Vỡ mộng đổi đời

12:44 | 24/12/2014
Nghề giúp việc ở một số nước Trung Đông đang được xem như “cứu cánh” với nhiều lao động nữ ở nông thôn. Hầu như các khoản chi phí từ vé máy bay, hộ chiếu, học tiếng… lao động đều không phải chi trả, lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, nhiều giấc mộng đổi đời đã tan vỡ.

Qua đường dây nóng, báo LĐTĐ nhận được thông tinvề một phụ nữ tên Thoa (quê ở Thái Bình) hàng ngày vạ vật trước cửa một chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực đưa người đi XKLĐ để yêu cầu lãnh đạo Cty trả lương trong thời gian làm giúp việc tại Saudi Arabia.Theo thông tin phản ánh, từ khi đặt chân đến Saudi Arabia, hàng ngày chịThoa phải làm việc cật lực trên 18 giờ đồng hồ, ăn không đủ no, áo không đủ mặc, nếu không đồng ý làm cho nhà chủ thì sẽ bị đưa vào nhà chờ (nơi ở của những lao động chờ được đổi chủ) đểđợi gia đình gửi tiền bồi thường hợp đồng (khoản tiền gia đình NLĐ phải nộp cho Cty để đền bù việc phá vỡ hợp đồng) rồi về nước… Bạn đọc trên đãcung cấp số điện thoại của một sốlao động ở cùng với chị Thoa cho chúng tôi để cùng phối hợp trợ giúp.

Từ số điện thoại của bạn đọc cung cấp, chúng tôi đã liên lạc được với chị Tô Thị Dung (ở thôn Bản Dạ, xã Bình An, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang),  một trong những lao động đã được gia đình nộp tiền về nước.  Để gặp được chị Dung và gia đình thật khó, bởi chị Dung rất sợ và cảnh giác với người lạ. Vì từ khi ở bên Saudi Arabia gọi điện kêu cứu với gia đình cho đến khi về nước chị Dung đã nhận được nhiều tin nhắn đe dọa. Cũng chính vì vậy, chị Dung rất dè chừng khi hướng dẫn chúng tôi tìm địa chỉ gia đình. Chúng tôi tìm đến nhà chị Dung, đón chúng tôi là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, với ánh mắt dò xét. Khi biết chúng tôi là nhà báo tìm chị Dung để tìm hiểu thông tin giúp đỡ cho những lao động còn đang làm việc ở nước ngoài, người đàn ông mới cho biết, chị Dung là con dâu ông. Người đàn ông giới thiệu tên là Ma Doãn Lưỡng (57 tuổi, dân tộc Tày, nguyên là giáo viên). Giải thích về sự cẩn trọng của gia đình, ông Lưỡng cho biết: “Từ khi đưa được Dung về, gia đình tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con mình thoát nạn trở về, lo vì phải dốc sức kiếm trả nợ khoản tiền bồi thường vì phá hợp đồng đã ký với doanh nghiệp đưa người đi XKLĐ đồng thời sợ nếu tiết lô thông tin cho báo chí sẽ bị trả thù”.

Chị Dung trao đổi với phóng viên

55816

Theo lời kể của ông Lưỡng, tháng 7/2014, tại thôn xuất hiện người đàn bà tên Miền, giới thiệu là người của Chi nhánh Hải Dương Cty CP thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu (CP TMDV&XNK) Hải Phòng (số 7, B5, KĐT Đại Kim) đến từng gia đình vận động, mời chào phụ nữ tuổi từ 18-45 sang Trung Đông làm nghề giúp việc mà không mất nhiều kinh phí. Chị Dung xin phép bố mẹ chồng được đi sang Saudi Arabia làm việc để có tiền phụ giúp gia đình. Kể từ khi cô con dâu đi XKLĐ,những tưởng tương lai đổi đời sẽ đến với gia đình ông Lưỡng khi biết thu nhập của Dung mỗi tháng sẽ được 8 triệu đồng. Thế nhưng mọi chuyện đều đi ngược lại với ước mong của gia đình.  Chị Dung kể lại: Các thủ tục để tôi sang Saudi Arabia được làm nhanh gọn trong vòng 15 ngày. Bao gồm, khám sức khỏe, học tiếng, học văn hóa nước ngoài, xin visa… Sau đó, tôi ký hợp đồng với Cty CP TMDV&XNK Hải Phòng. Trong hợp đồng nêu rõ, thời gian làm việc của tôi tại nhà chủ không quá 12h/ngày; tiền lương 1.300SR (tương đương 8 triệu đồng) chủ sử dụng lao động thanh toán vào ngày mùng 1-5 đầu tháng; thời gian thực hiện hợp đồng là 2 năm; chủ sử dụng lao động đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho lao động để có sức khỏe làm việc lâu dài… Ngày 11/8, chị Dung bay sang Saudi Arabia. Sang tới nơi, chị được đưa vào làm cho một chủ nhà ở thành phố Hail. Gia đình có 11 người, công việc rất nhiều, nên chị phải làm quần quật cả ngày. Buổi sáng dậy từ 6h, chuẩn bị thức ăn cho cả nhà, sau đó lau dọn nhà cửa, chăm sóc cây cối, chăm chim, dê, cừu… đến tận 2-3h sáng hôm sau mới được đi nghỉ. Đồ ăn, thức uống thì chỉ là đồ thừa của nhà chủnên sức khỏe của chị suy giảm nhanh. “Sau 2 tháng, tôi liên tục chảy máu cam, hoa mắt, chóng mặt. Không chịu đựng được, tôi đã báo về Cty và gia đình xin về nước. Trong thời gian này, tôi liên tục nhận được lời nhắn đe dọa của chị Miền. Để được về nước, gia đình tôi phải vay mượn 25 triệu để bồi thường việc phá hợp đồng  sớm. Còn tiền lương 3 tháng của tôi thì chủ nhà và Cty môi giới cho rằng do tôi phá hợp đồng nên phải dùng khoản đó bồi thường. Trở về nhà, tôi không có đồng nào trong người và gia đình phải gánh một khoản nợ lớn” chị Dung bức xúc.

Tại xã Thọ Bình, huyện Lâm Bình, chị Ma Thị Yến đi Saudi Arabia cùng đợt với Dung, cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, phải kêu cứu. Từ Saudi Arabia chị Yến cho biết, từ tháng 8/2014, đã làm cho 3 chủ, ở nhà nào cũng phải làm hơn 16h/ngày, ăn uống kham khổ, bị đánh đập… nên phải thông báo với Cty để xin về nước sớm.Tháng 11/2014, gia đình chị Yến đã nộp vào tài khoản Cty CP TMDV&XNK Hải Phòng 40 triệu đồng để cho chị Yến về nước theo yêu cầu của Cty.

Thu Trang – Hà Anh
(còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này