Phải tự biết bơi trong “biển” mạng xã hội

10:15 | 15/11/2019
(LĐTĐ) Dựng chuyện, bêu xấu trên mạng xã hội, lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt cả tiền lẫn tình… là những hệ lụy mang lại từ mạng xã hội. Điều này cho thấy, mạng xã hội đã không còn mang tính chất “ảo” mà có tác động trực tiếp đến người dùng cũng như cả xã hội. Ứng xử mạng xã hội ra sao khi chế tài của pháp luật vẫn chưa theo kịp thực tiễn là vấn đề bức bối đặt ra trong bối cảnh hiện nay. 
phai tu biet boi trong bien mang xa hoi Người Việt Nam dành 2,5 – 3 tiếng/1 ngày cho mạng xã hội và smartphone
phai tu biet boi trong bien mang xa hoi Tràn lan thông tin giả trên mạng xã hội: Cần nâng cao ý thức của người dân
phai tu biet boi trong bien mang xa hoi Sức lan tỏa của văn hóa đọc trước “cơn sóng” mạng xã hội
phai tu biet boi trong bien mang xa hoi
Ngày càng nhiều người sử dụng, tuy nhiên bản thân mỗi công dân cần tự trang bị những kiến thức về mạng xã hội, có ý thức, trách nhiệm trước mỗi phát ngôn, bình luận hay chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Giang Nam

Giữa “mê hồn trận” mạng xã hội

Thời gian qua, hệ thống các trang mạng xã hội ở nước ta trong tình trạng “trăm hoa đua nở”. Việc tăng trưởng mạnh mẽ này đã thay đổi thói quen sống và hoạt động của nhiều đối tượng, trong đó chịu tác động mạnh mẽ nhất là nhóm đối tượng có tuổi đời trẻ, chiếm số lượng dùng cao nhất.

Trên nhiều khía cạnh có thể thấy, mạng xã hội có không ít mặt tích cực. Đây được xem là một công cụ chia sẻ thông tin, kênh kết nối mọi người hiệu quả. Thông qua kênh này, cộng đồng có thể bắt nhịp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Tại nhiều cơ sở giáo dục, mạng xã hội cũng được sử dụng như một kênh để kết nối, tiếp cận học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mang lại, tác động từ mạng xã hội còn có những tiêu cực. Nói cách khác, giữa “mê hồn trận” mạng xã hội thời gian qua không ít đối tượng xấu đã lợi dụng kênh thông tin này để thực hiện các hành vi phạm tội. Dễ thấy là nhiều tội phạm lợi dụng mạng xã hội để làm quen, rồi lợi dụng các mối quan hệ từ thế giới “ảo” để gây án với những thủ đoạn rất tinh vi, khó lường. Qua ghi nhận, phần lớn các đối tượng xấu, thường tận dụng mạng xã hội để làm quen, kết bạn và lừa các nạn nhân vào “bẫy rập” giăng sẵn.

Còn nhớ, đầu năm 2017, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 2 bị cáo ở độ tuổi vị thành niên là Nguyễn Văn Chiến (trú tại huyện Mê Linh, sinh năm 2000) mức án 10 năm tù và Nguyễn Đức Tuấn (trú tại huyện Đông Anh, sinh năm 2000) mức án 8 năm tù về tội giết người. Theo đó, qua mạng xã hội, Chiến làm quen và yêu chị L. (18 tuổi), ở quận Bắc Từ Liêm.

Qua một thời gian, phát hiện trong điện thoại di động của chị L. có những tin nhắn thể hiện tình cảm với người khác, Chiến ghen tuông rồi bàn bạc cùng đối tượng Tuấn đẩy chị L. từ tầng 2 xuống đất, khiến chị tử vong. Đó là với tình yêu qua mạng xã hội, ở môi trường “ảo” hiện còn phổ biến hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa, buông lời châm chọc, vu khống trên mạng xã hội.

Tạo tin giả trên mạng xã hội là hành vi dễ thấy. Theo đó, đầu năm 2019, vụ án nữ sinh giao gà ở Điện Biên bị bắt, xâm hại và giết chết đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, tích cực chia sẻ thông tin. Bên cạnh những luồng tin chính thống từ các cơ quan chức năng, nhiều “giả thuyết điều tra” cũng được một số cá nhân đăng tải, thêu dệt những tình tiết xung quanh.

