Multimedia
03/08/2020 10:11
Bài 1: Văn hoá là nền tảng xây dựng, phát triển đơn vị, doanh nghiệp

03/08/2020 10:11

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - hơn 74 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy. Ở nước ta, mục tiêu xây dựng văn hóa của Đảng cũng là mục tiêu xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó, công nhân, viên chức, người lao động ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời là chủ thể của sự phát triển. Văn hóa phát triển sẽ góp phần tạo lập môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, nâng cao trình độ dân trí, trình độ khoa học công nghệ, nâng cao kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp, góp phần xây dựng chất lượng nguồn nhân lực lao động giúp kinh tế - xã hội phát triển.
bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep
bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep
bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep

bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep

bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep
bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep

Lên Hà Nội làm thuê từ năm 15 tuổi, chị Chung chưa bao giờ được đặt chân đến Lăng Bác, Hồ Gươm hay các điểm vui chơi giải trí ở Thủ đô. Mong ước thưởng thức cây kem Tràng Tiền đối với chị cũng là xa xỉ.

Chị Nguyễn Thị Chung – 37 tuổi, quê Hải Dương là ví dụ cho hàng nghìn lao động ở thành phố này đang phải sống tằn tiện, lo cơm ăn áo mặc hàng ngày mà quên đi đời sống văn hóa tinh thần của mình.

bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep

Rời vùng quê nghèo khó lên chốn phồn hoa đô thị lập nghiệp, chị cũng như bao người khác với ước vọng đổi đời. Thế nhưng vì sức khoẻ yếu cùng trình độ hạn chế, 13 năm nay chị vẫn chỉ làm nhân viên tạp vụ cho Công ty Cổ phần Tập đoàn C.EO (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Chị Chung nhẩm tính, tiền lương của chị hiện tại là 4 triệu 740 nghìn đồng, thêm phụ cấp 20 nghìn ăn trưa mỗi ngày. Nếu như mọi khi chị đi làm thêm vào ngày Chủ nhật được 400 nghìn/ ngày thì tổng cộng mỗi tháng được khoảng 7 triệu. Thế nhưng vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành, không ai thuê chị lau dọn vào mỗi Chủ nhật nữa.

Bình thường chồng chị làm bảo vệ, mỗi tháng cũng được thêm vài ba triệu. Nhưng bố chồng chị bị tai biến đã 20 năm nay, đi lại ngày càng khó khăn. Mẹ chồng chị đang bị ung thư hạch giai đoạn 4 nên chồng chị nghỉ hẳn ở nhà chăm ông bà.

Hoàn cảnh đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Hai con nhỏ nhà chị một lớp 6, một lớp 2 đang tuổi ăn học cùng tiền thuốc thang cho bố mẹ chồng một mình đẩy lên đôi vai nhỏ bé của chị. Chị Chung nghĩ chỉ còn cách bán ngôi nhà nhỏ đang ở để trang trải nợ nần. Đôi mắt đượm buồn, cuộc sống phải tằn tiện, thu nhập không đủ sống khiến chị chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần. Chị Chung bảo, chỉ mong có sức khoẻ, sống được bằng thu nhập là hạnh phúc lắm rồi.

Một ngày của chị Chung diễn ra như mọi ngày, đều bắt đầu trong sự vội vã, hối hả, lo toan, lặp đi lặp lại. Sáng dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, cho con ăn uống, đưa con đi học, đến công ty làm việc. Tối về dọn dẹp, tắm rửa, lo cho con học bài, đi ngủ… Cuối tuần lại tất bật tăng ca, đi làm thêm kiếm thêm thu nhập. Đã từ lâu, chị quên đi những vui, buồn, những cảm nhận, những nhu cầu của bản thân.

Một vòng luẩn quẩn cứ bó hẹp đời sống của người công nhân khiến họ quá mệt mỏi để xoay sở cuộc sống hàng ngày nên cũng không còn nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần nữa.

Ở bên kia thành phố, tại Khu Công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội), sau bữa ăn tối, chàng thanh niên trẻ Và Bá Giờ lại cầm chiếc smartphone, truy cập kênh YouTube tìm kiếm một vài video hài để xem giải trí trước khi đi làm ca 3 từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Từ khi ra Hà Nội làm công nhân, chiếc smartphone là phương tiện duy nhất phục vụ nhu cầu giải trí, tìm hiểu thông tin của Giờ.

