Báo động tình trạng lấn chiếm trước cổng chùa phố cổ

11:04 | 27/11/2014
Chốn cửa chùa, đình đền miếu mạo vốn là nơi thanh tao, tĩnh mịch. Vậy mà, vì mưu sinh, nhiều người dân đã bất chấp lấn chiếm đất chùa để kinh doanh, bán trà đá, nơi gửi xe, chỗ bán hàng. Nhiều cổng chùa ở phố cổ Hà Nội đã bị biến thành chợ trời nhếch nhác.

Trải qua bao năm tháng lịch sử, khu phố cổ Hà Nội như là một minh chứng cho quá trình phát triển của đô thị. Nơi đây mang một dấu ấn đặc biệt trong lòng không chỉ mỗi người dân thủ đô Hà Nội mà cả những vị du khách thập phương. Thế nhưng, dạo một vòng quanh phố cổ Hà Nội, hầu hết các cổng chùa, đình, đền cổ đều bị người dân ngang nhiên lấn chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán, nơi để xe...

Dưới bóng cây đa cổ thụ, chùa Cổ Vũ nằm trên phố Hàng Gai là nơi diễn ra nhiều các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, như hát xẩm, hát dân ca… Thế nhưng, ngay trước cổng chùa là quán nước, bày bán quần áo lấn sâu vào cổng chùa. Đền Bà Kiệu ở số nhà 59 đại lộ Đinh Tiên Hoàng quanh năm suốt tháng cửa đóng, then cài. Người dân tranh thủ bày bán các loại túi, ba lô…, có khi giá hàng còn treo cao hơn cả cửa đền. Đền Trang Lâu số  77 Nguyễn Hữu Huân có biển hiệu  cafe - sinh tố - giải khát treo trực tiếp trước cửa. Nhiều người đi qua phải thắc mắc tự hỏi không biết đây là nhà riêng hay chùa?

Ngôi chùa Vĩnh Trù tọa lạc tại 59 Hàng Lược là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, mang các giá trị về văn hoá, lịch sử với kiến trúc đặc sắc được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận. Vậy mà ngay bên cạnh cửa chùa là quán bán thịt chó gia truyền.  Ban ngày cửa chùa được sử dụng làm nơi buôn bán đồ ăn sáng, ăn trưa. Nào bàn, nào ghế, xe cộ được bầy la liệt trước cổng chùa, vô cùng mất mỹ quan. Anh Tùng – người dân đã sống lâu năm ở phố cổ phải thốt lên: “Ngày ngày đi qua ngôi chùa, thấy những cảnh tượng như vậy tôi cảm thấy vô cùng phản cảm và bức xúc nhưng cũng ko biết nói với ai. Không hiểu sao chính quyền lại không can thiệp”.

Nhiều cổng chùa dường như biến mất hay lọt thỏm giữa những hàng quán nhếch nhác. Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nay và dường như không có sự can thiệp của các cấp chính quyền địa phương. Thầy Thích Nguyên Tâm, trụ trì chùa Vĩnh Trù đã hơn 20 năm, chia sẻ: “Hà Nội đất chật, người đông, dân kiếm kế sinh nhai vốn chẳng phải là chuyện xấu nhưng càng ngày dân càng ngang nhiên lấn chiếm nơi cửa Phật trông đến nhếch nhác. Các bác trên phường cũng xuống nhắc nhở nhưng rồi đâu lại vào đấy”.

Đây là một thực trạng đáng báo động, ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm nơi cửa chùa, những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc. Không những thế, nó còn làm xấu đi vẻ đẹp của các di tích lịch sử quốc gia trong mắt người dân Việt Nam và cả bạn bè quốc tế. Đã đến lúc người dân và các cấp ngành nên có các hành động cụ thể, tích cực để bảo vệ những tài sản chung của quốc gia, trả lại vẻ đẹp tôn nghiêm cho các di tích lịch sử văn hoá.

Dưới đây là hình ảnh phản ánh về tình trạng cổng chùa ở phố cổ Hà Nội bị lấn chiếm:

Cổng chùa Cổ Vũ nằm trên phố Hàng Gai biến thành nơi bày bán quần áo 

Buổi tối, người dân ăn thịt chó trước cổng chùa vô cùng phản cảm.

54309

Đền Bà Kiệu ở số nhà 59 đại lộ Đinh Tiên Hoàng la liệt giá treo hàng

54308

Đền Trang Lâu số  77 Nguyễn Hữu Huân thành quán cafe 

54311

 Miếu Trung Yên cũng được tận dụng làm nơi bán tào phớ, nước giải khát.

54307

Nằm trên phố Hàng Buồm, đền Quan Đế bị tận dụng làm nơi gửi xe, mặc dù có biển cấm để xe to đùng.

54306

 Đền Đồng Thuận ở phường Hàng Mã luôn trong tình trạng hàng quán, xe cộ vây quanh tràn xuống cả vỉa hè.

 

Kiều Ly

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này