Vẫn còn tình trạng gia súc thả rông

12:18 | 17/10/2019
(LĐTĐ) Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là tại khu vực ngoại thành không khó để bắt gặp hình ảnh đàn gia súc thả rông, không có người trông coi, chăn dắt đi lại ngay trên các tuyến đường. Tình trạng này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn đe dọa trực tiếp tới sự an nguy của người và phương tiện tham gia giao thông.
van con tinh trang gia suc tha rong Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn giao thông
van con tinh trang gia suc tha rong Xử lý nghiêm tình trạng rơi vãi bùn đất gây mất an toàn giao thông
van con tinh trang gia suc tha rong Bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng cuối năm

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 16/10, trên quốc lộ 32 đoạn thuộc địa phận xã Cam Thượng (huyện Ba Vì) đã xuất hiện một đàn bò không có người trông coi “vô tư” đi lại trên đường gây cản trở giao thông. Một số người dân sống xung quanh khu vực này cho biết, tình trạng bò thả rông trên đường không có gì là lạ. Nhiều khi đàn bò còn nằm nghỉ ngơi, phóng uế bừa bãi dọc đường gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan.

Tình trạng thả rông gia súc tràn lan trên một số tuyến đường không phải bây giờ mới được đề cập đến. Thực tế, đã có không ít những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do người điều khiển phương tiện không kịp trở tay khi phải tránh đàn gia súc thả rông đi nghênh ngang bất ngờ sang đường hoặc chạy ra giữa đường. Tuy vậy, nhiều người chăn nuôi vẫn không nhận thức được những nguy hiểm rình rập mà vẫn thả rông gia súc tràn lan.

van con tinh trang gia suc tha rong
Gia súc vô tư đi lại trên quốc lộ 32, đoạn thuộc địa phận xã Cam Thượng (huyện Ba Vì).

Qua tìm hiểu, để chấn chỉnh tình trạng thả rông gia súc, trong nhiều văn bản pháp lý hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng. Theo ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chuyên viên tư vấn luật (Công ty Cổ phần Tư vấn DLS Việt Nam), ngay trong Khoản 2, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có quy định: Không được thả rông súc vật trên đường bộ.

Trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ phải tuân thủ nguyên tắc phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường. Trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

Riêng đối với những trường hợp súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng. Có thể tìm thấy hướng xử lý trong Khoản 2 Điều 10 Nghị định 46/2016/NĐ-CP; Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 của Quốc hội; Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Sinh cũng cho biết: “Trường hợp chủ gia súc không tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn giao thông, dẫn dắt gia súc đi vào đường giao thông gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì người chủ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Trường hợp vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3-10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự”.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp chính quyền cùng các cơ quan chức trách cần khẩn trương vào cuộc để kịp thời có biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Đồng thời, để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, bản thân mỗi người điều khiển phương tiện giao thông khi di chuyển qua khu vực có gia súc thả rông cũng cần chú ý quan sát, giảm tốc độ để tự bảo vệ chính mình.

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này