Chuyện bác sĩ tuổi 80 vẫn miệt mài chữa bệnh

16:10 | 22/08/2019
(LĐTĐ) Nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Thụy Khuê (Hà Nội), có một phòng khám mang tên một vị bác sĩ năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn hằng ngày miệt mài khám chữa bệnh giúp đỡ người nghèo, người bệnh nặng, ông là TS.BS Nguyễn Văn Chương - người có 60 năm kinh nghiệm trong ngành Y và 25 năm làm việc thiện nguyện.
chuyen bac si tuoi 80 van miet mai chua benh Bác sĩ của khu phố
chuyen bac si tuoi 80 van miet mai chua benh 96 tuổi vẫn miệt mài chữa bệnh miễn phí người nghèo

Tâm huyết với việc chữa bệnh

Năm 1959, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội ngành thăm dò và phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, bác sĩ Nguyễn Văn Chương về công tác tại Trường Y dược Trung ương Lào.

Năm 1980, BS. Chương bảo vệ luận án Tiến sĩ y học tại Viện Hàn lâm y học Bungaria; ông cũng từng là chuyên gia của Bộ Y tế Lào... cùng với những tháng năm công tác tại Ban Y tế, Bộ Mỏ và Than - Bệnh viện Công ty Than III, Bộ Năng lượng. Quá trình học tập và công tác, ông đã hoàn thành 6 đề tài nghiên cứu về sức khỏe, về điều kiện lao động, khả năng lao động và phục hồi chức năng lao động

Nhiều năm công tác, học tập cả trong và ngoài nước, tiếp xúc với nhiều ca bệnh đã cho bác sĩ Chương những kinh nghiệm quý báu để ngày càng hoàn thiện các phương pháp chữa trị và hiểu thêm về những khó khăn của nhiều người khi mất đi khả năng lao động.

Sau thời gian công tác ở Bộ Y tế, Năng lượng, TS.Chương về nghỉ hưu, ông đã từ chối nhiều lời mời của các bệnh viện lớn, để về nhà và tự mở cho mình một phòng khám nhỏ với mong muốn giúp đỡ người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo được điều trị trong điều kiện tốt nhất có thể.

chuyen bac si tuoi 80 van miet mai chua benh

“Công việc này được tôi ấp ủ từ rất lâu rồi, từ khi còn đang công tác, tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người vì lâm vào bệnh tật mà mất đi khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình. Nhiều người còn là trụ cột, là lao động chính của gia đình thì sẽ khó khăn vô cùng cho không chỉ họ, mà còn cả những người thân.

Đến khi về già có chút lương hưu, tôi dành dụm để mở phòng khám, mua sắm trang thiết bị. Để tiết kiệm chi phí, tôi có ý định dành cả tầng 1 của nhà mình để làm nơi khám chữa bệnh thì được vợ đồng ý ngay. Tôi được ủng hộ vì gia đình tôi phần lớn làm trong nghề y, vợ con tôi cũng là bác sĩ. Truyền thống gia đình đó khiến mọi người đều hiểu và trân trọng những giá trị mà nghề cao quý này mang lại”, ông Chương chia sẻ.

Ông còn cho biết thêm, phòng khám của ông chính là phòng khám tư nhân đầu tiên trong cả nước có chức năng điều trị phục hồi khả năng lao động. Hiện tại, phòng khám của bác sĩ Chương mở cửa từ 7h đến 20h các ngày trong tuần, chuyên khám chữa bệnh, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng bằng phương pháp kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền. Từ kinh nghiệm thực tế và những kiến thức đã học hỏi, nhiều năm qua, bác sĩ Chương đã tự mình nghiên cứu và bào chế bài thuốc xoa bóp đặc trị các chứng đau bằng các loại thảo dược. Ông chia sẻ, nhiều người đã khỏi bệnh nhờ bài thuốc “gia truyền” của ông, nhưng ông không giữ nó như một bí quyết kinh doanh mà luôn sẵn sàng chia sẻ với những ai cần đến.

Những trường hợp phải làm vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, tùy theo hoàn cảnh của bệnh nhân, ông thu một khoản tiền nhỏ dùng để đầu tư máy móc, trang thiết bị và thuốc. Với những người bệnh nặng, người cao tuổi hoặc người nghèo, ông khám chữa bệnh miễn phí. Chỉ cần họ cố gắng không bỏ dở điều trị, kiên nhẫn với phác đồ mà ông chỉ ra, dù sớm hay tối, dù phải kéo dài thời gian điều trị, ông vẫn rất niềm nở, giúp đỡ họ nhiều nhất có thể.

Quan trọng nhất trong chữa bệnh là tinh thần, phải có sự lạc quan, niềm tin rằng sẽ khỏi bệnh thì mới có thể khỏi được. Vì thế ngoài việc tận tâm cứu chữa, ông còn luôn động viên, chia sẻ với người bệnh, cho họ liều thuốc tinh thần để có thể mạnh mẽ chiến đấu với bệnh tật. “Ở đây, mọi người gần gũi và tự nhiên như ở nhà, không hề có khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân, ai nấy cũng đều vui vẻ, gắn bó. Những người trạc tuổi tôi, họ gọi tôi là anh, những người ít tuổi hơn, họ gọi là ông, là bố, rất tình cảm. Tôi thấy vui và tự hào về điều đó”, ông Chương nói.

