Kỳ lạ hai vị sư “ngồi thiền” hơn 400 năm

10:11 | 18/12/2014
Từ trước đến nay, mọi người vẫn luôn nghĩ rằng, xác ướp và thuật ướp xác chỉ tồn tại ở Ai Cập, Ấn Độ, Ica… Thế nhưng, trên thực tế, người Việt cũng có công nghệ ướp xác đỉnh cao được minh chứng bằng “người thật việc thật”. Sau nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, phóng viên Lao động Thủ đô đã tiếp cận được những xác ướp được coi là nguyên vẹn hàng trăm năm qua…

Về nơi đất Phật

Con đường nhựa nhỏ, cũ kỹ với nhiều ổ gà như chiếc dây thừng ngoằn ngoèo trải dài qua cánh đồng rồi len qua những ngôi nhà cổ dẫn chúng tôi đến chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội. Gặp chúng tôi, sư thầy Thích Minh Cương với dáng vẻ thư thái, hồn hậu, điềm tĩnh kể: “Trước khi có tên chùa Đậu, chùa có tên Thành Đạo tự, Pháp Vũ tự, chùa Vua, chùa Bà. Theo truyền thuyết dân gian kể lại, vào thời nhà Hán, khoảng từ năm 200 – 210, theo lệnh của Sỹ Nhiếp, Quách Thông đi xác minh luồng khí phát ra từ phía nam kinh thành. Khi đến thôn Gia Phúc, ông thấy thế đất có hình dáng một đóa sen đang nở liền về tâu lại. Từ lời mô tả của Quách Thông, Sỹ Nhiếp cho rằng hoa sen là nơi đất phật nên cho lập chùa ngay trên nền đất đó.

Sau biết bao biến cố của thời thế, sự tác động của thời gian, chiến tranh loạn lạc, ngôi chùa không còn giữ lại kiến trúc ban đầu nữa mà mang phong cách của đời Lê – Nguyễn. Phiêu bồng trong cõi Phật, được nghe nhiều câu chuyện do người già kể về chuyện người dân tứ xứ khắp nơi đổ về đây cầu đường học hành, cũng như câu chuyện nhục thân của hai vị đại sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường khiến chúng tôi như lạc vào một thế giới lạ kỳ, đầy chất thanh cao, trong trẻo, nhưng lại chứa đựng sự khổ hạnh và ước mong bất tử của con người.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến gian nhà tổ để chiêm ngưỡng kiệt tác nghệ thuật hoàn hảo, được tạo ra bởi chính xương cốt của hai vị đại sư với ước vọng bất tử đã “chạm” đến niết bàn.

Theo quan sát của chúng tôi, trong chiếc am khảm rồng, khung kính, hai vị đại sư mắt nhắm hờ, đầu hơi cúi, lưng cong gập, hai tay đặt trước bụng, chân khoanh tròn như một người đang thiền.

Cũng theo sư thầy Thích Minh Cương, đại sư Vũ Khắc Minh là chú ruột của Vũ Khắc Trường. Ngay từ nhỏ, hai chú cháu đã vào chùa Đậu để tu hành, tụng kinh siêu độ cho dân và cả ngày hai ông chỉ ăn bữa cơm rau duy nhất vào giờ chính Ngọ. Đến năm 1639, biết số đã tận, thiền sư Vũ Khắc Minh xách một chum nước nhỏ vào trong am ngồi thiền rồi dặn đệ tử: “Sau đúng 100 ngày mọi người mới được mở cửa am. Nếu thi thể của ta bốc mùi hôi thối thì dùng đất lấp cả am đi, coi như đó là mồ của ta. Còn nếu không có mùi thì hãy dùng sơn bả lên thân thể ta rồi giữ nguyên như thế…”.

Dù lo lắng cho sư phụ, nhưng đệ tử của đại sư Vũ Khắc Minh không dám làm trái lời, cũng như quấy rầy ý muốn đến niết bàn bằng cách nhục thân (tượng táng) của đại sư. Đúng 100 ngày sau, không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh, mọi người mở cửa am thì thấy đại sư đã viên tịch, toàn cơ thể bốc ra mùi thơm ngào ngạt. Theo chỉ dẫn trước đó, mọi người sơn lên người thầy 17 lớp sơn đặc biệt.

Cũng theo truyền thuyết dân gian kể lại, vào khoảng hơn 10 năm sau, đại sư Vũ Khắc Trường  dường như biết trước được số mệnh của mình đã hết, ngài cũng vào am gõ mõ tụng kinh rồi hóa một cách lạ lùng như vậy.