Bố Giờ mất sớm, nhà lại đông anh em, kinh tế eo hẹp, cả gia đình gần chục miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết lớp 9, Và Bá Giờ xin mẹ cho nghỉ học để ở nhà phụ giúp việc đồng áng. Đủ khôn lớn, Giờ ra Hà Nội để xin làm công nhân với mong muốn có một công việc và thu nhập ổn định để có tiền gửi về cho gia đình.

Ngày đi, mắt mẹ Giờ đỏ hoe vì cả đêm không ngủ, khóc vì thương con, lo cho con một mình ở nơi đất khách quê người liệu có kiếm được việc làm tử tế hay lại bị lừa lọc, sa vào các tệ nạn xã hội. Trước giờ lên xe, Giờ nói với mẹ: “Con ra Hà Nội sẽ cố gắng tìm kiếm được một công việc tốt và tu chí làm ăn, mẹ đừng lo!”.

bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep

Rời quê hương Nghệ An để ra Hà Nội với ước vọng đổi đời nhưng cuộc sống không toàn màu hồng như trong suy nghĩ của chàng thanh niên đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi.

Chân ướt chân ráo ở Thủ đô hoa lệ, qua một người bạn quen trên mạng xã hội Facebook, Giờ được mời gọi đóng 8 triệu để tham gia một mạng lưới bán hàng đa cấp. Vì không có tiền và được nhiều người khuyên không tham gia nên Giờ quyết định đến các khu, cụm công nghiệp để tìm việc làm.

Hơn hai năm tha phương cầu thực, Giờ rơi vào vòng xoáy của cơm áo gạo tiền, với mức lương trung bình 7 triệu/tháng, Giờ phải vắt sức làm việc từ 10 – 12 tiếng/ngày. Có những ngày, tan ca làm, trở về phòng trọ chật hẹp cũng là lúc cơ thể mệt nhoài, chẳng thiết ăn uống, chỉ úp tạm bát mì ăn qua bữa rồi chìm vào giấc ngủ.

Đời sống văn hóa tinh thần của Giờ cũng tẻ nhạt như bát mì không có thêm rau, trứng, thịt… Hằng ngày, Giờ chỉ biết đến công ty và nhà trọ. Từng ấy thời gian ở Hà Nội, Giờ chưa một lần vào nội đô thăm thú các danh lam thắng cảnh, đi xem phim, nghe nhạc hay tham gia một hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nào.

Giờ thích tập gym để cải thiện cân nặng đang ở mức 48kg của mình, nhưng không thực hiện được vì phần lớn thời gian của Giờ đều để làm việc, với lại tiền kiếm được Giờ còn dành dụm gửi về cho gia đình 3 triệu/tháng.

Đầu năm 2020, tai họa ập đến, Giờ bị tai nạn giao thông, gãy tay nên phải nghỉ việc về quê. Chữa trị xong cũng là lúc cả nước hết thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Giờ lại ra Hà Nội để tìm kiếm công việc mới. Đầu tháng 6, Giờ trở thành công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần kim khí Thăng Long.

Ở nơi làm việc mới, Giờ mong muốn sẽ gắn bó lâu dài, có thu nhập ổn định, được tham gia các hoạt động để cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, “nếu không, mình chẳng khác nào một cỗ máy” – Giờ tâm sự.

bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tại Hà Nội, năm 2019, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,69%; khu vực dịch vụ chiếm 64,02% tỷ trọng GPRP của Thành phố. Hơn 86% GPRP của Thủ đô hiện nay được tạo ra từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ theo phương thức công nghiệp. Các sản phẩm công nghiệp mà người dân Thủ đô tiêu dùng được tạo ra từ sản xuất công nghiệp và do người lao động tạo ra.

Thực tế cho thấy, giai cấp công nhân lao động hiện đang là lực lượng sản xuất hàng đầu và đóng góp to lớn đối với đời sống kinh tế, xã hội của Thủ đô nói chung và đất nước nói riêng.

