Sẽ phạt nguội nếu vi phạm trên đường vành đai 3 trên cao

10:14 | 20/11/2014
Sau 2 năm đi vào hoạt động, đường vành đai 3 trên cao đã và đang tồn tại những vấn đề nhức nhối: xe mô tô tùy tiện tham gia giao thông trên đường cấm; xe khách, xe taxi đón trả khách bất chấp quy định cấm dừng đỗ; người đi bộ đi lại tự do... Để lập lại trật tự đường vành đai 3 trên cao, từ ngày 1/11 lực lượng công an quận Thanh Xuân đã kết hợp cùng đội CSGT số 7 ra quân xử phạt những người vi phạm. Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động Thủ đô, sau 18 ngày triển khai, bước đầu đã có chuyển biến.

Xe trả khách bừa, người đi bộ dính phạt

Đường vành đai 3 trên cao đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông của thành phố kết nối với: quốc lộ 1A, quốc lộ 18, đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình... Hàng ngày, vào giờ cao điểm là lúc các xe khách hoạt động rầm rộ nhất. Thay vì trả khách đúng bến thì các nhà xe thả và bắt khách giữa đường. Nhiều hành khách muốn tiết kiệm thời gian cùng với việc nhà xe “trả bừa” nên không ít người khi bị công an giữ lại để xử lý vi phạm vẫn còn tỏ ra bất ngờ. Anh Trần Thụ (Thái Bình) cho biết, lên Hà Nội làm thuê, trọ ở đường Nguyễn Trãi nên anh thường xuống dọc đường chứ không chờ tới khi xe vào tận bến mới quay lại vì rất mất thời gian. Cho đến khi bị lực lượng chức năng lập biên bản anh tỏ ra bức xúc trách nhà xe “đem con bỏ chợ”.

Trao đổi với phóng viên, trung tá Nguyễn Anh Sơn - Đội trưởng Đội Cảnh sát trật tự giao thông phản ứng nhanh (Công an quận Thanh Xuân) cho biết: “Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc một lượng xe ôm không nhỏ sẵn sàng “phi lên” đường cấm để bắt khách. Biết di chuyển trên đường cấm sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nên xe ôm thường phóng với tốc độ nhanh và bất chấp nguy hiểm. Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra với hậu quả đáng tiếc về người và tài sản do những hành vi vi phạm nguy hiểm nói trên”.

Để đối phó với những đối tượng cố tình vi phạm có nhiều “chiêu trò”, đội trật tự phản ứng nhanh (Công an quận Thanh Xuân) đã phối hợp với đội giao thông số 7 phòng CSGT Hà Nội kết hợp cùng lực lượng công an phường chốt ở các nhánh rẽ lên, xuống đường vành đai trên cao, bao gồm những chiến sĩ mặc cảnh phục thậm chí thường phục để xử lý vi phạm.

Cũng theo trung tá Nguyễn Anh Sơn, tuyến đường vành đai 3 trên cao thuộc địa bàn quận Thanh Xuân quản lý gồm 3 lối lên và 3 lối xuống . Tại các điểm chốt dưới chân cầu đã được giao cho công an các phường Hạ Đình, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Trung... Phía quận giao cho mỗi chốt 1 cán bộ cảnh sát trật tự, 2 cán bộ tự quản... Tùy theo từng phường sẽ chia thời gian làm việc từ 2 - 3 ca/ngày từ 6h sáng đến 24h hàng ngày. Đội giao thông trật tự gồm 6 cán bộ, chiến sĩ/ca phụ trách việc xử lý trên cao. Đối với lực lượng này sẽ mặc thường phục còn những đồng chí lập biên bản sẽ mặc quần áo cảnh sát để công tác xử lý khách quan hơn.

Sẽ xử lý quyết liệt

Theo Nghị định 171 thì người đi bộ vào đường cao tốc, đường cấm sẽ áp dụng mức phạt là 100 nghìn đồng/người, còn mức phạt đối với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc trên cao là 300 nghìn đồng/người. Ngoài ra, người lái xe mô tô vi phạm còn chịu hình thức xử phạt tước giấy phép lái xe 30 ngày. Theo Trung tá Nguyễn Anh Sơn, trong quá trình xử lý cũng chưa gặp phải trường hợp vi phạm nào có hành vi chống đối bởi trên thực tế hầu hết người dân đều hiểu việc vi phạm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. “Đa phần xe máy khi đi lên đường trên cao đều bị xử lý còn đối với một vài trường hợp người vi phạm ở tỉnh xa chưa nắm rõ chúng tôi cũng linh động, chỉ tiến hành nhắc nhở, yêu cầu viết cam kết không vi phạm lần sau” - trung tá Sơn nói.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trong quá trình thực hiện lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn như việc dàn quân để xử lý vi phạm khá tốn lực lượng. Để khắc phục tình trạng bị “căng quân”, Công an quận Thanh Xuân đã phối hợp với đội CSGT số 7 của CATP, công an phường giãn thời gian chốt cụ thể vào những giờ cao điểm như những khung giờ 6h - 10h sáng ,từ 10h sáng - 16h chiều, từ 16h chiều - 20h tối, 20h tối - 22h đêm... Tại các chốt luôn đảm bảo công an phường có mặt, còn đội CSGT số 7 cùng Công an quận Thanh Xuân tuần tra đường trên cao để xử lý. Tính đến ngày 17/11/2014 đã xử phạt 34 trường hợp người đi bộ và 35 trường hợp người đi xe máy.

“Theo kế hoạch thì công tác xử lý này sẽ tạm dừng vào ngày 31/12/2014. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn giao thông cũng như để công tác xử lý vi phạm được khách quan hơn chúng tôi đang kiến nghị lên phòng cảnh sát gaio thông thành phố và các cơ quan chức năng cho lắp camera tại các điểm lên xuống để xe khách không dám dừng đỗ bừa bãi. Từ đó xe ôm cũng như người nhà đưa đón cũng theo đó giảm dần. Bên cạnh đó, căn cứ vào quy định cho phép được “phạt nguội” nên những trường hợp vi phạm ở chốt trước thì lực lượng chức năng có thể gọi bộ đàm cho chốt sau xử lý, thậm chí khi xe vào tận bến thì lực lượng chức năng vẫn có thể đưa ra bằng chứng để xử phạt...”, trung tá Sơn cho biết thêm.

Đối tượng vi phạm là sinh viên đã giảm hẳn

Trước khi thực hiện kế hoạch, công an quận Thanh Xuân đã tuyên truyền trên các loa truyền thanh phường, các trường đại học, trung cấp... đóng trên địa bàn quận. Với mục đích tuyên truyền đến từng sinh viên vì đây là những đối tượng thường xuyên tham gia giao thông bằng phương tiện xe khách nên hầu hết những trường hợp vi phạm đều không nằm trong nhóm đối tượng này.

Tuệ Liên

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này