Hướng đi mới cho sản xuất nhãn chín muộn

17:36 | 27/08/2019
(LĐTĐ) Thời gian qua, trồng nhãn chín muộn đã đem lại nhiều tín hiệu vui cho người nông dân tuy nhiên trồng nhãn vẫn mang tính chất phân tán, kết quả thu lại chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của vùng, tình trạng được mùa, mất giá còn là nỗi lo đối với người trồng. Để giải “bài toán” đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội và chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc tổ chức lại sản xuất, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Những điều này đã giúp cho quả nhãn nơi đây tăng về lượng, đổi về chất, từ đó thu nhập mang lại cho bà con nông dân cũng tăng lên rất nhiều.
huong di moi cho san xuat nhan chin muon Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhãn chín muộn
huong di moi cho san xuat nhan chin muon Hà Nội: Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nhãn chín muộn năm 2018

Hình thành những vùng sản xuất tập trung

Những năm gần đây, nhãn chín muộn trở thành loại cây đặc sản của Thủ đô, với hiệu quả kinh tế cao, vùng ngoại thành Hà Nội đã hình thành những vùng trồng nhãn tập trung. Tiêu biểu, xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) là một trong những vùng trồng nhãn chín muộn trọng điểm của Hà Nội, đây cũng là một trong số ít xã được phép chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng cây ăn quả, ước tính hiện toàn xã có 160ha trồng cây ăn quả, trong đó có khoảng 115ha trồng nhãn chín muộn đã cho thu hoạch.

huong di moi cho san xuat nhan chin muon
Nhãn chín muộn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân thôn Lại Dụ, xã An Thượng

Giống nhãn chín muộn ở Đại Thành hầu hết là giống HTM1, có thời gian thu hoạch muộn hơn so với giống nhãn đại trà khoảng 1 tháng (từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9), nên rất thuận lợi trong khâu tiêu thụ. Nhãn Đại Thành nước tiếng thơm ngon, người trồng nhãn nơi đây đã tìm được thị trường tiêu thụ, giá bán ổn định trong đó được đưa vào bán ở hệ thống các siêu thị lớn như: BigC, Fivimart, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Đặc biệt, từ năm 2016, nhãn chín muộn Đại Thành đã xuất khẩu sang Malaysia và nhận được phản hồi tích cực. Chính nhờ cây trồng này, nhiều hộ dân trồng nhãn nơi đây đã vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nhãn chín muộn đem lại, để tạo điều kiện cho loại cây trồng này phát triển, từ năm 2018, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Chính quyền nơi đây đã và đang đầu tư hệ thống điện, đường, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đưa Đại Thành trở thành vùng trồng nhãn chín muộn có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội.

Không chỉ riêng Đại Thành, xã An Thượng, huyện Hoài Đức cũng đã hình thành vùng trồng nhãn tập trung, trong đó toàn xã có 80 ha, riêng thôn Lại Dụ có đến 50ha trồng nhãn, chủ lực là giống nhãn HTM2 được lai ghép từ giống nhãn ở xã Đại Thành.

Cũng thu hoạch muộn tương tự như giống nhãn ở xã Đại Thành, những ngày này, trong khi nhiều nhà vườn trồng nhãn ở Hưng Yên, Sơn La… đã cơ bản thu hoạch xong nhãn chính vụ thì gia đình ông Phạm Viết Suốt, thôn Lại Dụ xã An Thượng thường xuyên có mặt ở vườn nhãn để thu hoạch nhãn xuất bán cho các mối buôn cũng như khách hàng đến mua lẻ. Gia đình ông Suốt có 1 mẫu đất, trước kia chủ yếu trồng các loại quả như ổi, bưởi…nhưng hơn 20 năm nay từ khi biết đến giống nhãn chín muộn HTM2 gia đình ông đã chuyển đổi sang loại cây trồng này. Đến nay gia đình ông đã có 80 gốc nhãn hầu hết đều có tuổi thọ hơn 20 năm, đang cho thu hoạch trái chín mỗi năm.

