Để thực sự xứng đáng là nghệ sĩ của nhân dân

14:05 | 15/11/2019
(LĐTĐ) Vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Tại đây, nhiều chuyên gia, giới nghệ sĩ đã đề nghị Bộ nên tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 89 về phong tặng nghệ sĩ cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
de thuc su xung dang la nghe si cua nhan dan Thủ tướng dự lễ trao tặng danh hiệu nghệ sĩ Nhân dân và nghệ sĩ Ưu tú
de thuc su xung dang la nghe si cua nhan dan Nghệ sĩ ưu tú Đức Lưu: Một hành trình không mệt mỏi
de thuc su xung dang la nghe si cua nhan dan “Chạy phiếu” nghệ sỹ nhân dân?

Việc trao tặng các danh hiệu vinh dự đã góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ hết mình cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, để có nhiều chương trình, tác phẩm, tiết mục nghệ thuật có giá trị phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình xét tặng danh hiệu như: Vướng mắc về tiêu chuẩn, về số lượng thành viên Hội đồng các cấp và cơ cấu thành phần Hội đồng; về tỉ lệ phiếu bầu tại các Hội đồng xét tặng danh hiệu, quy định trường hợp vắng mặt, Hội đồng xin ý kiến thành viên bằng văn bản là khó khăn đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

de thuc su xung dang la nghe si cua nhan dan
Nghệ sĩ Nhân dân Trung Anh dù tuổi đã cao nhưng vẫn tiếp tục cống hiến những vai diễn ấn tượng trong lòng công chúng (ảnh phim Về nhà đi con)

Trong đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 8 và lần thứ 9 có một số trường hợp đề nghị xét tặng danh hiệu chưa đạt đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định 89. Gần đây nhất là các trường hợp Nghệ sĩ nhân dân Trần Hạnh hay các Nghệ sĩ nhân dân của sân khấu cải lương phía nam như Minh Vương, Giang Châu, Thanh Tuấn... là những trường hợp thiếu điều kiện tiêu chuẩn theo quy định, tuy nhiên họ lại là những tên tuổi sống trong lòng công chúng.

Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Phùng Huy Cẩn cho biết, trước bất cập này, Hội đồng xét tặng danh hiệu các cấp đều thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét vận dụng về số lượng huy chương, đề nghị Chủ tịch nước xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cho các trường hợp là nghệ sĩ lão thành, có nhiều đóng góp trong kháng chiến; các nghệ sĩ là người dân tộc, tham gia tích cực phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật tại địa phương; các nghệ sĩ hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương, với đặc thù ngành nghề nên ít có điều kiện và cơ hội tham gia các Liên hoan, Hội diễn chuyên nghiệp; các nghệ sĩ là giảng viên các Trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng vừa tham gia giảng dạy, vừa là thành viên Ban Giám khảo, Hội đồng chấm thi, vừa tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước nhưng khó tham gia các Liên hoan, Hội diễn; các nghệ sĩ hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch do đặc thù ngành nghề ít có các cuộc thi được tổ chức...

Hầu hết ý kiến đồng tình với những kiến nghị, đề xuất sửa đổi Nghị định 89 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tại Hội nghị, nhiều nghệ sĩ cũng góp ý việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú dựa trên quy định phải có Huy chương Vàng là chưa hợp lý. Theo Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa: “Chúng ta không thể quy đổi hai Huy chương Bạc thành một Huy chương Vàng, điều này rất vô lý. Tôi có 50 năm đứng trên sân khấu, cả cuộc đời chỉ biết hát và có duy nhất một Huy chương Vàng. Tôi nghĩ Huy chương Vàng là cần thiết cho các hội diễn để đánh giá tài năng sân khấu của nghệ sĩ nhưng nó không đánh giá sự cống hiến của họ với xã hội”.

Cùng với đó, nhiều nghệ sĩ cho rằng, nghệ sĩ có thể đạt được hai huy chương hay nhiều thành tích khác trong nghệ thuật nhưng có những tác phẩm chỉ đem ra thi để lấy huy chương mà khán giả không biết đến. Do vậy, nghệ sĩ khi mang huy chương đi xét tặng danh hiệu cũng nên trăn trở suy nghĩ xem tính hiệu quả, giá trị tác phẩm của mình đối với xã hội hay danh hiệu của mình đạt được có vấn đề gì hay không? Theo Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa, rất nhiều Nghệ sĩ nhân dân gần đây được xét tặng mà công chúng không biết là ai do có ít cống hiến. "Tôi nghĩ những người làm văn hóa, nghệ thuật, khi chưa đủ tiêu chuẩn nhân dân, chưa được tiêu chuẩn ưu tú mà cầm cái danh hiệu đó thì tự thấy ngại với xã hội. Một nghệ sĩ có được sự yêu quý của nhân dân đáng quý hơn nhiều” - Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa chia sẻ.

Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Phùng Huy Cẩn cho biết, triển khai thực hiện Nghị định 89/2014/NĐ-CP, từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức được 02 đợt xét tặng danh hiệu. Trong đợt xét tặng lần thứ 8, năm 2015, Chủ tịch nước đã Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho 102 Nghệ sĩ ưu tú và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho 379 nghệ sĩ. Đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 9, năm 2018, Chủ tịch nước quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho 84 Nghệ sĩ uu tú và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho 307 nghệ sĩ.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đồng quan điểm: “Việc tính quy đổi Huy chương Vàng, Huy chương Bạc hiện nay là máy móc. Ai cũng biết, cũng trân trọng nhưng chúng ta lấy huy chương ra để xét tặng đã dẫn tới việc ra đời hàng loạt cuộc thi, liên hoan. Thậm chí nhiều nghệ sĩ tham gia chỉ với mục đích lấy bằng được huy chương”.

Cũng thống nhất với góc nhìn này, Giáo sư, tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Ngô Văn Thành cho rằng, đã là Nghệ sĩ ưu tú thì phải xuất sắc, là Nghệ sĩ nhân dân thì phải xuất chúng. Họ là những nghệ sĩ mang dấu ấn của đất nước, dân tộc, đại diện tinh hoa của một nền nghệ thuật và xứng đáng được nhân dân tôn vinh. Nhưng không vì thế mà cộng năm tháng để trở thành Nghệ sĩ ưu tú, cộng các tiết mục để trở thành Nghệ sĩ nhân dân. Nên xét danh hiệu theo phạm vi hoạt động của từng cá nhân. Mỗi Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú là nhân tố mang lại ánh sáng, sức lan tỏa cho vở diễn, tiết mục, quyết định vở diễn đó, tiết mục đó có đóng góp, cống hiến cho nền nghệ thuật của đất nước hay không.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các nghệ sĩ đã góp ý về thay đổi cơ chế xét duyệt danh hiệu cho phù hợp hơn, bớt cứng nhắc, không bỏ sót những người xứng đáng. Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức hội nghị tương tự ở phía nam, nhằm tổng hợp các ý kiến, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP để công tác xét tặng danh hiệu được triển khai thực hiện hiệu quả, tôn vinh các nghệ sĩ tài năng, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.

Với quy trình như hiện nay, tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 2/15 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Hội đồng tại Hội đồng cấp Nhà nước, hồ sơ chỉ 3/12 thành viên không đồng ý (đạt 85,7%) là không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này