An toàn thực phẩm bếp ăn trường học: Cần sự vào cuộc của phụ huynh học sinh

13:46 | 22/10/2019
(LĐTĐ) Công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học ở Hà Nội dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học cần sự vào cuộc của cả 3 bên đó là đơn vị cung cấp, nhà trường đặc biệt là phụ huynh học sinh.
an toan thuc pham bep an truong hoc can su vao cuoc cua phu huynh hoc sinh Thu phí Bảo hiểm y tế: Sẽ linh hoạt để giảm nhẹ tiền đóng góp của phụ huynh
an toan thuc pham bep an truong hoc can su vao cuoc cua phu huynh hoc sinh Thực phẩm trường học: Con ăn, bố mẹ lo thon thót

Khó kiểm soát chất lượng thực phẩm

Đây là vấn đề được nêu ra tại Hội thảo công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học do Sở Y tế Hà Nội tổ chức. Trong thời gian qua, ngành Y tế cùng với ngành Giáo dục đào tạo đã phối kết hợp chặt chẽ để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, giảm nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

an toan thuc pham bep an truong hoc can su vao cuoc cua phu huynh hoc sinh
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn trường học tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Ngọc Tú

Đơn cử, tại Quận Nam Từ Liêm có 232 cơ sở trường học và nhóm lớp có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Trong đó 93,5% số trường học tổ chức nấu ăn bán trú ngay tại trường, 6,5% còn lại ký hợp đồng với các công ty cung cấp suất ăn sẵn. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó Trưởng Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm, có 3 vấn đề cần quan tâm để thực hiện tốt an toàn thực phẩm bếp ăn trường học: Cơ sở vật chất; điều kiện thực hành và con người; nguồn gốc nguyên liệu. Hai điều kiện đầu, quận đã đảm bảo và ngày càng nỗ lực thực hiện tốt hơn. Riêng điều kiện thứ ba là nguồn gốc nguyên liệu thực sự là vấn đề nan giải, khó kiểm soát.

Bà Thu cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của quận đã lấy 58 mẫu rau, củ, quả, thịt, hải sản để xét nghiệm nhưng 10,4% số mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đáng báo động hơn là nước đóng bình sử dụng cho học sinh uống trực tiếp, đoàn lấy ngẫu nhiên 9 mẫu xét nghiệm thì có đến 4 mẫu không đạt, chiếm 44,4%.

Trước vấn đề này, Phòng Y tế quận đã làm việc với các trường và trường đã chấm dứt hợp đồng với 2 đơn vị cung cấp nước đóng bình không đạt chất lượng. Ngoài ra, Phòng Y tế cũng đã báo cáo Ủy ban nhân dân quận và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội để có biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn nước đóng chai, đóng bình trên địa bàn.

Tương tự, tại huyện Quốc Oai có 27 trường mầm non, 7 trường tiểu học tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Phòng Y tế đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng thực phẩm tại những địa chỉ đủ cơ sở pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Y tế huyện Quốc Oai, ngộ độc thực phẩm cấp tính có thấy ngay để phòng ngừa nhưng ngộ độc mãn tính là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi thực tế hiện nay, nguồn gốc, chất lượng thực phẩm rất khó kiểm soát.

Đồng thời, đại diện trung tâm y tế các quận, huyện trên cũng cho rằng kiểm soát an toàn thực phẩm, ngoài trách nhiệm của nhà trường, cơ sở cung cấp thực phẩm cũng như ngành chức năng, vai trò của gia đình, ban đại diện cha mẹ học sinh vô cùng quan trọng. Gia đình, phụ huynh có cùng vào cuộc, mới tác động, giúp ban giám hiệu nhà trường thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, từ đó phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Nói không với đơn vị cung cấp thực phẩm không an toàn

Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, số trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú lên đến 1.600 trường trên tổng số 2.700 trường. Vì vậy, theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được lực lượng chức năng của Thành phố quan tâm hàng đầu.

Thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối thực phẩm và việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, chế biến tại các bếp ăn tập thể, nhất là đối với trường học.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, để đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học cần sự vào cuộc của cả 3 bên: Đơn vị cung cấp, nhà trường và phụ huynh học sinh. Ngay từ khâu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, nhà trường buộc phải chọn doanh nghiệp khi đã có thẩm định của cơ quan chức năng và thông báo đến phụ huynh. Khâu giao nhận thực phẩm hàng ngày cần có sự kiểm tra giám sát của Ban giám hiệu nhà trường. Thậm chí, nhà trường có thể hậu kiểm, truy xuất đến cùng nguồn thực phẩm đưa vào trường. Về phía phụ huynh cần có những buổi kiểm tra đột xuất bếp ăn trường học, kịp thời phản ánh tới Ban giám hiệu những bất cập.

Qua kiểm tra cho thấy, 100% trường học trên địa bàn đều ký hợp đồng thực phẩm với các nhà cung ứng thực phẩm đảm bảo đầy đủ tính pháp lý; 91% nhà trường cam kết trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu được niêm yết công khai tại trường. Ngoài ra, có đến 89% trường học có quyết định thành lập Ban chỉ đạo, tổ giám sát bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường, trong đó phân công rõ trách nhiệm của nhà trường, cơ sở cung cấp thực phẩm, hội cha mẹ học sinh.

Tuy nhiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội Hoàng Thị Minh Thu cho biết: Qua công tác kiểm tra, vẫn còn tình trạng một số trường học chưa thực hiện đúng quy định chế độ kiểm tra 3 bước (trước khi chế biến, trong khi chế biến, trước khi ăn) và lưu mẫu thức ăn. Ngoài ra, một số bếp ăn bán trú chưa có biện pháp phòng chống côn trùng và động vật gây hại. Một số trường điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, chật hẹp, khó sắp xếp bếp ăn một chiều.

Đặc biệt, nhiều trường không đủ diện tích nấu tại trường, phải nấu tại các nơi khác rồi vận chuyển mang đến, khó kiểm soát được quá trình vận chuyển. Một lo ngại khác, đối với các nhóm lớp mầm non tư thục, kiểm soát an toàn thực phẩm cũng khó khăn hơn bởi các nhà bếp ăn không ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm mà mua thực phẩm ngoài chợ dân cư về chế biến.

Nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm hoặc cô nuôi vẫn còn đeo đồ trang sức, để móng tay dài trong chế biến thực phẩm. Nhà cung cấp chưa thực hiện đúng các cam kết về đảm bảo an toàn thực phẩm… Đây là những nguy cơ dễ dẫn đến mất an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Chỉ đạo Ban giám hiệu các trường thực hiện nghiêm việc ký hợp đồng thực phẩm tại những đơn vị đủ cơ sở pháp lý; kiên quyết không hợp tác với đơn vị cung cấp suất ăn, cung cấp thực phẩm không an toàn.

Ngành y tế cũng sẽ phối hợp với ngành giáo dục, các đơn vị truyền thông đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, cùng với ngành giáo dục đẩy mạnh hoạt động quản lý, chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học có bếp ăn bán trú. Tăng cường kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể; hướng dẫn các đơn vị khắc phục tồn tại để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn trường học.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này