Ông Phạm Văn Tố, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức cho biết từ những năm 1996, nhãn chín muộn được trồng tại thôn, đây là giống nhãn dễ trồng, chăm sóc, chất lượng nhãn được người tiêu dùng đánh giá cao. Nhãn chín muộn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác, thị trường tiêu thụ rất rộng, các mối buôn thường đến tận vườn để thu mua, vào những năm thời thiết thuận lợi, phù hợp với cây nhãn, mỗi héc ta sẽ đem lại chục tấn nhãn, riêng gia đình ông có 50 gốc, mỗi năm sản lượng đạt 7 – 8 tấn.

Mở rộng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Trước những tồn tại đó, để giải “bài toán” đầu ra, nâng cao giá trị, thương hiệu cho sản phẩm… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, các địa phương quy hoạch, phát triển vùng trồng mới nhãn chín muộn. Để đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, những năm tới, ngành Nông nghiệp tập trung xây dựng vùng sản xuất nhãn chín muộn an toàn, bền vững.

Theo quy hoạch đến năm 2020, một số vùng sản xuất nhãn chín muộn tập trung tại Hà Nội: Vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Quốc Oai: Xã Đại Thành, diện tích đạt 200ha; vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức, bao gồm các xã An Thượng, Đông La, Song Phương, diện tích quy hoạch đến năm 2020 diện tích đạt 250ha; vùng Lam Điền, Thụy Hương - huyện Chương Mỹ với diện tích quy hoạch 100 ha.

Từ khi nhãn chín muộn được thành phố Hà Nội lựa chọn trở thành cây trồng đặc sản của Thủ đô, ngành nông nghiệp thành phố, phòng kinh tế huyện Quốc Oai, Hoài Đức chú trọng quan tâm đến việc đẩy mạnh, phát triển sản xuất các mô hình này. Trong đó các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn cho người dân thường xuyên được tổ chức. Các hộ nông dân trồng nhãn chín muộn được Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội tập huấn về cách sử dụng phân bón, kỹ thuật bón phân cho từng cây, từng giai đoạn sinh trưởng; nhận biết và phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, khoanh vỏ, kích thích ra hoa, chống rụng quả...

Tuy nhiên như nhiều cây trồng khác, trồng nhãn chín muộn cũng phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Đơn cử năm nay, nhãn chín muộn ra hoa đúng vào thời điểm thời tiết mưa nhiều nên tỷ lệ đậu quả thấp, sản lượng nhãn giảm rất nhiều so với các năm khác, ước tính toàn thôn Lại Dụ chỉ đạt khoảng 20 tấn.

“Năm nay nhãn bị mất mùa, ước tính cả thôn Lại Dụ chỉ đạt khoảng 20 tấn nhãn chín muộn. Các năm trước, thời tiết thuận lợi, nhãn được mùa sản lượng tăng mạnh có năm lên đến 300 tấn nhãn, do mất mùa nên nhãn chín muộn năm nay được giá hơn, giá bán tại vườn dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, nhiều năm trước đây, khi người tiêu dùng chưa biết nhiều đến loại nhãn này, do vậy giá nhãn chưa cao có năm chỉ dao động từ 10 -15 nghìn đồng/kg”, ông Phạm Văn Tố cho hay.

Mặt khác, thực tế cho thấy việc trồng nhãn chín muộn ở thôn còn phân tán, việc liên kết sản xuất - tiêu thụ vẫn còn hạn chế, đầu tư ứng dụng công nghệ cao chưa rộng rãi do đó có những năm năng suất chưa cao. Mặc dù sản phẩm nhãn chín muộn của huyện Hoài Đức đã được công nhận nhãn hiệu tập thể nhưng trên địa bàn huyện mới chỉ có khoảng 20ha nhãn được cấp chứng nhận VietGap. Do đó để khắc phục tình trạng trên, nhiều hộ dân bày tỏ mong muốn sớm được chính quyền các cấp hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc đưa ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích trồng nhãn Lại Dụ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, đồng thời đầu tư hệ thống bảo quản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững vùng nhãn chín muộn của địa phương.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này