Hội thảo khoa học 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

20:22 | 14/10/2019
(LĐTĐ) Ngày 14/10, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo trực tuyến với các địa phương 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao giải cuộc thi viết “Dân vận khéo” năm 2019.
hoi thao khoa hoc 70 nam tac pham dan van cua chu tich ho chi minh Quận Đống Đa: Công tác dân vận góp phần ổn định an ninh chính trị địa phương
hoi thao khoa hoc 70 nam tac pham dan van cua chu tich ho chi minh Hệ thống dân vận tiếp tục bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình trong nhân dân
hoi thao khoa hoc 70 nam tac pham dan van cua chu tich ho chi minh Tiếp tục làm tốt công tác Dân vận để góp phần xây dựng và bảo vệ Thủ đô giàu đẹp, bình yên

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Điểu K'ré - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tham dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch HĐND thành phố…

hoi thao khoa hoc 70 nam tac pham dan van cua chu tich ho chi minh
Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Trung ương (Ảnh hanoi.gov.vn)

Phát biểu đề dẫn và khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu bật những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời khẳng định, 70 năm đã trôi qua, nhưng tác phẩm “Dân vận” vẫn vẹn nguyên những giá trị thời sự, thể hiện rõ tư tưởng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang, công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, khoa học với những nhân tố tác động mới, những khó khăn, thách thức mới. Chính vì thế, Hội thảo 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong 2 nhiệm kỳ qua (2010-2015 và 2015-2020), Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố đã đi kiểm tra tại 584 xã, phường, thị trấn thuộc thành phố. Qua các cuộc kiểm tra, giám sát đã đôn đốc, hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào “Dân vận khéo” tới từng thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.

hoi thao khoa hoc 70 nam tac pham dan van cua chu tich ho chi minh
Các đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch HĐND thành phố tham dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội

Ngoài ra, công tác dân vận cùng phong trào “Dân vận khéo” đã góp phần tích cực vào những thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… Qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, thời gian tới, công tác dân vận của Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác dân vận trong tình hình mới; thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận;

Tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, vai trò của phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Tại hội thảo, các tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đã khẳng định, bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm lớn, thể hiện trí tuệ uyên bác và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc. Chỉ gói gọn trong hơn 600 chữ, nhưng bài báo “Dân vận” của Bác đã nêu khá toàn diện những tư tưởng về dân vận, từ khái niệm, nguyên tắc, quan điểm và nội dung, phương thức công tác dân vận.

hoi thao khoa hoc 70 nam tac pham dan van cua chu tich ho chi minh
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham luận tại hội thảo (Ảnh hanoi.gov.vn)

Phát biểu tại hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Cương lĩnh Dân vận” của Đảng, thể hiện tư tưởng tin dân, trọng dân, coi trọng sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; tiếp nối truyền thống của cha ông ta về vai trò của nhân dân “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.

Nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của công tác vận động nhân dân, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng đã kịp thời có những chủ trương, đường lối lãnh đạo công tác dân vận. Những kết quả của công tác dân vận đã góp phần tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận trong nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thời gian tới, đất nước đứng trước nhiều thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức, đòi hỏi công tác dân vận phải không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trọng tâm của công tác dân vận. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Phải triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức để nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, như lời Bác đã dạy “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”…

Nhân dịp này, Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã trao thưởng cho 50 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này