Hà Nội hiện có hơn 231.000 doanh nghiệp với 2,5 triệu công nhân lao động, chiếm 66% tổng số lao động của thành phố. Thành phố hiện có 09 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 150.000 lao động; đóng góp gần 40% giá trị sản lượng công nghiệp, gần 60% kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố, nộp ngân sách trên 2.200 tỉ đồng/năm...

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, mức lương của người lao động được điều chỉnh tăng khoảng 6,5 - 12,4%/năm; thu nhập của người lao động trực tiếp trong các loại hình doanh nghiệp tăng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng năm 2013 lên 5,5 triệu đồng/người/tháng năm 2018, cao hơn mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ...

Tuy nhiên, đang tồn tại một nghịch lý là mặc dù kinh tế của Thủ đô và đất nước tăng trưởng tương đối ổn định, lợi nhuận của các doanh nghiệp không ngừng tăng lên, nhưng đời sống của một bộ phận công nhân lao động vẫn khó khăn, thiếu thốn đặc biệt là đời sống văn hóa tinh thần.

Lý giải điều này, dưới góc độ của chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về công nhân lao động, TS Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nhận định, hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng tập trung cho sản xuất, rất ít quan tâm đến cải thiện điều kiện vui chơi, giải trí cho người lao động. Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao của công nhân lao động còn ít, chỉ có một số ít doanh nghiệp có sân bóng chuyền, sân cầu lông cho công nhân hoặc tổ chức Hội thao nội bộ, tổ chức các trò chơi, sinh hoạt văn nghệ vào các ngày kỷ niệm thành lập doanh nghiệp, ngày lễ, cuối năm...

bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep

Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá Thăng Long, cho hay, trước đây, chủ yếu là cơ quan, nhà máy, xí nghiệp của Nhà nước quan tâm đến đời sống văn hoá của người lao động hơn bây giờ. Tại sao lại vậy?

TS Nguyễn Viết Chức lý giải, người làm chủ chính là những người công nhân. Hiện nay, giới chủ là những người sản xuất kinh doanh, bao giờ họ cũng tập trung vào năng suất lao động, hiệu quả kinh tế của họ trước, quan tâm đến lợi ích trước mắt trước chứ không quan tâm đến lợi ích lâu dài. Thời bao cấp trước đây ở Thủ đô có phong trào quần chúng rất mạnh, nhiều nghệ sĩ đi lên từ phong trào này, giờ đã giảm đi rất nhiều.

Bên cạnh đó, những nội dung hoạt động văn hoá hiện nay không được chú trọng mà chỉ mang tính chất hoạt động phong trào, chú trọng hình thức, sơ sài, nhàm chán, lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, quanh quẩn vẫn nội dung đó, không trở thành nội dung phong phú đáp ứng được yêu cầu của người lao động.

Tuy nhiên, cả hai chuyên gia đều khẳng định, bên cạnh các đơn vi, doanh nghiệp chưa chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động thì lương chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống khiến họ không dám nghĩ đến việc hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần.

“Với mức thu nhập còn thấp, lạm phát, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh, tiền lương hàng tháng của công nhân chủ yếu dành cho nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, chi trả tiền thuê nhà ở, đi lại, may mặc, phương tiện sinh hoạt cá nhân, nên đời sống người lao động vô cùng khó khăn.

Vì vậy, đa phần người lao động thiếu điều kiện được hưởng thụ về văn hoá tinh thần, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu... Đó là chưa kể đến cường độ lao động cao đã khiến cho công nhân lao động có rất ít thời gian rỗi để tham gia các hoạt động văn hóa thể thao” – TS Vũ Minh Tiến nhận định.

bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep

Để hiểu xuyên suốt về vấn đề này, cần bàn sâu hơn về lĩnh vực văn hoá. Có thể thấy đây là vấn đề lớn, có nội hàm rộng, biểu hiện ở nhiều khía cạnh. Theo cách hiểu chung nhất, trong “Tuyên bố về những chính sách văn hoá” của UNESCO năm 1982, UNESCO xác định: “Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hoá hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt, tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hoá bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng. Văn hoá đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân.

Chính văn hoá làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hoá mà chúng ta xét đoán được những giá trị và thực thi những sự lựa chọn. Chính nhờ văn hoá mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thiện để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân”.

