Các cấp Mặt trận Hà Nội: Tham gia tích cực, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

10:54 | 20/09/2019
(LĐTĐ) Thành phố Hà Nội xác định hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, do vậy thời gian qua, hoạt động này được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn Thành phố chú trọng triển khai thực hiện.
Khai mạc Đại hội Mặt trận Tổ quốc với mục tiêu “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”
Giám sát về khoa học công nghệ tại Viện nghiên cứu phát triển KTXH
Giám sát Nghị quyết T.Ư 6 về phát triển khoa học, công nghệ

Chủ trì 6.326 đoàn giám sát về các nội dung

Ngày 19/9, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, bà Nguyễn Lan Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tham luận tại Đại hội với chủ đề nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.

Các cấp Mặt trận Hà Nội: Tham gia tích cực, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội
Bà Nguyễn Lan Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tham luận tại Đại hội. Ảnh: Kỳ Anh

Bà Nguyễn Lan Hương cho biết, Thành phố Hà Nội xác định hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, do đó, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217 và Quyết định số 218, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tham mưu trình Thành ủy Hà Nội ban hành các quyết định, chỉ thị, quy chế… về việc lãnh đạo chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, đó là Quyết định số 4660 ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Thành ủy với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 6525 Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; Quyết định số 2200 ban hành Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 60 về việc giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với Đảng viên thường xuyên ở nơi cư trú, đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết: Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội hiệp thương lựa chọn nội dung, chương trình giám sát và phản biện xã hội để báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy và thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố về chương trình, kế hoạch giám sát.

Các cấp Mặt trận Hà Nội: Tham gia tích cực, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Long Biên tham gia giám sát việc thi hành án hình sự tại Ủy ban nhân dân phường Sài Đồng năm 2019. Ảnh: Ngọc Quang

Kết quả, qua 5 năm, Mặt trận các cấp, từ thành phố đến cơ sở đã chủ trì tổ chức 6.326 đoàn giám sát các nội dung như: Việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; việc chấp hành các chính sách của thành phố, địa phương, đơn vị.

Mặt trận các cấp cũng chủ trì tổ chức giám sát các nội dung về khoa học và công nghệ, về bảo đảm an toàn thực phẩm, việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, việc khai thác cát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra, đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công; phối hợp giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ở các doanh nghiệp...

Đi đầu cả nước trong xây dựng Quy chế và tổ chức phản biện xã hội

Với hoạt động phản biện xã hội, bà Nguyễn Lan Hương cho biết, thành phố Hà Nội triển khai thực hiện từ tháng 10/2010. Trong hoạt động này, Thủ đô Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng Quy chế và tổ chức phản biện xã hội.

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, sau khi có ý kiến của cấp ủy, văn bản đề nghị của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về việc xin ý kiến phản biện, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức họp với các cơ quan liên quan thống nhất kế hoạch phản biện xã hội.

Các cấp Mặt trận Hà Nội: Tham gia tích cực, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội
Đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội thay mặt các tầng lớp nhân dân cả nước chào mừng Đại hội. Ảnh: Kỳ Anh

5 năm qua, Hà Nội đã tổ chức 2.594 hội nghị phản biện xã hội đối với các tờ trình, dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân, Quyết định, Quy định của Ủy ban nhân dân các cấp trình tại kỳ họp, trong đó: Thành phố tổ chức 19 hội nghị, cấp huyện 204 hội nghị và cấp xã 2.371 hội nghị.

Qua hội nghị phản biện xã hội, nhiều ý kiến, kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã được tiếp thu, là kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Đối với hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, qua 5 năm các Ban Thanh tra nhân dân cấp xã đã giám sát 39.258 cuộc, tập trung vào các lĩnh vực: Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo; việc thu chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp; công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy trình thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong giải phóng mặt bằng; công tác quản lý trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân; việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện các dự án đầu tư, công trình từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn do nhân dân đóng góp; các công trình có ảnh hưởng đến sản xuất, an ninh trật tự và đời sống của nhân dân; việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú...

Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công các thành viên theo dõi giám sát các công trình. Trong 5 năm đã tham gia giám sát 21.208 công trình, dự án phát hiện sai phạm về các lĩnh vực đầu tư không đúng quy định, cung ứng vật tư, thực hiện quy trình sai so với nội dung được phê duyệt, các việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, đã kiến nghị thu hồi 251.825m2 đất và 15,1514 tỷ đồng.

B.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này