Những người giữ nét đẹp Trung thu

15:09 | 13/09/2019
(LĐTĐ) Giữa nhịp sống đổi thay không ngừng, nét đẹp ngày tết Trung thu truyền thống tưởng chừng sẽ bị phôi pha và chỉ còn tìm thấy trong ký ức. Nhưng không, ở Hà Nội vẫn còn những người đang âm thầm gìn giữ và vun bồi những đặc trưng của mùa Trung thu.
nhung nguoi giu net dep trung thu Quà tặng sách cho mùa Trung thu
nhung nguoi giu net dep trung thu Không gian vui chơi Trung thu lý tưởng cho trẻ

Những sản phẩm thấm đẫm hồn Việt

Mỗi dịp Trung thu, nhắc đến nghiệp làm tàu thủy sắt tây Khương Hạ (Thanh Xuân), đèn kéo quân (Thanh Oai), tiến sĩ giấy (Vân Canh), mặt nạ giấy bồi ở Hàng Than… chẳng mấy ai không biết. Sở dĩ những “thương hiệu” này được biết đến một phần bởi nét tinh túy thuần Việt, phần khác vì chúng đều là hàng hiếm, còn ít người gìn giữ.

Mới cách đây ít lâu, trong một dịp ghé thăm làng đèn kéo quân ở Cao Viên (Thanh Oai), tôi đã gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền – một trong những người ít ỏi còn lưu giữ và làm đèn kéo quân.

Hôm tôi đến, ông đang tất bật cùng con cháu trong nhà làm hàng trăm chiếc đèn kéo quân, đèn con cá. Nhắc chuyện nghề, ông Quyền bảo, đèn kéo quân truyền thống của làng được làm từ tre và giấy. Sau khi tre được vót, làm nhẵn thì phải tạo khung với 72 mối buộc chắc chắn, người nghệ nhân mới dán giấy, vẽ trang trí.

nhung nguoi giu net dep trung thu
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền dạy làm đèn kéo quân tại phố bích họa Phùng Hưng

Kỳ công và tỷ mẩn nên một chiếc đèn kéo quân nếu người thợ làm thủ công cũng mất cả giờ đồng hồ. Dồn nhiều tâm sức lại chịu sức ép từ các loại hàng hóa ngoại nhập nên với cá nhân ông Quyền gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tiếc nghề và tiếc những nét truyền thống nên cho đến nay ông vẫn gắng duy trì cách thức làm đèn truyền thống.

Chung nỗi tiếc nuối với cái nghiệp cha ông để lại, tại Hà Nội hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, bà Đặng Thị Hương Lan là số ít người vẫn còn làm mặt nạ giấy bồi. Vuốt ve những chiếc mặt nạ trên tay, bà Lan chia sẻ, cái khó nhất chẳng phải là những kỹ năng hay khâu đoạn làm nghề. Với người thợ như ông bà, khó hơn cả chính là cái tâm với nghề. Chỉ khi cái tâm với nghề đong đầy, dù khó khăn đến đâu người ta vẫn bám với nghề.

Theo tìm hiểu, mặt nạ giấy bồi do gia đình ông Hòa, bà Lan làm ra đều rất thân thiện với môi trường. Sản phẩm làm ra từ giấy, bột sắn… chứ không hề dùng những chất bảo quản hay phẩm màu độc hại. Theo lời ông Hòa, để làm nên một chiếc mặt nạ giấy bồi là cả một quá trình nghệ thuật, trải qua nhiều giai đoạn, bỏ ra nhiều công sức.

Chẳng hạn, các loại giấy cũ sẽ được thu mua rồi xé nhỏ thành từng mẩu. Với các khuôn xi măng được đúc sẵn sàng hình thù ngộ nghĩnh đáng yêu, lót dưới một lớp giấy trắng vào khuôn bên trên, rồi từng lớp giấy vụn được gắn chặt với nhau bằng hồ dán được làm từ bột sắn nấu chín… nhiều khâu đoạn nên thông thường để làm xong một chiếc mặt nạ thô phải mất từ 20-30 phút.

Mặt nạ giấy sau phần thô phải phơi dưới nắng to để có mùi thơm và độ cứng. Công đoạn tô màu và vẽ khuôn mặt sẽ quyết định sự thành công của sản phẩm. Mặt nạ giấy bồi, thường được phủ bằng một lớp sơn tổng hợp, phơi khô rồi mới bắt đầu đem ra vẽ. Mỗi nét là một màu sơn khác nhau. Người thợ cứ tô xong một màu lại mang phơi khô rồi mới vẽ tiếp màu khác. Tất các giai đoạn đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo và nhẫn nại để tạo ra những hình thù như mình mong muốn.

Sống với đam mê

Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước châu Á khác như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore cũng có tết Trung thu. Tết Trung thu đã trở thành một trong những ngày tết truyền thống lớn trong năm, được các quốc gia tổ chức với bản sắc và phong tục riêng. Tại Việt Nam, Trung thu được coi là “Tết của thiếu nhi”, vì vậy người lớn thường mua tặng trẻ nhỏ trong nhà nhiều đồ chơi. Vào đêm Trăng rằm, trẻ nhỏ sẽ được xem múa lân, rước đèn, phá cỗ, vui chơi.