Câu chuyện về hai vị đại sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đến niết bàn trong tư thế ngồi thiền và bất tử trong điều kiện bình thường thì bất cứ ai ở làng Gia Phúc, cũng như những sư thầy tu tại chùa Đậu đều biết và kể lại một cách rành rọt. Tuy nhiên, cho đến nay, công nghệ ướp xác này vẫn là một bức màn bí ẩn, chưa được vén mở.

Đi tìm lời giải sự bất tử

Đến năm 1983, khi Viện Khảo cổ học cử một đoàn cán bộ về nghiên cứu, kiểm tra và tôn tạo lại gác chuông của chùa Đậu, thì câu chuyện về hai vị đại sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường nhục thân rồi hóa được nghiên cứu một cách khoa học. PGS TS Nguyễn Lân Cường cho biết, trong giờ nghỉ trưa, ông đến bên chiếc am nhỏ rồi bị hút hồn bởi bức tượng với thân hình gầy gò, gương mặt thanh thản hiền từ, đôi mắt như hướng về cõi phật. Sau khi đi một vòng quanh chùa, ông còn phát hiện thêm một bức tượng tương tự như thế.

Là nhà khảo cổ học nhiều kinh nghiệm, ông Cường biết rằng, ẩn sau những bức tượng kia không chỉ ẩn chứa giá trị tâm linh mà còn hàm chứa cả ý nghĩa lịch sử, cũng như một công nghệ đạt tới đỉnh cao của người Việt xưa. Chuyên nghiên cứu về xương, ông đánh giá ngay rằng, bên trong pho tượng này có chứa hài cốt. Sau đó ông quyết định bắt tay vào việc giải mã bí ẩn quanh sự tồn tại của viên ngọc xá lợi toàn thân.

PGS TS Nguyễn Lân Cường và các nhà khoa học bên tượng đại sư Vũ Khắc Minh

55554

PGS TS Nguyễn Lân Cường đã đem hai bức tượng này về Bệnh viện Bạch Mai chụp X Quang. Qua phim, ông rất ngạc nhiên khi sọ không bị đục, mũi không bị khoan, nội tạng vẫn còn mà không bị phân hủy, các khớp không dùng chất kết dính…

Sau khi nghiên cứu kỹ các tài liệu khoa học về xác ướp trên thế giới, PGS TS Nguyễn Lân Cường khẳng định với thế giới rằng, ông đã phát hiện ra một hình thức táng độc đáo ở Việt Nam. Ông đặt tên cho hình thức táng này là thiền táng hoặc tượng táng.

Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã phác thảo được phương pháp táng đặc biệt này như sau: Sau khi các vị thiền sư viên tịch, các đệ tử đã dùng đất ở tổ mối trộn đều với mùn cưa, giấy bản giã thành bột và sơn… để tạo ra một loại hỗn hợp rồi quét lên cơ thể của các thiền sư. Sau đó, mọi người dát những lá bạc mỏng và quang dầu ở mặt ngoài cùng của pho tượng.

Tuy nhiên, phương pháp táng này vẫn là một bí ẩn lớn chưa có lời giải thấu đáo. Để giữ được nguyên trạng hai bức tượng, sau khi tu bổ, các nhà khoa học đã đưa tượng vào tủ kính, sau đó bơm ni tơ đậm đặc để bảo quản. Với phương pháp này, theo các nhà khoa học thì nhục thân hai vị thiền sư này sẽ bất hoại.

Từ kết quả khoa học được công bố, thêm một lần nữa thổi bùng lên niềm khát khao được bất tử của con người. Bởi theo nhiều cao tăng, muốn lưu xác thân khi về cõi niết bàn, trước tiên mọi người phải tập Yoga để điều tiết khí huyết trong cơ thể,  giảm dần việc ăn uống, tiếp đến giảm những tạp chất trong người, khi đốt đến giọt năng lượng cuối cùng thì tất cả các nhịp sinh học trong cơ thể cũng dừng lại. Như vậy có nghĩa là mọi người đã luyện thiền đạt đến mức đỉnh cao biến mình thành bất tử…

 Trong lần về thăm chùa Đậu, nhà nhân học nổi tiếng Hunggari GS. TS István Kiszely xúc động nói với PGS TS Nguyễn Lân Cường rằng: “Bạn đã cho tôi được biết đến một điều kỳ diệu về nền văn hóa thật đa dạng của Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ còn tìm được những thiền sư khác nữa…”. Điều mong muốn của vị giáo sư nước ngoài ấy đã trở thành sự thật, khi Việt Nam tiếp tục phát hiện nhục thân khác ở Tiêu Sơn (Bắc Ninh) với những câu chuyện về thuật ướp xác thú vị hơn nhiều…

Kỳ cuối:  Bất tử cùng thời gian

Ngô Hùng









© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này