Công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động

Hiệu quả từ những cách làm nhiệt huyết, sáng tạo

17:50 | 24/09/2019
(LĐTĐ) Cách thức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động phải linh hoạt, đa dạng như thiết kế, in ấn các tờ gấp nội dung ngắn gọn, dễ hiểu đề cập đến các vấn đề trọng tâm, thiết yếu mà người lao động cần biết, liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động.
hieu qua tu nhung cach lam nhiet huyet sang tao Đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống cho người lao động
hieu qua tu nhung cach lam nhiet huyet sang tao Nguyên nhân đình công chủ yếu vì quyền lợi người lao động không được đảm bảo
hieu qua tu nhung cach lam nhiet huyet sang tao Đan Phượng tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động

Đây là một trong những đề xuất được nêu tại Hội nghị tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các cấp Công đoàn Thủ đô do Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội vừa tổ chức mới đây.

hieu qua tu nhung cach lam nhiet huyet sang tao
Quang cảnh hội nghị tọa đàm

Trên 17.000 công nhân viên chức lao động được tuyên truyền, tư vấn pháp luật

Tại hội nghị, thông tin những kết quả nổi bật trong công tác tư vấn pháp luật của các cấp công đoàn Thủ đô 9 tháng đầu năm 2019, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn pháp luật cho công nhân viên chức lao động, trong 9 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tham mưu cho thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố đôn đốc Liên đoàn Lao động các quân, huyện, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở kiện toàn các Tổ tư vấn pháp luật sau Đại hội Công đoàn các cấp. Đến nay đã có 38/43 Tổ tư vấn pháp luật được kiện toàn với 209 thành viên.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức tuyên truyền, tư vấn về Bộ Luật lao động, Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp tới công nhân lao động trong các khu nhà trọ, tại doanh nghiệp và tổ chức đối thoại với công nhân lao động, người sử dụng lao động về những vấn đề có liên quan tới quan hệ lao động.

Đặc biệt, Trung tâm sẽ đẩy mạnh hoạt động tư vấn giải quyết tranh chấp lao động, xây dựng nội quy lao động và tăng cường chuẩn bị hồ sơ khởi kiện đòi nợ kinh phí công đoàn.

Cùng đó, Trung tâm tiếp tục chú trọng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính của mình là tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động.

Cụ thể, hưởng ứng Tháng công nhân năm 2019, Trung tâm đã tổ chức tư vấn pháp lý lưu động cho công nhân lao động qua ki-ôt thông tin đặt tại khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long; Khu Công nghiệp Quang Minh đồng thời phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức 70 cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật về Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới người lao động cho hơn 17.000 công nhân viên chức lao động.

Thông qua hoạt động này CNLĐ đã được tiếp cận với các kiến thức pháp luật và đặc biệt dịch vụ pháp lý miễn phí của tổ chức công đoàn đã đến được với công nhân lao động một cách hiệu quả.

Cùng đó, Trung tâm đã thực hiện tư vấn qua điện thoại, thư điện tử, tư vấn trực tiếp tại trụ sở và nhiều hình thức khác cho 385 đối tượng về những nội dung của Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức, Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp v.v… đồng thời phối hợp với các Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức 5 cuộc đối thoại về những nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động.

Đặc biệt, trong 9 tháng qua, Trung tâm đã tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý, đại diện bảo vệ thành công quyền lợi người lao động tại Tòa án đối với 3 vụ việc nổi cộm. Đó là: Trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ pháp lý và tham gia khởi kiện Công ty TNHH phần mềm kế toán Thông Minh ra Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm yêu cầu trả nợ tiền lương, trả lại Bằng tốt nghiệp đại học cho người lao động.

Kết quả, Công ty đã phải trả số tiền 117 triệu đồng nợ lương cho 04 người lao đông và trả Bằng tốt nghiệp Đại học cho bà Nguyễn Thị Lài là công nhân của Công ty đã xin chấm dứt HĐLĐ. Trung tâm đã hỗ trợ ông Đào Việt Phúc khởi kiện Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại và Dịch vụ HDL Việt Nam ra Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kết quả Công ty phải bồi thường cho ông Đào Việt Phúc 129 triệu đồng vì đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

Trung tâm cũng đã đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà Hà Thị Vân khởi kiện Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Trường Minh đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy. Kết quả Công ty đã chấp nhận bồi thường 170 triệu đồng cho bà Hà Thị Vân vì lý do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

“Có thể nói, hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý của Trung tâm và mạng lưới Tổ tư vấn pháp luật các cấp công đoàn đã giúp từng bước tạo được niềm tin pháp lý cho đoàn viên công đoàn và người lao động”- Bà Vũ Thị Hương khẳng định.

Tuyên truyền, tư vấn pháp luật phải xúc tích dễ hiểu

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, bà Vũ Thị Hương và các đại biểu cũng đã thẳng thắn cho rằng, công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho công nhân viên chức lao động của các cấp công đoàn Thủ đô vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Theo các đại biểu, hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động tại cơ sở hiện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức về thời gian và kinh phí dẫn tới chất lượng tư vấn chưa cao; trình độ nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật của mạng lưới tư vấn viên cơ sở còn hạn chế; bộ máy và đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác tư vấn pháp luật còn mỏng, đều là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động tư vấn pháp luật chưa nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu tư vấn của rộng rãi đối tượng công nhân viên chức lao động.

Đáng chú ý, ý thức chấp hành pháp luật nói chung, Luật Lao động nói riêng của chủ sử dụng lao động còn chưa nghiêm. Nhiều chủ doanh nghiệp cố tình né tránh không muốn người lao động của mình hiểu biết về pháp luật. Do đó công đoàn rất khó tiếp cận với công nhân lao động để tuyên truyền, tư vấn pháp luật.

Từ những khó khăn nói trên, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư vấn pháp luật trong thời gian tới. bà Vũ Thị Hương cho rằng, trước hết cần tạo chuyển biến về nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động về sự cần thiết của việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho công nhân lao động.

Cùng đó, cần tăng cường phân cấp và quy rõ trách nhiệm cho từng cấp công đoàn trong việc tổ chức hoạt động tư vấn, đánh giá hiệu quả về công tác này.

Nhiều đại biểu khác thì đề nghị cần tăng cường tập huấn, trang bị kiến thức cho cán bộ công đoàn làm công tác tư vấn pháp luật ở công đoàn cấp trên cơ sở; cách thức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động phải linh hoạt, đa dạng như thiết kế, in ấn các tờ gấp nội dung ngắn gọn, dễ hiểu đề cập đến các vấn đề trọng tâm, thiết yếu mà người lao động cần biết, liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động rồi phát cho công nhân tại các công ty. Khi thấy đây là nội dung liên quan mật thiết với mình, người lao động sẽ tiếp nhận một cách nhanh chóng.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này