Multimedia
27/07/2024 11:02
Bài 2: “Đánh thức” tiềm năng các di sản gắn với du lịch

27/07/2024 11:02

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không ngừng thay đổi và phát triển, các di tích lịch sử và văn hóa không chỉ mang giá trị tinh thần và truyền thống mà còn tiềm ẩn nguồn lực kinh tế to lớn.
Bài 2: “Đánh thức” tiềm năng các di sản gắn với du lịch

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không ngừng thay đổi và phát triển, các di tích lịch sử và văn hóa không chỉ mang giá trị tinh thần và truyền thống, mà còn tiềm ẩn nguồn lực kinh tế to lớn. Thành công từ việc khai thác những di tích như Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long và Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm là minh chứng rõ ràng cho thấy, khi được quản lý và khai thác đúng cách, các điểm đến văn hóa không chỉ bảo tồn được giá trị truyền thống, mà còn mang lại nguồn thu đáng kể, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của Thủ đô. Bài học từ những điểm đến văn hóa "hái ra tiền" này chính là nền tảng vững chắc để chúng ta nhìn nhận lại và phát triển các di sản văn hóa của Hà Nội một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Bài 2: “Đánh thức” tiềm năng các di sản gắn với du lịch

Trong bức tranh đa sắc của công nghiệp văn hóa Thủ đô, nổi lên nhiều điểm sáng. Không chỉ dừng lại ở việc bán vé tham quan đơn thuần như nhiều di tích trên khắp cả nước bấy lâu, Di tích Nhà tù Hỏa Lò có lẽ là mô hình đầu tiên biến di sản thành sản phẩm dịch vụ thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điều tạo nên dấu ấn ở nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” không chỉ còn là những trưng bày tĩnh tại, những trải nghiệm tái hiện thực cảnh, mà còn là những hành trình tour đêm đầy sức hút.

Phát triển các chương trình du lịch trải nghiệm, sử dụng các nền tảng mạng xã hội để truyền thông, tổ chức các hoạt cảnh sinh động tái hiện tinh thần bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong ngục tù… Đó là những cách làm sáng tạo mà Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã triển khai để mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị, góp phần đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ.

Bài 2: “Đánh thức” tiềm năng các di sản gắn với du lịch

Theo ông Đặng Văn Biểu - Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, có những thời điểm du khách phải đặt mua vé trước nhiều tháng. Theo thống kê của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, năm 2023, đơn vị đã đón tiếp hơn 600 nghìn lượt khách với doanh thu đạt hơn 14 tỷ đồng. Để mang lại sự hấp dẫn cho du khách, đơn vị đã nâng cấp trải nghiệm tham quan của du khách tại hệ thống trưng bày thường xuyên. Xây dựng những bài thuyết minh trưng bày phù hợp với từng lứa tuổi; nội dung lịch sử được truyền tải đến du khách qua lời dẫn chuyện của thuyết minh viên, kết hợp với âm thanh sống động, phù hợp.

Để tạo điểm nhấn, đơn vị này đã tích cực tìm tòi, đổi mới hình thức thể hiện, tăng cường trải nghiệm thực tế không gian trưng bày chuyên đề, với nội dung, đề tài phong phú gắn liền với các sự kiện lịch sử hay các ngày lễ trọng đại của đất nước. Các hoạt động tương tác được ứng dụng nhiều hơn trong các trưng bày chuyên đề, hỗ trợ gia tăng trải nghiệm của khách tham quan, lan tỏa hình ảnh Di tích. Xây dựng các hoạt động trải nghiệm thực tế và biểu diễn các hoạt cảnh tái hiện lại sự kiện lịch sử liên quan đến nội dung trưng bày…

Qua nền tảng mạng xã hội, di tích đã thu hút đông đảo các bạn trẻ đến tham quan. Đặc biệt từ năm 2019, Nhà tù Hỏa Lò triển khai hệ thống thuyết minh tự động để phục vụ du khách. Với thiết bị này, du khách có thể tự trải nghiệm 35 câu chuyện lịch sử qua chính lời kể của những người tù chính trị về cuộc sống khó khăn trong tù…

Ông Đặng Văn Biểu cho hay, số lượng du khách đăng ký tham quan các tour đêm lúc nào cũng kín chỗ. Mỗi ngày di tích đón trung bình hơn 2.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Điều đó cho thấy, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã thành công trong việc đưa lịch sử gần hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ.

Bài 2: “Đánh thức” tiềm năng các di sản gắn với du lịch

Từ mô hình phát huy giá trị di sản của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, hai di sản văn hóa trọng điểm ở Hà Nội là Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã lần lượt ra mắt những tour đêm thú vị nhằm đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ với di sản. Việc khai thác những tiềm năng, thế mạnh từ di sản cũng đồng thời mang lại những nguồn thu không nhỏ.

Với những giá trị nổi bật toàn cầu, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và ngành Du lịch Hà Nội đã và đang tập trung xây dựng hướng phát triển di sản để Hoàng thành Thăng Long trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long vẫn lưu giữ những giá trị lịch sử - văn hóa - kiến trúc đặc sắc. Nơi đây có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nổi bật là dấu tích khảo cổ học trong lòng đất và các công trình kiến trúc hiện hữu.

