Cảnh báo các loại tội phạm hình sự

17:39 | 18/09/2019
(LĐTĐ) Theo Công an Thành phố Hà Nội, trong thời gian qua, tội phạm hình sự diễn biến tương đối phức tạp trong đó nhiều loại tội phạm rất dễ phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. Báo Lao động Thủ đô sẽ có loạt bài phân tích về một số loại tội phạm hình sự nguy hiểm dễ phát sinh, qua đó, phần nào đưa ra bức tranh toàn diện cảnh báo tới công nhân viên chức lao động Thủ đô để có biện pháp phòng ngừa cũng như trang bị thêm những kiến thức pháp luật.  
canh bao cac loai toi pham hinh su Mâu thuẫn nợ nần, anh trai sát hại 3 người trong gia đình em gái
canh bao cac loai toi pham hinh su Bắt đối tượng gây ra án mạng tại quán karaoke
canh bao cac loai toi pham hinh su Gia tăng các vụ thảm án: Do bản năng hay áp lực cuộc sống?

Kỳ 1: Báo động những án mạng trong gia đình

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ án giết người, để lại hậu quả hết sức đau lòng, trong đó có những vụ án mà cả hung thủ và nạn nhân là những thân nhân trong gia đình. Điều này chứng tỏ sự xuống cấp về đạo đức xã hội trở nên báo động, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân.

Những vụ thảm sát thân nhân

Một vụ án xảy ra gần đây nhất vẫn còn khiến dư luận phải bàng hoàng diễn ra vào tối 16/9 tại phường La Khê, quận Hà Đông, khi một người chồng dùng dao đâm vợ tử vong ngay trong bữa tối. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1981) đã bị đối tượng Nguyễn Hải Hà (sinh năm 1977, trú tại phường La Khê, Hà Đông) đâm tử vong tại chỗ.

Nguyên nhân là do trong bữa ăn, con xin tiền bố mẹ nhưng Hà không cho. Do vậy, giữa Hà và vợ có lời qua tiếng lại dẫn tới mâu thuẫn. Trong cơn tức giận, Hà vào bếp lấy dao đâm một nhát vào người vợ. Sau khi gây án, Hà đã đến công an đầu thú.

Một vụ án mạng gây chấn động dư luận cũng xảy ra trong một gia đình ở huyện Đan Phượng, Hà Nội. Khoảng 7h15 ngày 1/9, tại cụm 2 xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, đối tượng Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1966, trú xã Hồng Hà) đã cầm dao sang truy sát cả nhà em trai ruột khi nghe tin gia đình người em vừa làm lễ khởi công xây nhà.

canh bao cac loai toi pham hinh su
Đối tượng Nguyễn Văn Đông (dấu gạch chéo đỏ) tại cơ quan công an

Theo báo cáo của Công an huyện Đan Phượng, hai anh em Đông được bố mẹ để lại cho một mảnh đất. Khi nghe tin em trai vừa khởi công xây nhà thì Đông đã vác dao sang, chém tới tấp vợ chồng em trai và các cháu do tranh chấp đất đai từ trước đó.

Đáng nói, sự việc xảy ra giữa khu dân cư vào dịp nghỉ lễ 2/9, có nhiều người chứng kiến nhưng không ai dám xông vào can ngăn vì Nguyễn Văn Đông quá hung hãn. Khi các nạn nhân đã gục xuống, Đông vẫn tiếp tục dùng dao chém vào người.

Hậu quả khiến ông Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1969, em ruột Đông) và con gái ông Hải là Nguyễn Thị Bắc (sinh năm 1991) tử vong tại chỗ. 3 nạn nhân bị trọng thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện là bà Doãn Thị Việt (sinh năm 1971, vợ ông Hải); con dâu ông Hải là Đỗ Thị Nhung (sinh năm 1995) và cháu gái ông Hải là Nguyễn Huyền My (sinh năm 2018).

Mỗi cá nhân cần biết tự kiềm chế

Những vụ án mạng chỉ vì mâu thuẫn nhỏ giữa người thân trong gia đình dóng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự thiếu hiểu biết pháp luật, sự yếu kém về kỹ năng sống cũng như khả năng ứng xử của từng cá nhân khi xảy ra mâu thuẫn…

Theo nhận định của các chuyên gia tâm lý, đối với gia đình, hầu hết các vụ án mạng bắt nguồn từ ghen tuông, khó khăn trong cuộc sống kinh tế. Những vụ án này đều không hề có động cơ mà phạm tội chỉ do bột phát, không kiềm chế được cơn nóng giận.

Bên cạnh đó, một số cá nhân có lối sống ích kỷ, luôn muốn chiếm hữu và khi có nghi ngờ sẵn sàng tước đoạt mạng sống của người mình yêu thương. Ngoài ra, do cái tôi của người vợ hoặc người chồng quá cao, không làm chủ được bản thân trong mỗi lần cãi vã, ai cũng muốn thể hiện mình nên đã đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm

Không chỉ có vậy, tại một số địa phương, người dân còn có quan niệm “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, thờ ơ, bàng quan không quan tâm đến hàng xóm. Đây cũng là một trong những lý do khiến những mối bất hòa trong các gia đình ngày một lớn, đến khi xảy ra hậu quả, người ngoài biết được, kéo đến thì đã quá muộn.

Một cuộc hôn nhân không thể tránh khỏi cãi vã, bất hòa. Song để “giữ lửa” cho gia đình, tránh xảy ra những bi kịch đau lòng, mỗi cá nhân cần biết cách tự kiềm chế, giữ thái độ ôn hòa, đúng mực và thông minh, bình tĩnh trong xử lý tình huống, không nên đẩy sự việc đi quá xa. Và khi xảy ra trục trặc, mâu thuẫn, lòng tin, tình yêu, sự vị tha luôn là những điều cần có trong mối quan hệ vợ chồng…

Giải thích về nguyên nhân xảy ra những vụ án do người thân trong gia đình gây ra, theo một giảng viên khoa Tội phạm học, Học viện chính trị Công an nhân dân: “Những hành vi phạm tội giết người thân như vậy chủ yếu do tâm lý không được ổn định, dễ bị kích thích bởi rất nhiều nguyên do như uống rượu bia, ma túy, gặp chuyện gì quá bức xúc… dẫn đến không kiềm chế được cảm xúc và hành vi của mình.

Chính vì vậy mà sự rèn luyện tư cách, phẩm chất và cảm xúc cá nhân rất quan trọng, phải giáo dục ngay từ thuở nhỏ để hình thành nhân cách và phối hợp từ gia đình, nhà trường, xã hội, cộng đồng tác động theo hướng tích cực mới có thể giảm bớt được vấn nạn trên về lâu về dài…”.

Thời gian tới, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội sẽ còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng giết người thân trong gia đình, các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh loại tội phạm này vẫn chưa được giải quyết triệt để, còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, đòi hỏi lực lượng công an các cấp cần phải nỗ lực hơn nữa.

Bên cạnh sự nỗ lực để kiềm chế và ngăn chặn tội phạm của cơ quan chức năng, mỗi thành viên trong gia đình cần tự biết biết kiềm chế để tránh xảy ra những hậu quả không đáng có.

Trường hợp có tranh chấp xảy ra mâu thuẫn thì nhờ đến cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp, giúp đỡ, không nên dùng bạo lực để giải quyết. Nếu bản thân bị người khác đe dọa giết hại thì kịp thời báo cáo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được giúp đỡ, giải quyết.

H.Duy

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này