Cá biệt, một status (trạng thái trên Facebook) còn khẳng định ở vụ án có thiếu úy công an ở Thái Nguyên bị bắt vì chủ mưu sát hại nữ sinh. Status này đưa ra những lập luận không có căn cứ nhưng lại nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ với những bình luận thiếu suy nghĩ và tạo nên làn sóng dư luận buộc cơ quan chức năng phải làm rõ. Kết quả, người đăng thông tin trên được xác định tên Trang (ở Thái Nguyên). Cô gái này sau đó thừa nhận đăng thông tin thất thiệt nhằm tạo điều kiện thu hút tương tác để… bán hàng online.

Khoảng tháng 3/2019, tại Hà Nội, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) cũng triệu tập và xử lý một chủ trang Facebook có tên “Đầm Bầu Thời Trang Mami” để làm rõ việc đăng tin không đúng sự thật. Theo đó, Fanpage này đã đăng nội dung chế biến, bày bán thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi mọi người tẩy chay thịt lợn vì có thể lây sang người.

Thực tế, Fanpage đã lấy thông tin từ nhiều báo điện tử, hình ảnh sán lợn xảy ra tại Bình Phước từ năm 2018… để minh họa cho dịch tả châu Phi. Sau khi bị triệp tập, chủ Fanpage đã ký vào biên bản vi phạm hành chính với mức xử phạt 20 triệu đồng.

Cần chọn lọc thông tin

Chia sẻ về vấn đề liên quan, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, những hệ lụy nảy sinh liên quan một phần xuất phát từ việc thiếu kỹ năng chọn lọc thông tin và hơn hết là lối ứng xử thiếu chuẩn mực của những người sử dụng. Chuyên gia tâm lý Lê Thị Hằng, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, mạng xã hội là nơi để kết nối quan hệ, cũng là yếu tố giúp con người xích lại gần nhau hơn trong nhịp sống hối hả với sự bận rộn cùng xu thế của nền kinh tế thị trường.

Mạng xã hội là nơi cho bạn rất nhiều thông tin, hỗ trợ bạn truy cập một khối lượng kiến thức khổng lồ phục vụ cho công việc và cuộc sống. Mặt khác, kinh doanh truyền thống với việc tốn quá nhiều chi phí và công sức thì mạng xã hội lại là sự lựa chọn ưu việt cho việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Có thể nói, mạng xã hội mang lại một xu hướng sống mới, xu hướng của công nghệ số của một thế giới mở.

Tuy nhiên, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội vô tình trở thành con dao giết chết hay nâng đỡ một người nào đó về thể chất lẫn tinh thần. Một lời chê bai, một lời bình luận vô tình có thể làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của một người nào đó mà chúng ta không hề quen biết. Những lời khen ngợi, động viên, cổ vũ cũng có thể là một liều thuốc tinh thần giúp cho giới trẻ thấy tự tin và sống lạc quan hơn.

Trên khía cạnh pháp lý, chuyên gia luật Phan Tiến Duy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn Luật DLS Việt Nam chia sẻ, hiện nay luật pháp cũng đã có những quy định, chế tài xử lý các hành vi vi phạm và người bị hại cũng có quyền khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, chế tài xử lý chưa thực sự theo kịp thực tiễn, mức phạt còn quá nhẹ không đủ sức răn đe.

Mặt khác quy định pháp luật cũng chưa rõ ràng, cụ thể nên khó xử lý các hành vi này. Chuyên gia luật Phan Tiến Duy cũng cho rằng, cùng với việc nâng cao các chế tài xử lý, bản thân người dùng mạng xã hội cũng phải có ý thức trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, tự bảo vệ mình.

Theo tìm hiểu, tại Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện các lỗi vi phạm các quy định về trang thông tin điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp có mức xử phạt từ 5 - 50 triệu đồng áp dụng cho các tổ chức.

Với cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Theo đó khoản 1, Điều 2 và điểm a, khoản 3, Điều 64 của nghị định này quy định với các hành vi “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Ngoài ra theo Khoản 3, Điều 64 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hành vi "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” cũng có mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Dẫn như vậy để thấy rằng, hành lang pháp lý để xử phạt vấn đề liên quan đã có song tính răn đe chưa cao. Do đó, bản thân mỗi người dùng cần chủ động đặt vấn đề đạo đức bản thân lên hàng đầu. Mỗi cá nhân đừng hành động như “anh hùng bàn phím”, để rồi biến mạng xã hội trở thành nơi phỉ báng, bôi nhọ người khác. Hơn hết, bản thân những người dùng mạng xã hội cũng phải tỉnh táo, kiểm tra cẩn thận mọi nguồn tin trên "chợ thông tin" mạng xã hội, để tránh mắc lừa, hay bị kích động, hoang mang vô cớ.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này