Bảo hiểm xã hội tự nguyện Người dân không mặn mà !

20:51 | 18/11/2014
Hà Nội có hơn 3,5 triệu lao động tham gia vào các ngành nghề kinh tế. Trong đó, số lao động trong độ tuổi chiếm tới 45%. Tuy nhiên, chỉ rất ít trong số này tham gia BHXH tự nguyện.

Quá ít lao động tham gia

Mặc dù, trong những năm qua tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện đã tăng (giai đoạn 2011- 2015 tăng bình quân 22-25%) tuy nhiên, trên thực tế số người tham gia vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,2% so với dân số trong độ tuổi lao động của thành phố. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là những lao động đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, họ đóng thêm để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Trong khi đó một số lượng lớn lao động trong các làng nghề, trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nông dân ở các vùng ngoại thành thì lại thờ ơ với loại hình bảo hiểm này.

Qua điều tra, khảo sát cho thấy, nguyên nhân là do nhận thức xã hội còn hạn chế và thu nhập còn eo hẹp. Thêm vào đó, việc làm của người lao động trong khu vực phi chính thức thường không ổn định (khoảng 30,4% người lao động đủ thời gian làm việc; 60,4% thỉnh thoảng mới đủ thời gian làm việc), đây là khó khăn đối với cả người lao động và cơ quan BHXH. Đối với người lao động chỉ khi mức sống đã ổn định thì họ mới có khả năng đóng góp BHXH.

Mặt khác, do quan niệm “đồng tiền đi liền khúc ruột” cùng với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều người chỉ lo tích cóp gắn với cái lợi trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài khi tham gia BHXH. Đây cũng là một cản trở trong nhận thức của người lao động tự do cần phải khai thông để họ đến với BHXH tự nguyện.

Người dân không mặn mà với bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh minh họa

Cần hệ thống pháp luật đồng bộ

Kinh nghiệm triển khai BHXH tự nguyện trên thế giới cho thấy, điều kiện quan trọng trong quá trình triển khai BHXH tự nguyện là phải có hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh. Đây chính là điều kiện pháp lý để triển khai BHXH tự nguyện đối với lao động thuộc các khu vực này.
Một hệ thống pháp lý đầy đủ phải bao gồm các chế tài quy định về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, mức đóng phí BHXH, điều kiện và mức hưởng chế độ, tổ chức bộ máy của hệ thống BHXH tự nguyện, hoạt động đầu tư của quỹ BHXH tự nguyện, giải quyết các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia BHXH tự nguyện. Chỉ có hệ thống pháp lý đồng bộ và hoàn chỉnh mới tạo hành lang pháp lý thuận tiện cho hoạt động của BHXH tự nguyện.

Mặt khác, chính sách BHXH tự nguyện chủ yếu hướng tới đối tượng là người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, đó là những người sống ở vùng nông thôn, những người lao động làm việc theo thời vụ, người tham gia vào công việc trong nhà hoặc các công việc không có hợp đồng… Chính vì vậy, nhóm đối tượng này thường có thu nhập không ổn định. Cho nên, nếu hệ thống BHXH tự nguyện hướng tới mục tiêu bao phủ đến nhiều người dân thì việc quy định căn cứ để tính mức đóng góp tối thiểu vào quỹ BHXH tự nguyện là rất quan trọng, sao cho ở mức thu nhập tối thiểu của người lao động vẫn có thể tham gia BHXH. Trên thực tế, với hoạt động tự tạo việc làm cho mình, thu nhập của người lao động đôi khi thấp hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Chính vì thế, việc người lao động có mặn mà với loại hình bảo hiểm này hay không còn phụ thuộc vào các chế độ đó có phù hợp với đa số người lao động không, có đáp ứng được lợi ích của họ hay không? Bên cạnh đó, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung về chế độ chính sách BHXH tự nguyện cho phù hợp, đơn giản, thuận lợi, đảm bảo người dân được tiếp cận với dịch vụ công, được thụ hưởng chính sách thì mới khuyến khích được người dân tham gia.

Trần Thị Thu Hiền
 (BHXH TP Hà Nội)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này