Kiểm tra sức khỏe lái xe:

Giải pháp “chặn” tai nạn giao thông từ gốc

20:46 | 24/10/2019
(LĐTĐ) Thời gian qua, các ngành chức năng của Hà Nội đã tăng cường nhiều hoạt động kiểm soát lái xe kinh doanh vận tải, trong đó chú trọng chấn chỉnh vi phạm, đặc biệt là hiện tượng tài xế sử dụng ma túy, rượu bia khi điều khiển phương tiện, xử lý doanh nghiệp thờ ơ, không quan tâm đến sức khỏe lái xe. Những động thái này hoàn toàn phù hợp và cần thiết bởi thực tế công tác tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe dù quan trọng nhưng vẫn bị một bộ phận doanh nghiệp thờ ơ. Và nếu làm tốt công tác này sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu, trực tiếp ngăn ngừa tai nạn giao thông…
giai phap chan tai nan giao thong tu goc Rượu, bia khiến gánh nặng bệnh không lây nhiễm gia tăng
giai phap chan tai nan giao thong tu goc Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông
giai phap chan tai nan giao thong tu goc Hà Nội quyết tâm giảm từ 5 - 10% số vụ tai nạn giao thông
giai phap chan tai nan giao thong tu goc
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn của lái xe.

Tăng cường kiểm soát

Sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe kinh doanh vận tải có sử dụng ma túy gây ra, các cơ quan chức năng từ Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ban An toàn giao thông Thành phố đã ráo riết vào cuộc.

Mới đây nhất, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã triển khai tổng kiểm tra sức khỏe đối với lái xe của các doanh nghiệp vận tải. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện lái xe sử dụng 4 chất ma túy: Morphin/Heroin; Amphetamin; Methamphentamin, Marijuana (cần sa).

Đáng chú ý, qua quá trình kiểm tra, đã và đang bộc lộ một thực tế đáng lo ngại là lái xe của nhiều doanh nghiệp chỉ được khám sức khỏe định kỳ một cách qua loa. Đây cũng là căn nguyên khiến “lọt” không ít trường hợp lái xe nghiện ma túy, chất kích thích tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Quanh câu chuyện một bộ phận doanh nghiệp vận tải lơi là hoặc né tránh kiểm tra sức khỏe đột xuất lái xe, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp thiếu tự giác, chưa coi trọng đúng mức sự an toàn cho cộng đồng xã hội, “ngại” mất chi phí và thời gian khi phải bố trí cho lái xe nghỉ để đi khám.

Mặt khác, nếu nhìn trên khía cạnh pháp lý, hiện mức phạt cho hành vi này chưa cao nên không đủ sức răn đe. Cụ thể, theo luật sư Bùi Thế Vinh – Đoàn luật sư Hà Nội, về chế tài hành chính, nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có quy định về xử phạt tổ chức kinh doanh vận tải khi “không khám sức khỏe định kỳ cho tài xế’’ mức cao nhất là 4 triệu đồng.

Đề cập đến tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe lái xe, tại Ngày hội chăm sóc bác tài 2019 với chủ đề “Lái xe muôn nơi không vơi năng lượng” tổ chức tại bến xe Giáp Bát, ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, sức khỏe và sự tỉnh táo của người lái xe có ảnh hưởng rất lớn đến an toàn của chuyến đi.

Tại Việt Nam, trong 1 năm trở lại đây đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến lái xe hoặc doanh nghiệp vận tải không tuân thủ các quy định về thời gian lái xe, dẫn đến lái xe quá thời gian mệt mỏi không tập trung và cuối cùng gây ra tai nạn. Đây là những bài học đáng tiếc nên phải có những phân tích và giải pháp để kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông.