Ở phạm vi hẹp hơn, Văn hoá là những giá trị vật chất, tinh thần con người tạo ra trong lịch sử; là đời sống tinh thần của con người; là tri thức khoa học, trình độ học vấn; là lối sống, các ứng xử có trình độ cao, biểu hiện văn minh (theo Từ điển Tiếng Việt).

Cách đây 22 năm, ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tổng kết Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, Hội nghị Trung ương 9, khóa XI ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, theo đó, Đảng ta đã có quan niệm rộng hơn, toàn diện hơn, bao quát hơn về văn hóa, gắn kết giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người và chỉ rõ: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Khẳng định vai trò của văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Ngày 26/4/2016, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chương trình số 04-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy là 1 trong 8 chương trình lớn của Thủ đô nhiệm kỳ XVI Đảng bộ Thành phố; là chương trình có diện bao quát rộng, không chỉ liên quan đến kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ cấp bách trong phát triển tiềm lực Thủ đô.

bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep

TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, nếu hiểu vai trò, vị trí của văn hoá như thế thì tức là xây dựng văn hoá trong doanh nghiệp hay nói cách khác là xây dựng văn hoá cho công nhân, viên chức, lao động Thủ đô chính là nhu cầu, hiện thực khách quan của sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp. Nếu đơn vị, doanh nghiệp có điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, doanh thu lớn đến đâu nhưng không xây dựng được văn hoá tốt thì sẽ không phát triển bền vững. Mà văn hoá là văn hoá của người lao động, gắn với người lao động và biểu hiện đặc trưng cho sự phát triển của doanh nghiệp, đơn vị. Hoạt động đó cũng phải hướng đến các giá trị văn hoá, tức là đưa văn hoá vào trong lĩnh vực hoạt động của những người lao động – sản xuất.

Từ những luận giải trên, có thể khẳng định, xây dựng văn hoá trong công nhân, viên chức, người lao động là nội dung quan trọng, cốt lõi, là cơ sở, nền tảng xây dựng, phát triển doanh nghiệp, đơn vị. Văn hoá ấy là cái đích hướng tới của một nền công nghiệp hiện đại, năng động, phát huy nền kinh tế ở nước ta. Cái đích đó chỉ đạt được trên cái gốc của văn hoá: Các hoạt động phong trào thể dục – thể thao; môi trường làm việc xanh – sạch – đẹp; ứng xử văn minh – thanh lịch cùng các thiết chế văn hoá, quy chế dân chủ…

TS Nguyễn Viết Chức dẫn chứng, mặc dù với tình trạng dân số già nhưng Nhật Bản vẫn có nền kinh tế đứng đầu thế giới. Thời xa xưa, Nhật Bản đã xây dựng Hiến pháp 17 điều trong đó yếu tố “hài hoà” được coi là một giá trị. Rất nhiều công ty Nhật Bản thành công là do họ tạo ra sự hài hoà. Sự hài hoà này chính là giá trị văn hoá của doanh nghiệp. Bởi vì hài hoà ở đây là sự hài hoà giữa yếu tố lợi ích của người lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này không chỉ đem lại lợi ích về tinh thần mà cả lợi ích vật chất.

Vì thế sự hài hoà này tạo ra thế mạnh và tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Do vậy, xây dựng văn hoá trong doanh nghiệp được coi như là một nhu cầu thiết yếu, nhu cầu tự thân của sự phát triển.

Bên cạnh xây dựng các hoạt động phong trào văn hoá – văn nghệ, yêu cầu của thời đại đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng một văn hoá doanh nghiệp riêng mình, trong đó yếu tố “hài hoà” là mấu chốt, là thương hiệu, chữ tín, sự trung thực, tính kỷ luật, đề cao tính nhân văn.

Chúng ta muốn vươn ra biển lớn, hội nhập với thế giới thì cần có văn hoá làm nền tảng để hội nhập một cách chủ động. Nếu chúng ta xác định văn hoá như thế thì không chỉ là phong trào mà còn là giá trị của doanh nghiệp đúng như tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng: Để văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, hay là văn hoá là nền tảng của đời sống tinh thần của xã hội. Năm nay Kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác, nhớ lời Bác dạy: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”.

bai 1 van hoa la nen tang xay dung phat trien don vi doanh nghiep

Bài: Bùi Phương - Mai Quý
Ảnh: Mạnh Quân
Thiết kế: Đức Hà