Lâu nay, hỗ trợ công việc cho bác sĩ Chương ở phòng khám còn có cô con gái thứ 3 của ông. Từ khi nghỉ hưu, cô cũng ở tại phòng khám mỗi ngày để hỗ trợ ông các công việc liên quan đến giấy tờ, sổ sách. Ngoài ra, đứa cháu ngoại được ông truyền nghề, truyền nhiệt huyết với nghề cũng đã quyết tâm theo học ngành Y. Ông tâm sự, sau này không còn sức để làm việc nữa, ông sẽ giao lại phòng khám cho cháu để tiếp nối công việc hiện tại của mình.

Được người bệnh tin tưởng, yêu quý

Phòng khám của ông chỉ khoảng 40m2 nhưng vẫn đầy đủ các trang thiết bị, một gian dành cho trị liệu, một gian phục hồi chức năng. 25 năm qua, mỗi ngày vẫn có đều đặn gần chục người đến thăm khám. Người bệnh tìm đến ông từ nhiều địa phương khác nhau, nhiều người ở tận miền trung và miền nam cũng đến đây khám chữa bệnh. Tất cả đều được ông ghi chép đầy đủ trong quyển sổ theo dõi người bệnh. Có rất nhiều trường hợp bệnh nặng tìm đến ông và được ông hỗ trợ chữa khỏi, cho đến giờ ông vẫn nhớ tên, tuổi và địa chỉ của họ.

Trường hợp của bệnh nhân tên Hưng (ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), nhà có 3 anh em đều sinh ra lành lặn, khỏe mạnh nhưng cứ đến tầm hơn 20 tuổi thì bỗng nhiên bị mù. Trước Hưng có một người anh bị tai biến đã qua đời, một người nữa bị mất tích, Hưng phải sống cùng một người bác họ. Khi được đưa đến gặp bác sĩ Chương, đôi mắt của Hưng đã không còn nhìn thấy ánh sáng. Thương hoàn cảnh của Hưng, ông quyết tâm không bỏ cuộc, suốt 5 tháng ròng rã, ông Chương đã phối hợp cùng với GS. Lê Đức Hinh (Bệnh viện Bạch Mai) cố gắng tìm mọi cách chữa trị cho Hưng. May mắn thay, mắt Hưng đã dần sáng trở lại, đã có thể nhìn thấy được màu đỏ và đen. Giờ đây Hưng đã có thể tự đi làm, kiếm sống nuôi bản thân.

Được chữa khỏi bệnh ở phòng khám của bác sĩ Chương từ lâu, nhưng bà Nguyễn Thị Lý (62 tuổi, ở Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) vẫn thường xuyên đến địa chỉ quen thuộc này để được tư vấn sức khỏe, hướng dẫn tập luyện đúng cách. Bà cho biết trước đó bà bị thoát vị đĩa đệm khiến việc đi lại rất khó khăn. Mặc dù đã đi chữa ở một số nơi nhưng không khỏi. Từ khi biết đến phòng khám của ông, sáng nào bà cũng bắt chuyến xe buýt sớm để sang đây điều trị, nhờ ông tư vấn cách luyện tập. Sau hơn 1 tháng, sức khỏe của bà đã dần ổn định, đi lại cũng dễ dàng hơn.

Bà Nguyễn Thị Bình (Sóc Sơn, Hà Nội) được bác sĩ Chương chữa giúp bệnh đau dạ dày, đến nay đã khỏi và không tái phát. Thỉnh thoảng bà vẫn đến phòng khám bác sĩ Chương để thăm lại người thầy thuốc tận tâm, đức độ đã từng giúp đỡ bà trong quá khứ, nhiệt tình chữa bệnh mà không hề màng công xá. “Bác sĩ Chương rất tốt bụng, khám miễn phí cho người nghèo nên chúng tôi cũng đỡ được phần nào chi phí. Bệnh của tôi nằm viện rất tốn kém mà cứ khỏi được một thời gian thì lại tái phát, rất khổ sở. Rất may được biết đến bác sĩ, được điều trị ở đây một thời gian, giờ đã khỏi hẳn”.

Là thành viên của Hội chữ thập đỏ, Hội Đông y thành phố Hà Nội, Hội Người cao tuổi, Ban Di tích, Mặt trận tổ quốc… từ nhiều năm nay, ngoài việc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở phòng khám, ông Chương còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện ở địa phương như: Kêu gọi quyên góp tiền hỗ trợ đồng bào lũ lụt, cùng nhà chùa tổ chức hoạt động nấu cháo cho bệnh nhân ở viện lao phổi vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần… Ở địa phương, ông Chương là tấm gương được bà con hàng xóm, các cháu đoàn viên thanh niên yêu quý, ngưỡng mộ và học hỏi.

Cao Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này