Giải pháp chống nạn lạm thu trong năm học mới

Đừng để văn bản một đàng, triển khai một nẻo

11:56 | 19/09/2019
(LĐTĐ) Những năm học trước, nhiều vụ việc liên quan đến lạm thu liên quan đến việc học tập của các cháu cũng như vận động các khoản tài trợ đầu năm tại một số địa phương sai quy định đã gây bức xúc trong dư luận. Năm học mới này, mặc dù các ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh công tác thu - chi, nhưng nỗi lo của phụ huynh về các khoản thu dịp đầu năm học vẫn chưa giảm.
dung de van ban mot dang trien khai mot neo Hơn 887.000 thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia
dung de van ban mot dang trien khai mot neo Gần 86.000 thí sinh Hà Nội làm thủ tục dự thi vào lớp 10 THPT

Vấn nạn lạm thu

Năm mới đã trôi qua được 2 tuần song câu chuyện lạm thu đầu năm học không phải đến bây giờ mới được đề cập. Năm nào lạm thu học phí cũng tái diễn với các mức độ và hình thức khác nhau. Trong đó, dư luận ghi nhận được không ít hoạt động biến tướng trên danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản thu ngoài quy định của nhà nước” gây ra những phản ứng trong dư luận. Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhưng lạm thu vẫn không chấm dứt.

Còn nhớ năm học 2018 - 2019, phụ huynh Trường Tiểu học Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) choáng váng trước 18 khoản thu đầu năm học. Theo đó, tổng số tiền phải nộp được liệt kê lên đến gần 8 triệu đồng/1 học sinh. Cụ thể: Tiền đồng phục và sách giáo khoa 800.000 đồng, bảng tính thông minh 650.000 đồng, quỹ phụ huynh trường 250.000 đồng, quỹ lớp 300.000 đồng, quỹ học tập 150.000 đồng, tiếng Anh tăng cường 1.170.000 đồng…

dung de van ban mot dang trien khai mot neo
Ngay từ đầu năm học mới 2019 – 2020, Hà Nội đã có nhiều biện pháp cụ thể để ngăn chặn nạn lạm thu. (Ảnh minh họa)

Cũng trong năm học này, phụ huynh Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng (huyện Đông Anh, Hà Nội) phản ánh bị thu 1.500.000 đồng để mua bàn ghế. Tại Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), phụ huynh ở một số lớp bức xúc trước việc nhà trường tổ chức thu nhiều khoản vô lý. Sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã yêu cầu nhà trường trả lại phụ huynh các khoản thu sai và nghiêm khắc xử lý đối với hiệu trưởng.

Để xảy ra lạm thu, theo nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện sai quy định của Nhà nước. Các cơ sở đã vẽ ra nhiều hoạt động biến tướng, rồi mượn danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản ngoài quy định của Nhà nước” để thu tiền học sinh, phụ huynh. Ban đại diện cha mẹ học sinh thì chưa làm hết trách nhiệm của mình. Trong khi đó, một số địa phương chỉ đạo và phân bổ ngân sách Nhà nước cho cơ sở giáo dục với tỷ lệ chi cho các hoạt động thấp hơn mức tối thiểu theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Về phía các địa phương lại chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục; chưa thanh, kiểm tra kịp thời để xử lý các cơ sở giáo dục có sai phạm về thu chi tài chính. Việc này đã dẫn đến tình trạng không ít trường đã thu một số khoản ngoài quy định.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Khoa học, Tâm lý giáo dục Hà Nội), lý do chính dẫn đến lạm thu là do các trường học không thực hiện yêu cầu, chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời xã hội hóa giáo dục không đúng mức, thu những khoản không cần thiết. Tình trạng lạm thu xảy ra năm này qua năm khác do cơ chế giám sát của trường, cộng đồng đang bị buông lỏng. Chính vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, phải nâng cao trách nhiệm của Hiệu trưởng về các khoản thu. Các khoản thu phải công khai và được thông qua các phụ huynh trước khi thu. Khi xảy ra lạm thu, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Do đó, cần tăng cường công tác giám sát hơn nữa và xử lý thật nghiêm khi xảy ra sai phạm mới dứt điểm được lạm thu.

Xử lý nghiêm người đứng đầu

Tháng 8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2019 - 2020. Trong đó yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng lạm thu. Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu chi đầu năm học. Văn bản là thế, quy định là vậy, nhưng cũng giống như việc chống dạy thêm học thêm, văn bản thì nhiều song vấn nạn dạy thêm học thêm thì vẫn thế!

Được biết, tại Hà Nội, để chấn chỉnh, ngăn chặn triệt để hiện tượng lạm thu, đặc biệt là việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường học để thu các khoản ngoài quy định, ngày 6/5/2019, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản số 1772/UBND-KGVX về việc chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2019 - 2020. Trong đó quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban, không được thu 7 khoản, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Đặc biệt yêu cầu xử lý nghiêm khắc đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.

Tiếp đến, ngày 29/7/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 3213/SGDĐT-KHTC về việc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2019 - 2020. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thống nhất bằng văn bản về mức thu khác của các cơ sở giáo dục công lập theo phân cấp quản lý; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện việc giãn thời gian thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản thu trong cùng một thời điểm, thực hiện đầy đủ chế độ quản lý theo quy định.

Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định và có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với Hiệu trưởng những cơ sở giáo dục thực hiện thu chi không đúng quy định; công bố số điện thoại đường dây nóng để người học, cha mẹ học sinh và nhân dân kịp thời phản ánh những hiện tượng thu chi không đúng quy định.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu việc thu, chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và những cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Ghi nhận tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, năm học 2019 - 2020, để ngăn chặn tình trạng lạm thu, các Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho các trường, ban hành văn bản, nghị quyết, thành lập đoàn thanh kiểm tra công tác thu, chi… Tại quận Thanh Xuân, trước thềm năm học 2019 - 2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã tham mưu Uỷ ban Nhân dân quận chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc việc thu học phí năm 2019 - 2020 theo Nghị quyết số 06 của Hội đồng nhân dân.

Đặc biệt, 100% giáo viên các trường trong quận đều ký cam kết với hiệu trưởng về việc thu các khoản và dạy thêm. Tương tự, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cũng có văn bản tham mưu Ủy ban Nhân dân quận về công tác thu, chi đầu năm. Theo đó, Phòng sẽ thực hiện mọi công tác thu, chi dựa theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, từ đó có căn cứ để chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường xảy ra sai phạm.

Theo ông Lê Ngọc Quang (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, các trường cần thực hiện tốt những văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Với những trường để xảy ra trong các khoản thu, trước hết, Sở yêu cầu phải trả lại cho học sinh và phụ huynh những khoản thu sai. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm theo quy định và không loại trừ trường hợp sai phạm nào.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này