Cần nhưng khó!

09:36 | 26/12/2014
Từ ngày 20/1/2015, Thông tư của Bộ Công thương quy định về quản lý website thương mại điện tử (TMĐT) có hiệu lực thi hành. Điều khiến nhiều người băn khoăn là quy định cá nhân bán hàng trên mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng có phải đăng ký và nộp thuế hay không?

Quy định không rõ ràng

Hiện nay, trào lưu kinh doanh TMĐT trên các mạng xã hội đang nở rộ với quy mô thị trường ngày càng lớn. Theo báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2013, khoảng 73% người sử dụng Internet tại Việt Nam có truy cập vào các diễn đàn, mạng xã hội. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 45% người sử dụng Internet có tham gia mua sắm qua các mạng xã hội. Con số này dự báo có xu hướng tăng trong thời gian tới. Nắm bắt được trào lưu trên, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng thông qua mạng xã hội nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng mục tiêu. Nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho TMĐT phát triển, đồng thời kiểm soát chất lượng hàng hoá, phòng ngừa các gian lận thương mại, lừa đảo có thể xảy ra như vụ Công ty Mua bán 24, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT và Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5/12/2014 của Bộ Công thương về quản lý website TMĐT đã lần lượt ra đời.

Theo quy định tại điều 6, Thông tư 47/2014/TT-BCT, các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau phải tiến hành đăng ký với Bộ Công thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT, bao gồm: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Người bán trên các mạng xã hội, một trong các hình thức hoạt động trên phải cung cấp đầy đủ thông tin và đảm bảo tính xác thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Có lẽ do Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định không rõ ràng (không đề cập việc các mạng xã hội KHÔNG có một trong ba hình thức hoạt động trên có phải đăng ký và nộp thuế hay không) cộng với sự nghiên cứu thông tư một cách qua loa của một số người nên gây tranh cãi trong dư luận

Ngăn chặn, loại bỏ thông tin  hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu

Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT có trách nhiệm: Ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật và hàng hóa hạn chế kinh doanh sau: Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; rượu các loại; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.

Yêu cầu người bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên website của mình phải cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó (trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh).

Nhằm trấn an dư luận, Cục TMĐT&CNTT - đơn vị được Bộ trưởng Bộ Công thương giao thực hiện các thủ tục thông báo, đăng ký website TMĐT, đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT và công bố thông tin trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT - phải “đăng đàn” bác tin đồn phải nộp thuế khi bán hàng trên facebook. Theo đó những thắc mắc của một số tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT về các vấn đề liên quan đến việc kinh doanh qua mạng xã hội, nhất là việc nộp thuế của người bán hàng trên facebook, đã được giải đáp qua bài báo với 9 câu hỏi - đáp về việc kinh doanh trên mạng xã hội. Trong bài viết, Cục TMĐT&CNTT khẳng định: “Người bán hàng trên mạng xã hội không phải đăng ký với Bộ Công thương” và “Thông tư số 47 không quy định về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội”. Tuy nhiên, “nếu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT thì người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, chỉ những người dùng mạng xã hội hoặc cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó hoặc cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng hàng hoặc trên trang mạng xã hội có chuyên mục mua bán hoạt động mới phải đóng thuế, còn hầu hết những người bán hàng còn lại trên mạng xã hội sẽ không phải kê khai, nộp thuế.


Khó kiểm soát thu nhập người bán hàng trên mạng

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về Thuế thì cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Như vậy những người kinh doanh lớn trên mạng xã hội (có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm hoặc có mức thu nhập bình quân trên 9 triệu đồng/tháng) thì họ sẽ phải đóng thuế. Tuy vậy, nhiều người cho rằng việc thu thuế của người bán hàng qua mạng xã hội điển hình như mạng xã hội Facebook là điều vô cùng khó khăn. Bởi chỉ mất chưa đầy một phút bạn đã có thể tạo ra một tài khoản Facebook Profile, sau đó có thể tạo ra hàng trăm, hàng nghìn Fanpage (trang quảng bá sản phẩm, dịch vụ) khác nhau. Frofile (hồ sơ) thì đôi khi để ẩn, đa phần không có địa chỉ liên lạc, chỉ có mỗi số điện thoại, trong khi một số người còn thường xuyên thay đổi số điện thoại liên lạc. Vì vậy việc truy tìm cá nhân thực sự điều hành các trang đó là rất khó. Hơn nữa Facebook không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, máy chủ lại đặt nước ngoài nên cơ quan chức năng không thể nắm được.

