Nữ sinh cần cảnh giác đối tượng giả làm bạn gái thân qua mạng để lừa đảo, xâm hại

21:56 | 09/11/2019
(LĐTĐ) Việt Nam là một trong những quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất thế giới, trong đó, một tỉ lệ không nhỏ người sử dụng mạng Internet là giới trẻ. Khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng, các em có cơ hội được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú trên mạng nhưng mặt trái là khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại.  
Cụ thể hóa, chi tiết hóa các hành vi liên quan đến tội phạm tình dục
Kẻ xâm hại bé gái ở Chương Mỹ nhận mức án chung thân

Trong buổi sinh hoạt chuyên đề về bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em ở các trường học tại Hà Nội, Trung tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, lợi dụng mạng xã hội đang là thủ đoạn phổ biến hiện nay của các đối tượng có ý đồ lạm dụng tình dục trẻ em. Hiện nay có rất nhiều nguy cơ đến từ mạng xã hội.

“Mạng xã hội như một cái chợ, người tốt có, người xấu có, hàng giả có, hàng thật có. Các em chưa thể nhận biết, chưa có kỹ năng nhận biết các nguy cơ cạm bẫy đủ loại của đối tượng lạm dụng ở trên mạng”, Trung tá Khổng Ngọc Oanh khẳng định.

Nữ sinh cần cảnh giác đối tượng giả làm bạn gái thân qua mạng để lừa đảo, xâm hại
Trung tá Khổng Ngọc Oanh phân tích thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội của các đối tượng lạm dụng xâm hại tình dục trẻ em

Trung tá cũng cho biết, nguy cơ thứ nhất là đối tượng lợi dụng những trò chơi tập thể trên mạng. Đối tượng quan sát những người chơi, thả tin nhắn làm quen, sau đó hẹn hò và thực hiện hành vi rủ rê lừa gạt bằng các tên giả, địa chỉ giả, hình ảnh giả.

“Rất nhiều đối tượng có những hình ảnh đẹp trên mạng như hình thức đẹp, ăn mặc đẹp, xe đẹp nhưng khi chúng tôi bắt được thì hoàn toàn không phải như vậy. Thế nhưng đối tượng đã lừa được rất nhiều người, lạm dụng xong sau đó bán nạn nhân ra nước ngoài. Ở Hà Nội thì số lượng này không nhiều nhưng ở miền núi thì có rất nhiều em ở trường nội trú bị rủ rê và xâm hại tình dục, bán trao tay cho các đối tượng nước ngoài”, Trung tá Khổng Ngọc Oanh cho biết.

Theo Trung tá Oanh, một trong những thủ đoạn tinh vi mà các em dễ mắc lừa nhất chính là làm quen, chụp ảnh nhạy cảm, bị đe dọa và cưỡng bức quan hệ tình dục. Dẫn chứng từ một vụ án có thật, Trung tá cho biết, đó là vụ án mà đối tượng gây án là nam giới ngoài 40 tuổi. Đối tượng này đã dùng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội zalo, lấy ảnh đại diện là một nữ sinh 15 tuổi, kết bạn với một nữ học sinh cùng tuổi. Sau khi kết bạn đối tượng này đã nói chuyện với nạn nhân về sở thích, thời trang, học hành, sau đó chuyển sang chủ đề giới tính.

Theo điều tra, đối tượng trao đổi với nạn nhân về việc "dậy thì nhưng các bộ phận chưa phát triển" nên cảm thấy buồn chán, tự ti để tạo sự cảm thông. Sau đó, đối tượng đề nghị nạn nhân chụp bộ phận nhạy cảm để xem “có khác gì” không. Do nạn nhân nghĩ là bạn gái với nhau nên cũng chụp ảnh và gửi cho đối tượng xem. Đối tượng đã tìm cách khen ngợi, gạ gẫm nạn nhân tiếp tục chụp ảnh gửi cho đối tượng. Cho đến khi đã có đủ những dữ liệu cần thiết, đối tượng mới tiến hành hẹn gặp.

Khi ra tới quán cà phê, nạn nhân đã hoảng hốt khi đối tượng lộ nguyên hình là một gã đàn ông xấu xí, già nua. Đồng thời anh ta dùng những bức ảnh nạn nhân gửi để đe dọa, ép nạn nhân quan hệ tình dục, nếu không sẽ đưa ảnh lên mạng của trường nơi nạn nhân học. Đối tượng này đã cưỡng ép nạn nhân quan hệ tình dục nhiều lần và sau đó còn đòi tiền nạn nhân.

Đây là một trong những thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội rất tinh vi. Theo Trung tá Khổng Ngọc Oanh thì thủ đoạn này khiến nạn nhân rơi vào bế tắc, có nhiều em đã tự tử thay vì báo với người lớn để tìm cách giải quyết.

“Trong trường hợp này, các em phải ngay lập tức báo cáo với gia đình, thầy cô để trợ giúp báo công an kịp thời bắt đối tượng. Đồng thời, các em không được xóa các bằng chứng như tin nhắn, cuộc gọi, quà tặng…. để làm bằng chứng truy tìm hoặc truy tố đối tượng gây án”, Trung tá Khổng Ngọc Oanh khuyên.

Theo thống kê của Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam cho biết, 51,2% dân số toàn cầu sử dụng Internet, trong đó, hơn 1/3 người dùng thuộc lứa tuổi từ 15-24 tuổi; 68% trẻ em tự học cách sử dụng internet và 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đăng tải internet.

Bài và ảnh: Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này