Giải pháp giảm tai nạn giao thông có nhiều và việc đảm bảo sức khỏe, sự tập trung tỉnh táo cho người lái xe là một trong những trọng tâm hàng đầu. Đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho rằng, về lâu dài, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần hoàn thiện hệ thống các điểm dừng nghỉ không chỉ trên cao tốc mà cả các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ để phục vụ bất cứ người lái xe nào khi cảm thấy mệt mỏi có thể tìm điểm dừng chân để nghỉ ngơi một cách an toàn.

giai phap chan tai nan giao thong tu goc
Công tác kiểm tra, sức khỏe lái xe hết sức quan trọng, góp phần “chặn” tai nạn giao thông từ gốc.

Xử nghiêm vi phạm

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, triển khai thực hiện theo Thông báo số 264/SGTVT – QLVT, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn Thành phố tổ chức tổng kiểm tra, khám sức khỏe cho lái xe thuộc đơn vị quản lý tại các cơ sở y tế đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 1/4 - 30/9, Thanh tra Sở đã chủ trì 2 Đoàn kiểm tra liên ngành, cùng với các lực lượng như Cảnh sát giao thông, Sở Y tế… tăng cường kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật của tài xế và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn.

Sau 6 tháng duy trì liên tục, 2 Đoàn liên ngành đã kiểm tra được hơn 2.000 lượt lái xe và hàng chục doanh nghiệp, phát hiện và đình chỉ 12 trường hợp dương tính với ma túy; xử phạt gần 800 triệu đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải tự tổ chức khám sức khỏe cho các lái xe cũng phát hiện 5 người dương tính với ma túy.

Đáng lo ngại, qua kiểm tra tại 16 doanh nghiệp có lái xe gây tai nạn giao thông, các ngành chức năng đã chỉ ra có đến 12/16 doanh nghiệp sử dụng người điều hành hoạt động kinh doanh vận tải không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, rồi nhiều doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe.

Sau một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến lái xe sử dụng rượu, bia và các chất gây nghiện, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt tổng kiểm tra trên địa bàn cả nước, phát hiện hàng trăm trường hợp lái xe vi phạm. Để loại bỏ tình trạng doanh nghiệp vận tải lơi là hoặc né tránh kiểm tra sức khỏe đột xuất lái xe thì cần thay đổi hình thức kiểm tra sức khỏe; nâng chế tài xử phạt, ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải; đồng thời xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ lái xe để chia sẻ thông tin...

Theo tìm hiểu, đối với việc khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe, theo điều 11, Thông tư liên tịch số 24, người sử dụng lao động lái xe ô tô có trách nhiệm sử dụng lái xe bảo đảm sức khỏe theo quy định, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe, thực hiện việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đột xuất, quản lý và theo dõi sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của lái xe.

Nói cách khác, quy định việc khám sức khỏe khi tuyển dụng người lao động là cần thiết, sau đó việc khám định kỳ phải được thực hiện ít nhất 6 tháng một lần. Trong trường hợp chủ xe biết rõ tài xế không đủ điều kiện như không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi, đang trong tình trạng có sử dụng rượu bia, chất ma túy, chất kích thích... mà vẫn điều động người đó lái xe, gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị xử lý hình sự.

Rõ ràng, những động thái vào cuộc của cơ quan chức năng thời gian gần đây là cần thiết bởi chỉ có mạnh tay xử phạt nghiêm túc, thậm chí xem xét rút giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp cố tình chây ì không kiểm tra sức khỏe lái xe mới có thể tránh được hiện tượng nhờn luật.

Hơn hết, bản thân doanh nghiệp cũng cần ý thức được rằng, việc kiểm tra sức khỏe đối với lái xe cần được thực hiện đột xuất và phải xuất phát từ lợi ích của chính doanh nghiệp. Bởi, hơn ai hết, nếu không may xảy ra tai nạn, doanh nghiệp sẽ thiệt hại về nhân lực, tài sản và uy tín trên thị trường.

Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu xây dựng phần mềm định danh để việc quản lý đội ngũ lái xe được thực hiện một cách khoa học và bài bản, tránh trường hợp lái xe nghiện bị loại từ doanh nghiệp này lại chạy sang doanh nghiệp khác làm việc.

Giang Nam 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này