“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

15:56 | 30/08/2019
(LĐTĐ) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nhân kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, báo Lao động Thủ đô có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về học tập làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc bảo tồn và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
van hoa soi duong cho quoc dan di Tuổi trẻ Thủ đô phát huy hào khí tháng Tám góp phần xây dựng Thành phố giàu đẹp
van hoa soi duong cho quoc dan di Hà Nội vững bước đi lên với hào khí Cách mạng tháng Tám

PV: Năm 2019, tròn 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin ông cho biết, trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về văn hóa chiếm vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống xã hội?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống tư tưởng rất vĩ đại về nhiều vấn đề: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, về chủ nghĩa xã hội, đại đoàn kết dân tộc, về xây dựng Nhà nước, quốc phòng toàn dân, về đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng…

van hoa soi duong cho quoc dan di
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện

Trong đó, tư tưởng của Người về văn hóa giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của văn hóa, Người viết: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta, văn hoá gánh một phần rất quan trọng”. Khi nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là Người đánh giá cao vai trò dẫn dắt, định hướng xã hội của văn hóa thông qua các mục tiêu nhân văn, cũng như vai trò điều tiết xã hội thông qua hệ thống các giá trị, chuẩn mực văn hoá, dư luận xã hội... Với ý nghĩa đó văn hoá vừa là tiền đề, điều kiện, vừa là mục đích, động lực phát triển con người và xã hội.

Quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh là văn hóa phải phụng sự nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, đồng thời học hỏi cái hay, cái đẹp của văn hóa nhân loại. Người nêu rõ: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở. Phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”.

Ngoài ra, Người cũng thường nói “phải làm cho văn hóa ăn sâu vào tâm lý quốc dân” với mong muốn làm sao cho văn hóa bồi bổ, vun đắp những tình cảm lớn như lòng yêu nước, tình yêu thương con người, yêu chân - thiện - mỹ, yêu sự chân thật, ghét những thói hư tật xấu và coi đấy là thứ giặc nội xâm rất nguy hiểm. Có thể nói, những tư tưởng lớn của Người về văn hóa đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

PV: Vậy còn vai trò của văn hóa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thì thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trong thời kỳ hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, vai trò của văn hóa càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Văn hóa trở thành “sứ giả hòa bình” đem các thông điệp thân thiện, hòa giải, hòa hợp giúp cho nhân loại xích lại gần nhau hơn trong một thế giới đang có rất nhiều xung đột, mâu thuẫn, bất đồng.

van hoa soi duong cho quoc dan di
Bảo tồn các giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng.

Đối với Việt Nam, văn hóa là cầu nối đưa chúng ta ra với thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, là “đại sứ thiện chí”, “sức mạnh mềm” hỗ trợ cho các lĩnh vực khác trên trường quốc tế như: Kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng. Mặt khác, cũng nhờ văn hóa mà chúng ta giữ được bản sắc riêng trong quá trình hội nhập. Văn hóa là nơi lưu giữ tốt nhất di sản văn hóa của cha ông để lại, là nơi thể hiện rõ nhất cốt cách, tâm hồn Việt Nam, nhờ đó chúng ta “hòa nhập mà không hòa tan”.

Trong mục tiêu phát triển của xã hội thời điểm hiện tại, ngành Văn hóa tiếp tục khẳng định vai trò của mình và có những đóng góp không thể phủ nhận đối với sự phát triển chung của quốc gia như: Nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của xã hội; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách; bồi bổ tâm hồn, thị hiếu, thẩm mỹ cho công chúng…

Và một điểm mới rất quan trọng là hiện nay văn hóa không chỉ đảm nhiệm chức năng tuyên truyền, giáo dục và sống dựa vào sự bao cấp của các ngành khác, mà đã bắt đầu khai thác được tiềm năng kinh tế trong văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần vào sự tăng trưởng chung của quốc gia.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, một chính sách phát triển đúng đắn là chính sách làm cho các yếu tố cấu thành văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người? Theo Bộ trưởng điều này có đúng không? Tại sao?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Thực ra, bản chất của văn hóa là sáng tạo. Văn hóa theo nghĩa rộng là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh. Câu hỏi này có thể hiểu theo nghĩa hẹp, dùng cho các lĩnh vực sáng tạo cụ thể. Hoàn toàn đúng là tính đúng đắn, hiệu quả của một chính sách có thể đo lường, kiểm chứng qua việc nó có giúp cho “chất” văn hóa thấm sâu được vào mọi lĩnh vực sáng tạo của con người (cũng như vào mọi lĩnh vực của đời sống con người nói chung) được không.

Nếu chính sách đó phù hợp, tương thích với thực tiễn, nó sẽ giúp khơi thông mọi nguồn lực, kích thích các tiềm năng sáng tạo, từ đó khuyến khích các văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao; phát huy được năng lực sáng tạo trong các chủ thể văn hóa ở các cộng đồng, từ đó thu được các kết quả trong các hoạt động và sinh hoạt văn hóa, trong bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, phát triển và sáng tạo văn hóa đương đại.

PV: Thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa, Bộ trưởng có thể đánh giá khái quát những tư tưởng nổi bật của ngành văn hóa trong thời gian qua?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, nhiểu hoạt động, nhiều địa bàn. Đó là sự đóng góp công sức và tâm huyết của toàn ngành cũng như toàn xã hội. Khó có thể kể hết các thành tựu đã đạt được, tôi chỉ có thể nêu ra một vài thành tựu mà tôi có ấn tượng sâu sắc như sau:

Về văn hóa, có thể thấy lĩnh vực di sản văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Di sản văn hóa là nơi lưu giữ tốt nhất truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong những năm qua, chúng ta đã làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo các di tích cũng như bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là gắn với du lịch. Đến nay Việt Nam đã có 26 di sản được UNESCO ghi danh. Các sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được quan tâm.

Về du lịch, chúng ta đã đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục. Về thể thao, những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến sự chuyển mình ấn tượng của thể thao Việt Nam, đạt được những thành tích đáng tự hào trong bóng đá, bóng chuyền, điền kinh…, đạt nhiều giải thưởng lớn trên các đấu trường khu vực và quốc tế. Điều đó góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế, đồng thời truyền nguồn cảm hứng lớn lao tới mọi người dân Việt Nam, củng cố khối đại đoàn kết, khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Hy vọng, trong những năm tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục khắc phục các khó khăn, vượt qua các thách thức, phát huy những thành tựu đã đạt được để có thêm nhiều thành tích mới.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Bảo Thoa (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này