Xây dựng văn hóa từ những điều giản dị:

Kỳ III: Xếp hàng mọi lúc, mọi nơi

21:59 | 15/08/2019
(LĐTĐ) Ý thức xếp hàng từ lâu đã được xem như thước đo của sự văn minh của người Hà Nội. Đâu đó, ở Hà Nội, những việc xếp hàng ở nhà ga, bến xe, xếp hàng để ăn một bát phở hay xếp hàng để nhận từ thiện vẫn diễn ra hằng ngày. Những hình ảnh đẹp khiến chúng ta tự hào về văn hóa người Tràng An.  
ky iii xep hang moi luc moi noi Xây dựng văn hóa từ những điều giản dị
ky iii xep hang moi luc moi noi Việt Nam xếp hạng 4 thế giới tại Olympic Tin học quốc tế 2019
ky iii xep hang moi luc moi noi Xếp hạng cải cách hành chính tại Hà Nội: Động lực để cùng nhau phát triển

Những hình ảnh đẹp

Nhắc đến “văn hóa xếp hàng” ở nước ta, nhiều người không khỏi lắc đầu ngao ngán. Chuyện chen lấn, xô đẩy trở thành một điều quen thuộc. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là người Việt hoàn toàn không biết đến văn hóa xếp hàng. Bởi đâu đó ở Hà Nội, nhiều câu chuyện thú vị về ý thức xếp hàng vẫn đang diễn ra hàng ngày trong lặng lẽ.

ky iii xep hang moi luc moi noi
Hằng ngày, mọi người đều xếp hàng dài ngay ngắn để vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nếu đã sống ở Hà Nội, có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng bắt gặp hình ảnh hàng nghìn người xếp hàng dài tại cổng vào Lăng Hồ Chủ tịch trên đường Ngọc Hà để đợi đến lượt vào Lăng viếng Bác. Từ người già, thanh niên đến trẻ nhỏ… ai nấy đều mỉm cười trong những hàng dài chờ đợi, không sốt ruột, chẳn cố chen lấn.

Đây không phải là hình ảnh hiếm, bởi còn nhớ vào năm 2013, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, hình ảnh dòng người xếp hàng ngay ngắn dài 2km đợi vào viếng Đại tướng cũng đã là một hình ảnh đẹp đi vào lịch sử, khiến nhiều người phải xúc động.

Nói về văn hóa xếp hàng tại Hà Nội, phải kể đến những chuyển biến tích cực ngay trong tư tưởng và hành động của mỗi người dân. Văn hóa xếp hàng đã và đang trở thành tiêu chuẩn của nếp sống văn minh, lịch sự, được nhiều người hưởng ứng. Những hình ảnh hàng người xếp hàng chờ đến lượt ngay ngắn ở siêu thị, rạp chiếu phim, bệnh viện… ngày càng trở nên phổ biến.

Chị Nguyễn Ngọc Mai (quê ở Hà Tĩnh) trong một lần đưa người thân đi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai đã vô cùng ấn tượng với cảnh người bệnh xếp hàng ngay ngắn. “Mặc dù là 5h nhưng tại Bệnh viện Bạch Mai đã đông đúc, ồn ào. Thế nhưng tại khu khám bệnh, tất cả đều kiên nhẫn xếp hàng thẳng tắp để đăng ký chờ đến lượt mình. Tôi thật sự ngạc nhiên và cũng cảm thấy rất tự hào bởi ý thức của người Việt Nói chung cũng như của người Hà Nội”.

Trong tháng 6 vừa qua, hình ảnh khiến dư luận vô cùng ấn tượng là tại khu đô thị Tân Tây Đô (Đan Phượng) hàng trăm người dân “rồng rắn” tay xách xô chậu và những thùng nhựa tập trung lấy nước, do nước cung cấp tới hộ dân đã mất cách đó chừng một tuần. Có thể thấy, tất cả mọi cá nhân đều bình đẳng với nhau, tôn trọng ứng xử, quyền lợi của người khác.

ky iii xep hang moi luc moi noi
Người dân xếp hàng, tay xách xô chậu và những thùng nhựa tập trung lấy nước tại khu đô thị Tân Tây Đô

Ý thức về văn hóa xếp hàng còn được thể hiện ở việc tất cả mọi người đều chung tay thực hiện. Để góp phần thực hiện tốt việc xếp hàng, tạo sự trật tự thì tại nhiều nơi thăm quan, diễn ra sự kiện ở Thủ đô, Ban tổ chức cũng đã bố trí những dây băng phân luồng hoặc hàng rào phân cách, bố trí bảo vệ, người hướng dẫn, để mọi người theo đó mà xếp hàng tuần tự.

