Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong học sinh sinh viên:

Cần đổi mới cách tiếp cận từ thực tiễn

14:41 | 09/10/2019
(LĐTĐ) Mặc dù đang còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng không ít các bạn học sinh, sinh viên đã có cho mình những ước mơ, dự định lập nghiệp và từng bước thực hiện nó. Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều chính sách nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, tuy nhiên kết quả chưa thật khả quan.
can doi moi cach tiep can tu thuc tien Dự án của học sinh Thủ đô giành giải Nhất cuộc thi SV-Startup 2019
can doi moi cach tiep can tu thuc tien Khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

Nở rộ phong trào sinh viên khởi nghiệp

Khởi nghiệp “startup” có lẽ là từ khóa nóng nhất thời điểm hiện nay. Khởi nghiệp khi có hành trang kiến thức đã khó, khởi nghiệp trong môi trường học đường sẽ còn khó khăn gấp nhiều lần. Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ bắt tay vào khởi nghiệp để thử sức mình, để biết được khả năng bản thân mình làm được những gì và đi được đến đâu. Khởi nghiệp không chỉ để thực hiện hoá ý tưởng mà còn là cơ hội để thử thách bản thân và khẳng định bản lĩnh.

can doi moi cach tiep can tu thuc tien
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tham quan các gian trưng bày và khích lệ tinh thần khởi nghiệp của các học sinh, sinh viên.

Trong những năm gần đây, phong trào học sinh sinh viên khởi nghiệp phát triển khá rầm rộ ở Việt Nam. Chúng ta không khó bắt gặp các dự án, các vườn ươm ý tưởng lập nghiệp khi bước chân ra ngõ. Từ những quán cà phê, những ứng dụng công nghệ đến những công ty, kinh doanh mua bán…Tất cả đều là dự án khởi nghiệp của những bạn trẻ. Trong số đó, không ít người là sinh viên đang theo học tại trường đại học.

Đặc biệt, với mong muốn trải nghiệm những điều mới mẻ và khám phá bản thân, nhiều bạn đã tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp để tạo đà cho tương lai. Các bạn có cơ hội cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm, bản lĩnh khởi nghiệp và bước đầu xây dựng những viên gạch nền cho hành trình phía trước.

Nhờ đó, ngay khi còn là sinh viên, một số bạn trẻ đã tạo lập công ty cho riêng mình, phát triển được mô hình làm việc kinh doanh khá tốt. Có thể kể đến như bạn Nguyễn Phúc Sang đã thành lập công ty Phuc Sang Handicraft chuyên kinh doanh về hàng thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc từ dừa ngay từ khi còn là sinh viên.

Bên cạnh đó, cũng có thể kể đến rất nhiều các bạn trẻ với mô hình khởi nghiệp đạt được kết quả tốt như: Hoàng Thanh Ngân, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành công với mô hình kinh doanh trà sữa; Nguyễn Phương Thảo (SN 1998, Hải Dương), Học viện Công nghệ bưu chính - Viễn thông với mô hình kinh doanh tinh dầu thơm…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia về lĩnh vực khởi nghiệp, hiện nay, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam còn non trẻ so với thế giới nhưng có nhiều tiềm năng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp một cách mạnh mẽ. Trong đó, có hàng trăm Trường đại học, Viện – nơi được coi là trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp, đang hoạt động khắp cả nước. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là chúng ta đang thiếu những giải pháp căn cơ về đổi mới nền giáo dục, hướng tới việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và cung cấp những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho giới trẻ.

Bài học từ các quốc gia cho thấy, ý chí tự làm chủ của con người phải được tôi luyện trong hệ thống giáo dục và xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy cải cách hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học theo hướng gắn với giáo dục – đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để bản thân mỗi người hình thành ý chí tự thân lập nghiệp.

Bắt đầu từ thực tiễn

Không chỉ thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên với các giải pháp như đào tạo, kết nối sinh viên với hệ sinh thái khởi nghiệp, vấn đề khởi nghiệp cũng được đưa vào giáo dục phổ thông thông qua những phương pháp giáo dục đổi mới, nhẹ nhàng, góp phần trang bị những nền tảng kiến thức, kỹ năng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp từ giáo dục phổ thông. Có thể thấy, sau 2 năm thực hiện năm Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, chương trình có sự chuyển biến rất rõ nét trong nhận thức về khởi nghiệp ở các nhà trường và có sự lan tỏa cũng khá mạnh trong học sinh, sinh viên.

can doi moi cach tiep can tu thuc tien
Nhiều mô hình khởi nghiệp bắt đầu từ các học sinh, sinh viên

Ngành Giáo dục đã xây dựng tiêu chí các nhà trường, đơn vị khởi nghiệp, đặc biệt là xây dựng tài liệu, kỹ năng về khởi nghiệp, đây cũng là thành công lớn. Qua thực tiễn hoạt động, nhiều trường đã kết nối được với nhiều doanh nghiệp và đã xây dựng được không gian khởi nghiệp, khuyến khích hỗ trợ, thầy cô và học sinh, sinh viên cùng tham gia vào quá trình khởi nghiệp. Đặc biệt, số lượng dự án để huy động khởi nghiệp ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao. Chất lượng của các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tốt hơn và được các doanh nghiệp đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt.

Tại Lễ khai mạc “Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng xây dựng tài liệu kỹ năng để nhân rộng kinh nghiệm trong khởi nghiệp của sinh viên. Cách tiếp cận không nhấn mạnh vào lý thuyết mà từ thực tiễn khởi nghiệp của các doanh nghiệp trẻ đã thành công. Bộ sẽ chỉ đạo để xây dựng và nhân rộng nhiều tài liệu số để tham gia đóng góp vào Đề án Hệ tri thức Việt số hoá, để nhiều người được chia sẻ, đóng góp và tham khảo từ chương trình này.

Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đi sâu vào thực tiễn, năm 2019 Bộ Giáo dục - Đào tạo với Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã thỏa thuận hợp tác triển khai đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong thời gian 4 năm (2018 - 2021). Theo đó, hàng trăm chương trình giao lưu, chia sẻ, tọa đàm, truyền cảm từ các nhân vật ảnh hưởng trong nước và quốc tế sẽ được tổ chức, dự kiến tiếp cận 4,2 triệu học sinh, sinh viên trên khắp đất nước. Bên cạnh các buổi giao lưu, truyền cảm hứng, hành trình sẽ trao tặng hàng chục triệu cuốn sách thuộc Tủ sách nền tảng đổi đời.

Đặc biệt trong năm 2019, Hành trình sẽ xây dựng và trao tặng bộ sách Khởi nghiệp tâm. Bộ sách là tập hợp tri thức và kỹ năng cốt lõi giúp thanh niên khởi nghiệp thành công, làm giàu về vật chất trên con đường đi đến giàu có toàn diện. Song song đó là các hoạt động hỗ trợ đào tạo cho sinh viên những kiến thức nền tảng để hình thành các ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng không gian khởi nghiệp. Mỗi diễn giả với sự đóng góp tích cực ở các lĩnh vực khác nhau khi tham gia chương trình đã mang đến cho các bạn học sinh, sinh viên cái nhìn đa chiều về cuộc sống, tấm gương vượt lên số phận, đánh thức những tiềm năng và động lực muốn khởi nghiệp ở thế hệ trẻ.

Được biết, để tiếp tục thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, tới đây, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho các trường về cơ chế sử dụng ngân sách tạo quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Theo đó, mới đây đã có thông tư về cơ chế sử dụng ngân sách trong các đơn vị, đặc biệt là đơn vị sự nghiệp để tạo quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này