Báo động về tai nạn học đường

09:35 | 13/01/2015
Thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc ở nhiều trường học trên cả nước. Điều đó cho thấy vấn đề tai nạn học đường đang trở nên báo động hơn bao giờ hết.

Những tai nạn đau lòng

Chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 12/2014, tại quận Gò Vấp, TP.HCM đã xảy ra 2 vụ tai nạn khiến 2 học sinh tử vong tại trường học. Sáng 20/12, tại trường THCS An Nhơn, một học sinh lớp 7 leo lên tay vịn cầu thang rồi tụt xuống nhưng bị trượt tay rơi xuống bậc thềm và bất tỉnh. Dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng em không qua khỏi. Trước đó 10 ngày, tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn, một học sinh lớp 1 cũng đã tử vong khi bị chiếc tủ gỗ ép đựng chăn gối trong phòng ngủ đè lên người. Cuối tháng 11/2014, tại trường Tiểu học Hải Bối, huyện Đông Anh, vào giờ ra chơi, khi đang đứng trên ghế gần cửa sổ lớp, một học sinh 7 tuổi  bị bạn trêu, dùng dây rèm cửa quấn ngang cổ. Không may ghế đổ, em học sinh này đã bị dây rèm thít chặt cổ và treo lơ lửng. May mắn, do được cấp cứu kịp thời, em đã thoát chết. Còn tại tỉnh Hà Nam, một vụ tai nạn hy hữu đã xảy ra tại trường THPT Kim Bảng A khi cây phượng vĩ 40 năm tuổi bật gốc đổ xuống sân trường trong giờ chào cờ, đè lên 6 học sinh khiến các em bị thương phải nhập viện. Một tai nạn đau lòng khác mà dư luận vẫn không khỏi bàng hoàng xảy ra tại trường Tiểu học xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Khoảng 14h ngày 11/9/2014, tại trường tiểu học xã Diễn Tháp, một nhóm học sinh đang ngồi chơi dưới bồn nước đặt trong khuôn viên trường thì bất ngờ bồn nước đổ sập khiến 2 em Nguyễn Tiến Phi (SN 2004) và em Trương Tiến Mạnh (SN 2004) tử vong tại chỗ.

Trách nhiệm thuộc về nhà trường

Một hiệu trưởng trường THCS trên địa bàn Hà Nội cho biết, để giảm thiểu tai nạn đáng tiếc xảy ra trong các trường học, học sinh cũng như cán bộ giáo viên trong trường cần phải đề cao ý thức phòng ngừa. Sân trường phải bằng phẳng, không trơn trượt; cửa sổ phải có chấn song; hành lang, lan can, cầu thang phải có tay vịn chắc chắn. Bên cạnh đó, nhà trường cần cảnh báo học sinh không nên đến những khu vực nguy hiểm như bể nước, các công trình đang xây dựng... Việc giáo dục kỹ năng cơ bản cho học sinh trong trường hợp gặp tai nạn cũng cần tiến hành thường xuyên. Vấn đề xử lý sự cố, khắc phục hậu quả cần được chú trọng, cần phải tăng cường nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp, bác sỹ ở trường… Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các trường tuy có nhân viên y tế nhưng phần lớn chỉ là y tá.

Dưới góc độ pháp lý về việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan trong các vụ tai nạn tại trường học, luật sư Trịnh Khánh Toàn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Trong trường hợp tai nạn xảy ra ở trường học, dù nhà trường không cố ý gây ra tai nạn, nhưng nhà trường phải chịu trách nhiệm. Gia đình nạn nhân hoàn toàn có thể khởi kiện nhà trường ra TAND quận, huyện nơi trường trú và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo luật định. Căn cứ điều 627 Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác nếu bị sụp, ngã, đổ… gây ra, chủ sở hữu (nhà trường) phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong đó bao gồm chi phí cứu chữa, mai táng và bồi thường về tổn thất tinh thần. Ở đây, còn có trách nhiệm “vô ý” hoặc “cố ý”, cụ thể là thành viên trong ban giám hiệu, giáo viên, bảo mẫu, bảo vệ… từng thấy những trang thiết bị, cơ sở vật chất của trường có khả năng ngã, đổ, gây hại cho học sinh mà không đề xuất cảnh báo, sửa chữa... Người chịu trách nhiệm còn có thể bị kỷ luật theo quy chế, nội quy của nhà trường, theo Luật cán bộ công chức cùng các quy định về quản lý hành chính hiện hành, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này