành phố, đơn vị quản lý khu GCP, Thư viện Công cộng New York và các nghệ sĩ điêu khắc.

“Con đường Thư viện” đã có biểu tượng riêng, gắn các tác phẩm điêu khắc ở trên tường hoặc vỉa hè với những hình ảnh và nội dung liên quan đến sách, thư viện, những câu châm ngôn nổi tiếng liên quan đến tri thức. Khu GCP thu hút được 9200 đơn vị kinh doanh, 225.000 lao động văn phòng trong đó có đến 65.000 lao động trong lĩnh vực tài chính, bất động sản.

Nhật Bản cũng nghiên cứu mô hình phát triển các khu BID của phương Tây trong hơn 20 năm qua để áp dụng tại đất nước. Các địa phương của Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách nhằm chấn hưng các hoạt động kinh doanh, văn hoá ở nhiều địa phương.

Cho đến tháng 3/2017, 141 đô thị (chiếm 8% tổng số đô thị ở Nhật Bản) đã triển khai các kế hoạch chấn hưng địa phương với những địa điểm được xác định nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh dịch vụ và bán lẻ, không gian công cộng chung cho người dân như vườn hoa, công viên, đường đi bộ, bãi đỗ xe… và tạo thêm việc làm mới.

Còn Singapore nghiên cứu sự phát triển các khu BID từ cuối những năm 1990 và có 9 khu BID hoạt động. Để BID là những địa điểm thú vị và khác biệt, mỗi khu đều có những mục tiêu (tầm nhìn) định hướng phát triển dựa trên những đặc điểm về di sản văn hoá, lợi thế cảnh quan và lợi thế thương mại…

Bài 2: Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất cho Thủ đô

Có thể khẳng định, kinh nghiệm phát triển khu BID từ các thành phố lớn trên thế giới như New York, London… chắc chắn sẽ là những bài học quý báu cho Hà Nội. Những mô hình này đã chứng minh hiệu quả trong việc tạo ra không gian đô thị sôi động, cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là Hà Nội không hề thua kém các đô thị này về tiềm năng phát triển khu BID. Với lịch sử nghìn năm văn hiến, sự đa dạng văn hóa độc đáo, cùng với sự phát triển kinh tế năng động, Thủ đô Việt Nam sở hữu những lợi thế riêng biệt.

Hà Nội có thể kết hợp giữa các phố cổ mang đậm dấu ấn lịch sử, các làng nghề truyền thống, và những khu vực phát triển hiện đại để tạo ra các khu BID độc đáo, vừa mang tính toàn cầu vừa giữ được bản sắc riêng. Với sự quyết tâm của chính quyền và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội hoàn toàn có khả năng phát triển những khu BID không chỉ học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế mà còn có thể trở thành mô hình điển hình cho các đô thị khác trong khu vực.

Hồ Hoàn Kiếm - trái tim của Hà Nội nghìn năm văn hiến, đang trở thành ngọn hải đăng cho sự phát triển du lịch đêm của Thủ đô. Trong ánh đèn lung linh phản chiếu trên mặt nước, ba biểu tượng Tháp Rùa, Đài Nghiên và Tháp Bút đứng sừng sững như những người canh gác cho di sản văn hóa lâu đời của dân tộc. Khu vực này không chỉ là một trang sử sống động của Hà Thành, mà còn là sân khấu cho những màn trình diễn đầy màu sắc của đời sống đô thị hiện đại.

Là trung tâm nội đô lịch sử cốt lõi là lịch sử văn hoá truyền thống, quận Hoàn Kiếm có diện tích là 5,34 km2, dân số khoảng 157.800 người, với 18 phường, được chia làm 4 khu vực: Khu phố cổ Hà Nội; khu phố cũ quận Hoàn Kiếm, khu hồ Gươm và vùng phụ cận và khu ngoài đê sông Hồng là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Thủ đô và cả nước.

Kỳ 2:  Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất mô hình BID cho Hà Nội

Quận Hoàn Kiếm, với tầm nhìn tiên phong, đã sớm nhận ra tiềm năng của kinh tế ban đêm. Đây là quận đầu tiên trên địa bàn Thành phố ban hành Nghị quyết số 120 ngày 20/6/2023 về giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế ban đêm trên địa bàn quận. Trước đó, từ năm 2004, kinh tế ban đêm đã được hình thành tại quận Hoàn Kiếm với các loại hình như: Chợ đêm Đồng Xuân, các không gian đi bộ khu Phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, các tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ, Tạ Hiện… Đặc biệt là vào các ngày cuối tuần, một số hoạt động đêm đã trở thành lực hút đối với du khách mỗi khi tới Hoàn Kiếm.

Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, quận đã và đang thực hiện một cuộc “cách mạng” trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. 22 di tích được trùng tu, 24 ngôi nhà cổ được bảo tồn, 14 lễ hội truyền thống được khôi phục - tất cả đều là những nỗ lực không ngừng nghỉ để giữ gìn linh hồn của Hà Nội xưa. Song song với đó, hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp mạnh mẽ, biến Phố cổ thành một không gian vừa cổ kính vừa hiện đại.

