Những giải pháp phổ cập Tin học cho học sinh phổ thông Việt Nam

15:51 | 16/11/2019
(LĐTĐ) Hiện nay, môn Tin học có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tiếp nhận và sáng tạo tri thức trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, để hỗ trợ việc triển khai chương trình môn Tin học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngày 15/11, tại Hà Nội, Tổ chức Giáo dục FUNiX phối hợp với Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức Hội thảo khoa học Giáo dục phổ thông môn Tin học.
nhung giai phap pho cap tin hoc cho hoc sinh pho thong viet nam Hướng đi mới của giảng dạy môn Tin học trong nhà trường
nhung giai phap pho cap tin hoc cho hoc sinh pho thong viet nam Công nghệ sẽ là lợi thế nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai
nhung giai phap pho cap tin hoc cho hoc sinh pho thong viet nam Việt Nam xếp hạng 4 thế giới tại Olympic Tin học quốc tế 2019

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng luận bàn về việc dạy và học môn Tin học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực tư duy tin học, sự cần thiết cho học sinh tiếp cận sớm với công nghệ thông tin từ bậc phổ thông, những phương pháp mà một số nền giáo dục tiên tiến ở nước ngoài đang áp dụng và những đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông môn Tin học ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đặc biệt, các nội dung được trình bày cũng chú trọng vào các giải pháp nhằm giúp cho học sinh khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có cơ hội tiếp cận máy tính được học môn Tin học một cách bài bản và chuyên sâu. Đồng thời khắc phục, tháo gỡ những bất cập trong chương trình môn Tin học hiện hành.

nhung giai phap pho cap tin hoc cho hoc sinh pho thong viet nam
Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế.

“Hội thảo là dịp để các chuyên gia luận bàn những giải pháp giảng dạy Tin học khả thi đang được thực hiện ở Việt Nam và Đài Loan. Từ đó, Hội thảo mong muốn tạo nên một phong trào học sinh chủ động tiếp cận với công nghệ thông tin nhằm nắm bắt tương lai trong thời đại Công nghệ số” - Nhà sáng lập Tổ chức Giáo dục FUNiX Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm (Chủ biên chương trình môn Tin học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới), suốt nhiều năm qua, chương trình môn Tin học hiện hành gặp phải nhiều bất cập trong quá trình triển khai do có một số quan niệm sai lầm như: Đồng nhất việc học Tin học ở phổ thông với việc học sử dụng máy tính và phần mềm, không coi trọng mạch kiến thức Khoa học máy tính, quan niệm lệch lạc cho rằng môn học khác có thể thay thế môn Tin học đảm nhận vai trò hình thành và phát triển năng lực tin học hay có thể tích hợp môn Tin học với vào môn Công nghệ…

Từ đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm cho rằng cần phải có quan niệm và nhận thức thấu đáo về vai trò của môn Tin học để làm tiền đề và cơ sở then chốt cho việc giải quyết các điều kiện khác về phát triển đội ngũ giáo viên, về trang thiết bị tin học, về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục.

nhung giai phap pho cap tin hoc cho hoc sinh pho thong viet nam
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm chia sẻ tại Hội thảo.

Vì vậy, một trong những điểm mới đáng chú ý nhất trong chương trình môn Tin học của Chương trình giáo dục phổ thông mới là chú trọng giảng dạy mạch kiến thức Khoa học máy tính hơn trước.

Mạch kiến thức này sẽ giúp học sinh bước đầu hiểu biết về các nguyên tắc cơ bản và thực hành của tư duy máy tính, tư duy tự động hóa, có khả năng thích ứng với những tiến bộ và thiết bị công nghệ số mới sẽ xuất hiện trong tương lai, tạo nền tảng cơ bản cho việc thiết kế, phát triển các hệ thống máy tính.

Cũng xem tư duy máy tính là cốt lõi của năng lực tin học, ông I Chang, Tsai (Phó Chủ tịch, Viện trưởng Viện Giáo dục số, Viện Công nghiệp Thông tin Đài Loan) cho biết: Những năng lực mà thế hệ tiếp theo cần có là: Thiết kế tương lai, kết nối toàn cầu, hiểu biết nhiều lĩnh vực, năng lực kỹ thuật số và tinh thần hướng nghiệp. Để đạt được 5 năng lực này, nhất thiết phải có được tư duy máy tính. Vì vậy, kết hợp giảng dạy tư duy máy tính trong các môn học khác theo kiểu liên môn liên ngành là một phương pháp giáo dục hiệu quả.

nhung giai phap pho cap tin hoc cho hoc sinh pho thong viet nam
Ông Victor T.S. Horng (Giám đốc cấp cao Tập đoàn Công nghệ Hon Hai, Đài Loan) chia sẻ tại Hội thảo.

