Nỗi lo người tâm thần gây án

22:09 | 10/10/2019
(LĐTĐ) Ngày 9/10, một người đàn ông 70 tuổi trú tại xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội đang đi xe máy trên đường thì bất ngờ bị một đối tượng có biểu hiện tâm thần cùng xã đánh tử vong. Sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về người tâm thần phạm tội khi sống trong cộng đồng dân cư hiện nay.  
noi lo nguoi tam than gay an Từ những vụ án mạng kinh hoàng: Hồi chuông báo động về đạo đức xã hội
noi lo nguoi tam than gay an Cảnh báo các loại tội phạm hình sự

Chiều ngày 9/10, trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã xảy ra một vụ án mạng khiến người đàn ông khoảng 70 tuổi tử vong.

Thông tin ban đầu cho biết, vụ án mạng xảy ra khoảng 16h30 cùng ngày. Thời điểm này, ông Nguyễn Văn S. (70 tuổi) đi xe máy lưu thông trên đường liên thôn thì bất ngờ bị thanh niên cùng xóm vung gậy đánh nhiều lần khiến ông S. tử vong tại chỗ.

Nhận được thông tin, Công an huyện Phúc Thọ đã nhanh chóng có mặt điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Theo lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã Vân Nam, nghi phạm đã bị bắt giữ ngay sau đó, danh tính là Đặng Văn Hoà (hơn 30 tuổi).

Lãnh đạo xã Vân Nam cũng cho biết, nạn nhân bị đánh gục chết trên xe máy. Đối tượng gây án vừa được gia đình đưa đi bệnh viện thần kinh về nhà.Trước thời điểm gây án, Hoà bị bệnh thần kinh.

Vào chiều ngày 9/10, trong lúc nghi phạm cầm gậy để đập bờ tường rào thì bất ngờ gây án. Cả nạn nhân và nghi phạm đều là người sinh sống trên địa bàn xã Vân Nam.

noi lo nguoi tam than gay an
Hiện trường vụ án

Sự việc giống như một hồi chuông cảnh báo về người tâm thần phạm tội khi sống trong cộng đồng dân cư hiện nay.

Liên quan đến việc người tâm thần gây án, Luật sư Bùi Gia Duy (Văn phòng luật sư DLS), cho biết: Việc người mắc bệnh tâm thần phạm tội không phải là chủ đề, hay sự kiện mới mà đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc người mắc bệnh tâm thần liên tục gây ra những tổn hại trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí cướp đi mạng sống người khác là sự kiện đáng báo động.

Dưới góc độ pháp lý, người bị bệnh tâm thần là người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Do vậy, dù hậu quả họ gây ra mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc không truy cứu trách nhiệm hình sự của họ là đúng với tinh thần của Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, Theo quy định tại Điều 21 - Bộ luật Hình sự 2015: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự;

Trong trường hợp cơ quan giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình tại thời điểm gây án thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã thực hiện.

Còn Điều 51 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Điều này có nghĩa là nếu như cơ quan giám định xác định đối tượng chỉ mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì đối tượng vẫn bị xử lý hình sự bình thường nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

“Đối với người tâm thần phạm tội, dù miễn trách nhiệm hình sự hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ thì vẫn cần phải ưu tiên chữa bệnh để họ khỏi bệnh hoặc ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát. Đưa họ vào tù mà không chữa bệnh cho họ, sau khi họ ra tù hoặc thậm chí ở ngay trong tù, biết đâu một lúc nào đó cơn bệnh phát tác, họ lại gây nguy hiểm cho những người xung quanh” – Luật sư Duy chia sẻ thêm.

Vì vậy, để góp phần ngăn chặn thảm án do người tâm thần gây ra, ngoài sự quan tâm đúng mức của các cơ quan chức năng, còn cần có sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là người thân của bệnh nhân. Người thân, gia đình cần phải kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường của bệnh, sớm đưa tới các bệnh viện, trung tâm để điều trị.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này