|
Trong bối cảnh các đô thị lớn bị quá tải bởi nhà cao tầng và nạn kẹt xe, ô nhiễm không khí trầm trọng, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của không gian xanh. Không gian xanh, mảng xanh là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân cũng như chiến lược phát triển đô thị. |
Vào một ngày nắng hạ, khi đến với thôn Đại Bằng, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, chúng tôi không khỏi cảm thấy tinh thần thư thái khi đi trên những con đường quê sạch sẽ, thơm mùi rơm rạ. Bấy giờ là vụ mùa, nhưng đường quê không bốc lên một đụn khói đốt rơm thường thấy ở các vùng nông thôn. Một bác nông dân hồ hởi cho biết, đã từ lâu thôn không còn đốt rơm, đốt rác mà tận dụng rơm để làm những điều có ích. Chỉ tay lên công trình nhà Giáo lý đang xây, người nông dân cho biết: “Cô có thấy mái nhà kia không, rộng lắm, những 2.000 mét vuông cơ đấy! Người dân xã Nguyên Khê đang ủ rơm để làm mái, chống ồn, chống nóng. Sau này bà con đến sinh hoạt giáo lý không sợ nóng, sợ ồn nữa rồi”. Tòa nhà Giáo lý nằm giữa vùng quê thanh bình giữa mùi thơm của rơm, của lúa, chiều chiều ngả bóng trong cái tĩnh mịch của vùng quê. Chẳng bao lâu nữa, tòa nhà sẽ được hoàn thành, nhưng có lẽ ít ai biết bên trong đó còn ẩn chứa những điều kỳ diệu mà chỉ có đến thôn Đại Bằng mới khám phá ra được. Chia sẻ với chúng tôi về “dự án” này, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh cho biết, nhận thấy trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu cùng với sự đô thị hóa đã làm gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, lũ lụt, hạn hán kéo dài. Một số hoạt động của con người đã và đang làm gia tăng việc nóng lên toàn cầu, trong số đó, hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch là một ví dụ. Theo nghiên cứu, rơm rạ chiếm khối lượng lớn trong cây lúa vào khoảng 50%. Nếu được tận dụng tốt, rơm rạ có thể trở thành nguyên liệu hữu ích cho nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng. Tuy vậy, hiện nay ở nhiều vùng nông thôn đã và đang lãng phí rơm rạ bằng việc đốt đồng và gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, gây ô nhiễm môi trường. Trong khói đốt rơm rạ có chứa các chất độc hại cao và tác nhân gây ung thư. Để hạn chế tác động xấu từ việc đốt rơm rạ và biến rơm rạ thành nguyên liệu hữu ích, phụ nữ xã Nguyên Khê đã vận động chị em phụ nữ thu gom rơm rạ sau gặt thực hiện sáng kiến băm, nghiền rơm rạ trộn vôi tôi để làm nguyên liệu trát mái nhà Giáo lý nhằm cách âm, chống ồn và chống nóng. Chia sẻ về quy trình này, bà Mỹ Linh cho hay, sau khi bà con nông dân thu hoạch lúa mùa, phụ nữ Nguyên Khê đã tổ chức triển khai thực hiện việc thu gom rơm trên cánh đồng với diện tích thu gom 1,3 ha được 7 tấn rơm, sau khi phơi khô còn khoảng 2 tấn, mang cắt, nghiền với kích thước từ 5-7cm. Sau đó, bà con mang trộn đều vôi tôi với rơm, tỷ lệ 1 tấn vôi với 7 tạ rơm, tiếp đến ủ từ 15-20 ngày để hỗn hợp tạo sự kết dính. Sau đó dùng hỗn hợp rơm vôi chát lên 2.000 mét vuông mái nhà giáo lý để chống ồn, cách âm và chống nóng. |
“Công trình được sự ủng hộ đông đảo của bà con nông dân. Rơm không chỉ bảo vệ môi trường, chống ồn, chống nóng bền vững cho các công trình, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, ngăn chặn việc thải ra hàng chục triệu tấn CO2, hàng trăm nghìn tấn CO và hàng chục nghìn tấn NOx độc hại mỗi năm; ngăn cản tác động xấu đến đất ruộng do khi rơm ra bị đốt thành tro, chất hữu cơ sẽ biến thành chất vô cơ làm cho đất ruộng bị chai cứng khô cằn. Với giải pháp trên, phụ nữ xã Nguyên Khê mong muốn ngày càng nhiều rơm rạ được thu gom để tái chế, làm nguyên liệu giảm thiểu tác hại xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân; nâng cao giá trị từ rơm rạ, phục vụ cuộc sống của con người ngày một tốt hơn, chất lượng hơn”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh chia sẻ. Là người tham gia rất nhiều dự án về môi trường của thành phố Hà Nội, thạc sĩ, chuyên gia môi trường Đỗ Vân Nguyệt (Nhà sáng lập, Giám đốc của tổ chức Live & Learn Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng) cho biết, trong vụ mùa, lượng khói bụi do rơm rạ bị đốt tạo ra đã ảnh hưởng rất tệ đến chất lượng không khí ở Hà Nội. Không chỉ vùng đốt rơm bị ảnh hưởng mà các vùng khác (theo hướng gió) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đốt rơm làm mất đi nguồn nhiên liệu, làm mất nguồn dinh dưỡng của đất... Vì thế, thay vì đốt rơm, hãy tận dụng rơm để làm những việc có ích, bảo vệ môi trường không khí của Thủ đô. Không chỉ huyện Đông Anh mà ở Sóc Sơn, Ba Vì…, người nông dân đã có nhiều giải pháp liên quan đến rươm rạ như thu gom rơm, cuốn rơm, ủ rơm, làm thức ăn cho gia súc, trồng nấm… |
