Thịt bò, thịt gà nhập ngoại nở rộ thị trường: Mừng hay lo?

10:43 | 17/12/2014
Càng gần đến cuối năm, thịt ngoại đổ vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Với ưu thế về chất lượng, giá cả, thịt ngoại đang dần lấn át thịt nội.

Thêm cơ hội lựa chọn

Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay Việt Nam đã nhập khẩu 129.273 con bò thịt từ Úc, tăng 31.000 con so với số lượng nhập khẩu bò Úc của cả năm 2013. Dự kiến khoảng 150.000 con bò Úc được nhập khẩu về Việt Nam trong năm nay và chỉ sau mấy tháng mua bò từ Úc, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước nhập khẩu bò nhiều thứ hai của Úc (sau Indonesia). Đó là chưa kể hàng trăm ngàn con bò từ Thái Lan, Lào và Campuchia được đưa vào nội địa qua biên giới miền Trung và Tây Nam.

Hiện, giá bán thịt bò Úc tươi tại các siêu thị và cửa hàng trong nước khoảng 240-300.000 đồng/kg (loại nạc đùi), 225-250.000 đồng/kg (loại bắp bò), 180-190.000 đồng/kg (loại thịt gầu)…Trong khi, giá thịt bò nội hiện cũng khoảng 150.000-270.000 đồng/kg, tùy loại.

Chị Thu Phương (Khu tập thể Thanh Xuân Bắc) cho biết, gia đình chị hay ăn thịt bò và thường chọn mua thịt bò Úc. Lý do, bò ngoại  mà cụ thể là bò Úc rất phong phú trên thị trường, cộng với giá bán phải chăng, chỉ cao hơn thịt bò trong nước vài chục nghìn một kg.

Còn bác Hải Lâm- Khu tập thể Tân Mai bộc bạch: “Tôi chỉ mua thịt bò nuôi trong nước vì tươi ngon, thịt bò Úc đa phần đông lạnh mà đã là đông lạnh thể nào chả có chất bảo quản”.

Khi hỏi về thịt gà, bác Hải Lâm cũng cho hay,  thịt gà công nghiệp trong nước (nguyên con làm sẵn) đang ở mức 40.000 - 45.000 đồng/kg, trong khi thịt gà nhập chỉ hơn 20.000 đồng/kg nhưng mấy ai phân biệt được gà công nghiệp trong nước hay nước ngoài nên  nhiều người cứ thấy rẻ là mua nhất là các cửa hàng cơm bụi. “Chất lượng không biết thế nào, toàn gà Tàu, đáng sợ”- bác Hải Lâm nhấn mạnh.

Còn nỗi lo

Quan điểm tiêu dùng của mỗi người mỗi khác, song với những nguồn hàng từ châu Âu luôn được người tiêu dùng ở thành phố lựa chọn. Còn nguồn hàng nhập từ Trung Quốc vốn không được ưa chuộng nhưng lại được các tiểu thương biến hóa thành hàng Việt tung ra thị trường và  cung cấp cho các nhà hàng, quán cơm bụi với số lượng lớn. Bởi thế trong niềm vui của thịt ngoại nở rộ với nhiều cơ hội lựa chọn lại có nỗi buồn về chất lượng bị biến tấu và cùng đó là sự bê bết của ngành chăn nuôi trong nước.

 Nếu như bò Úc là mặt hàng mới và có mức tăng trưởng nhanh, được bày bán ở nhiều siêu thị thì các loại thịt đông lạnh nhập khẩu có mặt từ lâu tại thị trường nội địa cũng đang chiếm lĩnh ở nhiều phân khúc với số lượng nhập khẩu năm sau cao hơn năm trước. Điều đáng nói, do thịt gia cầm đông lạnh nhập khẩu về ngày một nhiều với giá quá rẻ đã khiến ngành nuôi gà trong nước lao đao, nhiều doanh nghiệp “lên bờ xuống ruộng” vì thịt ngoại.
Về vấn đề này, nhiều DN cho rằng, do thiếu vốn nên không thể đầu tư cho nông dân nuôi như DN ngoại, vì vậy họ lựa chọn hình thức thu mua qua đầu mối. Trong khi đó, người nuôi luôn trong tình trạng thấy lãi thì nuôi, lỗ thì “treo” chuồng. Để bù đắp nguồn cung, nhiều DN đã nhập khẩu để hưởng chênh lệch. Người nuôi do vậy càng khó khăn, lại tiếp tục “treo” chuồng trại… như một vòng luẩn quẩn.

Theo các nhà chuyên môn, một trong những lý do chính khiến sản phẩm chăn nuôi trong nước thua trên sân nhà là vì giá thành chăn nuôi cao hơn các nước 15-25%, DN trong nước quá phụ thuộc vào nguồn thức ăn và nguyên liệu nhập khẩu.  Trong khi đó, nhập khẩu thức ăn lại chịu thuế nhập khẩu, VAT và thuế thu nhập DN. Tuy nhiên,  ông Nguyễn Văn Trọng – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) lại  cho rằng, người chăn nuôi không nên quá lo lắng, bởi dự báo từ nay đến cuối năm, giá cả các mặt hàng thực phẩm sẽ giữ ở mức ổn định chứ khó giảm thêm. Ngoài ra, phần đông người tiêu dùng vẫn có tâm lý ăn thịt tươi (gia súc, gia cầm nuôi và giết mổ trong nước) chứ ít dùng thịt đông lạnh, riêng với thịt gà, hầu hết vẫn dùng gà lông màu, còn gà lông trắng chủ yếu dùng sản xuất thức ăn nhanh.

Song, để tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm thịt nhập khẩu cũng như gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững, hộ chăn nuôi bắt buộc phải đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để giành thế chủ động, tìm cách hạ giá thành bằng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Quan trọng nhất là phải đẩy chất lượng và hạ giá thành. Đây quả là điều không dễ.

Lê Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này