Tìm lời giải ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông

Khí thải từ phương tiện vẫn khó kiểm soát?

16:18 | 05/11/2019
(LĐTĐ) Những năm gần đây, số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có xu hướng tăng nhanh. Bên cạnh những lợi ích to lớn như đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại của người dân thì vấn đề ô nhiễm môi trường không khí do khí xả của động cơ lắp trên các phương tiện giao thông đường bộ gây ra được toàn xã hội đặc biệt quan tâm, đòi hỏi phải sớm có giải pháp kiểm soát. 
khi thai tu phuong tien van kho kiem soat Khắc phục ô nhiễm không khí: Câu chuyện không của riêng ai
khi thai tu phuong tien van kho kiem soat Chung tay bảo vệ môi trường không khí của Thủ đô
khi thai tu phuong tien van kho kiem soat Hà Nội: Triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ môi trường
khi thai tu phuong tien van kho kiem soat
Việc xả thải của các phương tiện giao thông làm tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Ảnh: Đinh Luyện

Vẫn âm thầm thải khói độc

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 6,6 triệu phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó xe máy lên tới 6 triệu chiếc, tốc độ tăng trưởng hàng năm của ô tô là 11%, của xe máy là 6,75%. Phương tiện cá nhân tăng trưởng nhanh khiến kẹt xe - khí thải - ô nhiễm môi trường trở thành vòng luẩn quẩn mà người dân Hà Nội hàng ngày phải gánh chịu.

Đáng ngại ở chỗ, đối với hoạt động giao thông, phát thải từ các phương tiện tập trung chủ yếu từ hoạt động giao thông đường bộ và nó phụ thuộc vào chủng loại, chất lượng và nhiên liệu mà phương tiện sử dụng. Chẳng hạn, tác động từ động cơ diesel sẽ thải khói đen gấp 7,5 lần so với động cơ xăng nhưng các động cơ xăng gây phát thải chứa chì; động cơ sử dụng diesel không chứa chì, nhưng lại thải ra nhiều hạt lơ lửng trong không khí. Các chất gây ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động giao thông đường bộ chủ yếu là CO, NOx, SO2, bụi (TSP)...

Đề cập đến ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông, theo nghiên cứu của nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, trong hàng triệu xe máy đang lưu thông hàng ngày trên địa bàn thì không ít trong số đó đã quá niên hạn sử dụng, phát tán khí thải gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí.

Theo báo cáo nghiên cứu đề ra lộ trình hướng tới giảm phát thải cho ngành vận tải, giảm phát thải CO2, đáp ứng kỳ vọng nâng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) vừa công bố tại Hà Nội cho thấy, hiện tại giao thông vận tải là ngành có mức phát thải lớn, lên tới khoảng 10,8% tổng lượng phát thải CO2 tại Việt Nam. Theo kịch bản phát triển thông thường, lượng phát thải này được dự báo sẽ tăng từ 6 - 7%/năm; đạt gần 70 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.

Theo ghi nhận thực tế tại các quận nội thành, số người sử dụng xe máy đặc biệt là những xe “quá đát” chủ yếu vào các khung giờ 3 – 5h sáng; 11h30-13h30 chiều và từ 22h đêm đến 3h sáng. Các loại phương tiện “quá đát” này phần lớn chỉ trơ lại bộ khung bằng sắt hoen gỉ, phần đầu trống hoác với mớ dây điện loằng ngoằng, không còi, không đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, không gương.

Thậm chí, nhiều xe không có đăng ký xe, không có biển số… phương tiện thường tập trung ở các chợ đầu mối, được người dân sử dụng để chở hàng hóa vào các khu vực nội thành. Dù xếp vào dạng xe “nhiều không”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông nhưng một lượng lớn các nhu yếu phẩm như: Gas, thịt lợn, cá, nước tinh khiết, đồ gỗ nội thất, nước giải khát, phế liệu, nước rác phục vụ chăn nuôi gia súc, vật liệu xây dựng… vẫn đều đặn được các xe này “tải” và phân phối khắp Hà Nội.

Đáng ngại hơn, tại các tuyến vành đai như Nguyễn Xiển, khu cửa ngõ Thủ đô như Quốc lộ 21B… người viết đã ghi lại được nhiều hình ảnh liên quan đến xe “quá đát” được “nâng cấp” thành… 3 bánh dùng để chở rác, phế liệu phục vụ cho một số làng nghề tái chế khu vực ngoại thành.

Cần phải khẳng định, bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến chất lượng không khí tại Hà Nội ngày càng bị ô nhiễm thì một phần lại xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ việc một bộ phận người dân chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường. Nhiều người có thói quen sử dụng phương tiện trong một thời gian dài mà không có sự chăm sóc, sửa chữa. Trong khi vì mưu sinh, nhiều phương tiện đã quá cũ kỹ và hết hạn sử dụng, vẫn được người dân sử dụng để chở hàng hóa, nhiều người chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Cần sớm có lộ trình xử lý

Khách quan nhìn nhận, đã và đang có nhiều nghiên cứu chỉ ra những hệ lụy của môi trường tới sức khỏe con người và không ít bệnh tật mà con người phải gánh chịu xuất phát từ ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí. Thế nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp tối ưu nào được đưa ra để giảm tác hại này.

khi thai tu phuong tien van kho kiem soat
Ùn tắc giao thông cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Theo TS Nguyễn Thị Yến Liên – Khoa Môi trường và An toàn giao thông (Trường Đại học Giao thông Vận tải), qua nhiều nghiên cứu của các tổ chức Quốc tế cũng như các nhà khoa học, giao thông là một trong những tác nhân gây ô nhiễm do đó chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ những phát thải từ hoạt động này. Đặc biệt, cần hạn chế các phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng là một trong những giải pháp có thể áp dụng.

Thực tế, việc kiểm soát tiêu chuẩn khí thải của các loại phương tiện chính là nhằm mục đích cải thiện môi trường, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm. Và với vấn đề này, các cơ quan chức năng đã có những động thái vào cuộc tích cực. Minh chứng dễ thấy, ngày 10/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 249/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới đường bộ nhằm tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn khí thải do hoạt động của phương tiện giao thông đường bộ gây ra đồng thời hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí.

Theo đó, từ ngày 1/7/2008 thực hiện việc kiểm tra khí thải bắt buộc đối với xe ô tô đang lưu hành trên phạm vi cả nước. Trải qua nhiều năm thực hiện việc kiểm tra khí thải đối với phương tiện đang lưu hành, nhiều phương tiện cũ nát được thay thế bằng phương tiện mới có mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát khí thải đối với xe máy đang lưu hành do Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định cụ thể đối với loại phương tiện này nên cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Hà Nội hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khách quan trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Ví dụ như việc kiểm soát khí thải xe máy vẫn chưa được luật hóa thành các quy định cụ thể. Hay việc thu phí vào nội đô là loại phí chưa có tiền lệ, cần được Quốc hội thông qua, đưa vào luật mới thực hiện được.

Vừa qua, 2 Đề án: “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; và “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, do chưa có những kịch bản rõ ràng, thiếu chi tiết cụ thể mà các đề án chưa thu hút được sự quan tâm rộng rãi.

Có thể thấy, Hà Nội còn quá nhiều việc, quá nhiều khó khăn phải vượt qua nếu muốn thực sự đưa chủ trương từ văn bản ra thực tế.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này