Multimedia
26/07/2024 12:14
Bài 1: Khai phá “mỏ vàng” tài nguyên di sản văn hóa

26/07/2024 12:14

Hà Nội - nơi lịch sử và hiện đại giao hòa, ẩn chứa kho tàng văn hóa đang chờ được đánh thức. Từ những con phố cổ rêu phong đến các di tích lịch sử hào hùng, Thành phố nghìn năm văn hiến đang đứng trước cơ hội “vàng” để biến di sản thành nguồn lực phát triển. Loạt bài 3 kỳ này sẽ dẫn độc giả qua hành trình khám phá tiềm năng chưa khai phá của Thủ đô, nơi mỗi viên gạch, mỗi câu chuyện đều có thể trở thành chìa khóa mở ra tương lai. Đồng thời đề xuất các mô hình sáng tạo để Hà Nội vừa gìn giữ được bản sắc, vừa tận dụng kho báu văn hóa làm đòn bẩy phát triển kinh tế.

Bài 1: Khai phá “mỏ vàng” tài nguyên di sản văn hóa

Bài 1: Khai phá “mỏ vàng” tài nguyên di sản văn hóa

Dưới lớp thời gian phủ bụi của Hà Nội nghìn năm văn hiến là một kho báu văn hóa đang chờ được khám phá và phát huy giá trị. Từ kiến trúc cổ kính của 36 phố phường, đến những câu chuyện lịch sử hào hùng, từ nghệ thuật truyền thống đến ẩm thực đặc sắc - tất cả đều ẩn chứa tiềm năng chưa được khai thác đúng mức.

Hà Nội là Thủ đô có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, nơi tụ hội những truyền thống văn hóa tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội”.

Theo đó, tầm nhìn đến năm 2045, “Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 của Thủ đô Hà Nội “trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Với vai trò là Thủ đô của đất nước, Hà Nội có sứ mệnh rất cao cả và rõ ràng về xây dựng mô hình, kiểu mẫu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, kết hợp yếu tố truyền thống dân tộc với yếu tố hiện đại quốc tế, để vừa phát triển Thủ đô, vừa làm động lực phát triển của cả nước và hội nhập quốc tế.

Bài 1: Khai phá “mỏ vàng” tài nguyên di sản văn hóa

Hà Nội, trái tim của đất nước với hơn nghìn năm văn hiến, từ lâu đã được biết đến như một “bảo tàng sống” với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, hàng trăm lễ hội truyền thống và vô số giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, Thủ đô tự hào là nơi hội tụ và kết tinh những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta đã thực sự khai thác hiệu quả kho tàng văn hóa quý giá này?

PGS.TS Phạm Duy Đức - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: “Mặc dù nguồn lực văn hóa ở Thủ đô Hà Nội hiện nay rất giàu có, phong phú, đa dạng, nhưng tất cả mới chủ yếu ở dạng tiềm năng. Nếu không kết nối với sáng tạo, sản xuất tạo nên các giá trị thặng dư thì không thể phát huy được vai trò, vị thế của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”.

Trong khi đó, Hà Nội đã ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Thế nhưng, những không gian sáng tạo, điểm đến của văn hóa - sáng tạo, văn hóa - kinh tế… vẫn chưa thể trở thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế sáng tạo, bởi lẽ, mới tập trung vào một số ngành nghề nhất định, có tính chất tự phát, quy mô nhỏ, tản mát và thiếu liên kết, quảng bá quốc tế… nên các không gian này chưa có một đời sống sáng tạo mãnh liệt, gắn năng lực sáng tạo với phát triển kinh tế.

Những địa danh độc đáo như Chùa Đậu với 2 pho “tượng táng” của 2 thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, Đình cổ Chu Quyến, Làng cổ Đông Ngạc, Cự Đà; nhiều làng nghề giàu tiềm năng như Phú Vinh, Chuôn Ngọ, Hạ Thái… và ngay cả Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long, Thành Cổ Loa… cũng chưa được khai thác xứng tầm. Nói cách khác, chúng ta vẫn còn đang “bỏ sót” nhiều tài nguyên di sản văn hoá rất quý giá, thậm chí để các di sản “ngủ quên” trong nhiều năm.

Xứ Đoài nằm ở phía tây của Hà Nội, là vùng trung châu, một trong bốn phiên trấn bảo vệ kinh đô xưa. Ngày nay, tiểu vùng văn hoá này vẫn còn bảo lưu được nhiều đặc trưng riêng trong tổng thể chung của cả vùng văn hoá châu thổ Bắc Bộ. Trong quá trình hợp nhất về Thủ đô, với tốc độ đô thị hóa nhanh đã và đang từng bước làm thay đổi diện mạo cảnh quan làng xã Xứ Đoài truyền thống.

Xứ Đoài - vùng đất trung châu, bậc thềm phù sa cổ; là cửa ngõ của sự hội tụ và gặp gỡ, là vùng đất của những vị thần linh, vùng đất trăm nghề và xứ Đoài trong không gian Hà Nội mới. Người Việt châu thổ Bắc Bộ coi xứ Đoài là nơi nối kết tâm linh. Mặc dù vậy, qua rất nhiều thương hải tang điền, nhu cầu về không gian sản xuất cũng khiến nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá bị đẩy lùi về quá khứ.

