Tăng học phí các trường ĐH sẽ có cạnh tranh quyết liệt

08:59 | 28/11/2014
Dự kiến, tới năm 2018, các trường ĐH công lập sẽ thực hiện thu học phí ở mức có thể giúp các trường đảm bảo trang trải chi phí đào tạo. Để chủ trương đi vào đời sống, đã có 4 trường ĐH đầu tiên trong cả nước được giao thí điểm tự chủ mức thu học phí

Thu mới chỉ đáp ứng 40-50% chi

Theo Nghị quyết về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động các trường ĐH công lập thì trường chúng tôi được phép thu đến 25 triệu đồng/năm/sinh viên nhưng vào thời điểm kinh tế khó khăn, mức độ cạnh tranh giữa các trường đại học quyết liệt như hiện nay, không thể nào thu học phí ở mức quá cao được.
Ông Bùi Kim Cương, Trưởng  phòng Tài chính – kế toán, Trường ĐH Hà Nội

Theo TS Nguyễn Trường Giang - chuyên gia tham vấn Bộ GD-ĐT, chính sách học phí của Việt Nam đã được giữ nguyên, từ năm 1998 đến năm 2009. Đến năm 2010, chính sách học phí mới được điều chỉnh (Nghị định số 49/2010/NĐ-CP) theo lộ trình tăng dần 20-25% mỗi năm. Tuy nhiên, “đến năm 2015, mức thu học phí cũng chỉ đáp ứng từ 40% đến 50% chi phí đào tạo cần thiết”, TS Giang phân tích.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, từ năm 2009, Bộ GD-ĐT đã giao nhiệm vụ cho 6 trường ĐH thí điểm tự chủ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các trường này mới chỉ được tự chủ về cơ chế chi, còn việc thu không được vượt quá quy định mức trần học phí theo Nghị định 49 năm 2010 của Chính phủ khiến các trường gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh Bộ không cấp kinh phí chi thường xuyên, các trường lại không được mở rộng nguồn thu.

Là một trong 4 trường đầu tiên được giao thí điểm tự chủ, ông Bùi Kim Cương, Trưởng phòng Tài chính- kế toán, ĐH Hà Nội cho biết: “ĐH Hà Nội đã không được chi ngân sách từ năm 2008. Các khoản chi thường xuyên của trường đều phụ thuộc vào học phí và các nguồn thu khác. Tuy nhiên, vì quy định mức trần học phí của Nghị định 49 khiến trường phải co kéo khéo thì mới đủ. Hiện trường chúng tôi đang phải lấy các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài bù cho chương trình đào tạo chính quy”. Bất cập này cũng được ghi nhận ở Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh …

Để khắc phục và tháo gỡ những hạn chế của cơ chế tài chính được áp dụng từ nhiều năm qua (mức học phí thấp, không đủ bù đắp chi thường xuyên; việc phân bổ ngân sách Nhà nước hiện nay cho các trường mang tính bình quân, không gắn với nhu cầu, cơ cấu ngành nghề cũng như chất lượng đào tạo), Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo nghị định mới quy định cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để lấy ý kiến đóng góp. Đồng thời, Bộ giao thí điểm tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên cho 4 trường ĐH đầu tiên gồm: ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Hà Nội.

Nhìn nhau mà thu

Hiện 4 trường ĐH trên được Bộ GD-ĐT giao thực hiện thí điểm đã lên đề án để sớm được phê duyệt và triển khai vào mùa tuyển sinh năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề tăng học phí lên mức nào thì vẫn đang được các trường cân nhắc sao cho đảm bảo mức học phí nhưng vẫn thu hút được sinh viên theo học.

Theo bà Lê Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, đề án tự chủ tài chính của trường đang được xây dựng và trình các cấp phê duyệt,  lộ trình tăng học phí của Trường ĐH Ngoại thương sẽ chỉ áp dụng với sinh viên mới nhập học (còn với những sinh viên đang theo học thì mức học phí vẫn áp dụng theo Nghị định 49 của Chính phủ). Dự kiến mức học phí mới có thể sẽ tăng 50% so với hiện tại, khoảng 9 triệu đồng/sinh viên/năm đối với chương trình đại trà. Năm học 2015 - 2016 có thể thu ở mức 11 - 12 triệu đồng/sinh viên/năm. Các chương trình đặc biệt không tăng nhiều như chương trình đại trà bởi trường đang thu ở mức cao hơn.

Cách làm này đang được Trường ĐH Hà Nội triển khai và áp dụng, ông Bùi Kim Cương cho biết thêm, cần phải xem xét mức tăng học phí trong mối tương quan với năng lực cơ sở vật chất đào tạo, trình độ giảng viên, cũng như thương hiệu của trường. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, thu học phí phải đảm bảo quyền lợi của người học. “Trường chúng tôi dự kiến chia học phí thành 3 khung áp cho 3 nhóm ngành  dựa vào mức độ xã hội hóa.

Cụ thể, mức thu thấp nhất dành cho nhóm ngành khó tuyển sinh hay đầu ra tìm việc làm khó khăn; mức cao hơn cho nhóm ngành ổn định mà thị trường lao động tiếp nhận thường xuyên, mức học phí cao nhất sẽ áp cho những ngành “hot” mà thị trường cần. Đồng thời, nhà trường cũng không tự quyết định chia nhóm ngành mà giao cho các khoa được quyền tự định giá, tức tự xếp vào nhóm nào và tương ứng là mức học phí đi theo. Việc làm này sẽ tạo dân chủ, minh bạch cũng như phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và sát với chất lượng giảng viên của từng khoa để  đảm bảo hoạt động của khoa, trường hiệu quả”- ông Cương cho hay. Như vậy, nếu đề án được duyệt thì mức tăng học phí của trường này sẽ khoảng 30% so với trước đây,  từ  8-9 triệu đồng/năm học (mức thu hiện nay đang là 6 triệu đồng/năm).

Đến năm 2015, mức học phí sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập. Đến năm 2016, ngoài những mục trên, sẽ có thêm chi phí quản lý chung của đơn vị. Đến năm 2018, mức học phí đủ chi phí và mức tích lũy hợp lý bao gồm cả chi phí khấu hao tài sản cố định.
(Dự thảo Nghị định quy định cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo)

Kim Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này