Không chỉ là ngày vui của con trẻ mà còn là dịp để các gia đình sum họp, quây quần, bởi thế ngày này còn được người Việt Nam coi như tết đoàn viên. Vào đêm Trăng rằm, các thành viên trong gia đình cùng nhau sửa soạn mâm ngũ quả, có người cầu kỳ còn cắt tỉa thành những con giống có hình thù ngộ nghĩnh, tươi vui, sau đó đặt lên ban thờ gia tiên với tấm lòng thành kính. Khi Trăng rằm lên cao, cả gia đình cùng phá cỗ trông trăng, nhâm nhi chén trà, thưởng thức miếng bánh nướng, bánh dẻo ngọt đậm đà. Tình cảm gia đình vì thế thêm phần gắn kết, thương yêu.

Thời điểm này, trên con phố Hàng Quạt, gian hàng nhỏ chừng 10m2 treo lủng lẳng đầy những chiếc khuôn bánh trung thu, khuôn xôi, khuôn oản bằng gỗ truyền thống… lại thu hút sự quan tâm của mọi người. Gian hàng nhỏ này là của ông Phạm Văn Quang, người nghệ nhân hơn 40 năm giữ nghề làm khuôn bánh trung thu bằng gỗ ở phố cổ Hà Nội.

Tiếng “cạch, cạch” vang lên quen thuộc vào mỗi sáng, gợi về những phố cũ một thời nổi tiếng nghề chạm, khắc gỗ. Chẳng biết từ khi nào, nghề đã thấm vào ông, chỉ biết đến nay thì ông chẳng thể rời nghề. Những khuôn, khay, dùi, đục… chỉ ít hôm không đụng chạm đến là tay chân ông bứt rứt không yên.

Nghe kể, đây là nghề truyền thống của gia đình ông Quang. Ông không nhớ nghề làm khuôn bánh Trung thu này đã theo gia đình ông bao lâu mà chỉ biết ngay từ nhỏ đã được học và gắn bó đến tận bây giờ. Để làm một chiếc khuôn bánh, theo ông Quang trước hết phải tìm được loại gỗ phù hợp. Gỗ thường dùng để làm khuôn bánh là gỗ thị già và gỗ xà cừ vì 2 loại gỗ này có độ bền, mịn, dễ gia công, lại có độ dẻo, độ rắn phù hợp với việc làm khuôn bánh hay các loại dấu, khắc sắc nét và ăn mực.

Sau đó, nghệ nhân dùng máy cắt gỗ thành những khúc phù hợp với kích thước khuôn. Phần cán cầm được tiện tròn để người làm bánh dễ dàng sử dụng. Trong quá trình hoàn thiện, công đoạn đục là khó hơn cả. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao, bởi nếu đục hơi sâu hoặc hơi nông một chút, hoa văn sẽ bị thay đổi và trọng lượng bánh cũng thay đổi theo.

Với những người thợ như ông Quyền, ông Hòa, bà Lan, ông Quang… nghề không đơn thuần là công cụ mưu sinh. Ở họ, còn có điểm chung là niềm đam mê nghề truyền thống, muốn gìn giữ những tinh túy, văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Trong ký ức về mùa Trung thu của họ, tất thảy con trẻ đều đeo những chiếc mặt nạ giấy bồi ngộ nghĩnh, gõ trống đợi trăng lên cao. Đến khi vầng trăng tròn vành vạnh tỏa sáng giữa bầu trời cũng là thời điểm phá cỗ.

“Trong đêm Trung thu, trẻ cũng rất thích chơi trò rồng rắn. Đi trước là đội múa lân, đội gõ trống, trên tay cầm những chiếc đèn rực rỡ sắc màu và hình thù, hát vang những giai điệu vui tươi rộn ràng: Ông giẳng ông giăng/Xuống chơi với tôi/Có nồi cơm nếp/Có nệp bánh trưng/Có lưng hũ rượu/Có khiếu đánh đu/Thằng cu vỗ chài/Bắt chai bỏ giỏ...” – một nghệ nhân hồi tưởng. Có lẽ vì tình yêu, sự hoài niệm về những mùa trăng mà những nghệ nhân đều cố sức giữ gìn nghề cha ông truyền thống.

Kể chuyện với chúng tôi, có một câu chuyện cảm động về nghề làm bà Đặng Thị Hương Lan nhớ mãi. Chính những câu chuyện như thế càng thôi thúc bà có động lực làm việc hơn, cống hiến hơn để giữ gìn nghề truyền thống này. Chẳng là, vào những ngày cận kề rằm như hiện tại, cửa hàng trên phố Hàng Mã của bà rất đông khách đến mua bán. Làm việc cả ngày nên mệt, bà về nghỉ thì có một thanh niên khoảng 20 tuổi đến mua mặt nạ. Người ấy đến nhẹ nhàng hỏi han xem đây có phải cửa hàng của gia đình bà không. Biết bà bị mệt, người đó xin gửi lời hỏi thăm sức khỏe, xin mua một chiếc mặt nạ và nhắn nhủ với cô con gái bà cố gắng giữ gìn cái nghề truyền thống này.

Thắm Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này