Kết quả của những nỗ lực này đã được phản ánh qua con số ấn tượng: Lượng khách lưu trú qua đêm tăng vọt từ 625.604 lượt năm 2021 lên đến ước tính 1,6 triệu lượt trong năm 2023. Doanh thu từ ngành lưu trú và ăn uống cũng tăng mạnh, từ 1.571 tỷ đồng năm 2021 lên đến ước tính 6.012 tỷ đồng năm 2023. Đặc biệt, ngành Du lịch Thủ đô đã chứng kiến một sự bứt phá ngoạn mục, với doanh thu tăng từ 189 tỷ đồng năm 2021 lên đến ước tính 3.975 tỷ đồng năm 2023. Hướng tới tương lai, quận Hoàn Kiếm đang ấp ủ những dự án đầy tham vọng. Việc mở rộng không gian đi bộ tới Quảng trường Cách mạng tháng Tám, khu vực Nhà hát Lớn - phố Tràng Tiền và quảng trường trước Nhà thờ Lớn hứa hẹn sẽ tạo ra những điểm nhấn mới cho du lịch đêm Thủ đô.

Kỳ 2:  Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất mô hình BID cho Hà Nội

Ngoài phát triển kinh tế đêm, trước tiềm năng vốn có trên cơ sở các giá trị vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận, thời gian qua các cấp lãnh đạo quận Hoàn Kiếm hết sức quan tâm và đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch có liên quan đến việc thúc đẩy các ngành dịch vụ, thương mại gắn với việc bảo tồn, phát triển văn hoá.

Đặc biệt, việc đưa vào hoạt động không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; thúc đẩy kinh tế quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Tại không gian phố đi bộ không chỉ diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân mà còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, không gian phố đi bộ đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến với Hà Nội, nhất là những ngày cuối tuần và những ngày lễ lớn.

Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm nhận định: “Kinh nghiệm quốc tế về khu phát triển thương mại và văn hoá có nội hàm phù hợp với thực tiễn áp dụng cho khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội. Khu vực Phố cổ của quận Hoàn Kiếm với những đặc trưng là các phố “Hàng”, các phố ẩm thực hiện có trên địa bàn quân như: Tống Duy Tân, Cấm Chỉ, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Tạ Hiện,... có điều kiện thuận lợi để phát triển các khu thúc đẩy thương mại văn hoá. Những thành công từ việc hình thành Phố đi bộ vào các ngày cuối tuần ở khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là một ví dụ của việc hình thành các khu cải tiến thương mại và văn hoá.

Bài 2: Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất mô hình BID cho Hà Nội

Việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và bảo tồn lại khu phố cổ, khu phố cũ, biệt thự cũ và những công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ giúp cho việc phát triển dịch vụ thương mại du lịch tại các khu phố cổ, khu phố cũ, kinh tế đêm, góp phần khu thúc đẩy kinh tế, du lịch và văn hoá tại Thủ đô Hà Nội, phù hợp với chủ trương của Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Đồng thời, khi giải pháp này được thực hiện thì cũng khuyến khích người dân ở các khu phố trong khu vực cải tiến thương mại tự đầu tư, tự cải tạo, chỉnh trang nhà hoặc công trình kiến trúc có giá trị để đảm bảo mỹ quan đô thị, gìn giữ và phát huy được các giá trị văn hoá đặc trưng của Thủ đô; góp phần gìn giữ được lối sống, nghề truyền thống và kiến trúc cảnh quan của tuyến phố dựa trên sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; khuyến khích được các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể được phát triển”.

Chia sẻ về tiềm năng của phố đi bộ Hoàn Kiếm, thạc sĩ Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết: “Trong thời gian qua, trung bình mỗi ngày cuối tuần có khoảng 20 nghìn lượt khách đến với không gian phố đi bộ. Qua đó, góp phần đưa lượng khách du lịch quốc tế có lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh. Phố đi bộ trở thành điểm đến văn hóa; đồng thời đóng góp rất lớn vào sự phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ của quận Hoàn Kiếm nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung.

Kỳ 2:  Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất mô hình BID cho Hà Nội

Các không gian đi bộ trong thời gian qua tại quận Hoàn Kiếm đã làm gia tăng cơ hội phát triển thương mại và du lịch. Kinh tế dân sinh tăng, tăng thu ngân sách, địa phương có nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cao đời sống xã hội, đồng thời với khai thác lợi thế của khu đô thị di sản là giải pháp tích cực và bền vững để bảo vệ tốt hơn những di sản cảnh quan kiến trúc, thiên nhiên, lịch sử của quận Hoàn Kiếm”.

Với những bước đi vững chắc này, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn về một Thủ đô năng động, nơi các khu thương mại và văn hóa hòa quyện tạo nên một bản sắc đô thị độc đáo. Sự phát triển của các khu vực như Hoàn Kiếm không chỉ thúc đẩy kinh tế ban đêm mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Mục tiêu đón 25,5 triệu lượt khách trong năm 2024, với tổng thu từ du lịch đạt khoảng 94,41 nghìn tỷ đồng, phản ánh tiềm năng to lớn của mô hình phát triển khu thương mại - văn hóa tại Thủ đô.

Sự kết hợp hài hòa giữa các không gian đi bộ, phố cổ được bảo tồn, và các khu vực thương mại hiện đại đang tạo ra một hệ sinh thái đô thị độc đáo, nơi du khách có thể trải nghiệm sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại. Điều này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một Hà Nội văn hiến và hiện đại trong mắt bạn bè quốc tế.

Thành công của mô hình phát triển khu thương mại, văn hóa tại Hà Nội có thể trở thành hình mẫu cho các đô thị khác trong khu vực, minh chứng cho khả năng hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản. Đây không chỉ là con đường phát triển bền vững cho Thủ đô mà còn là cách Hà Nội khẳng định vị thế của mình như một điểm đến văn hóa - du lịch hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Bài 2: Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất mô hình BID cho Hà Nội

Nội dung và thiết kế: Bảo Thoa - Bùi Phương