Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn Thủ đô

Tạo thuận lợi cho người dân và tăng năng suất lao động

10:07 | 19/09/2019
(LĐTĐ) Sáng 18/9, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị đánh giá kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2019. 
tao thuan loi cho nguoi dan va tang nang suat lao dong Phát huy sáng kiến, sáng tạo để tăng năng suất lao động
tao thuan loi cho nguoi dan va tang nang suat lao dong Tăng năng suất lao động: Chú trọng chất lượng dòng vốn FDI
tao thuan loi cho nguoi dan va tang nang suat lao dong Đẩy mạnh thi đua góp phần tăng năng suất lao động

Tại hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử Thành phố; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu cốt lõi; Số hóa các cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại cuộc họp đó là việc thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Hà Nội.

tao thuan loi cho nguoi dan va tang nang suat lao dong
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp.

Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được Thành phố triển khai trên các lĩnh vực thu tiền điện, nước, điện thoại cũng như thí điểm thanh toán phí Iparking. Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đang làm việc với các đơn vị phát triển phần mềm và ngân hàng quân đội, nhằm xây dựng phương án thanh toán học phí qua ứng dụng sổ liên lạc điện tử.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Ứng dụng công nghệ thông tin là một công cụ chính để thực hiện cải cách hành chính. Việc xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng thành phố thông minh, số hóa nền kinh tế là xu hướng bắt buộc.

Chỉ có con đường này chúng ta mới nâng cao được năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Để triển khai các nhiệm vụ này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Văn phòng Uỷ ban Nhân dân Thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sớm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử Thành phố.

Trong đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố làm Trưởng Ban; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Ngô Văn Quý làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Phó Trưởng ban gồm: Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc các sở, ngành là thành viên thường trực. Cơ quan thường trực, giúp việc Tổ Công tác đặt tại Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố do Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Lê Tự Lực làm Tổ trưởng.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, hiện nay các dịch vụ công mức độ 3, 4 đã đạt 84%, trong đó, dịch vụ công mức độ 4 đạt 15,9%. Phấn đấu đến hết năm 2019, 100% tất cả các thủ tục dịch vụ công từ cấp phường xã đến các quận, huyện, sở, ngành, các doanh nghiệp dịch vụ công của Hà Nội phải chuyển sang mức độ 3,4. Trong đó, dịch vụ công mức độ 4 tối thiểu đạt 30% trở lên.

Để hoàn thành mục tiêu này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu Giám đốc các sở tiếp tục rà soát, cắt giảm, rút ngắn quy trình các thủ tục hành chính. Đồng thời, các sở, ngành, đơn vị tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng khác như: Số hóa dữ liệu, triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố, xây dựng cơ sở dữ liệu cốt lõi, bảo mật và an toàn thông tin, đào tạo nguồn nhân lực.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành về các nội dung: Thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu…; đồng thời, yêu cầu coi trọng vấn đề bảo mật thông tin.

Đồng thời lưu ý các sở: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo… chú trọng việc đào tạo về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao nhận thức về vấn đề này cho người dân; đặc biệt, cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin cho tương lai 15 đến 20 năm nữa…

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này