Với rất nhiều người bán hàng, họ có thể bán theo chiến lược “hớt váng thị trường”, lập Fanpage bán hàng trong một thời gian rất ngắn (vài giờ, vài ngày) rồi bỏ hoặc xóa luôn tài khoản Fanpage đó, thậm chí đóng luôn tài khoản Profile. Trên thực tế, tỷ lệ mua hàng trực tuyến qua điện thoại, email, chat, comment rất cao chứ không phải là qua công cụ đặt hàng trực tuyến. Và người mua thường thanh toán tiền mặt cho người bán khi nhận hàng theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Nếu họ chuyển tiền cho nhau qua ngân hàng hoặc ngân hàng trực tuyến cũng rất khó phân định được đâu là thanh toán mua bán, đâu là giao dịch cho vay, cho mượn, trả nợ, tặng cho...
 Lại thêm “cái khó” ở chỗ kinh doanh qua mạng xã hội nhiều khi không phải do một cá nhân mà do một nhóm người hùn vốn. Do đó, việc tính theo đầu người, tính theo doanh thu hàng tháng, hàng quý để đánh thuế cũng là một vấn đề cần phải tính toán kỹ. Tất cả những điều đó khiến việc kiểm soát được thu nhập của người bán hàng trên mạng xã hội “khó hơn lên trời” và tất nhiên là rất khó tính thuế thu nhập cá nhân của họ.

Luật sư Hoàng Văn Hướng,  Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội): Thông tư là cần thiết

Hiện nay kinh doanh TMĐT đang phát triển rất nhanh, Thông tư 47/2014/TT-BCT (Thông tư 47) của Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và quy định về quản lý website TMĐT đúng đắn và cần thiết.

Theo nguyên tắc Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, Thông tư số 47 không quy định về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội, chỉ quy định nếu mạng xã hội hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT thì người bán hàng mới phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Tôi cho rằng Thông tư trên mới giải quyết được phần cơ bản là quản lý và thống kê về giao dịch TMĐT mà chưa điều chỉnh sâu về việc thu thuế một cách đúng và đầy đủ cho ngân sách Nhà nước, tức là hiện tượng trốn, lận thuế hoàn toàn có thể xảy ra trong lĩnh vực này khi ý thức tự giác của các chủ thể chưa được nâng cao.

Chị Hoàng Thị Thu Hường (Đồ Sơn, Hải Phòng): Rất khó thu thuế đối với tập đoàn facebook

Theo thông tư 47 những người bán hàng trên trang facebook cá nhân sẽ không phải kê khai, nộp thuế nhưng tập đoàn facebook phải nộp thuế. Với một số mạng xã hội trong nước có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT, việc đăng ký và thu thuế còn mang tính khả thi. Tuy nhiên đối với mạng xã hội quốc tế, có thị phần lớn tại Việt Nam như Facebook, Twitter, Youtube, Google Plus…, trên thực tế, các mạng xã hội này không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, họ là mạng xã hội toàn cầu, không chịu ràng buộc bởi các quy định về TMĐT tại Việt Nam, do vậy việc yêu cầu Facebook phải đăng ký khai báo chức năng sàn giao dịch TMĐT là điều không thể, qua đó việc thu thuế cũng trở nên vô cùng khó khăn. Việc yêu cầu các đối tác ở Việt Nam chặn trừ thuế và kê khai nộp cho ngân sách nhà nước khi trả tiền quảng cáo cho tập đoàn cũng không dễ dàng.

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này