Bên cạnh đó, một hình thức khác cùng tính chất với xếp hàng là nhận số thứ tự cũng được các ngân hàng, bệnh viện… bố trí để giải quyết công việc một cách trật tự và nền nếp hơn.

Xây dựng văn hóa xếp hàng từ giới trẻ

Hiện nay, mọi người dân đều đã có ý thức và coi xếp hàng là hành vi lịch sự nơi công cộng. Mặc dù vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp chen lấn, hay xen ngang lên trước người khác, nhưng những hành vi không đẹp như vậy thường sẽ bị mọi người nhắc nhở. Và khi đã bị nhiều người phê bình, tự khắc người có hành vi đó sẽ cảm thấy xấu hổ, không làm như vậy nữa.

Đặc biệt, ý thức về văn hóa xếp hàng trong giới trẻ hiện nay cũng đang ngày càng được nâng cao, đáng để biểu dương. Đầu năm 2019 vừa qua, dự án cộng đồng “Tôi xếp hàng” đã được một nhóm sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền khởi xướng, với mục đích mang đến những trải nghiệm thú vị về văn hóa xếp hàng, đồng thời mang đến những giải pháp góp phần xây dựng một cộng đồng người Việt văn minh, hiện đại hơn.

Trong suốt 3 tháng thực hiện dự án, bên cạnh việc truyền thông văn hóa xếp hàng đến với người Việt thông qua mạng xã hội, nhóm dự án đã tổ chức thành công cuộc thi đa phương tiện “Tôi xếp hàng” với hàng chục bài dự thi và hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội, góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức cũng như hành vi của cộng đồng về văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Việt hiện nay.

Người dân Thủ đô hôm nay đã có ý thức hơn trong việc thực hiện văn hóa xếp hàng. Tuy vậy, muốn có văn hóa ứng xử nơi công cộng nói chung, văn hóa xếp hàng nói riêng, điều quan trọng nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ, để văn hóa ấy trở thành một trong những giá trị mang tính chuẩn mực, phổ biến của toàn xã hội.

ky iii xep hang moi luc moi noi
Anh Lê Hữu Phú giáo dục ý thức, thực hiện nếp sống văn minh cho trẻ em ngay từ nhỏ là điều rất cần thiết

Anh Lê Hữu Phú – Giám đốc trung tâm đào tạo kỹ năng mềm Dream Star chia sẻ: “Để góp một phần nhỏ trong việc xây dựng xã hội văn minh, ngay bây giờ, các ông bố, bà mẹ, những người lớn tuổi hãy tạo thói quen hành động một cách có văn hóa từ những việc được coi là nhỏ bởi vì trong mắt trẻ thơ hành động của người lớn là tấm gương rõ nhất để hình thành nên những thói quen của trẻ. Tôi cho rằng, việc giáo dục ý thức của trẻ em ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường là điều vô cùng cần thiết”.

Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức cho mọi người dân về thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa nơi công cộng, trong đó có văn hóa xếp hàng, thì việc cần thiết là chúng ta phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở đến mọi tầng lớp nhân dân, cùng nhau thực hiện tốt nếp sống văn minh.

(Còn nữa)

Trong kí ức của bà Lê Thị Nhung (80 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm) thì văn hóa xếp hàng của người Hà Nội đã có từ xa xưa: “Tôi còn nhớ, thời bao cấp ở Hà Nội, sự nhường nhịn và trật tự đã trở thành nguyên tắc sống của hầu hết mọi người. Thời ấy, để mua được cân thịt hay ký gạo, người Hà Nội phải thức dậy từ sớm. Họ chuẩn bị tem phiếu và phân công việc nhà khoa học sao cho vừa có người đi chợ xếp hàng vừa có người ở nhà trông em, nấu cơm...

Khi xếp hàng quá lâu, người ta nảy ra sáng kiến dùng một viên gạch vỡ hay một chiếc lá để đại diện cho mình trong việc mua hàng hóa. Điều đặc biệt, không một ai có ý định cướp chỗ hay gian lận lượt mua nếu chẳng may người kia đang bận xếp hàng ở chỗ khác. Họ nhẫn nại chờ đến lượt gặp mậu dịch viên dù biết rằng rất có thể sẽ ra về tay không vì thức ăn đã bị bán hết”.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này