Cùng hướng triển khai giảng dạy liên môn, liên ngành, trong bài tham luận "STEM đánh thức trí tuệ làng thời 4.0", ông Đỗ Hoàng Sơn (Giám đốc Công ty sách Long Minh) và ông Hoàng Văn Đông (Giảng viên Khoa Điện tử Viễn thông, Đại học Điện lực) đã đưa ra những giải pháp ứng dụng giáo dục STEM vào dạy học liên môn, liên ngành một cách hiệu quả ở những vùng nông thôn và miền núi. Những giải pháp này đã đạt được một số kết quả ban đầu ở nông thôn. Chẳng hạn như đã có 200 trường có câu lạc bộ Robot do giáo viên của trường tự đứng lớp, khoảng 1.000 giáo viên tự đứng lớp dạy lập trình Robot ở các câu lạc bộ STEM.

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Hạnh (Giám đốc Tổ chức The Dariu Foundation) đã đưa đến giải pháp nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận kỹ năng máy tính và kỹ thuật số qua mô hình Trường học di động của Quỹ Dariu - Thụy Sĩ.

Tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm nhấn mạnh, việc chú trọng các chủ đề mới trong lĩnh vực giáo dục hệ thống thực - ảo (CPS) như: AI, học máy, robot giáo dục, khoa học dữ liệu... trong chương trình môn Tin học mới là một quyết định mang tính chiến lược và nhân văn, giúp học sinh Việt Nam, đặc biệt là các em ở vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận với các lĩnh vực tin học hiện đại.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Nam - Nhà sáng lập Tổ chức Giáo dục FUNiX và ông Phạm Giang Linh - Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã giới thiệu về chương trình học lập trình trực tuyến XiSo, với mong muốn phát triển tư duy máy tính cho học sinh Việt Nam. Bởi vì theo Nhà sáng lập Tổ chức Giáo dục FUNiX, khi có được tư duy máy tính, dù học ngành nghề gì các em đều có lợi thế phát triển sự nghiệp tốt hơn trong thời đại 4.0.

Ông Victor T.S. Horng (Giám đốc cấp cao Tập đoàn Công nghệ Hon Hai, Đài Loan) cũng đưa ra một lời giải độc đáo cho bài toán nếu không có internet thì học trực tuyến như thế nào?

Theo đó, một trong những vấn đề của giáo dục vùng sâu vùng xa ở Đài Loan là thiếu giáo viên và không có mạng internet. Vì vậy, ông Victor T.S. Horng đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng MagicBox - phần mềm có khả năng chạy các nguồn mở và phần mềm miễn phí khác. MagicBox có thể được sử dụng để lên mạng và tạo các tiện ích tự động. Về mặt này, nó tốt hơn máy tính bình thường hoặc máy tính bảng. MagicBox đã giúp giảm thiểu khoảng cách số giữa vùng trung tâm và vùng sâu, vùng xa.

Bàn về vai trò của đội ngũ giáo viên Tin học trong việc triển khai chương trình Tin học của Chương trình giáo dục phổ thông mới, Tiến sĩ Bùi Việt Hà (Giám đốc Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường) cho rằng, điều quan trọng góp phần tạo nên thành công khi đưa chương trình môn Tin học mới vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông là đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ và nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của môn Tin học.

Cùng quan điểm, bà Bùi Thị Ngọc Trâm (Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hà Nội Adelaide) cho biết: “Việc đào tạo giáo viên là yếu tố quyết định trong việc tiếp cận hiệu quả chương trình môn Tin học mới. Vì vậy, ngay từ khâu tuyển giáo viên, nhà trường đã ưu tiên lựa chọn những giáo viên có tư duy tin học. Đồng thời, giáo viên cũng được tập huấn hàng tuần để kịp thời cập nhật những tri thức mới”.

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này