Nhập nhèm rau củ Trung Quốc “khoác áo” hàng Việt

09:09 | 09/12/2014
Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã nói không với rau, củ quả Trung Quốc sau nhiều lần những sản phẩm này bị phát hiện kém chất lượng, nhiễm độc. Nhưng vì lợi nhuận khủng, gian thương vẫn qua mặt người tiêu dùng bằng cách “mượn áo hàng Việt” rất tinh vi.

Ra khỏi bao bì là hàng Việt Nam

Đến chợ nông sản Dịch Vọng vào buổi sáng sớm những xe tải nhỏ chở hàng vẫn còn tập kết để bán sỉ các loại rau củ. Tại đây các loại cà rốt, gừng... thường được đóng trong các thùng giấy; bắp cải,  cải thảo, cà chua, chanh... đóng trong thùng xốp; hành tây, tỏi, khoai tây... đóng trong các bao tải hoặc nilông... Những chiếc bao bì này được bọc khá kỹ, bên ngoài đều là chữ Trung Quốc, nhiều thùng có dòng chữ “made in China” cỡ lớn. Khách mua sỉ trả tiền rồi nhận hàng, không có khâu kiểm tra hàng.

Trong vai khách đi tìm mối mua sỉ để mở cửa hàng rau, chúng tôi thấy hai phụ nữ mua 3 thùng hàng bọc kín, bên ngoài dầy đặc chữ Trung Quốc. Hai phụ nữ, kéo 3 thùng hàng đến chỗ đất trống gần đó rồi mở các thùng hàng ra để chia nhau. Chúng tôi chủ động bắt chuyện: “Em đang định mở cửa hàng rau, muốn tìm mối nhập sỉ, chị chỉ giúp em”. “Bây giờ còn mua bán gì nữa, muốn nhập hàng phải đi thật sớm, nếu không thì phải quen mối rồi gọi điện họ giữ phần cho”. “Em muốn nhập ít hành tây, tỏi, hành Việt Nam, bán hàng Tàu sợ khách không mua”. Một chị cười lớn nói: “Ra khỏi thùng thì nó là hàng Việt Nam, ngu gì nói hàng Tàu, bán hàng phải mốm mép và linh hoạt vào chứ”…

Theo thông tin nhận được từ 2 phụ nữ trên, giá một thùng tỏi Trung Quốc loại 10kg dao động từ 130.000- 150.000 đồng/thùng; hành từ 170.000- 200.000 đồng/thùng; hành tây  100.000 đồng/thùng 20kg… Một số chị cất rau củ về bán sỉ cũng cho biết, chỉ có rau xanh là ít có hàng Tàu, còn các loại củ, quả phần lớn có “made in China”. Nhập hàng Tàu có 2 cái lợi, thứ nhất là hàng có chất bảo quản nên bán ế cũng không sợ hỏng. Thứ hai là mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá lại rẻ nên vẫn có nhiều người chọn mua.

Dẫn chứng về việc tươi lâu của rau củ nhập khẩu có chất bảo quản, bà Nguyễn Thị Minh, chủ một quầy rau quả phố Phạm Ngọc Thạch cho biết, súp lơ Trung Quốc thường bị cắt phần cuống và lá, trắng phau, bông cuốn rất chặt, tươi ngon bắt mắt, trong khi hàng Việt Nam thì thường còn nguyên lá, phần bông chia không đều, dễ bị thâm sạm nếu để qua đêm. Khoai tây Trung Quốc củ vàng sậm, to đều, căng bóng, vỏ dầy, ít bị trầy xước, trong khi khoai tây ta thường cho củ không đều, vỏ dễ bị trầy xước, thâm sạm; cà rốt Trung Quốc có màu đỏ tươi, to đều, da láng bóng và không dính đất, còn cà rốt trong nước củ nhỏ, kích thước không đều nhau và còn nguyên phần cuống lá.

Theo thông tin từ một số tiểu thương, chỉ cần lấy hàng ra khỏi bao bì... là có thể giấu nhẹm xuất xứ. Chỉ cần bán lẻ rau củ cho người tiêu dùng với lời giới thiệu là hàng Đà Lạt... sẽ rất được giá. Khách hàng không thể biết được thông tin xuất xứ của các loại rau củ này…

Lợi nhuận gấp đôi từ bán hàng “mặc áo Việt”

Theo quan sát của phóng viên, hiện trên thị trường đang có nhiều những loại rau lạc mùa được bày bán. Đó là những thứ rau củ hiện tại ở Việt Nam chưa đến vụ thu hoạch. Chẳng hạn như khoai tây, hành tây, cà rốt, cải thảo...  Trong khi đó bày bán lẻ ở chợ, tiểu thương vẫn một mực khẳng định đây là hàng Việt Nam.

Khi thấy chúng tôi băn khoăn sợ mua phải khoai tây Trung Quốc, chị Hà, chủ cửa hàng bán rau chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy đon đả trấn an: “Yên tâm đi, toàn hàng Việt Nam hết. Bây giờ cái gì mình cũng trồng được quanh năm. Ngoài Bắc không trồng được thì trong Nam trồng được. Hàng Tàu giờ có ai ăn đâu mà nhập”.

Theo tiết lộ của một chị bán hàng, thời gian qua, hàng Trung Quốc luôn bị phát hiện kém chất lượng, nhiễm độc nên khách sợ không mua. Muốn bán được hàng phải nói hàng nội mới bán được giá. Từ việc gắn mác Việt cho tỏi Trung Quốc mà từ việc mua sỉ dưới 15.000 đồng/kg được bán lẻ thành 30.000- 40.000 đồng/kg; hành cũng được bán với giá 50.000 đồng/kg; hành tây 18.000 đồng/kg… gian thương ăn lãi ít nhất gấp đôi số vốn bỏ ra.

Một số chuyên gia cũng cho biết, hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt chỉ được phát hiện sau khi lực lượng quản lý thị trường kiểm tra gắt gao kết hợp với lời khai của các đối tượng vận chuyển. Còn khi đã lưu thông ra thị trường thì rất khó kiểm soát. Trong khi đó, số hàng hoá giả mạo hàng Việt phát hiện được cũng chỉ rất nhỏ trong lượng hàng hoá không được kiểm soát về chất lượng đang trôi nổi trên thị trường.

Ông Nguyễn Minh Nguyệt, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo: Tốt nhất là người tiêu dùng nên mùa nào thức nấy để tránh ăn phải sản phẩm kém chất lượng. Tuyệt đối không tham rẻ, ham mẫu mã đẹp để dính bẫy gian thương. “Việt Nam là nước nông nghiệp, rau xanh phong phú nhưng vẫn cho nhập khẩu nước ngoài. Sản phẩm nông nghiệp an toàn mới chỉ dừng lại ở hô hào chưa quy trách nhiệm, đó là kẽ hở để gian lận thương mại lợi dụng mà không quản lý được. Các quy định thì có nhiều nhưng không cụ thể, nên gian thương vẫn thoải mái trục  lợi, gây nguy hiểm cho người dân”, ông Nguyệt cho biết.

Mai Hạnh

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này