Hiện nay, thành phố Hà Nội đã ban hành các chính sách liên quan đến kiểm soát và quản lý đốt rơm rạ. Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có đề cập đến việc người dân không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa. Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường Thành phố. Theo Chỉ thị số 15, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các cấp, ngành, nhân dân Thủ đô chủ động xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể, thiết thực phấn đấu đến ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn Thành phố. Mới đây, ngày 25/6/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2015/UBND-ĐT về tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố. Theo nội dung Công văn này, các sở, ban, ngành liên quan sẽ phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định. Bên cạnh đó xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường. |
Hô “biến” những chiếc bếp than tổ ong thành những chậu hoa rực rỡ, đó không phải là “ảo thuật” mà là một hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường trong tuần vừa qua của các đoàn viên thanh niên phường Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Thực hiện Chương trình công tác năm 2021, Đoàn Thanh niên phường Cổ Nhuế 2 phối hợp cùng hội Liên hiệp Phụ nữ phường hưởng ứng phong trào "Làm cho môi trường sạch lên". Với vai trò của tuổi trẻ, Đoàn phường Cổ Nhuế 2 có những việc làm thiết thực chung tay chống rác thải và bảo vệ môi trường. Với mong muốn mang lại không gian xanh, sạch, đẹp, với ý tưởng biến rác thải thành vườn hoa đã được các bạn đoàn viên thực hiện. Tận dụng những chiếc bếp than cũ hỏng người dân bỏ, các bạn đoàn viên đã khéo léo sơn màu, vẽ hoa văn để tạo nên những chậu hoa đầy màu sắc, bắt mắt. Sau đó, sử dụng một số loại hoa kiểng như: Hoa mười giờ, dứa kiểng, dạ thảo, chiều tím,... trồng vào để trang trí. Những chậu hoa này được bố trí một cách sáng tạo để tạo nên những chậu hoa mini thật đẹp mắt và thu hút người xem. Làm cho bếp than tổ ong “nở hoa” không chỉ có lợi ích trước mắt là mang lại màu xanh, không khí trong lành đến với người dân sinh sống tại địa phương mà lợi ích lâu dài quan trọng hơn là tạo ý thức bảo vệ môi trường chung của cộng đồng. Không chỉ có phường Cổ Nhuế, mà ở nhiều nơi trên khắp Thủ đô, phong trào biến bếp than tổ ong thành chậu hoa được các tổ chức đoàn thể và người dân đua nhau thực hiện. Mỗi nơi có một cách làm khác nhau, nhưng nhìn chung đều hướng đến việc cùng nhau “trao cho bếp than cuộc đời mới”. Ở rất nhiều quận nội thành đã xóa bỏ bếp than tổ ong, “trao cho bếp than cuộc đời mới” xanh tươi hơn. Ví dụ như tại quận Hai Bà Trưng vào tháng 12/2020 có 367 điểm dùng bếp than, đến nay đã xóa được 206 điểm, chỉ còn 165 điểm; quận Ba Đình có 359 điểm dùng bếp than tổ ong, đến nay đã xóa được 270 điểm, chỉ còn 89 điểm; Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm có 220 điểm, xóa được 217, còn 3 điểm; quận Tây Hồ có 113 điểm dùng bếp than tổ ong, tính đến nay đã xóa được 58 điểm, chỉ còn 55 điểm… Con số tại Bản đồ bếp than thành phố Hà Nội cho thấy hầu hết ở các quận huyện đã xóa từ 65-90% điểm dùng bếp than tổ ong. Nhiều đơn vị sản xuất than tổ ong giờ đã đóng cửa. Để quyết tâm giảm nguồn ô nhiễm từ than tổ ong, ngày 30/10/2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND quy định rõ việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ tại 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Theo đó, từ 1/1/2021, việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ phải chấm dứt hoàn toàn. Dẫu vậy, đến nay, ở nhiều nơi người ta vẫn sử dụng bếp than tổ ong Xóa bỏ bếp than tổ ong là một trong những mục tiêu của Hà Nội để góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội nếu chỉ bằng quyết định hành chính thì khó có thể chấm dứt việc sử dụng than tổ ong cũng như việc đốt rơm rạ trên địa bàn, mà phải có chính sách hỗ trợ, vận động nhân dân thực hiện… |
