Sức khỏe sinh sản cho công nhân: Khoảng trống khó lấp

09:27 | 28/11/2014
Theo một nghiên cứu về thực trạng chăm sóc sức khỏe sinh sản và bạo lực gia đình ở nữ công nhân năm 2013 tại một số KCN ở HN do Sở Y tế tiến hành cho thấy, 76% người trong tổng số 1143 thanh niên công nhân tham gia khám phụ khoa bị nhiễm khuẩn đường sinh sản. Tuy nhiên hầu hết các công nhân này đều không biết mình bị bệnh, không đi khám và tự điều trị. Đáng lưu ý có tới 13,3% nữ công nhân ở nhà máy đã từng nạo hút thai.

Không được học một cách bài bản ở trường phổ thông, những kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS)cũng chỉ “nhặt nhạnh” ở trên mạng. Trong khi ở nơi làm việc phải chuyên tâm vào sản xuất khiến cho không ít công nhân mù mờ kiến thức SKSS. Điều này khiến không ít người phải mếu dở, khóc dở.

Cưới chạy… bầu

Dù công ty đang vào đợt cao điểm chuẩn bị cho hàng tết, nhưng Lê Thị Mai (Ba Vì, Hà Nội) phải xin nghỉ hẳn. Gặp em tại phòng trọ chừng 8m2 tại thôn Bầu, Đông Anh, tôi không khỏi ái ngại bởi đồ đạc trong phòng chẳng có gì đáng giá. Đang chửa vượt mặt mà em vẫn nấu ăn, giặt giũ cho cả “tác giả” của giọt máu mà Mai đang mang.

Mai ngậm ngùi kể, em và Nam yêu nhau được hơn một năm thì có bầu ngoài ý muốn. Mãi đến khi thai được 10 tuần thì Mai mới biết. Gia đình Nam (Ứng Hòa, Hà Tây) không đồng ý. Hai đứa cũng tính đi bỏ thai nhưng thai quá to, em thương con nên cố giữ lại. Em không dám về quê vì sợ mang tiếng “không chồng mà chửa”. Thương em, Nam đành về quê năn nỉ bố mẹ cho làm thủ tục cưới chạy bầu.

“Gọi là cưới cho oai, chứ bọn em không được mặc quần áo cưới. Gia đình Nam chỉ có cái lễ nho nhỏ lên nhà em. Xong thủ tục, em theo Nam về ra mắt gia đình rồi quay lên Hà Nội ở. Giờ thì cả nhà chỉ trông chờ vào đồng lương của Nam” – Mai ngân ngấn nước mắt.

Theo lời Mai kể, thì bạn bè cô có bầu rồi mới cưới cũng khá nhiều, trong số đó cũng có không ít người phải bỏ thai vì người yêu “chạy làng”.  Mai bảo: “Dù sao thì em vẫn còn may khi Nam không chối bỏ”. Đinh Quang Tr. – công nhân khu công nghiệp Gia Lâm cho biết, nhiều bạn bè trong khu công nghiệp có người yêu và sống chung với nhau. Tuy nhiên, các mối quan hệ thường không bền vững, các kiến thức phòng tránh thai và bệnh tật lại không có. Dẫn tới, các “tai nạn” xảy ra là điều không hiếm!

Cần có quy định cụ thể

Theo TS Nguyễn Thị Vân Anh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về “Thực trạng chăm sóc SKSS và bạo lực gia đình nữ công nhân KCN” do Sở Y tế Hà Nội tiến hành thì nữ công nhân các nhà máy có nhiều vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. “Cuộc khảo sát được tiến hành với 1120 phụ nữ ở 12 nhà máy trên địa bàn thành phố khiến chúng tôi hết sức lo lắng. Hầu hết những phụ nữ được hỏi đều không muốn dùng các biện pháp đáng tin cậy như đặt vòng hoặc viên tránh thai trong việc kế hoạch hóa gia đình vì sợ các biến chứng. Đáng lưu ý là đã có tới hơn 13% nữ công nhân đã từng nạo hút thai”. Theo TS. Vân Anh, các lý do khiến nữ công nhân phải bỏ đi giọt máu của mình là do có thai ngoài ý muốn, thai trước hôn nhân và muốn có con trai.

Nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc SKSS cho công nhân, bà Phùng Thị Hiên – cán bộ phụ trách dự án Nhịp sống trẻ dành cho công nhân khu công nghiệp (Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP) cho biết, các chính sách chăm sóc sức khỏe cho thanh niên là khá đầy đủ. Tuy nhiên, công nhân là đối tượng đặc thù, họ phải làm ca kíp, trong khi các cơ sở chăm sóc SKSS công lập chỉ làm việc ban ngày, không làm vào ngày nghỉ. Các nguồn thông tin về SKSS cũng bị hạn hẹp. Do đó, họ không có điều kiện chăm sóc SKSS định kỳ, không tiếp cận được các dịch vụ tư vấn SKSS hiện nay. Chính vì vậy, đa số họ đi khám tại các phòng khám tư vào buổi tối.

“Chúng tôi có dự án tuyên truyền chăm sóc SKSS cho công nhân, tuy nhiên khi liên hệ với doanh nghiệp, nhiều nơi đã từ chối vì “công nhân còn phải làm việc”. Theo bà Hiên, Nhà nước cần có quy định cụ thể yêu cầu doanh nghiệp phải có các buổi chăm sóc SKSS định kỳ cho công nhân.

1120 phụ nữ tham gia vào nghiên cứu do Sở Y tế Hà Nội tiến hành hầu hết là phụ nữ trẻ (82%< 30 tuổi). 70% có chồng, 82% học hết THPT hoặc cao hơn. Trong số các phụ nữ có chồng, 78% lấy chồng trước 25 tuổi và 14% lấy chồng trước 20 tuổi. 52.4% đã từng dùng BPTT  và 43.48%  đang sử dụng BPTT tại thời điểm nghiên cứu. BPTT được dùng nhiều nhất là bao cao su (42%), đặt vòng (24%) và viên thuốc tránh thai (16%). Kiến thức về các BPTT của các phụ nữ còn thiếu hụt như: Đặt vòng hoặc viên thuốc tránh thai sẽ gây ra biến chứng và có tác dụng phụ; Nhiều người dùng các BPTT hiệu quả thấp (bao cao su, tính vòng kinh, xuất tinh ngoài âm đạo; dùng không đúng chỉ định (uống không thường xuyên, quên sử dụng)

Bài 2: Sướng một phút, khổ cả một đời

N. Huyền

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này