Sen Tây Hồ, vẻ đẹp vô thường giữa lòng Hà Nội

10:14 | 20/08/2019
(LĐTĐ) Không sách nào ghi sen ở Hồ Tây có từ bao giờ, nhưng trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trải qua những biến đổi bộ mặt đô thị, vùng đất Tây Hồ vẫn giữ được những đầm sen như là thứ đặc sản để mỗi độ hè về, sắc hương của hàng nghìn bông sen lại khiến bao du khách phải nao lòng.  
sen tay ho ve dep vo thuong giua long ha noi Ngôn ngữ của Hoa Sen và Yoga

Mùa Hạ đến, các thiếu nữ Hà thành xúng xính áo dài, áo tứ thân đến chụp ảnh với hoa sen để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp và ngắn ngủi của Sen mùa hạ. Ngoài những kiểu chụp ảnh truyền thống như áo dài, váy, áo tứ thân, áo bà ba... , thì có lẽ những tạo dáng của Yoga với hoa sen là một ý tưởng đặc biệt. Và ý tưởng này đã cho ra những bức ảnh đẹp ly kỳ.

Trên khắp nẻo đường Việt Nam, có thể dễ dàng nhìn thấy những đầm sen hồng nhưng có một điều chắc chắn rằng, không nơi đâu có hương sen dịu ngọt, tinh tế cho bằng Hồ Tây. Mỗi độ hè sang, khi ánh nắng rực rỡ tràn ngập và những cánh sen hồng bắt đầu xuôi ngược trên những chuyến xe, báo hiệu mùa sen Tây Hồ đã về. Những đóa hoa tinh khiết này đã trở thành một điểm du lịch mùa hè Hà Nội.

Sen Tây Hồ đặc biệt hơn sen những nơi khác bởi sắc hồng thắm, hương nồng nàn lại có ba lớp cánh to nhỏ khác nhau nên còn gọi là sen bách diệp (trăm cánh). Thời điểm lý tưởng nhất để dạo chơi là buổi sáng tinh mơ hay buổi chiều mát mẻ, lúc hương thơm dịu mát, tinh khiết của sen lan tỏa khắp không gian. Giữa nền lá xanh như ngọc bích, hàng trăm đóa hoa sen hiện ra thật bất ngờ, lung linh như truyện cổ tích. Có những bông còn e ấp nụ xanh, có đóa chúm chím hàm tiếu hay bung nở rực rỡ… làm bừng sáng cả đầm sen.

sen tay ho ve dep vo thuong giua long ha noi
Ảnh minh họa: Thanh Hương

Hình ảnh lãng mạn của đầm sen kết hợp với hồ Tây sóng sánh dệt nên ký ức khó phai trong mỗi người Hà thành và du khách. Họ đến đây không chỉ để chụp ảnh và thưởng ngoạn cảnh đẹp, mà còn để đắm say cái phong vị của nắng gió hồ Tây, nét đẹp tao nhã của thủ đô. Giữa cái ồn ã của một đô thị đông đúc, một khoảng xanh bao la điểm xuyết những bông hoa tươi thắm khiến Hà Nội mềm lại giữa cái ồn ào vội vã.

Hà Nội lãng mạn như một người tình trăm năm với những đóa hoa sen đẹp và e ấp khiến ai cũng thấy nhẹ nhàng và bình yên đến lạ. Màu xanh ngọc của lá sen, màu hồng dịu dàng của hoa sen và cái vàng ươm của nhị tạo thành một bức tranh hòa hợp tuyệt đối về màu sắc, và vẽ nên một khung cảnh mà mỗi góc nhìn đều đẹp như một bức tranh.

Trong văn hóa người Việt, hoa sen mang hình tượng cao quý, thuộc bộ tứ quý “lan, sen, cúc, mai”. Mỗi khi hạ về, được đắm mình giữa hồ sen thơm ngát, mọi phiền lo dường như tan biến trong sắc hồng dịu dàng, sắc lá xanh non, để thấy trân quý những khoảnh khắc tuyệt đẹp của quê hương. Loài hoa này được trân trọng như quốc hoa bởi sự thân thuộc, gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc từ hàng ngàn năm nay. Hội đủ cả sắc và hương, sen biểu trưng cho sự thanh khiết, cao đẹp của người quân tử “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Trong Phật giáo, sen là biểu tượng của vẻ đẹp thần bí, huyền ảo. Hoa nở là quá khứ, đài sen là hiện tại và còn hạt sen hiện thân cho tương lai, là quy luật tuần hoàn của vũ trụ.

Trong kiến trúc truyền thống, ta thấy dấu ấn sâu đậm của sen trong từng họa tiết điêu khắc, trang trí, phù điêu. Tiêu biểu nhất là chùa Một Cột (Hà Nội), tháp Cửu phẩm liên hoa, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)... đều mang dáng dấp của hoa sen. Sen còn có vị trí quan trọng trong ẩm thực: nhụy sen ướp chè, ngó sen, củ sen làm gỏi, hạt sen nấu chè, lá sen gói cốm... giúp món ăn có hương thơm thuần khiết.

Không sách nào ghi sen ở Hồ Tây có từ bao giờ nhưng Đại Việt sử ký đã nói đến ly cung, biệt điện, tư thất bên cạnh những vạt sen thơm ngát ở các làng ven Hồ Tây của các vương hầu, công chúa, quan đại thần triều Lý xây vào đầu thế kỷ 11. Sở dĩ ly cung, biệt điện xây dựng bên vạt sen vì nhà Lý được coi là triều đại quân chủ Phật giáo và sen, hoa sen có giá trị biểu tượng nhiều mặt trong đạo Phật. Đến thời nhà Trần, Hồ Tây cũng là nơi nghỉ ngơi, giải trí cho các đại quan trong triều.

Đầu thế kỷ 20, vào tháng 6, 7, dân các làng Tây Hồ, Nghi Tàm, Quảng Bá mua hoa sen của các chủ thầu, gánh vào chợ Đồng Xuân và các phố xung quanh bán từng gánh lớn cho các bà hàng phố mua hoa lấy nhụy ướp chè. Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20, về sen Hồ Tây, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn viết: “Trước đây ven hồ nhiều sen, về mùa hạ sen mọc kín, lá xanh rờn, hoa đỏ bát ngát gió đưa hơi mát đượm hương thơm lừng”.

Hoa sen Tây Hồ không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp vô thường, mà còn bởi sen đã đi vào thi ca nhạc họa thật nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý: “Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen/Em được thì cho anh xin/Hay là em để làm tin trong nhà” hay ca từ huyền ảo của nhạc sĩ họ Trịnh: “Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở. Một thuở yêu nhau…”.

Diệp Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này