Tiếp tục tháo các nút thắt để phát triển nhanh và bền vững

08:29 | 31/08/2019
(LĐTĐ) 74 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất, đưa đất nước ta thành quốc gia độc lập; người dân từ thân phận nô lệ trở thành người tự do. Ngày nay, tình hình mới, bối cảnh mới, điều quan trọng là làm thế nào để đất nước nói chung, Thủ đô nói riêng phát triển nhanh, bền vững sánh vai với bạn bè năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Nhân kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Lao động Thủ đô xin trích đăng ý kiến một số chuyên gia về chủ đề này.
tiep tuc thao cac nut that de phat trien nhanh va ben vung Phát huy mọi nguồn lực để kinh tế phát triển nhanh và bền vững

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong:

Tạo sức bật mới từ động lực thể chế

tiep tuc thao cac nut that de phat trien nhanh va ben vung

Hành trình 30 năm đổi mới Việt Nam đã ghi nhận nhiều thay đổi cơ bản về chính sách hỗ trợ và diện mạo khu vực kinh tế tư nhân. Cùng với những điều chỉnh nhận thức và cải thiện thể chế kinh tế tư nhân, thừa nhận và bảo hộ quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân từ bị phủ định và kiểm soát chặt chẽ trong mô hình kinh tế tập trung bao cấp, đã và đang từng bước hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, ngày càng gia tăng về lượng, mở rộng về quy mô, đa dạng về loại hình tổ chức và lan tỏa ngày càng sâu, rộng về phạm vi, lĩnh vực kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và ngày càng trở thành động lực quan trọng, đóng góp ngày càng to lớn vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khẳng định tính tự chủ của nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước. Kinh tế Việt Nam muốn có sức bật mới và động lực phát triển bền vững không thể thiếu một khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, ngày càng trưởng thành và phát triển, vươn ra tầm khu vực và thế giới.

Một Chính phủ kiến tạo cần biết cách giải phóng sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất; tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có sự lựa chọn và phản ứng nhanh nhậy, đáp ứng hiệu quả hơn với các tín hiệu thị trường, chủ động đổi mới, thích ứng và tập trung vào sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu, góp phần hình thành nên một diện mạo mới cả về kinh tế và vị thế trên thị trường quốc tế của Việt Nam trong những thập niên tới…

Chính phủ cần đổi mới chính mình, đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, xây dựng chính quyền đối thoại và “3 cùng” với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ môi trường kinh doanh lành mạnh, giữ môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; kịp thời và thực tâm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách pháp luật tạo động lực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển trong và ngoài nước; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thống nhất tinh thần “cùng thắng” giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.

Đặc biệt, Nhà nước cần tìm tòi và nhân rộng các cách làm mới, đột phá hơn trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và kinh doanh; nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cả trong và ngoài nước; Nới lỏng các quy định hạn điền và linh hoạt các cách thức thuê đất vừa tuân thủ đúng Luật Đất đai, bảo đảm lợi ích và quyền sở hữu ổn định của người dân, vừa thuận lợi cho doanh nghiệp an tâm đầu tư với thời hạn dài, cải thiện hiệu quả kinh doanh theo quy mô lớn, phát triển thị trường thứ cấp về đất kinh doanh.

Cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phát huy tinh thần doanh nghiệp. Đó là tinh thần dũng cảm, quyết tâm và ý chí làm giàu có tổ chức cho mình và cộng đồng, trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc gia và quốc tế, tự trọng, tự tôn, tự hào dân tộc và đề cao trách nhiệm xã hội; Sự chủ động và linh hoạt trong phản ứng hiệu quả với những biến động thị trường và chính sách; xây dựng và củng cố sự gắn kết cộng đồng, phát triển các chuỗi liên kết và cung ứng giá trị quốc gia và quốc tế; tiếp cận 4.0 là dựa trên niềm tin, sự sáng tạo mà không đánh mất bản sắc; xử lý hài hòa các lợi ích và các khác biệt văn hóa trong kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cả trong phạm vi quốc gia và khu vực…

Thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là thúc đẩy quá trình kiến tạo và đổi mới, đột phá về công nghệ, ý tưởng và chính sách, phát huy các lợi thế và tận dụng các cơ hội, thích ứng với các thách thức mới, dũng cảm lựa chọn các định hướng mới và khai thác hiệu quả các động lực mới, ngày càng nhận thức rõ hơn về tương lai; không ngừng chủ động, sáng tạo và hoàn thiện mình để trở thành “Doanh nghiệp thông minh” của “Quốc gia thông minh” trên hành trình xây dựng một Tổ quốc Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:

