Doanh nghiệp xả thải, dân hứng đủ

10:53 | 25/11/2014
Theo phản ánh của các hộ dân thôn Văn (Thanh Liệt - Thanh Trì - Hà Nội) từ nhiều năm nay họ phải hứng chịu khí thải độc hại từ hai nhà máy là An Việt và Việt Tiến hoạt động trong lĩnh vực mạ nhúng nóng. Phóng viên Lao động Thủ đô đã về địa phương để làm rõ vấn đề này.

54263Nỗi khổ nhà “không có cửa sổ”

Qua quan sát của phóng viên, khu vực sản xuất của 2 doanh nghiệp này tiếp giáp với ruộng rau muống của người dân thôn Văn, cách đó không xa là khu dân cư và Trường mầm non Thanh Liệt B - những địa điểm đang hàng ngày hàng giờ hứng trọn luồng khí thải độc hại của 2 nhà máy trên.

Theo bà Nguyễn Thị Phồn (thôn Văn - Thanh Liệt - Thanh Trì - Hà Nội): Hầu hết các gia đình tại đây đều trong tình trạng có cửa sổ cũng như không. Hướng cửa sổ nhà bà nhìn thẳng ra cánh đồng và luôn trong tình trạng phải đóng kín. Hằng ngày mùi hôi của hóa chất chưa được xử lý xộc thẳng vào nhà bà, đặc biệt những ngày nắng nóng mùi hóa chất càng nồng nặc hơn. Cùng chung nỗi khổ như bà Phồn, ông Nguyễn Văn Thọ (thôn Văn) cho biết thêm, thời gian gần đây cơ quan chức năng đã có biện pháp xử lý nhưng chưa thực sự triệt để. Bằng chứng là việc khí thải lại âm thầm được xả vào ban đêm hoặc rạng sáng khiến sức khỏe của người dân bị đe dọa.

Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với ông Đặng Đình Cường (trưởng thôn Văn) và được biết nhiều nỗi “éo le” trong quá trình khắc phục và xử lý đối với 2 doanh nghiệp này. Ông Cường nói: “Hiện tại các hộ dân, đặc biệt là giáo viên và học sinh Trường mầm non Thanh Liệt B xã Thanh Liệt đang chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng 2 doanh nghiệp này lại thuộc địa bàn xã Tam Hiệp. Do thẩm quyền bị hạn chế nên người dân thôn Văn chỉ biết phản ánh lên xã Thanh Liệt để có biện pháp phối hợp cùng xử lý...”.

Quy trình xử lý còn nhiều bất cập

Trao đổi với phóng viên về thực trạng cũng như các biện pháp khắc phục, ông Trịnh Quốc Thắng - phó chủ tịch xã Tam Hiệp cho biết: Ban đầu những đơn vị này thuê kho bãi để sản xuất thép hình loại nhỏ, sau chuyển sang kinh doanh thương mại và bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề. Ông Thắng xác nhận vào năm 2011, UBND xã đã phối hợp với huyện cùng các đơn vị chức năng của thành phố tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp này, trong đó doanh nghiệp Việt Tiến bị xử lý vi phạm lên tới 250 triệu đồng. Thời gian sau đó doanh nghiệp đã có sự khắc phục tuy nhiên vẫn chưa triệt để. Bằng chứng là lần kiểm tra và xử phạt gần đây nhất vào tháng 6 - 2014 thì doanh nghiệp này mới đang hoàn thiện được phần nước thải (sau khi mạ xong và qua bể nóng lọc), còn phần khói bụi (khí thải) vẫn chưa khắc phục được.

Ông Trịnh Quốc Thắng - Phó chủ tịch xã Tam Hiệp (Thanh Trì - Hà Nội)

Khi được hỏi về quy trình cấp giấy phép cũng như xử phạt các doanh nghiệp vi phạm đóng trên địa bàn, ông Thắng cho biết: “Về việc cấp phép thuộc thẩm quyền của UBND huyện còn cấp xã chỉ có chức năng xác nhận vị trí, địa điểm doanh nghiệp đóng trên địa bàn chứ không có chức năng thẩm định. Quy trình cũng như hồ sơ đánh giá tác động môi trường đều gửi cho Phòng tài nguyên môi trường huyện để thẩm định”.

Cũng theo ông Thắng, việc quyết định đình chỉ doanh nghiệp vi phạm thuộc về thành phố, còn chính quyền xã chỉ kiến nghị lên cấp cao hơn về một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường phải di dời để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Theo quy định thẩm quyền của xã được phép xử phạt dưới 5 triệu, thẩm quyền của huyện dưới 50 triệu... kèm theo yêu cầu doanh nghiệp phải khắc phục hậu quả. Ông Thắng cho biết thêm, mặc dù chính quyền xã và huyện đã tiến hành xử lý nhiều lần nhưng mức độ khắc phục vẫn còn chậm và có dấu hiệu chây ỳ.

Tuệ Liên

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này