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, Ủy ban nhân dân Thành phố giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, không để tái diễn việc sử dụng bếp than tổ ong, hạn chế đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải không đúng nơi quy định; tăng cường rà soát, kiểm soát các cơ sở sản xuất bếp, vận động, hỗ trợ các cơ sở sản xuất này chuyển đổi loại hình kinh doanh sản xuất nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố. |
Những ngày gần đây, hẳn người dân nội đô có dịp đi qua hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm lại được chứng kiến cảnh tượng của những năm 80 khi những chiếc xe đạp được lưu hành trên khắp các đường phố Hà Nội. Thời kỳ Covid-19 đang tạo ra một động lực để những người dân Hà Nội đạp xe, vô hình chung, đó không chỉ là cách để mỗi người dân khỏe mạnh, mà còn là cách mà họ tiết kiệm năng lượng xăng, giảm tác động môi trường vì khói xăng xe, bảo vệ môi trường. Anh Trần Mạnh Hùng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Ban đầu, do dịch Covid-19, các địa điểm vui chơi đều đóng cửa, để giảm áp lực cho các con, nâng cao sức khỏe, cả gia đình tôi gồm 4 người quyết định mỗi tuần đạp xe quanh hồ Tây. Đạp được một tuần tôi cảm thấy tinh thần thoải mái, vui vẻ, khỏe mạnh cho nên quyết định dùng xe đạp để đi làm luôn. Vợ tôi cũng thế, hiện nay đạp xe đến cơ quan mỗi sáng. Các con tôi cũng có dự định đạp xe đi học khi năm học mới tới. Không chỉ tiết kiệm tiền xăng xe mà đạp xe mang lại sự thư thái, khỏe mạnh. Chỉ có điều giờ đường đông, đi xe đạp cũng khá nguy hiểm. Hy vọng Hà Nội có đường cho người đi xe đạp”. Không chỉ có phong trào đạp xe để thực hiện lối sống xanh, sống khỏe, nhiều năm gần đây, người dân Hà Nội đã tự tạo không gian xanh cho mình bằng cách trồng cây trong nhà, trên ban công, thậm chí còn dấy lên phong trào “bỏ phố về quê” để trồng cây, làm kinh tế, tạo không gian sống đầy ắp tinh thần. Cùng với đó là những hành động chung tay bảo vệ môi trường như tái chế rác, nhặt rác,… Theo quan sát của người viết bài này, có thể thấy trên mạng xã hội, nhóm “Bỏ phố về quê” có 117 nghìn thành viên, nhóm “Tôi đi nhặt rác” có 15 nghìn thành viên, nhóm “Ý tưởng tái chế” có 89 nghìn thành viên, nhóm “Cộng đồng tự trồng rau sạch tại nhà” có tới 57 nghìn thành viên… Qua tìm hiểu, có rất nhiều công dân Thành phố, các gia đình trẻ đã tham gia, trao đổi trên các nhóm, diễn đàn này. Những hoạt động này cho thấy những năng lượng tích cực mà người dân Thủ đô đang thực hiện vì một Thành phố xanh. Nói về không gian xanh, chắc hẳn chúng ta không thể không tự hào bởi một chủ trương lớn của thành phố Hà Nội, đó là trồng 1 triệu cây xanh. Tại Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Tân Sửu 2021 và hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh: Với mục tiêu xây dựng một Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã xác định phát triển đô thị xanh, trọng tâm là trồng, chăm sóc hệ thống cây xanh đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Thành phố. |
Đến nay, Thành phố đã hoàn thành Chương trình 1 triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây đô thị, cây bóng mát, phủ kín trên hơn 250 tuyến đường, tuyến phố và khu vực nhằm tăng mật độ cây xanh, tạo cảnh quan, không gian xanh kết hợp trang trí tạo đặc trưng cho tuyến đường, đồng thời có tác dụng ngăn gió, chống bụi, chống ồn cho tuyến đường. Cho đến hôm nay, có thể thấy Hà Nội đã triển khai tốt việc trồng và chăm sóc, bảo vệ cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây hoa, cây cảnh; trồng cây tại các đường giao thông, tuyến phố, nơi công cộng, trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện …; các hộ gia đình, cá nhân trồng cây xanh, cây cảnh, trang trí hoa trong khuôn viên nhà mình… để tiến tới, cây xanh trở thành cây cảnh, trở thành nét đẹp của kiến trúc cảnh quan đô thị, để Hà Nội trở thành thành phố 4 mùa hoa nở, luôn sáng, xanh, sạch, đẹp; phấn đấu năm 2021 trồng được hơn 300 nghìn cây các loại, đến năm 2030 mỗi một người dân Hà Nội trồng một cây xanh. |
Nội dung: Bảo Thoa - Phạm Thảo Thiết kế: Đức Hà |
...