Nỗ lực không ngừng để thu hút khách tham quan, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng nhiều tour du lịch phù hợp với những đối tượng khác nhau, giúp du khách khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc một cách sâu sắc nhất. Nếu tour tham quan di sản tổng thể Hoàng thành Thăng Long mang đến cho du khách cái nhìn đa chiều về di tích, thì tour tâm linh về nguồn lại đưa du khách đến tham quan thềm Điện Kính Thiên, dâng hương tưởng nhớ 52 vị tiên đế các triều đại phong kiến Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, một sản phẩm du lịch mới thu hút được khá đông du khách là tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”.

Bài 2: “Đánh thức” tiềm năng các di sản gắn với du lịch

Để làm phong phú thêm các hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội thường niên vào các dịp lễ, Tết. Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long được tiếp cận với nhiều tiện ích như hệ thống wifi miễn phí, phần mềm thuyết minh trên điện thoại thông minh. Nói về khả năng “hái ra tiền”, có thể lấy ngay dẫn chứng, riêng trong 5 ngày Tết Giáp Thìn năm 2024, Di sản này đã đón tới 50 nghìn lượt khách tham quan. Đây là “doanh thu” mà nhiều khu di tích khác phải “ghen tị”.

Tương tự, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm đến được yêu thích của Hà Nội, mỗi năm khu di tích đón hàng triệu lượt khách tham quan cả trong nước và nước ngoài. Trước những yêu cầu mới trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo, thời gian qua, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có những bước chuyển mình, dần trở thành một không gian văn hóa sáng tạo với nhiều hoạt động phong phú như các chương trình giáo dục di sản, các cuộc triển lãm, trưng bày...

Một trong những dấu ấn nổi bật là Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức chương trình trải nghiệm đêm với chủ đề “Tinh hoa đạo học” thú vị, độc đáo. Tại đây, toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước trong lịch sử được thể hiện với phong cách thiết kế mang hơi thở đương đại, song vẫn in đậm dấu ấn truyền thống. Bên cạnh đó, khách tham quan còn được trải nghiệm sản phẩm công nghệ mới lạ, như việc viết thư pháp bằng công nghệ thực tế ảo…

Bài 2: “Đánh thức” tiềm năng các di sản gắn với du lịch

Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, với những hoạt động nêu trên, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thực sự có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thích ứng với cơ chế tự chủ, nhanh chóng vượt qua khó khăn do đại địch. Di tích trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, học tập mỗi năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tự chủ chi thường xuyên, một phần chi đầu tư cho tôn tạo, tu bổ các hạng mục của di tích. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả ban đầu, chưa thực sự bền vững, cần tiếp tục phải có giải pháp phù hợp, hiệu quả để phát huy được tiềm năng của di tích trong điều kiện hiện nay.

“Trung tâm tiếp tục bám nắm 3 từ khóa là “sáng tạo”, “công nghiệp văn hóa” và “chuyển đổi số” để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đạt được một số thành tựu về bảo tồn, trưng bày triển lãm, hoạt động nghệ thuật, đón khách tham quan… Hoạt động trải nghiệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đêm đã đạt được một số kết quả tích cực, song vẫn cần cải thiện nhiều”, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh.

Những thành công ban đầu từ phát triển công nghiệp văn hóa ở các di tích trọng điểm trên địa bàn Hà Nội một lần nữa cho thấy, những giá trị từ di sản sẽ được phát huy nếu được nhìn nhận, tận dụng đúng cách.

Một Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũ kỹ, một tháp nước Hàng Đậu lặng yên sau gần 13 thập kỷ tồn tại, một chuyến tàu với hành trình đặc biệt qua những miền di sản… Tất cả như được đánh thức bởi những ý tưởng thiết kế sáng tạo chưa từng có. Sự háo hức đón nhận của hàng vạn du khách cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng nhận thấy, kho tàng di sản chính là “kho báu” mà lâu nay, vì lý do này khác mà chúng đã bị lãng quên.

Bài 2: “Đánh thức” tiềm năng các di sản gắn với du lịch

Lãnh đạo ngành Văn hóa Thủ đô cũng nhiều lần nhấn mạnh, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Với kho tàng đồ sộ các di sản vật thể, phi vật thể, Hà Nội thực sự là một vùng đất có tiềm năng văn hóa và nhiều lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên khai thác giá trị kinh tế của di sản.

Thiết nghĩ, đã đến lúc người làm văn hóa ở Hà Nội cần phải bứt ra khỏi đường ray xưa cũ để tìm đến với những ý tưởng bay bổng, sáng tạo. Với những con người cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất kinh kỳ, niềm mong mỏi cũng chính là những khám phá, trải nghiệm nhiều điều mới lạ trên vùng đất chất chứa dấu tích của một thuở vàng son, tất cả được tái hiện trong những sản phẩm, hình hài mới mẻ, sinh động và cuốn hút.

Năm 2024, Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), một dấu mốc quan trọng để có nhiều bứt phá hơn trong công cuộc phát triển mọi mặt đời sống xã hội, cũng như tiến tới trở thành con chim đầu đàn trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa của cả nước đã đặt ra. Kỳ vọng, năm tới và sau này, phát huy những thành tựu thời gian qua, Hà Nội sẽ có thêm nhiều sáng tạo hơn nữa trong khai thác di sản, biến chúng thành tài sản phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Bài 2: “Đánh thức” tiềm năng các di sản gắn với du lịch

Bài 2: “Đánh thức” tiềm năng các di sản gắn với du lịch

Nội dung, thiết kế: Bảo Thoa - Bùi Phương