Còn vùng núi Ba Vì đang được quây thành các khu nghỉ dưỡng manh mún, thiếu quy hoạch. Hòn Chẹ mà Sơn Tinh dùng để chặn đường tiến của Thủy Tinh bên bờ sông Đà đã bị khai thác quá nửa, giờ vẫn còn ngổn ngang gạch đá, đối diện với nguy cơ biến mất hoàn toàn. “Thập lục kì sơn” hiện nay chỉ còn Sài Sơn, Hoàng Xá là thường xuyên được nhắc tới. Qua thời gian, mười sáu ngọn núi này cứ dần dần bị san bằng để phục vụ cho mưu sinh. Một số ngôi đình đang đối diện với mối mọt, mất cổ vật, bị sửa chữa, phục dựng tuỳ tiện. Diễn xướng dân gian truyền thống như hát Chèo Tàu, hát Dô đang đối diện với thực tế về việc gìn giữ bảo tồn.

Năm 2011, Hà Nội công bố Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Căn cứ theo quy hoạch này, xứ Đoài sẽ gồm một đô thị vệ tinh Sơn Tây và những cụm du lịch lịch sử - văn hoá, du lịch nghỉ dưỡng tại Ba Vì - Suối Hai; du lịch văn hóa tâm linh tại không gian văn hoá chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian; khu du lịch thể thao Đồng Mô - Ngải Sơn, Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Hai, vườn Quốc gia Ba Vì… Chiến lược quy hoạch xứ Đoài thành một vùng “không gian xanh” là để cân bằng với những áp lực mà cư dân đô thị đang phải chịu. Đối lập với một Hà Nội ồn ào, hối hả là một xứ Đoài non nước hữu tình, thanh bình, yên tĩnh, phù hợp với nghỉ dưỡng, và thư giãn.

Tuy nhiên, hàng loạt khu du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng bắt đầu được xây dựng trong 10 năm trở lại đây biến xứ Đoài thành một “điểm đến”. Cảnh quan đã trở thành một loại hàng hoá mới trong hoạt động thương mại, trong ngành công nghiệp văn hoá ở xứ Đoài. Đô thị hóa và du lịch hoá với tốc độ cao đã và đang từng bước làm thay đổi diện mạo cảnh quan làng xã xứ Đoài truyền thống. Tuy nhiên, quản lý kiến trúc cảnh quan, bảo lưu những giá trị văn hoá phi vật thể nhiều nơi vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Bài 1: Khai phá “mỏ vàng” tài nguyên di sản văn hóa

Nếu như cảnh quan chủ đạo của xứ Đoài là vùng trung du, đồi núi, là điểm tựa phía Tây của Kinh đô, thì cảnh quan tự nhiên chủ đạo phía Đông Nam của Thăng Long là cả một không gian với châu thổ, sông nước. Đó là mặt tiền, thế mở, thế vươn tới của Thăng Long - Sơn Nam Thượng. Không gian văn hóa Sơn Nam Thượng còn bảo lưu nhiều làng cổ và cả “làng nghề”, “làng văn”, “làng cách mạng”. Ven sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy, là các làng nghề, không gian cư trú, sáng tạo của những con người tài hoa. Đó là vùng đất trăm nghề. Dọc theo sông Đáy từng có hàng chục làng nghề thành thạo việc trồng dâu, chăn tằm, dệt cửi; các làng cổ như Đốc Tín, Trinh Tiết, Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức)... Thế nhưng đến nay nhiều quần thể di tích này vẫn chưa được “đánh thức”.

Những năm gần đây, chúng ta quan tâm nhiều đến Quy hoạch sông Hồng. Bởi sông Hồng được coi là trục phát triển chủ đạo của Thăng Long - Hà Nội. Và rồi sông Hồng, núi Tản được coi là “tài nguyên vị thế” của Thủ đô.

Vai trò của sông Hồng đối với Hà Nội đã thay đổi mạnh mẽ trong mấy thập kỷ qua. Quy hoạch đô thị ven sông Hồng sau nhiều phiên bản được đề xuất, tháng 3/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Theo đó, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Đây là bước khởi đầu cho việc hiện thực hóa “giấc mơ” xây dựng thành phố hai bên bờ sông này. Như vậy, sông Hồng đang ngày càng thể hiện là một tài nguyên quý giá trong quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội.

Bài 1: Khai phá “mỏ vàng” tài nguyên di sản văn hóa

Núi Tản (Ba Vì) là một biểu tượng của xứ Đoài xưa (núi Tản - sông Đà). Từ ngày Hà Nội mở rộng, nhiều ý tưởng quy hoạch phát triển đô thị đã tính đến vị trí đặc biệt của núi Ba Vì, chẳng hạn như phát triển “trục Thăng Long”. Vị trí đặc biệt của Ba Vì đã định hướng cho nhiều dự án phát triển đô thị dọc các trục đường 32, đại lộ Thăng Long nối trung tâm với vùng ngoại vi ở phía tây, phía chân núi Ba Vì.

Trong định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hồ Tây - Ba Vì được xác định là trục phát triển, kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Ba Vì, với vị trí không quá xa nội thành, lại tiện giao thông, có khí hậu mát mẻ ở các núi thấp và trung bình, đang là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần. Tuy nhiên, đến nay những di sản ở Ba Vì hầu như vẫn chưa được khai thác đúng giá trị của mình.

Khơi dòng di sản, đánh thức khối tài sản “ngủ quên” và biến chúng trở thành những không gian của sáng tạo và nghệ thuật lâu nay không còn xa lạ ở nhiều quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển. Thế nhưng, ở Hà Nội, điều này vẫn đang còn là những khái niệm.

Bài 1: Khai phá “mỏ vàng” tài nguyên di sản văn hóa

Nội dung, thiết kế: Bảo Thoa - Bùi Phương