Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn

13:18 | 27/09/2019
(LĐTĐ) Sáng qua (26/9), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước để làm rõ các nguyên nhân, đề ra biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
day nhanh tien do giai ngan nguon von 97008 Sau 9 tháng, Hà Nội mới giải ngân được 29,9% kế hoạch vốn giao
day nhanh tien do giai ngan nguon von 97008 Không để giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm
day nhanh tien do giai ngan nguon von 97008 Nhiều dự án về nông nghiệp chậm giải ngân

31 bộ, ngành và 19 địa phương giải ngân dưới 50%

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế. Giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Có 31 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

day nhanh tien do giai ngan nguon von 97008
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: HNP

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân gồm một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công. Việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài...

Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp; một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Về phía Hà Nội, tại đầu cầu Thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong năm 2019 đã giao kế hoạch vốn đầu tư theo Quyết định số 6688/QĐ-UBND ngày 07/12/2018 với tổng số vốn hơn 44.917 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư cấp TP là hơn 29.019 tỷ đồng, cấp huyện là hơn 15.897 tỷ đồng.

Qua điều chỉnh, tổng kế hoạch vốn cho đầu tư của toàn TP đến nay là hơn 52.524 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách cấp TP là hơn 31.490 tỷ đồng, chi ngân sách cấp huyện là hơn 21.034 tỷ đồng. Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư năm 2019 tính đến thời điểm này là hơn 47.388 tỷ đồng.

Tính đến 15/9, toàn TP đã giải ngân vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2019 được 14.175 tỷ đồng, ước giải ngân 9 tháng đầu năm đạt 34%. Một số đơn vị, địa phương có mức giải ngân khá như: quận Hà Đông (99%), huyện Thanh Trì (92%), huyện Quốc Oai (73%), huyện Đan Phượng (64%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (44%).

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ “căn bệnh” chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công trước hết do bất cập từ công tác giao vốn, chưa dựa trên kế hoạch sử dụng vốn của từng dự án. Phó Thủ tướng dẫn chứng như công tác lập, thẩm định, dự toán xây dựng công trình, lựa chọn nhà đầu tư cũng cần vốn nhưng không nhiều mà vốn chủ yếu cần tập trung vào giai đoạn thi công xây lắp.

Bên cạnh đó, việc đề xuất nhu cầu vốn đầu tư chưa sát với khả năng giải ngân. Còn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ rõ có tình trạng đùn đẩy, né tránh trong triển khai các dự án đầu tư công, do đó, chưa khai thác được nguồn lực lớn của đất nước.

Để nâng cao năng lực hấp thụ của nền kinh tế về vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng đề nghị rà soát, trình Thủ tướng cắt giảm vốn tại những nơi quá chậm trễ trong giải ngân hoặc không giải ngân được; sớm triển khai phương án phân bổ vốn của năm 2020 để trình Quốc hội quyết định.

Không để giải ngân chậm ảnh hưởng tới tăng trưởng

Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đầu tư công thời gian qua đã đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là những công trình hạ tầng quan trọng. Đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019. Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công từ gần chục năm qua đã tạo ra “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế.

Cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra rất nhiều hệ lụy, Thủ tướng nhấn mạnh 4 hậu quả lớn: Ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.

Tình trạng này còn gây lãng phí lớn khi tiền “nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn”. Cuối cùng là doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín giảm sút. Chỉ đạo “căn bệnh trầm kha” về chậm giải ngân vốn đầu tư công cần sớm được giải quyết, song, Thủ tướng lưu ý, cùng với tiến độ, vấn đề chất lượng công trình cần phải được chú trọng. Công tác chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng cũng phải được đảm bảo.

Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp các ngành, từng cơ quan, đơn vị liên quan từ nay đến hết năm 2019 và trong năm 2020 - năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.

Yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần nhận thức sâu sắc, đảm bảo thấm nhuần tư tưởng này đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên trực tiếp thực hiện công việc này, Thủ tướng cũng chỉ đạo kỷ luật kịp thời nghiêm minh đối với những vi phạm làm chậm, lợi ích nhóm, tham nhũng lãng phí trong xây dựng cơ bản.

Các Bộ trưởng, trưởng ngành, các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng; nỗ lực phấn đấu tối đa giải ngân hết số vốn đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 01 đã đề ra.

Đối với các bộ, ngành, địa phương có số vốn được giao lớn, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo thực hiện, phấn đấu quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án hạ trọng điểm, cấp bách, không để kéo dài.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi.

Cuối cùng,Thủ tướng tán thành đề xuất thành lập tổ công tác đặc nhiệm theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng cơ bản. Các bộ, ngành địa phương được phép điều chỉnh bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 2019 đối với những dự án giải ngân chậm, không có khả năng thực hiện sang các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư bao gồm những dự án có kế hoạch đầu tư sau ngày 31/10/2018, có khả năng giải ngân, bảo đảm giải ngân hết số vốn 2019.

H.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này