Hội thảo Tiếp cận công lý cho người bị bạo lực giới

23:35 | 04/12/2014
Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới- Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (Un Women) và OXFAM đồng vừa tổ chức Hội thảo “Tiếp cận công lý cho người bị bạo lực giới: Khoảng trống trong chính sách và thực thi”.

Hội thảo đã đạt ra những mục tiêu cụ thể tổng quan về thực trạng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ pháp lý của người bị bạo lực giới; thúc đẩy vai trò và sự tham gia của các bên liên quan trong việc cải thiện chất lượng trợ giúp pháp lý (TGPL) cho nạn nhân; đưa ra các khuyến nghị với các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách trong chính sách và thực thi.

 Bà Shoko Ishikawa - Trưởng đại diện của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc 
tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo 

54884

Tại việt Nam, bạo lực giới đối với phụ nữ là một vấn đề phức tạp do ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa và các định kiến xã hội. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng khung pháp lý và đề ra các cơ chế phối hợp đa ngành để thúc đẩy tiếp cận công lý cho người bị bạo lực giới. Tuy nhiên, vấn đề thực thi pháp luật của các cơ quan chịu trách nhiệm và việc thiếu vắng các số liệu về vấn đề bạo lực giới cho thấy có một khoảng cách lớn giữa chính sách pháp luật và cuộc sống. 

Cho đến nay, mới chỉ có có duy nhất một Báo cáo quốc gia về bạo lực gia đình, còn các hình thức bạo lực giới khác như vấn đề bạo lực với phụ nữ mại dâm, vấn đề quấy rối và xâm hại tình dục với trẻ em gái... vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu ở tầm quốc gia. Số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình và phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 cho thấy sự phổ biến của bạo lực gia đình tại Việt Nam là rất cao trong đó 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình nhưng có tới 87% đã không tìm đến sự giúp đỡ từ các dịch vụ công cộng. Những lý do khiến người bị bạo lực không sử dụng các dịch vụ này do thiếu hiểu biết về các dịch vụ công; không tin tưởng vào chất lượng của các dịch vụ vì thái độ và cách xử lý của các cơ quan chức năng. Điều đáng lo ngại là rất ít nạn nhân được chăm sóc y tế và chấp nhận chia sẻ với cán bộ, nhân viên y tế về vấn đề của họ.

Bà Shoko Ishikawa - Trưởng đại diện của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng: Để từng bước khắc phục được vấn đề bạo lực giới, chính phủ Việt Nam cần triển khai những biện pháp cụ thể để điều tra xử lý những người vi phạm. Đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý đầy đủ cho phụ nữ để khi xảy ra những trường hợp đáng tiếc thì họ có thể tự bảo vệ mình về mặt pháp luật. “Thực tế cho thấy, Việt Nam cần chung tay giúp chính những người phụ nữ chịu sự bạo lực có thể nói lên tiếng nói của mình vì tiếng nói của những nạn nhân đóng vai trò rất quan trọng. Chấm dứt tình trạng này là nhiệm vụ hàng đầu của toàn xã hội và đã đến lúc chúng ta cần cùng nhau loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ” – bà Shoko Ishikawa nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về Chính sách pháp luật và hệ thống TGPL cho người bị bạo lực giới tại Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Giám đốc Văn phòng Luật sư NH Quang và các cộng sự đánh giá, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều văn bản cam kết bảo vệ quyền con người cũng như tham gia vào các điều ước quốc tế cơ bản liên quan đến nội dung phòng chống bạo lực và phân biệt đối xử về giới. Tuy nhiên, tính hiệu quả của việc thực thi các chính sách, pháp luật vẫn còn nhiều điều phải đặt ra. Trong đó, nội dung các quy định còn chồng chéo, không rõ ràng, thiếu vắng các định nghĩa cụ thể dẫn đến khó áp dụng quy định pháp luật trong những trường hợp cụ thể. 

Minh Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này