Tri ân các nhà giáo tiêu biểu

09:25 | 15/11/2019
(LĐTĐ) Nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, sáng 14/11, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố long trọng tổ chức gặp mặt 100 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đại diện cho các ngành học, cấp học; các nhà giáo làm công tác quản lý, nhà giáo là cán bộ công đoàn trên địa bàn Thủ đô. Đây là hoạt động được LĐLĐ Thành phố tổ chức thường niên vào dịp 20/11 nhằm tôn vinh các nhà giáo, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của tổ chức Công đoàn và lực lực lượng công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô.
LĐLĐ Thành phố: gặp mặt, tri ân các nhà giáo
Tri ân các nhà giáo nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Tri ân các nhà giáo tiêu biểu
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Hợp- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam và đồng chí Đặng Thị Phương Hoa- Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách LĐLĐ Thành phố tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu.

Tại buổi gặp mặt, thay mặt thường trực LĐLĐ Thành phố, đồng chí Đặng Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách LĐLĐ Thành phố ghi nhận, biểu dương và chúc mừng thành quả từ những cố gắng nỗ lực của các thầy cô giáo tiêu biểu. Phó Chủ tịch thường trực Đặng Thị Phương Hoa đánh giá: thời gian qua, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế- chính trị-văn hóa- xã hội- an ninh quốc phòng, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ các thầy giáo, cô giáo thuộc các ngành học, cấp học ở Thủ đô.

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa ghi nhận: Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Quy mô giáo dục của Hà Nội tiếp tục được ổn định và phát triển mạnh; chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển.

Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, ngành học. GDĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, học sinh Thủ đô giành nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Hà Nội là đơn vị có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước với 166 bài. Các phong trào thi đua được tổ chức sâu rộng trong các nhà trường hướng vào việc dạy tốt, học tốt như phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2018 - 2019.

Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo ưu tú, mẫu mực, tận tụy với nghề, với sinh viên, có nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ, cấp trường được phát huy, đưa vào ứng dụng có hiệu quả trong công tác giảng dạy và học tập. Năm học 2018 - 2019, riêng khối các Trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội đã có 127 giáo viên dạy giỏi các cấp; có 463 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng vào thực tế, có giá trị làm lợi hơn 9 tỷ 134 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch thường trực Đặng Thị Phương Hoa, Hà Nội còn tự hào là địa phương dẫn đầu trong việc triển khai phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc học sinh không đạt chuẩn lên lớp” và là điểm sáng về xây dựng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực thông qua phong trào thi đua “Hai tốt”, cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, cuộc vận động “Xây dựng Nhà trường văn hoá - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”…

Phó Chủ tịch thường trực Đặng Thị Phương Hoa khẳng định: “Bằng những bước đi cụ thể, dù ở cương vị nào, trong công tác chuyên môn, công tác quản lý hay công tác công đoàn, các thầy cô giáo trên địa bàn đã thể hiện trách nhiệm cao của mình đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển của Thủ đô nói chung, của nhà trường và tổ chức công đoàn nói riêng trong giai đoạn hiện nay”.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Đặng Thị Phương Hoa nhận định: Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Nhiệm vụ đặt ra cho các nhà trường và các thầy cô giáo vừa phải xây dựng nền giáo dục Thủ đô đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô, đáp ứng yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, vừa phải đổi mới phương thức quản lý, nội dung, phương pháp giảng dạy sao cho mô hình giáo dục các trường ở Thủ đô xứng đáng là mô hình mẫu mực cho các trường thuộc các bậc học, cấp học trong cả nước.

Vì vậy, đồng chí Đặng Thị Phương Hoa đề nghị, trong năm học tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô sẽ tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Thành phố Hà Nội; thực hiện tốt 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp trọng tâm của ngành đã đề ra như: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở;

Đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.

Riêng với đội ngũ nhà giáo, Phó Chủ tịch thường trực Đặng Thị Phương Hoa mong muốn trong thời gian tới, các thầy cô giáo cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”, đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tích cực thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” nhằm xây dựng “Nhà trường văn hóa- Nhà giáo mẫu mực- Học sinh thanh lịch”.

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa căn dặn các thầy cô không ngừng trau dồi, học hỏi để nâng cao trình độ, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ; rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người giáo viên, thông qua những hành động thiết thực, cụ thể trong từng ngày, từng giờ lên lớp, trong cộc sống, trong từng trang giáo án và từng bài giảng trước các em học sinh.

Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà giáo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô, đất nước.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, các nhà giáo tiêu biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong công tác giảng dạy, nghiên cứu đồng thời bày tỏ những tâm tư, trăn trở trước những khó khăn, áp lực của ngành nghề. Đặc biệt, các nhà giáo tiêu biểu đã bày tỏ niềm xúc động, cảm ơn sự quan tâm, chăm lo của Đảng và nhà nước, của chính quyền và các đoàn thể, trong đó có LĐLĐ Thành phố đã dành cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để các nhà giáo tiếp tục nỗ lực, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này