Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh

17:20 | 23/12/2014
Theo dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vừa được Bộ GD- ĐT công bố, bài thi THPT quốc gia 2015 được tính thang điểm 20 thay cho thang điểm 10 như trước đây và thời gian tổ chức kỳ thi lùi lại một tháng. Cùng với đó, theo quy định mới, thí sinh dự kiến được đăng ký tối đa lên đến 16 nguyện vọng.

Lùi lịch thi một tháng

Theo Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh, quy chế hướng tới việc đổi mới tuyển sinh, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh (TS). Chính vì thế, theo Quyết định 3538/QĐ-BGDĐT thì lẽ ra kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức từ ngày 09 đến ngày 12 tháng 6 năm 2015. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của học sinh và các nhà trường nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước. Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Kỳ thi này vẫn tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, ngoại ngữ. Dự thảo quy chế nêu rõ, riêng đối với môn ngoại ngữ: Thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín theo quy định tại Công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23/10/2014 sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trước nhiều ý kiến về việc quy đổi chứng chỉ này thành mức điểm tối đa, ông Mai Văn Trinh lý giải, các chứng chỉ được đặt ra ở mức cao hơn so với chuẩn bậc học. Để khuyến khích thí sinh học tốt môn học này, các em được miễn thi môn ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa môn ngoại ngữ khi xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, điểm quy đổi này chỉ được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. “Theo quy định mới để xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia trong tuyển sinh thì thí sinh bắt buộc phải dự thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia. Hiện tại, công tác tuyển sinh do các trường ĐH, CĐ tự chịu trách nhiệm và tự quyết định hình thức xét tuyển chứ không phải Bộ GD-ĐT”, ông Trinh giải thích.

Cũng theo Bộ GD- ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ được tổ chức theo cụm thi. Dự kiến trên cả nước có từ 34-35 cụm thi. Một điểm mới khác biệt là nếu những năm trước đây, các thí sinh dự thi tuyển sinh phải đi đến các trường ĐH, CĐ hoặc đến 4 cụm thi (Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng) nên phải đi quãng đường khá xa, gây áp lực giao thông và chi phí cho việc đi lại là khá lớn thì năm tới, với việc mở rộng ra thành nhiều cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh thì địa điểm dự thi gần hơn sẽ giảm được chi phí đi lại cho thí sinh và gia đình.

Thanh tra kiểm tra phòng thi, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. ảnh minh họa

55792Kết quả thi được phân hoá cao khi áp thang điểm cao

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Do đó, để đạt được mục đích trên thì yêu cầu phân hóa trình độ của thí sinh phản ánh qua kết quả các môn thi trong kỳ thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng như những năm trước (kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ). Để có độ phân hóa cao, chất lượng đề thi đóng vai trò quan trọng, đồng thời công tác coi thi, chấm thi cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Do vậy, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.Với các lý do trên, Bộ GDĐT chủ trương sử dụng thang điểm 20 trong kỳ thi THPT quốc gia.

Việc áp dụng thang điểm 20 cũng khiến cho các mức điểm ưu tiên được tăng lên gấp đôi. Học sinh đoạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ được tính 4,0 điểm. Điểm khuyến khích dành cho chứng chỉ nghề tối đa lên tới 3 điểm.  Đáng chú ý là quy định sau khi có kết quả thi, thí sinh mới đăng ký vào các ngành của trường ĐH, CĐ (sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiếu và các môn thi tự chọn khác theo nguyện vọng). Việc này giúp thí sinh được tuyển vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với kết quả thi của mình và các trường tuyển được những thí sinh phù hợp với yêu cầu, tránh sự rủi ro như những năm trước đây, đã có trường hợp thí sinh thi đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH.

Thí sinh được đăng ký tối đa 16 nguyện vọng

Bên cạnh đó, theo dự thảo quy chế, mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày), mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng. Như vậy, mỗi thí sinh có thể đăng ký tối đa 16 nguyện vọng. Những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển cho các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi trước đây, 25% chỉ tiêu còn lại dành cho các khối thi mới.  Sau khi có kết quả thi, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân, đảm bảo những học sinh đạt kết quả thi cao sẽ được lợi thế khi xét tuyển.
Bộ GD-ĐT tin rằng, quy trình xét tuyển mới không chỉ mở ra các cơ hội trúng tuyển cho thí sinh mà còn giúp giảm tình trạng thí sinh ảo tồn tại nhiều năm qua. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Việc hoàn thiện quy chế rất cần ý kiến góp ý, phản biện có trách nhiệm. Theo đó, kể từ ngày công bố dự thảo, Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe ý kiến của xã hội với thời hạn là 45 ngày”.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này