Nhiều trẻ viêm đường hô hấp, tiêu chảy

09:45 | 16/12/2014
Đã 21h đêm mà tại sảnh khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai vẫn còn hàng dài các bố mẹ đợi đến lượt khám cho con. Mỗi trẻ đến viện với một lý do, nhưng nhiều nhất vẫn là ho, sốt và tiêu chảy. Tình trạng này cũng thường xuyên diễn ra tại khoa Nhi Bệnh viện Xanh Pôn và Bệnh viện Nhi trung ương thời gian qua.

Đến viện đã trụy mạch

Đang đợi đến lượt khám cho cháu tại khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, tôi bỗng nghe tiếng bước chân y tá vội vã đẩy xe cáng. Một phụ nữ bám vào thành xe khóc thảm thiết “ con ơi, tỉnh lại đi”. Khá lâu sau, bác sĩ Nguyễn Thành Nam ( phó khoa Nhi) mới rời phòng cấp cứu. Anh kể, đó là trường hợp bệnh nhi Đ.M.D (9 tháng tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội), bị tiêu chảy, mất nước nặng. Trước đó 3 ngày, bệnh nhi bị ho, sốt, bố mẹ đưa con đi khám ở bệnh viện gần nhà với kết luận viêm đường hô hấp, cứ nghĩ  bác sĩ kê đơn cho về nhà điều trị. Tuy nhiên về nhà, trẻ ho, nôn trớ nhiều, đi ngoài, sốt đến 41 độ nhưng gia đình cứ nghĩ con đi ngoài là do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Chỉ đến khi trẻ lịm đi, gia đình mới tá hỏa đưa con đến Bệnh viện Phú Xuyên. Tại đây trẻ không thể lấy được ven, mạch nhanh nên được chuyển tiếp lên Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tay chân lạnh, thở nhanh, mạch không bắt được. Sau cấp cứu 1 tiếng tình trạng bé mới dần ổn định.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trường hợp D. là điển hình trong số những bệnh nhân đến khám, cấp cứu trong thời gian này. Bệnh nhi đến khám chủ yếu là viêm đường hô hấp, tiêu chảy (chiếm tới 70- 80% tổng số bệnh nhân đến viện mỗi ngày). Đáng lưu ý là trẻ thường đến viện vào ban đêm, có những đêm lên đến 70 trẻ nên 2 bác sĩ trực thường phải thức trắng để khám và điều trị. Đặc điểm chung của trẻ đến khám là ho, sổ mũi, sốt, nôn, tiêu chảy. Theo GS. TS Dũng, số bệnh nhi viêm phổi phải nhập viện (chưa kể số bệnh nhi viêm phổi mức độ nhẹ được điều trị ngoại trú) tăng rõ rệt, gấp đôi ngày thường. Hầu hết là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ sơ sinh – sức đề kháng còn quá yếu. “Thời gian gần đây bệnh nhân hen vào viện cũng tăng, bởi khi thời tiết thay đổi, rét lạnh trẻ dễ lên cơn hen cấp. Tiếp đến phải kể đến các bệnh đường hô hấp khác, đặc biệt là viêm phế quản, trẻ lớn viêm mũi. Trẻ mắc bệnh về tiêu hóa, tiêu chảy cũng tăng lên” – PGS Dũng cho biết.

Cần chăm sóc trẻ ốm đúng cách

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, bệnh nhi D. chỉ chậm một chút nữa, huyết áp tụt, không lấy được ven truyền rất nguy hiểm cho tính mạng. Vì vậy, khi trẻ bị tiêu chảy bố mẹ cần đặc biệt lưu ý bù nước đúng cách, bởi mất nước nhiều dễ bị sốc giảm thể tích có thể đe dọa tính mạng. Trên thực tế, nhiều cha mẹ không biết cách bù nước khi trẻ bị tiêu chảy. Lo sợ con mất nước nên liên tục cho con uống oresol, trẻ vừa nôn xong, vừa đi ngoài lại bắt uống tiếp. “Điều này thực sự phản tác dụng, thậm chí còn làm mất nước nặng hơn. Bởi khi uống oresol, nếu uống quá  nhanh, bị kích thích trẻ nôn ra ngay. Vì thế, với trẻ nôn ít, thì cứ 1 - 2 phút cho uống một ngụm hoặc dùng thìa nếu trẻ nhỏ. Còn nếu trẻ bị nôn nhiều thì phải cho uống oresol chậm hơn, sau 2-3 phút lại uống một lần, một ngụm”- PGS. TS Dũng nói.

Với bệnh đường hô hấp, theo PGS. TS Dũng ở  trẻ nhỏ viêm phổi diễn tiến rất nhanh. Chính vì thế việc phát hiện, đưa con đi khám sớm là rất quan trọng. Ở thời điểm đầu đông này, bố mẹ cần chú ý giữ ấm cơ thể cho trẻ. Tuy nhiên cũng lưu ý không mặc quá ấm, khiến trẻ đổ mồ hôi rồi thấm lạnh ngược trở lại cơ thể. Người trông trẻ cần thường xuyên kiểm tra lưng và cổ trẻ xem có ra mồ hôi hay không? Ngoài ra, cần cho  trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm vitamin C tăng cường sức đề kháng. Khi trẻ có dấu hiệu viêm đường hô hấp trên (hắt hơi, xổ mũi) thì cha mẹ hàng ngày cần nhỏ nước muối mũi, họng đúng cách. Cách tốt nhất là, ngâm lọ nước muối trong nước ấm, tan giá, thử giọt lên mu bàn tay thấy ấm thì mới nhỏ cho trẻ. Khi thấy trẻ có biểu hiện nặng lên, cha mẹ nên đưa con đến viện để được khám và điều trị kịp thời.

Phương  An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này