Xây dựng thành phố thông minh và kinh tế tri thức

tiep tuc thao cac nut that de phat trien nhanh va ben vung

Bức tranh kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội đã thay đổi rất nhiều cả về quy mô và chất lượng. Điều này thể hiện qua các con số ấn tượng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,7%. Trong khi đó, các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 132.134 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán; chi ngân sách địa phương ước 33.818 tỷ đồng, đạt 33,5% dự toán. Toàn thành phố đã cấp giấy chứng nhận thành lập mới 13.690 doanh nghiệp, vốn đăng ký 143,7 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 5,3 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước…

Một điểm đáng chú ý nữa mà ai cũng có thể thấy, là thành phố Hà Nội hiện nay không còn là đô thị thuần túy như một tỉnh trước kia mà thực sự đã định hình được một không gian “vùng Thủ đô”, trong đó Hà Nội là đô thị lõi với các đô thị vệ tinh được quy hoạch và đang dần hình thành. Cùng đó, cơ cấu kinh tế của Thành phố cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng đa dạng, không chỉ là dịch vụ mà có cả công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sản xuất có tính cạnh tranh lớn, nông nghiệp, du lịch với giá trị gia tăng cao. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn, với sự hình thành của nhiều trung tâm thương mại lớn, nhiều khu đô thị mới.

Tuy nhiên, có một thực tế là dù Hà Nội đã có bước phát triển mạnh song nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan thì, Thành phố vẫn chưa tạo được sự bứt phá, chưa thấy có yếu tố nào thực sự nổi bật, một lĩnh vực nào thực sự là điểm nhấn. Ở khu vực đô thị trung tâm, nhiều đô thị mới, trung tâm thương mại mọc lên, nhiều đường sá được mở mới hoặc mở rộng, bộ mặt đô thị tuy đã thay đổi nhưng về cơ bản hạ tầng vẫn còn hạn chế, ùn tắc giao thông vẫn xảy ra, dịch vụ vẫn thiếu đồng bộ, áp lực dân số ngày càng lớn… Trong khi đó, ở vùng ngoại thành cũng chưa thực sự có thay đổi đột phá, các đô thị vệ tinh hình thành chưa rõ nét, người dân, lao động vẫn đổ dồn về trung tâm thành phố… Rồi dưới góc độ kinh tế, cũng chưa nhìn thấy rõ đâu là lĩnh vực, sản phẩm “riêng có” của Hà Nội có thế mạnh cạnh tranh hơn hẳn các địa phương khác. Rõ ràng sự phát triển của Hà Nội hiện nay vẫn cho thấy sự manh mún, chắp vá…

Hướng phát triển tất yếu của Hà Nội trong thời gian tới là phải xây dựng được thành phố thông minh, lấy khu trung tâm Hà Nội là đô thị lõi, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các khu đô thị vệ tinh, mà khu công nghệ cao Hòa Lạc là một ví dụ. Khi được đầu tư thỏa đáng, những đô thị vệ tinh này sẽ làm giảm sự quá tải đang diễn ra ở khu trung tâm hiện nay. Việc thu hút đầu tư, con người đến với khu đô thị vệ tinh cũng sẽ tạo sự lan tỏa cho khu vực xung quanh phát triển.

Muốn xây dựng thành phố thông minh, tôi cho rằng cần phải bắt đầu từ quá trình quy hoạch, cải tạo đô thị, hình thành ra các trung tâm đô thị mới. Xây dựng thành phố thông minh phải bắt đầu từ các trung tâm đô thị mới. Các khu tập thể cũ, xập xệ; vẫn các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm; vẫn các trụ sở cơ quan cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, hạ tầng thiếu đồng bộ… thì không thể trở thành một thành phố thông minh được mà những khu này cần quy hoạch xây dựng để tạo thành những khu phố mới.

Ví dụ, ở các khu tập thể cũ, xập xệ trong nội thành hiện nay, trừ các khu cần bảo tồn hay khu vực khống chế chiều cao xây dựng, Thành phố có thể tạo cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư xây dựng thành các tòa nhà cao tầng, đô thị mới hiện đại, quy hoạch không gian Thành phố ngầm để giảm diện tích sử dụng trên mặt đất. Phần diện tích tiết kiệm được có thể làm không gian công cộng, bãi đỗ xe, xây dựng hạ tầng đồng bộ, phát triển hệ thống giao thông công cộng,... kết nối với các khu đô thị vệ tinh thì diện mạo đô thị của Thành phố chắc chắn sẽ hiện đại hơn nhiều. Cùng với đó, sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư của Thành phố.

Chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội:

Phải gỡ các nút thắt để phát triển

tiep tuc thao cac nut that de phat trien nhanh va ben vung

Mặc dù, Việt Nam đã tăng trưởng nhanh và ngoạn mục trong thời gian qua, nhưng sự chuyển đổi sang nền kinh tế thịnh vượng và hiện đại mới chỉ bắt đầu. Với mức thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức trung bình toàn cầu, Việt Nam đang cố gắng duy trì quỹ đạo tăng trưởng nhanh và đi theo con đường của các nền kinh tế Đông Á thành công khác đã và đang gia nhập hàng ngũ các quốc gia thu nhập trung bình cao trong nửa thập kỷ qua.

Có thể thấy, Việt Nam hiện có mọi tiềm năng để đạt đến mục tiêu này, song thành công không thể tự nhiên mà có. Dân số đang già đi nhanh chóng, năng suất lao động vừa phải, mức tăng đầu tư chậm đang đè nặng lên tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Để có thể đối phó với lực cản của cấu trúc trong nước, Việt Nam cần phải chèo lái môi trường bên ngoài đang thay đổi, tại đó các cấu trúc thương mại toàn cầu đang chuyển dịch, công nghệ đột phá, đổi mới nhanh và biến đổi khí hậu đang định hình các cơ hội và tạo ra nhiều rủi ro mới.

Việc Việt Nam có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trước đây hay không, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mặc dù, tăng trưởng không phải là cái đích mà chúng ta hướng đến, song tăng trưởng là điều kiện cần thiết cho sự phát triển rộng lớn hơn. Nó là cơ sở để tạo ra việc làm, xóa đói giảm nghèo và huy động các nguồn lực để đầu tư vào y tế, giáo dục và các mục tiêu xã hội khác.

Với vị trí địa chiến lược, nền kinh tế mở, lực lượng lao động còn trẻ và phần lớn ở nông thôn, mức tiết kiệm trong nước cao, Việt Nam có điều kiện để tăng trưởng cao và bền vững. Tuy nhiên, để có thể tận dụng các yếu tố nền tảng này thì Việt Nam cần phải thường xuyên tập trung cải cách chính sách và thể chế, tháo gỡ những nút thắt về chính sách nhằm mục tiêu tạo ra năng suất lao động cao hơn, đầu tư hiệu quả vào vốn nhân lực và vốn vật chất… qua đó, giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Muốn vậy, thứ nhất, cần phải cải cách thể chế kinh tế sao cho minh bạch thông thoáng, giảm chi phí và cạnh tranh bình đẳng; thứ hai, phân bổ và sử dụng nguồn lực đất nước hiệu quả đúng địa chỉ. Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân để doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường. Thứ ba, giảm bớt và tiến tới xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp trong một số các lĩnh vực như: Xăng dầu, điện, than, nước sạch…. Thứ tư, chú trọng nâng cao năng suất lao động bằng đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực và nuôi người công chức, công nhân, nông dân đủ sống một cách thực chất. Thứ năm, chống tham nhũng và lãng phí quyết liệt hiệu quả, không có vùng cấm. Thứ sáu, liêm chính, gương mẫu từ trên xuống dưới, nói đi đôi với làm. Tiết kiệm chi tiêu, chống bệnh phô trương hình thức.

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hoà lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Khẩn trương thể chế hoá và triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại… hoàn thiện cơ chế để thực hiện minh bạch hoá trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước. Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương, hạn chế tối đa các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các dự án phát triển kinh tế sử dụng lãng phí, khai thác không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát thải nhiều chất ô nhiễm, khí nhà kính, huỷ hoại cảnh quan, sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, gia tăng rủi ro thiên tai.. Trích Kết luận số 50 của Bộ Chính trị về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Không sử dụng công nghệ lạc hậu Phấn đấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt một số mục tiêu định hướng chủ yếu sau: Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm); Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỉ USD (20 - 30 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm); Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018; Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Trên cơ sở đó, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên… Trích NQ số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030

Nhóm PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này